Hỗ trợ nhiều nhất với số vốn ít nhất
Tháng năm vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”1. Theo đó, nhà nước sẽ hỗ trợ hầu hết các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, từ sinh viên trong các trường đại học, các khóa tăng tốc khởi nghiệp và các vườn ươm khởi nghiệp cho đến startup và các nhà đầu tư.
Phan Hoàng Lan.
Và để tối đa hiệu quả hỗ trợ và tối thiểu vốn hỗ trợ, đề án này chỉ hỗ trợ những cơ sở đang hoạt động tốt thay vì tài trợ để thành lập những tổ chức mới. Bên cạnh đó, đề án cũng muốn tạo ra một tiền lệ rất mới đối với Việt Nam: việc quyết định tài trợ cho ai và tài trợ bao nhiêu sẽ hoàn toàn dựa vào quyết định của một hội đồng mà các thành viên chủ yếu đến từ khối tư nhân có kinh nghiệm đầu tư và hiểu startup.
Một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu xây dựng Đề án này là chị Phan Hoàng Lan, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Cục Phát triển thị trưởng và Doanh nghiệp KH&CN, từng tham gia xây dựng một số thông tư của Bộ KH&CN liên quan đến giao quyền sở hữu và sử dụng kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, định giá tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, là một trong những người tham dự khóa đào tạo huấn luyện viên khởi nghiệp của Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP2) và tổ chức ngày hội Khởi nghiệp Công nghệ quốc gia 2015 (TECHFEST), chị có nhiều cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Tia Sáng đã có dịp trao đổi với chị Phan Hoàng Lan về những ý tưởng và quan điểm của chị về Đề án quốc gia này.
Hội đồng có vai trò quyết định
Chị có thể tóm tắt một số nguyên tắc trong việc triển khai đề án này?
Hiện tại quy trình xử lý hồ sơ Đề án đang được xây dựng để trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, như chúng tôi đề xuất thì quy trình từ lúc các cá nhân, tổ chức nộp đơn xin hỗ trợ của Nhà nước đến lúc có kết quả đều được công khai và mở: Tất cả các tiêu chí đều được công bố rõ ràng và tất cả mọi người thấy mình đủ điều kiện đều có thể nộp đơn qua mạng. Thông tin về các ứng cử viên đều do một phần mềm quản lý. Bên cạnh đó, sẽ có một đội ngũ có nhiệm vụ sắp xếp và kiểm tra lại hồ sơ, lắng nghe và tư vấn cho các dự án về quy trình tham dự. Hiện nay chương trình Hợp tác Đổi mới Sáng tạo Phần Lan – Việt Nam cũng làm như vậy.
Sau đó, hội đồng đánh giá các đơn xin tài trợ sẽ được thành lập với các thành viên hầu hết đến từ khối tư nhân như các nhà đầu tư, chuyên gia trong nước, nước ngoài…Hội đồng sẽ ngồi nghe các đơn vị thuyết trình. Những buổi thuyết trình sẽ mở cửa tự do. Điều này đòi hỏi các thành viên trong hội đồng phải được công bố danh tính trước công chúng, chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định của mình và phải công khai cụ thể lí do tài trợ hoặc từ chối tài trợ đối với những người nộp đơn. Đây là kinh nghiệm mà chúng tôi học được từ một số chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trên thế giới, đặc biệt là chương trình Ohio Third Frontier của Bang Ohio, Hoa Kỳ, nơi có nhiều điểm tương đồng về hệ sinh thái khởi nghiệp với Việt Nam và dự án IPP2.
Giả thiết rằng, không phải hội đồng mà là các cơ quan nhà nước sẽ đứng ra lựa chọn dự án tài trợ thì sẽ gặp những vấn đề gì?
Theo nhiều nghiên cứu và kinh nghiệm của các chuyên gia xây dựng trên thế giới, các cơ quan nhà nước sẽ không có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về khởi nghiệp như các chuyên gia và các nhà đầu tư. Quan điểm của họ cũng khác với khối tư nhân, có khả năng họ sẽ đưa ra các yêu cầu tài trợ không phù hợp với điều kiện của startup.
