GS Axel W. Bauer dự báo: Có thể “thiết kế” mọi sinh vật trong phòng thí nghiệm

Nhà đạo đức học Axel W. Bauer ở đại học Heidelberg, thành viên Hội đồng Đạo đức của Đức giai đoạn 2008 - 2012 tỏ ra lo ngại rằng đến một lúc nào đó không chỉ các gene của sinh vật đơn bào mà cả của động vật và con người sẽ bị biến đổi.

Tuần kinh tế Đức: Thưa ông, việc chế tạo DNA tổng hợp có vấn đề gì về đạo đức không?

GS. Axel W. Bauer: Theo tôi, việc sử dụng các phân tử DNA tổng hợp đơn thuần nhằm mục đích lưu trữ thông tin thì về đạo lý không có gì để phê phán. Tuy nhiên ở đây có thể nảy sinh vấn đề về độ chính xác và  sự an toàn trong lưu trữ. Còn khi cấy ghép các gene đã biến đổi vào tế bào  sống thì sẽ nổi lên vấn đề về đạo đức sinh học.

Nhưng ở đây không có câu trả lời thực sự có cơ sở và có tính  thuyết phục vì con người vốn dĩ là kẻ luôn muốn kiến tạo sự sống, muốn can thiệp vào quá trình sinh học. Và sự băn khoăn mang tính tôn giáo với con người với tư cách là Homo Creator – kẻ “sáng tạo” ra sự sống cũng không phản ảnh đúng cốt lõi của vấn đề vì sinh học tổng hợp đâu có tạo ra “sự sống” nhân tạo.  Các phân tử hoá học đã biến hoá như thế nào để trở thành một tế bào sống, điều này cho  đến nay vẫn là một sự bí ẩn. Tuy nhiên sinh học tổng hợp biến đổi sự sống. Khi những DNA đã  biến đổi dẫn đến biến đổi các vi sinh vật và các sản phẩm gene, thì tôi, một nhà đạo đức học bảo thủ cũng không thể khẳng định điều đó về cơ bản là phi đạo đức. Tất nhiên vấn đề này sẽ khác một khi những DNA đã biến đổi được đưa vào tế bào mầm phôi của con người vì người ta không biết hậu quả lâu dài của việc này với các thế hệ mai sau như thế nào. Chính vì vậy sự thay đổi nhân tạo tế bào mầm phôi của con người đã bị cấm từ năm 1991 theo điều 5 Luật bảo vệ phôi (The Embryo Protection Act) của Đức.

Hiện nay việc tổng hợp DNA chủ yếu là trên vi khuẩn, liệu chúng có được xét là động vật hoặc thực vật ở trong các quy định về tổng hợp DNA?

Đáng chú ý là việc nhân bản động vật vì mục đích sản xuất thực phẩm thì “bị từ chối” tuy nhiên nhân bản vì các mục đích khác thì không bị hạn chế…

Trong lịch sử, vi khuẩn được phát hiện trong thế kỷ 19, khi đó chúng được coi là thực vật. Sau này người ta lại xếp chúng vào thế giới động vật. Ngày nay chúng là được xếp vào Prokaryonten – tế bào không có nhân, nghĩa là chúng không thuộc diện “bị từ chối” khi xét bằng sáng chế vì liên quan đến thực vật và động vật. Thêm vào đó là vấn đề liệu người ta có thể cấp bằng sáng chế đối với các sinh vật mới hay chỉ cấp bằng sáng chế cho giải pháp tạo ra chúng. Cho đến năm 2013, sinh học tổng hợp, tức là việc đưa các DNA được biến đổi vào các sinh vật sống về cơ bản vẫn được coi là nghiên cứu cơ bản. Tuy nhiên cũng đã có một vài công trình phát triển sản phẩm được tiếp cận với thị trường mà ví dụ điển hình là chất hữu hiệu chống bệnh sốt rét – Artemisinin.

Nhà nghiên cứu gene nổi tiếng Craig Venter (Đại học California) cho rằng trong tương lai nhờ sinh học tổng hợp, con người sẽ tạo ra được thịt, sữa, da, lụa nhân tạo và đến một lúc nào đó nhân loại chỉ cần một phần nghìn diện tích trồng trọt hiện nay.

Đây là sự phóng đại điển hình mà người ta nên coi đó chỉ là một sự quảng cáo. Có thể người ta sẽ tạo ra được vi khuẩn, chúng có thể sinh sản một lượng lớn tế bào cơ động vật đồng nhất. Tuy nhiên thứ đó không phải là thịt thông thường, có mỡ, có mô liên kết và các mạch máu.  Liệu sản phẩm này có ngon hay không lại là chuyện khác. Riêng tôi sẽ không dám bỏ tiền của vào khoản đầu tư mạo hiểm này. Đã có lúc sinh học tổng hợp được coi là mô hình kinh doanh có tính đầu cơ cao. Đầu những năm 2000 người ta đã đề cập quá nhiều đến nghiên cứu tế bào gốc đối với phôi ở người với hy vọng sẽ điều trị được một số bệnh nan y như Parkinson, ung thư và chứng đa xơ cứng. Có thể nói mọi sự trở nên công cốc và giờ đây cũng không thấy  triển vọng điều trị bệnh của phương pháp này. Vì thế  cần phải thận trọng khi đề cập tới sinh học tổng hợp. Có thể giả định sinh học tổng hợp tạo nên nhiều điều. Tuy vậy chúng ta chớ có nghĩ có thể ngừng sản xuất thịt vì tới đây vi khuẩn sẽ tạo ra những miếng thịt rán ngon lành.

