Hàng ngàn nhà khoa học đình công phản đối phân biệt chủng tộc trong nghiên cứu
Hòa vào làn sống biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc người da màu, hàng ngàn học giả và các tổ chức khoa học lớn trên toàn thế giới tuyên bố đình công vào ngày 10 tháng 6 nhằm lên tiếng chống nạn phân biệt chủng tộc trong giới khoa học.
Các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd đang diễn ra rầm rộ trên khắp thế giới. Ảnh: David Cliff/SOPA Images/LightRocket via Getty
Hơn 4.000 nhà khoa học cùng với trường đại học và nhà xuất bản đã tạm dừng các công việc thường ngày để tìm hiểu về nạn phân biệt chủng tộc trong giới nghiên cứu, cùng cất lên tiếng nói “Strike for Black Lives” (Đình công vì Sự sống của Người da màu), và góp phần tạo ra các phương án giải quyết thực trạng này. Các nhà khoa học đã lên kế hoạch sử dụng các hashtag như #Strike4BlackLives, #ShutDownSTEM and #ShutDownAcademia. Tờ Nature cũng cam kết tham gia cuộc đình công lần này.
Với tư cách là những thành viên trong cộng đồng xã hội, cộng đồng khoa học, chúng tôi hi vọng rằng tất cả mọi người sẽ sử dụng ngày này một cách thiết thực để hành động vì “Black Lives” (Sự sống của Người da màu)”, Brian Nord, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Chicago, Illinois, và là một trong những thành viên của nhóm điều phối sự kiện lần này, cho biết.
“Chúng tôi nhận ra rằng, các tổ chức học thuật và các hợp tác nghiên cứu – dù nói nhiều về sự đa dạng, tính công bằng và sự hòa nhập – nhưng cuối cùng đã để sót câu chuyện về người da màu”, trích trong tuyên bố của Particles for Justice, một nhóm ban đầu lập ra nhằm phản đối phân biệt giới tính trong giới hàn lâm. “Cần thiết phải có một cuộc đình công để nhấn nút tạm dừng, giúp các nhà khoa học da màu có thời gian nghỉ ngơi, và trao cho mọi người cơ hội lên tiếng chống nạn phân biệt chủng tộc trong nghiên cứu khoa học.
Sự kiện này diễn ra sau các cuộc biểu tình ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới khoảng 2 tuần, nhằm tưởng niệm cái chết của George Floyd và những người Mỹ gốc Phi khác đã chết dưới tay cảnh sát. Các nhà khoa học da màu bày tỏ đau buồn trước những mất mát này, và công khai chia sẻ những trải nghiệm của họ về phân biệt chủng tộc trong khoa học. Cùng với đó, nhiều tổ chức khoa học lớn đã công bố các thông điệp công khai ủng hộ phong trào Black Lives Matter (Sự sống của Người da màu cũng Đáng quý), và toàn thể làn sóng chống nạn phân biệt chủng tộc.
Phong trào toàn cầu
Brittany Kamai, nhà vật lý tại Đại học California, Santa Cruz và Viện Công nghệ California ở Pasadena, đã nghĩ ra ý tưởng tạm dừng các công việc học thuật vào thứ Hai tuần trước. Cô đã gửi email cho một nhóm bạn, và họ đã ủng hộ ý tưởng này. Những người này bao gồm Chanda Prescod-Weinstein, một nhà vũ trụ học tại Đại học New Hampshire ở Durham, đồng thời là thành viên của Particles For Justice; và Yilen Gómez Maqueo Chew, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Tự trị Quốc gia Mexico. Cả hai đã giúp mở rộng sự kiện này. Prescod-Weinstein và Nord đã xem xét ý tưởng về một cuộc đình công. Cả nhóm đã ra mắt ShutDownStem.com vào ngày 5 tháng 6, cùng với một lá thư và kiến nghị trên ParticlesForJustice.org.
Gómez Maqueo Chew cho biết, điều này sẽ giúp giảm thiểu nạn phân biệt chủng tộc trong giới nghiên cứu lĩnh vực STEM. Đối với một số nhà nghiên cứu, các tuyên bố từ các tổ chức nhằm hỗ trợ #BlackLivesMatter vẫn chưa đủ sức ảnh hưởng. Brian Shuve, nhà vật lý học tại Đại học Harvey Mudd ở Claremont, California, và là thành viên của Particles for Justice chia sẻ: “Chúng tôi muốn các các nhà khoa học trong lĩnh vực này và các tổ chức của chúng tôi sẽ đoàn kết và làm tốt hơn.”
Mặc dù phong trào bắt nguồn từ Hoa Kỳ, nhưng nó nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu. Particles for Justice đã nhận được những cam kết đình công từ các nhà khoa học, trường đại học và nhà xuất bản trên khắp mọi nơi. “Bạo lực cảnh sát là một vấn đề toàn cầu”, Nicolás Bernal, một nhà vật lý tại Đại học Antonio Nariño ở Bogotá, Colombia, người sẽ tham gia đình công, cho biết. Trong hội thảo vật lý hạt vào thứ Tư, Bernal và các đồng nghiệp của ông đã lên kế hoạch thảo luận về việc phân biệt chủng tộc có hệ thống sẽ đẩy người da màu và người da đỏ bản địa ra ngoài lề khoa học như thế nào.