Chẳng hạn, trong đề án này có phần đào tạo và nâng cao năng lực cho các vườn ươm và các khóa tăng tốc khởi nghiệp. Quan điểm của những chương trình thành công trên thế giới và của nhiều nhà đầu tư là, ai giỏi thì chương trình hỗ trợ, và hỗ trợ để họ có thể mở rộng và nâng cao dịch vụ của họ cho càng nhiều người sử dụng hơn và sử dụng với giá rẻ hơn chứ không hỗ trợ thành lập một cơ sở mới hoàn toàn, vừa mất nhiều tiền hơn mà cũng không biết chất lượng ra sao.Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình với điều đó vì cho rằng: “Tại sao phải hỗ trợ những đơn vị đã có nguồn thu ổn định và đã có đủ kinh nghiệm mà không hỗ trợ những nơi thiếu nguồn lực hơn?”
Miễn là có kinh nghiệm và vốn đối ứng
Đề án có đưa ra mục tiêu là “đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 100 doanh nghiệp gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm và thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 2000 tỷ đồng”. Vậy cơ sở nào để đưa ra con số như vậy?
Nhóm xây dựng dự thảo Đề án ban đầu đã nghiên cứu tình hình thực tế và đề xuất mục tiêu Đề án dựa vào ba mức số liệu. Thứ nhất là tổng tất cả các dự án khởi nghiệp được hỗ trợ từ các cuộc thi và chương trình uy tín hiện nay như cuộc thi khởi nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khởi nghiệp cùng Kawai do Đại học Ngoại thương tổ chức,…mỗi năm trung bình là 300-400 dự án. Trong số đó, nếu theo kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia và các chương trình, dự án như IPP2, Vietnam Silicon Valley (VSV), số lượng các dự án “sống” và trở thành doanh nghiệp (thông qua số lượng các startup tham dự các sự kiện, triển lãm khởi nghiệp lớn) thì chỉ còn 1/3 và số lượng các startup gọi được vốn đầu tư thì chỉ còn chiếm khoảng 1/3 trong số doanh nghiệp đã “sống” đó (ở đây chỉ tính số lượng các startup có sự tham gia vào các cuộc thi, chương trình lớn; còn lại vẫn có những startup đã trưởng thành và không cần đến sự hỗ trợ của Chính phủ, không tham gia các cuộc thi).
Đề án có đề cập đến việc hỗ trợ cơ sở vật chất cho các startup, cụ thể là “Khu tập trung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Đó có phải là các không gian làm việc chung không? Nếu đúng vậy thì các đơn vị tư nhân hiện đã làm rất nhiều, đâu cần sự đầu tư từ phía nhà nước?
Không hẳn, khu tập trung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể coi là khu tổ hợp cung cấp rất nhiều dịch vụ dùng chung cho khởi nghiệp. Đó có thể bao gồm không gian làm việc chung, maker space (không gian để chế tạo và thử nghiệm các thiết bị phần cứng), chỗ ở, vườn ươm khởi nghiệp, các khóa tăng tốc khởi nghiệp, nơi này cũng cung cấp các dịch vụ về internet miễn phí hoặc giá rẻ cho các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là dịch vụ sử dụng điện toán đám mây (Những dịch vụ “vô hình” có thể khiến các startup tốn hàng ngàn USD mỗi năm). Khi xây dựng Dự thảo Đề án này, nhóm nghiên cứu đã nhận được nhiều ý kiến từ cộng đồng khởi nghiệp cho rằng nên có các “one-stop shop” như các Khu tập trung dịch vụ khởi nghiệp để họ có thể chỉ cần đến một nơi mà vẫn nhận được đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ cần thiết.
Đúng là tư nhân đã bắt đầu tham gia đầu tư hoạt động trong những dịch vụ này nhưng kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy để hỗ trợ các startup trong giai đoạn ban đầu thì cần cung cấp các dịch vụ với giá rất thấp so với giá thị trường, điều đó chỉ có thể làm được nếu họ có sự hỗ trợ về giá thành mặt bằng, thường được nhà nước cung cấp. Chính vì vậy, ở nhiều nước trên thế giới, nhà nước đã hỗ trợ thành lập các khu tập trung dịch vụ như vậy. Ví dụ, tại Singapore có tổ hợp các tòa nhà do nhà nước xây dựng và tư nhân quản lý để hỗ trợ khởi nghiệp như Block 71, Block 79. Ở Malaysia có Magic là khu tập trung dịch vụ tương tự.
