Giống lúa mới chịu hạn tốt

Nhóm nghiên cứu thuộc Viện lúa ĐBSCL và Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đã tiến hành lai chọn lọc được giống lúa OM8901 có khả năng chống hạn và cho năng suất cao. Giống lúa mới này đã được đề nghị công nhận là giống chính thức cho ĐBSCL.

Nhóm tác giả bao gồm Nguyễn Thị Lang, Bùi Phước Tâm, Nguyễn Thị Nhiên và Bùi Chí Bửu đã bắt đầu công việc nghiên cứu lai tạo giống OM8901 từ năm 2005 trên cơ sở hai giống lúa OM14901 và OM4495. Mục đích của việc lai tạo này là chọn lọc lấy những đặc tính quan trọng của hai giống trên như khả năng chống chịu hạn, sâu bệnh, có năng suất cao, chất lượng gạo tốt… Bằng các công cụ marker phân tử, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra, đánh giá trên quần thể con lai mang gene mục tiêu trong phòng thí nghiệm. Sau đó, những hạt giống OM8901 này được tiếp tục chọn lọc ngoài đồng và kể từ vụ đông xuân 2008-2009 bắt đầu được trồng thử nghiệm trên các thửa ruộng của Viện Lúa ĐBSCL, Trung tâm Giống ĐBSCL cùng năm tỉnh miền Đông, bảy tỉnh miền Trung. Kết quả thu hoạch mùa vụ cho thấy, giống OM8901 phù hợp với nhiều vùng đất khác nhau, và thể hiện được rõ rệt những đặc tính của giống như tăng trưởng và phát triển trong thời gian ngắn (từ 90 đến 105 ngày tùy mùa vụ và chế độ nước), năng suất cao (vụ đông xuân từ sáu đến tám tấn/ha, vụ hè thu từ bốn đến sáu tấn/ha), bông dài, hạt chắc, chỉ số thu hoạch cao (53%), hàm lượng protein trong gạo cao (8,81%), giống sinh trưởng phù hợp ở nhiều vùng đất khác nhau có khó khăn về nước tưới…

Bên cạnh đó, giống lúa này còn có khả năng kháng bệnh cháy bìa lá ở mức độ ba. Cũng do đặc điểm chịu được hạn nên trong giai đoạn cuối trước thu hoạch nếu bị ngập sâu, thời gian sinh trưởng của cây lúa sẽ bị kéo dài và tăng tỷ lệ đổ ngã trên ruộng. Vì vậy khi canh tác, các nhà nghiên cứu khuyến cáo, nông dân cần phải chú ý nhiều hơn đến yếu tố mùa vụ, thời tiết.

Với những ưu điểm này, giống lúa OM8901 đã được đưa vào sản xuất trên diện rộng tại các tỉnh ĐBSCL, bước đầu đem lại những kết quả khả quan.

Trước giống lúa OM8901, hai nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Lang và Bùi Chí Bửu đã tham gia tuyển chọn, lai tạo thành công nhiều giống khác như giống OM7262 có khả năng chịu nhiễm phèn mặn, có khả năng chống chịu bệnh đạo ôn và cháy bìa lá mức độ ba.

 

Tác giả