Tạm dừng xuất bản
Các tổ chức tham gia cuộc đình công bao gồm cơ sở dữ liệu lưu trữ điện tử dạng tiền in ấn ngành khoa học vật lý arXiv. Nó đã yêu cầu người dùng dành ngày thứ Tư để nghiên cứu và thảo luận về phân biệt chủng tộc, lên kế hoạch giải quyết vấn đề này trong cộng đồng của chính họ, thay vì tập trung gửi bản thảo. “arXiv là một công cụ quan trọng đối với các nhà vật lý, và một nhà vật lý da màu sẽ phải đối mặt với không chỉ việc đọc và viết các bài báo, mà còn phải đấu tranh cho quyền lợi của chính họ,” những người đứng đầu nền tảng này việc trong một thông báo.
Giám đốc điều hành, Eleonora Presani, một nhà vật lý thiên văn cho biết, tham gia cuộc đình công không phải là một quyết định khó khăn đối với arXiv. “Cá nhân tôi hy vọng rằng mọi người sẽ tận dụng cơ hội này để trải nghiệm và thấu hiểu các cuộc đấu tranh của các nhóm thiểu số trong khoa học, đặc biệt, trong bối cảnh ngày nay, là cuộc đấu tranh của các sinh viên và các nhà nghiên cứu da màu”, ông cho biết.
Hiệp hội Vì sự tiến bộ của Khoa học Hoa Kỳ (AAAS), và tạp chí khoa học chính của nó – tờ Science, nói rằng họ sẽ “dõi theo #ShutdownStem, lắng nghe các thành viên trong cộng đồng, những người sẽ chia sẻ nguồn tài liệu và thảo luận về cách loại bỏ phân biệt chủng tộc, đồng thời họ sẽ hỗ trợ để người da màu không bị gạt ra ngoài lề”. Hiệp hội đã mời 120.000 thành viên tham gia nỗ lực này.
Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ (APS), nơi có hơn 55.000 thành viên và Viện Vật lý Anh cũng sẽ đình công. Tạp chí hàng đầu của APS, Physical Review Letters, sẽ không xuất bản hoặc tweet bất kỳ bài báo nào. “APS sẽ đóng cửa vào thứ Tư, ngày 10 tháng 6 để hỗ trợ cộng đồng người da màu. #Strike4BlackLives #ShutDownSTEM #ShutDownAcademia,” họ chia sẻ trên Twitter.
Mặc dù phong trào bắt nguồn từ Hoa Kỳ, nhưng nó nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu. Ảnh: Olivier Douliery/AFP via Getty
Không chỉ các tờ báo trên, tờ Nature cũng đăng tải thư ngỏ, thay lời cam kết tham gia cuộc đình công này. Dưới đây chúng lược trích nội dung lời chia sẻ của Nature:
“Khi George Floyd chết dưới bàn tay của viên cảnh sát thành phố Minneapolis, khi Tổng thống Donald Trump đe dọa điều động quân đội nghiền nát các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ, cả thế giới đã tức giận, và kéo theo đó là những cuộc diễu hành ở các thành phố trên toàn cầu. Những vụ giết người da màu liên tục lặp đi lặp lại qua bao năm tháng, là lời nhắc nhở – những lời nhắc nhở không cần thiết – về sự bất công, bạo lực và bất bình đẳng có hệ thống mà người Mỹ gốc Phi đã phải trải qua trong mọi khía cạnh, mọi lĩnh vực của đời sống.
Người da màu có nhiều khả năng chết dưới tay cảnh sát hơn người da trắng; họ cũng có nhiều khả năng thất nghiệp hơn; và, vì Covid-19, nhiều khả năng sẽ ngã gục bởi bệnh tật. Người da màu phải chịu thiệt thòi tương tự ở hầu hết các quốc gia nơi họ thuộc về thiểu số.
Nature lên án sự định kiến và bạo lực của cảnh sát, chúng tôi chống lại mọi hình thức phân biệt chủng tộc và chúng tôi cùng với những người khác trên khắp thế giới tuyên bố, một cách dứt khoát, Black Lives Matter (Sự sống của Người da màu cũng Đáng quý).
Những tuyên bố như vậy là cần thiết, nhưng không đủ. Chúng cần được đi kèm với những hành động ý nghĩa.
Những người da màu, bao gồm các nhà nghiên cứu, đang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để giải thích cặn kẽ cần hành động như thế nào, các bước cần thiết để giúp nền học thuật và giới khoa học trở nên công bằng. ‘Giọt nước tràn ly’ này một phần bắt nguồn từ việc các nhà nghiên cứu da màu từ lâu đã bị các tổ chức và ấn phẩm xuất bản gán lên những định kiến, giới hạn không gian và tiềm năng nghiên cứu của họ.
Chúng tôi nhận ra rằng Nature là một trong những tổ chức chịu trách nhiệm cho sự thiên vị trong nghiên cứu và vấn đề học bổng. Các tổ chức khoa học đã – và vẫn – đồng lõa với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và nó cần phải nỗ lực nhiều hơn để sửa chữa những bất công đó và khuếch đại những tiếng nói bên lề.
Tại Nature, chúng tôi sẽ nhân đôi nỗ lực của mình và cam kết thiết lập một quy trình giúp tính toán và xem xét những thay đổi cần thực hiện.
Ngoài ra, chúng tôi cam kết phát hành một số đặc biệt, mời một biên tập viên hướng dẫn, nhằm tìm hiểu sự phân biệt chủng tộc có hệ thống trong nghiên cứu, chính sách nghiên cứu và xuất bản – bao gồm việc điều tra sự phân biệt trong Nature.
Cùng với phần còn lại của cộng đồng nghiên cứu, chúng tôi phải lắng nghe, suy ngẫm, học hỏi và hành động – và chúng tôi không bao giờ trốn tránh trách nhiệm của mình trong việc chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc.”
Anh Thư tổng hợp
Nguồn:
Thousands of scientists worldwide to go on strike for Black lives
Systemic racism: science must listen, learn and change