Nghe có vẻ như đối tượng của đề án là các startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin?
Không, các tổ chức, cá nhân đăng ký nhận hỗ trợ có thể hoạt động trong bất kì lĩnh vực nào miễn là họ có kinh nghiệm trong khởi nghiệp và phải có vốn đối ứng. Chẳng hạn, hiện tại có một số công ty trong lĩnh vực hóa dược, nông nghiệp muốn mở phòng thí nghiệm và diện tích mặt bằng của mình để chia sẻ cho các startup tới dùng chung và biến nó thành nơi ươm tạo startup. Những công ty như vậy cũng có thể nhận hỗ trợ từ đề án.
One -stop shop
Khi đề án còn là dự thảo, đã có rất nhiều người trong cộng đồng quan tâm về việc “Xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” như một one-stop shop (tạm dịch là một trung tâm cung cấp tất cả các thông tin về khởi nghiệp ở Việt Nam cho các đối tượng quan tâm). Chị có thể nói kĩ hơn về nội dung này không?
Theo nghiên cứu của nhóm xây dựng Đề án dựa trên tình hình thực tế và kinh nghiệm của một số nước có cổng thông tin điện tử tập trung hỗ trợ khởi nghiệp như Phần Lan, Israel, về mặt chính sách, cổng thông tin phác thảo cho những người làm chính sách một sơ đồ về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam: có bao nhiêu startup, đang ở giai đoạn nào, đã được đầu tư bao nhiêu… để nhà nước đưa ra các hỗ trợ đúng và kịp thời. Còn về nhu cầu của khối tư nhân, startup cần biết: chính sách của Nhà nước hiện đang có các quỹ đầu tư nào, nằm ở đâu, giá trị ra sao…Các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ muốn biết về các chính sách, quy định của nhà nước đối với khởi nghiệp, các giai đoạn của startup hiện nay, các lĩnh vực startup nào đang có nhu cầu nhận đầu tư…Đây là tầng thông tin thứ nhất, thông tin tĩnh.
Tầng thông tin thứ hai là tầng thông tin động, tức là sẽ làm nhiệm vụ kết nối các bên có nhu cầu phù hợp với nhau, chẳng hạn như giữa một công ty cần tuyển dụng với những người có nhu cầu tìm việc, những bên cung cấp các dịch vụ (ví dụ như đào tạo, tư vấn, kế toán online…) với các bên cần sử dụng dịch vụ.
Tầng thông tin thứ ba phục vụ chủ yếu là cho việc kết nối đầu tư, giống như một trang kêu gọi vốn cộng đồng có cổ phần (crowdfunding equity base). Tức là nhà đầu tư sẽ nhìn thấy các thông tin rất cụ thể của startup, đầu tư và nhận cổ phần trực tiếp trên nền tảng này. Tầng thông tin thứ ba này đòi hỏi phải có một đội ngũ (có thể là nhà nước thuê ngoài) có kiến thức và kinh nghiệm đầu tư, có thể xác nhận thông tin về các dự án khởi nghiệp và các nhà đầu tư là đáng tin cậy, thương thảo hợp đồng giữa các nhà đầu tư và các dự án.
Theo chị có nhất thiết phải triển khai ba tầng thông tin cùng một lúc không?
Trước hết, chỉ nên làm tầng thông tin thứ nhất ở mức độ đơn giản để tạo niềm tin với cộng đồng. Còn phức tạp hơn thì chưa chắc đã có người sử dụng ngay. Như vậy, ban đầu sẽ chỉ cần liệt kê tên và thời gian hoạt động của tất cả các startup và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp trong hệ sinh thái của Việt Nam. Như vậy cũng đã cần lập một đội ngũ chuyên trách việc thống kê thông tin chuyên nghiệp rồi (ví dụ cần đưa ra form online, gọi điện và đến hỏi trực tiếp các đơn vị để thu thập thông tin một cách chính xác. Còn việc dựa vào cộng đồng tự cung cấp thông tin thì cần một thời gian dài hơn và cung cấp nhiều động lực hơn cho người cung cấp thông tin). Ngoài ra, nền tảng này cũng nên tích hợp thông tin có sẵn của các tổ chức, cá nhân đơn lẻ đã thu thập thông tin ở quy mô nhỏ để tiết kiệm chi phí và tối đa hiệu quả.
