HeberNasvac: Khoa học Cuba chống lại virus viêm gan B

Tám năm sau khi HeberNasvac – loại vaccine dùng để điều trị cho các bệnh nhân mắc virus hepatitis B và phát triển bệnh viêm gan B được phê duyệt tại Cuba, Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba (CIGB) đã tiếp tục nghiên cứu với kháng nguyên ở Nhật Bản và Bangladesh, nơi đang có những kết quả rất triển vọng.

Tiến sĩ khoa học sinh học Gerardo Guillen Nieto, giám đốc nghiên cứu y sinh của CIGB. Nguồn: cubanews.acn.cu

Đây là loại vaccine đình đám thứ hai chống lại các căn bệnh nguy hiểm của Cuba, sau CimaVax – vaccine ung thư phổi không tế bào nhỏ được USAToday ca ngợi là “đột phá” hay đồng nghiệp tại Viện nghiên cứu ung thư Roswell Park (Mỹ) nhận xét “độc tính thấp, chi phí sản xuất và bảo quản thấp”1.

Theo một bài báo xuất bản trên tạp chí khoa học chuyên ngành Euroasian J Hepatogastroenterol của các nhà khoa học Cuba và Bangladesh vào năm 2021 2, HeberNasvac là một vaccine được chế tạo bằng công nghệ DNA tái tổ hợp với các phần tử giống virus (VLP). Trong một cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn Cuba, tiến sĩ khoa học sinh học Gerardo Guillen Nieto, giám đốc nghiên cứu y sinh của CIGB, chỉ ra là loại thuốc này chứa rất nhiều sự đổi mới trong đó, bởi đây là thứ vaccine duy nhất chống lại một căn bệnh truyền nhiễm gây bệnh kinh niên và cũng là vaccine điều trị duy nhất qua đường mũi 3.

Cũng giống như điều xảy ra với các bệnh ung thư hay HIV, những người bị lây nhiễm virus hepatitis B đều không nhận biết mình bị nhiễm hoặc khi biết đã quá muộn, và sự thật là hệ miễn dịch của người nhiễm không đủ sức bảo vệ họ. TS. Gerardo Guillen Nieto đánh giá, loại vaccine này rất an toàn và chỉ có một vài phản ứng phụ; phác đồ điều trị chỉ khoảng năm tháng, ngắn hơn so với liệu pháp interferon, vốn đòi hỏi đến một năm và lại gây ra một số phản ứng phụ. Ngoài ra còn có loại thuốc kháng virus nhưng phải dùng suốt đời.

Với những ưu điểm đó, cơ hội đến với những cơ sở điều trị ngoài Cuba đang rất hứa hẹn với  HeberNasvac. Theo TS Gerardo Guillen Nieto, sau khi có được giấy chứng nhận không độc hại ở Cuba, trong hợp tác với công ty công nghệ sinh học Abivax của Pháp, họ đã thực hiện các nghiên cứu ở Hàn Quốc, New Zealand, Singapore, Australia, Philippines, Đài Loan, Thái Lan và Hong Kong, với sự phê duyệt của các nhà chức trách sở tại. Đây là một thực nghiệm để gia tăng bằng chứng về sự an toàn của loại vaccine này.

Quả thật là các kết quả rất hứa hẹn. Trong các nghiên cứu lâm sàng, HeberNasvac đã chứng tỏ giảm đi lượng virus trong máu xuống ít hơn 10.000 phần tử mỗi milliliter ở khoảng 80 % bệnh nhân tham gia. Các trường hợp này cho thấy vẫn bị lây nhiễm virus viêm gan B nhưng có tải lượng virus nhân lên thấp, nguy cơ rủi ro xơ hóa và lũy tiến để tiến tới mắc bệnh viêm gan hay ung thư gan đã được giảm đi đáng kể. Sau năm năm dùng vaccine thì lượng virus vẫn được kiểm soát ở 80% bệnh nhân và 50 % trong số họ thì không còn dò thấy virus nữa.