Hiện nay [nhiều nước] có sự nhất trí cao đối với việc không cho phép “thiết kế” nhân tạo yếu tố di truyền đối với con người. Liệu điều này sẽ có thể duy trì lâu dài?

Sở dĩ có sự nhất trí đối với việc cấm đoán này vì cho đến nay điều này chưa xử lý được về kỹ thuật. Lên án một cái gì đó về đạo đức luôn luôn dễ, một khi người ta chưa nắm vững được vấn đề đó. Nhưng khi mà mọi sự diễn ra trôi chảy thì tôi e rằng sự nhất trí đó không biết có còn tồn tại hay không.

Thực thể đơn bào cũng có phẩm giá hay không, hay ít ra nó có xứng đáng được bảo vệ như một sinh vật?

Immanuel Kant cho rằng phẩm giá của con người thể hiện ở chỗ con người có lý trí. Với Kito giáo, nền tảng cho phẩm giá con người là do hình ảnh thiêng liêng của Chúa trong mỗi con người. Bên cạnh cách nhìn theo quan điểm nhân chủng học còn có vấn đề về đạo đức cần chú ý vì con vật cũng biết đau đớn. Peter Singer, một nhà sinh học người Australia cho rằng phôi người không có phẩm giá vì theo ông phôi người không biết đau, tuy nhiên con khỉ thì có phẩm giá! Tôi chưa hề nghe có ai đó muốn bảo vệ vi khuẩn hay các loại vi sinh vật khác vì bản thân chúng .  Nếu có ai đó băn khoăn về vấn đề này thì có thể do họ quan ngại về nguy cơ đe doạ đối với thiên nhiên, thí dụ những sinh vật tổng hợp trong phòng thí nghiệm tràn ra bên ngoài và tạo nên những tác động mà cho đến nay chưa từng xảy ra trong quá trình tiến hoá.

Và nguy cơ này là hiện hữu?

Những nguy cơ này là có thật, nhiều và khôn lường. Người ta cần phân biệt giữa an toàn (Safety) và an ninh (Security). Safety là sự an toàn theo nghĩa: quá trình sản xuất này tạo ra đúng cái cần tạo ra. Trong khi đó vấn đề an ninh (Security-Fragen) có nghĩa hơi khác: mức độ dễ bị tổn thương của quá trình sản xuất trước sự cản trở từ bên ngoài, ví dụ hoạt động của bọn Hacker hay bọn khủng bố.

Liệu đến một lúc nào đó công nghệ  tạo ra những sinh vật đơn bào mới sẽ được cải tiến để thiết kế ra những sinh vật to lớn hơn hay không?

Tại thời điểm này thì điều đó mới chỉ là giấc mơ ở thì tương lai. Tuy nhiên người ta phải tính đến chuyện không lâu nữa điều này sẽ diễn ra. Người ta cũng không thể đơn giản cấm đoán điều này. Bản thân tôi nói chung không mấy phấn kích trước sự phát triển của công nghệ sinh học, tuy nhiên tôi luôn nhận thấy có nhiều khó khăn khi muốn dùng các quy định của pháp luật để điều tiết sự phát triển của quá trình vốn được đánh giá là có nhiều sự sáng tạo này.

Vậy phải chăng sự sợ hãi trước các sinh vật mới nguy hiểm, trước các chiến binh – nhân bản  và các kịch bản khoa học viễn tưởng tương tự là hợp lý?

Chúng ta cần đề phòng sự giảm thiểu di truyền theo khuôn mẫu: người ta thay đổi cấu trúc DNA này nọ để cuối cùng nhận được một loại sinh vật loại này hay loại khác. Cuộc sống  không diễn ra như vậy. Ngay cả sự phát triển của phôi và bào thai cũng diễn ra một cách tổng hợp hơn. Thêm vào đó là mối quan hệ tâm lý và xã hội giữa cá thể và môi trường hình thành sau khi sinh. Sau khi ra đời đứa trẻ sẽ lớn lên và phát triển theo hướng khó có thể đoán định trước.

Cách đây 60 năm người ta từng coi năng lượng hạt nhân là một giải pháp giải quyết mọi vấn đề về năng lượng. Ngày nay nhiều người lại coi điều này là một lỗi lầm của ngành vật lý. Phải chăng đến một lúc nào đó điều này cũng xảy ra trong nghiên cứu di truyền?

Các công nghệ mới thường nảy sinh các tác động phụ, có thể tích cực hay tiêu cực và người ta không thể tiên lượng được ngay từ đầu. Năm 1968, khi người ta phát triển Arpanet (Mạng lưới cơ quan với các đề án nghiên cứu tân tiến do Bộ Quốc phòng Mỹ xây dựng) vì mục đích quân sự thì không có ai đoán trước được rằng ngày nay có hàng triệu triệu người đi trên đường phố nhưng chỉ chăm chăm đọc thông tin trên internet từ chiếc điện thoại thông minh của mình. Điều tương tự cũng có thể diễn ra đối với nghiên cứu di truyền. Nó có thể đem lại những sự tốt lành hay gây ra những sự tồi tệ hoàn toàn khác so với những gì mà chúng ta hiện nay đang thảo luận.

Xin cảm ơn giáo sư!

Hoài Trang lược dịch

Theo Tuần kinh tế Đức

https://www.wiwo.de/technologie/forschung/ethiker-axel-w-bauer-das-designen-von-tieren-und-menschen-wird-kommen/21012570.html

Tác giả