Có rất nhiều người cho rằng nhà nước không nên tự làm cổng thông tin mà kêu gọi tư nhân đầu tư, cộng đồng đóng góp vì “thông tin là một loại tài sản đầu vào của nhiều dịch vụ giá trị gia tăng”. Tuy nhiên, theo chị thì nhà nước không chỉ đầu tư mà còn phải đứng ra làm điều này. Tại sao?
Có hai quan điểm thường gặp về cổng thông tin này. Thứ nhất là có ý kiến cho rằng, khi lập ra một cổng thông tin như vậy, cộng đồng sẽ tự động đóng góp và cập nhật thông tin giống như Wikipedia. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Tạo ra một nền tảng để cập nhật thông tin đã khó (phải xác định thông tin nào cần đưa lên và đưa lên bao nhiêu, phân loại như thế nào; một đơn vị tại Phần Lan chuyên cung cấp các nền tảng cổng thông tin tập trung cho khởi nghiệp cho biết chi phí để mua nền tảng của họ ban đầu là 50.000 USD) nhưng tạo ra một cơ chế khuyến khích, tạo động lực để các bên liên quan tự nguyện cập nhật thông tin trên nền tảng này còn khó hơn nữa. Từ kinh nghiệm của những người vận hành cổng thông tin khởi nghiệp của Israel, nhà nước phải lập ra một đội ngũ cập nhật thông tin một cách thủ công, cứ năm sáu tháng một lần, họ lại gọi điện trực tiếp cho hàng nghìn startup để cập nhật dữ liệu của họ.
Thứ hai là có ý kiến cho rằng tư nhân đương nhiên sẽ đầu tư vào cổng thông tin như thế này nhưng thực tế tư nhân chỉ đầu tư khi nhìn thấy cơ hội sinh ra lợi nhuận. Cổng thông tin là một nguồn lực công cộng và sẽ chỉ có doanh thu nếu triển khai đến tầng thông tin thứ hai hoặc tầng thông tin sâu nhất, tức là kết nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng điều này đỏi hỏi nhà nước đã phải đầu tư một khoản rất lớn trước đó cho các tầng thông tin khác rồi. Trước đây, một số tổ chức, cá nhân ở Việt Nam cũng đã lập ra nhiều trang thống kê về hệ sinh thái khởi nghiệp nhưng sau một thời gian đều dừng hoạt động, chỉ có TechinAsia là thành công trong việc tạo ra một cơ sở dữ liệu khổng lồ của hơn 1000 doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam nhưng họ phải bỏ ra một số tiền rất lớn (cỡ vài trăm ngàn đô) để xây dựng cơ sở dữ liệu này. Sau khi hết tiền đầu tư, họ cũng không còn hoạt động như trước nữa.
Chị cũng có nói là để một cổng thông tin thành công thì cần một số tiền đầu tư lớn. Vậy tốn kém chủ yếu nằm ở đâu?
Nằm ở việc đào tạo cho những người cung cấp và sử dụng thông tin bao gồm tổ chức hội thảo, các khóa huấn luyện cho các vườn ươm khởi nghiệp và khóa tăng tốc khởi nghiệp và cả các startup để họ hiểu và cung cấp thông tin cho mình một cách chính xác. Trong một khảo sát thử nghiệm do IPP2 tài trợ cho TECHFEST 2015, các chuyên gia từng đưa cho các khóa tăng tốc khởi nghiệp và vườn ươm khởi nghiệp ở Việt Nam bảng mẫu của cổng thông tin khởi nghiệp của Phần Lan để họ điền vào đó thì phần lớn đều thấy khó hiểu. Chẳng hạn, họ không xác định được dịch vụ hỗ trợ startup của họ cụ thể là gì, startup họ hỗ trợ đang ở giai đoạn nào…trong khi bảng hỏi lại rất chi tiết. Ngay cả startup cũng không xác định được mình đang ở giai đoạn nào, chẳng hạn có trường hợp startup tưởng mình sắp chiếm lĩnh thị trường, gần tiến đến giai đoạn chào bán cổ phiếu ra công chúng trong khi thực chất họ mới ở giai đoạn làm sản phẩm thử để phù hợp với nhu cầu thị trường.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Hảo Linh thực hiện
—-
1 Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.