Hóa học giải thích vì sao gạo lứt tốt cho sức khỏe

Các chế độ ăn của người châu Á đều coi gạo như một nguồn tinh bột chủ yếu, do đó đây là nơi tiêu thụ gần 90% lượng gạo trên toàn thế giới. Trong số đó, gạo lứt được biết đến với nhiều lợi ích sức khỏe. Như một nguồn bổ sung vào bữa ăn, nó có thể giúp giảm cân, đem lại mức cholesterol thấp hơn và ức chế các chứng viêm nhiễm. Năng lực của gạo lứt là trung hòa các tác nhân oxy hoạt hóa và ngăn phá hủy tế bào.

Dẫu nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng tỏ là các hợp chất chống ô xy hóa trong gạo lứt có thể bảo vệ tế bào khỏi sức ép ô xy hóa, nhưng hiểu biết liên quan đến thành phần chính đem lại những lợi ích đó vẫn còn là bí ẩn.

Trong nghiên cứu mới do giáo sư Yoshimasa Nakamura của trường Môi trường và khoa học sự sống, ĐH Okayama dẫn dắt, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã nhận diện được cycloartenyl ferulate (CAF) là thành phần chính “cytoprotective”, chất bảo vệ tế bào trong gạo lứt. CAF là một hợp chất độc đáo với cấu trúc lai như giải thích của giáo sư Nakamura, “CAF là một hợp chất lai của polyphenol và phytosterol, nó được mong đợi là một thành phần tiềm năng với rất nhiều dược tính khác nhau, như hiệu quả về chống ô xy hóa và hiệu quả làm giảm mỡ máu”.

Nghiên cứu mới được xuất bản trên tạp chí International Journal of Molecular Sciences, với đồng tác giả là Hongyan Wu, từ trường ĐH Bách khoa Đại Liên, và Toshiyuki Nakamura. Trong đó, các nhà nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng về các đặc tính chống ô xy hóa của CAF bằng việc chứng minh là nó có thể bảo vệ tế bào khỏi các ảnh hưởng do hydrogen peroxide gây ra.

Dẫu hydrogen peroxide là một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa trong tế bào nhưng lượng thành phần tích tụ dị thường có thể gây gộc cho các tế bào và là nguyên nhân làm phá hủy tế bào không thể cưỡng lại. Việc điều trị các tế bào với CAF làm gia tăng sức chống chịu của chúng với ảnh hưởng độc hại do hydrogen peroxide. Tuy vậy CAF đem lại sự bảo vệ tế bào tốt hơn với hydrogen peroxide hơn là alpha-tocopherol và gamma-tocopherol, hai chất chống ung thư nổi bật mà trước đây cho là có đóng góp lớn vào năng lực chống ô xy hóa của gạo lứt.

Theo ước tính của nghiên cứu này, lượng CAF trong toàn bộ tinh bột của gạo lứt cao gấp năm lần với các hợp chất chống ô xy hóa khác cũng trong gạo lứt. Hơn nữa, CAF còn làm gia tăng nồng độ heme oxygenase-1 hay HO-1, một enzyme tạo ra các chất chống ô xy hóa. “Chúng tôi đã chứng minh là CAF làm gia tăng đáng kể nồng độ mRNA của HO-1, enzyme tạo ra chất chống ô xy hóa phân tử nhỏ, tại các nồng độ tương lực với tác động của cytoprotective trong việc kháng lại sự phá hủy ô xy hóa”, giáo sư Nakamura giải thích.

Các nhà nghiên cứu còn khám phá cơ chế hành động này thông qua các thực nghiệm phong bế hoạt động của HO-1 bằng việc sử dụng các chất ức chế làm giảm hiệu ứng chống ô xy hóa của CAF một cách đáng kể. Số lượng lớn và cơ chế độc đáo này là bằng chứng cho thấy CAF là chất chống ô xy hóa chính trong gạo lứt.

Thông qua nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu không chỉ khám phá ra bí mật về lợi ích với sức khỏe của gạo lứt mà còn nhìn sâu vào thành phần này và thấy được phản hồi chính với các lợi ích sức khỏe đó. Điều này sẽ cho phép sử dụng CAF trong việc phát triển những loại đồ ăn mới và những thực phẩm chức năng mới cho người tiêu dùng. Giáo sư Nakamura nói, “nghiên cứu của chúng tôi có thể giúp phát triển những thực phẩm chức năng mới và chất dinh dưỡng dựa trên chức năng của CAFs, như các dược phẩm dinh dưỡng chứa CAF”.

Nguyễn Nhàn tổng hợp

Nguồn: https://phys.org/news/2023-01-brown-rice-healthy-decoding-chemistry.html

https://medicaldialogues.in/mdtv/diet-nutrition/videos/decoding-the-chemistry-of-nutritional-wealth-of-brown-rice-105982

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)