Với nghiên cứu thực hiện ở Bangladesh, nơi bệnh có dấu hiệu phát triển mạnh hơn khi marker phân tử đều cho kết quả kháng nguyên dương tính E, các kháng thể chống lại kháng nguyên đều ở mức 60%. Gerardo Guillen Nieto cũng cho biết thêm, nghiên cứu lâm sàng thứ hai được thực hiện ở Nhật Bản với hơn 300 tình nguyện viên, xem xét hiệu quả của vaccine với công thức mới và những kịch bản lâm sàng khác biệt, bao gồm những bệnh nhân không phản hồi với điều trị chống virus và bệnh nhân không được điều trị. Bằng chứng cho nghiên cứu pha một đã hoàn thành cho thấy HeberNasvac hiệu quả và kết quả của nó đã được ghi nhận ở hai năm liên tiếp. Kết quả này đã được báo cáo tại một hội thảo thường niên của Hội nghiên cứu Các bệnh về gan Mỹ 2.

Không phải ngẫu nhiên Cuba có được kết quả này. Trong một buổi làm việc năm 2018 với Tia Sáng, TS. Đỗ Tiến Đạt – giám đốc Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), người từng hơn 10 năm hợp tác với các đồng nghiệp Cuba về vaccine, cho rằng nguyên nhân quan trọng để họ đạt được thành công là vì “Cuba làm nghiên cứu rất bài bản, họ cũng tự lực trong đánh giá các công nghệ, đánh giá đặc tính sản phẩm” 1. Dưới góc nhìn của anh, việc thực hiện nghiên cứu một cách bài bản của Cuba được thể hiện ở hai yếu tố: 1. Nghiên cứu cơ bản tốt vì “muốn thử nghiệm cái gì thì cũng phải chắc chắn về mặt công nghệ” và họ xem xét rất kỹ bản chất dịch tễ học của bệnh tật nên “sản phẩm của họ có chất lượng và có nội hàm khoa học rất cao”; 2. Ý thức phải làm ra sản phẩm tốt nên họ vừa nghiên cứu cơ bản tốt để có bài báo, vừa có phát minh, sáng chế đi kèm. Đây là lý do khiến các sản phẩm của Cuba, tuy tự lực với các nguồn lực trong nước, nhưng cũng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Mặt khác, y tế cũng là một trong số những ưu tiên đầu tư của chính phủ Cuba, nơi nhận được rất nhiều nguồn lực đầu tư và quyền hạn để thực thi một chiến lược phát triển hướng đến mục tiêu toàn cầu. TS. Danay Saavedra (CIGB) từng trả lời trên The Guardian vào năm 2008, “phát triển vaccine là chính sách của Chính phủ Cuba để góp phần bảo vệ sức khỏe người dân cũng như phát triển nền kinh tế”. Việc có thêm một nguồn thu bền vững từ xuất khẩu vaccine chống ung thư rất khả thi bởi thị trường vaccine chống ung thư toàn cầu đã đạt tới con số 8,1 tỉ USD vào năm 2021 và được dự đoán là sẽ tới con số 11,7 tỉ USD vào năm 2026, 19,12 tỉ USD vào năm 2029 4.

Tuy nhiên, không thể nóng vội trên con đường này. Ví dụ CimaVax dù được Viện nghiên cứu ung thư Roswell Park hào hứng là đối tác thử nghiệm tại Mỹ thì đến cuối năm 2022 mới qua được pha thử nghiệm lâm sàng đầu tiên. Các nhà khoa học Cuba và Mỹ sẽ cần phải chờ đợi rất lâu qua những pha thử nghiệm lâm sàng tiếp theo rồi mới tính đến việc nộp hồ sơ xin phê duyệt tới Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Con đường nghiên cứu và phát triển vaccine rất gian nan nhưng ít nhất, về mặt chuyên môn, các nhà khoa học Cuba đã chứng tỏ được năng lực của mình. Nền tảng công nghệ mà họ dùng để phát triển HeberNasvac cũng được họ sử dụng để phát triển một vaccine dự tuyển COVID-19 là Mambisa, sử dụng các hợp phần kháng nguyên nucleocapsid của virus hepatitis B antigen, một trong những thành phần của HeberNasvac, để làm vật liệu kích thích phản hồi miễn dịch. Kết quả cũng được họ báo cáo trên Euroasian J Hepatogastroenterol 5.

Lê Anh Vũ

—————————————–

1. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30828555/

2. http://www.cubanews.acn.cu/science/21115-hebernasvac-cuban-scientists-achievement-against-hepatitis-b

3. http://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/cimavax-khong-chi-la-chuyen-nghien-cuu-vaccine-12361/

4. https://www.bccresearch.com/market-research/pharmaceuticals/cancer-vaccines-technologies-markets-report.html

5. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8566153/#B14

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)