Grant Thornton: Nhà đầu tư lạc quan trở lại

Các nhà đầu tư tư nhân bắt đầu lạc quan trở lại với nền kinh tế VN khi chứng kiến những nỗ lực kiềm chế lạm phát, cắt giảm lãi suất và tái cơ cấu DNNN của Chính phủ cũng như sự phục hồi của thị trường chứng khoán, theo báo cáo khảo sát vừa được Công ty kiểm toán và tư vấn tài chính Grant Thornton Việt Nam công bố hôm  11/6.

Báo cáo khảo sát cho thấy, so với 6 tháng trước, mức độ lạc quan về nền kinh tế Việt Nam của các nhà đầu tư tư nhân đã gia tăng trở lại. Bằng chứng là có 34% những người được hỏi tỏ ra lạc quan về nền kinh tế trong 12 tháng tới, tăng gấp đôi so với 6 tháng trước dù còn thấp hơn giai đoạn 12-18 tháng trước.

Theo Grant Thornton, thực tế này bắt nguồn từ việc các nhà đầu tư đã và đang chứng kiến nỗ lực kiềm chế lạm phát, cắt giảm lãi suất và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Chính phủ. Thêm vào đó là sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong quí 1.

Quan điểm này cũng được thể hiện ở việc nhiều nhà đầu tư quyết định tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 6 tháng tới. Các nhà đầu tư cũng cho rằng “tài sản xấu” từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể trở thành cơ hội đầu tư.

Nền kinh tế nên Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ở châu Á khi có đến 53% người được hỏi đồng ý với ý kiến này, tăng 5 điểm phần trăm so với quí 4 -2011 (cuộc khảo sát gần nhất), nhất là với các quỹ đầu tư Nhật Bản và hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN. Tuy nhiên, quan điểm “kém hấp dẫn hơn” với tỷ lệ 28% vẫn được duy trì.

Tuy nhiên, Myanmar, đất nước đang có những chuyển biến cũng nổi lên là một đối thủ đáng gờm trong thu hút đầu tư đối với Việt Nam khi có tới 62% người được hỏi cho rằng sẽ chọn đất nước này nếu phải cân nhắc thêm một thị trường đầu tư mới.

Trong các lĩnh vực triển vọng đầu tư ở Việt Nam, lần khảo sát này lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm nổi lên là các ngành thu hút các nhà đầu tư tư nhân nhiều nhất khi cùng nhận được 48% ý kiến đánh giá cao.

Giáo dục, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm là những lĩnh vực hấp dẫn nhất trong mắt các nhà đầu tư tư nhân. Đồ họa của Grant Thornton Việt Nam

Ngược lại, bất động sản, vốn là lĩnh vực hấp dẫn trong nhiều năm trước trở thành ngành kém hấp dẫn nhất. Nguyên nhân là do lạm phát, tình trạng lãi suất cao, thiếu vốn và hạn chế xây dựng đã làm trì hoãn, thậm chí ngưng triển khai nhiều dự án của các nhà đầu tư.

Đáng lưu ý, lĩnh vực nông nghiệp đã được cải thiện đáng kể trong khảo sát lần này, từ ngành kém hấp dẫn nhất trong nhiều năm trước thành lĩnh vực hấp dẫn thứ hai sau giáo dục, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm. Thế vị trí cuối bảng của nông nghiệp là lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Báo cáo của Grant Thornton Việt Nam cũng cho thấy, một số nhà đầu tư đang đến chu kỳ thoái vốn khi có đến 53% ý kiến tin rằng mức độ thoái vốn sẽ tăng lên. Và cách thoái vốn hấp dẫn là chào bán cho các nhà đầu tư trong ngành, trong đó phổ biến là lựa chọn “ban giám đốc mua lại”, trong khi cổ phần hóa (IPO) không còn được coi là một lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng tỏ ra lo ngại là sẽ bị mắc kẹt tài sản khi thoái vốn. 55% nhà đầu tư được hỏi đã trả lời “Có” trước câu hỏi có quan ngại hay không.

Về trở ngại đầu tư, các nhà đầu tư tư nhân đã khẳng định tham nhũng chính là trở ngại lớn nhất đối với họ khi xem xét thị trường Việt Nam với 83% ý kiến Tiếp đó là tình trạng quan liêu, thủ tục hành chính và cơ sở hạ tầng yếu kém (cùng 77%).

Kết quả trên được rút ra từ cuộc khảo sát lần 7 do Grant Thornton Việt Nam, một thành viên độc lập của Grant Thornton International thực hiện trong tháng 4-2012. Đây là khảo sát thường niên diễn ra vào quí 2 và quí 4 hàng năm. Người tham gia trả lời câu hỏi là những người ra quyết định đầu tư trong lĩnh vực đầu tư tư nhân đang hoạt động cả trong và ngoài Việt Nam.

Tác giả