Các trung tâm ươm tạo công nghệ có vai trò hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi sự trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ ngay trong giai đoạn đầu bằng cách cung cấp các dịch vụ tư vấn, huấn luyện về kỹ thuật và kinh doanh, giúp thiết lập mạng lưới hoạt động.  
Trung tâm ươm tạo TOPICA EDUCATION VIỆT NAM
Theo thống kê của Hiệp hội ươm tạo châu Á năm 2009, tại Châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc đứng đầu với 670 vườn ươm, ươm tạo được 45.000 công ty. Tiếp theo là Hàn Quốc với 279 vườn ươm, 4770 công ty được ươm tạo. Việt Nam cũng đã hình thành những khu ươm tạo những năm gần đây tuy nhiên số lượng còn khá hạn chế, mới chỉ có 11 vườn ươm với 47 công ty được ươm tạo.
Các mô hình vườn ươm cũng khá đa dạng. Nếu như những năm 1980, các vườn ươm chủ yếu tạo điều kiện về văn phòng với giá ưu đãi thì thế hệ vườn ươm thứ hai của những năm 1990 đã có thêm dịch vụ hướng dẫn, đỡ đầu, giao lưu. Thế hệ vườn ươm thứ ba những năm cuối của thập kỷ này không thiên về cung cấp văn phòng với giá ưu đãi mà chú trọng tới dịch vụ đào tạo, hướng dẫn, giúp huy động vốn. Các công ty có văn phòng theo hình thức linh động hơn vì sẽ có những vườn ươm ảo/trực tuyến, ươm tạo quốc tế, ươm tạo tăng trưởng cao. Những hình thức ươm tạo này không cần hoặc chỉ cần văn phòng cố định trong một thời gian ngắn trước khi phát triển độc lập. Ở Việt Nam chủ yếu mới đang dừng lại ở thế hệ vườn ươm thứ hai.
Vườn ươm Topica đã tiến hành các dự án từ năm 2004. Tính đến nay đã ươm tạo được 9 doanh nghiệp công nghệ thông tin, trong đó 4 doanh nghiệp đã tốt nghiệp, 3 doanh nghiệp đang gọi vốn đầu tư và 2 thất bại.
(TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm ươm tạo TOPICA Education, Việt Nam).
Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao – Khu CNC Hoà Lạc
Thành lập năm 2006, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao ưu tiên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ nano. Số lượng doanh nghiệp ươm tạo tại trung tâm là 12 trong đó có 4 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học, 8 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Tính tới nay, đã có 5 doanh nghiệp kết thúc giai đoạn ươm tạo.
Ở các doanh nghiệp ươm tạo thành công có thể nhận thấy một số điểm chung. Trước tiên, về ý tưởng, công nghệ mới phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, khả năng thương mại hoá cao, minh bạch về sở hữu trí tuệ. Về mặt quản lý, đội ngũ quản lý phải có kiến thức và kinh nghiệm cả về công nghệ và kinh doanh, và phải dành toàn thời gian cho hoạt động của doanh nghiệp. Về tài chính, bên cạnh nguồn vốn khởi sự cần phải tiếp cận được với các nguồn vốn khác.
Kinh nghiệm từ các dự án thất bại cho thấy sự thiếu kiến thức về kinh doanh, đặc biệt là những hiểu biết về thị trường sẽ làm cho doanh nghiệm ươm tạo gặp rất nhiều khó khăn. Các công nghệ mới được thương mại hoá vẫn chưa hoàn thiện, chưa định giá được sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy tính độc lập chưa cao ở một số doanh nghiệp ươm tạo biểu hiện ở chỗ chưa thực sự coi doanh nghiệp là của chính mình, phải chịu trách nhiệm về sự thành bại của doanh nghiệp.
Theo chúng tôi, nên có nhiều chương trình hỗ trợ hoạt động ươm tạo để có thể tạo nên mạng lưới ươm tạo công nghệ trong cả nước. Một yếu tố quan trọng nữa là cần khuyến khích tinh thần doanh nhân của giới trẻ ở các trường đại học, đặc biệt là các trường công nghệ.
(Nguyễn Đức Long – Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, Khu công nghệ cao Hoà Lạc)
Thái Lan: Vai trò của Cơ quan phát triển khoa học và công nghệ quốc gia
Các vấn đề thường gặp phải của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan là thiếu vốn, thiếu tri thức và người có tri thức, thiếu bí quyết công nghệ, thiếu kỹ năng, thiếu hạ tầng cơ sở, thiếu hiểu biết thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ không thiết tha với việc đầu tư cho R&D do khoản đầu tư này có tính rủi ro cao. Vấn đề đặt ra là phải giúp các doanh nghiệp quản lý rủi ro khi đầu tư cho R&D.
Cơ quan Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia thành lập năm 1991 với nhiệm vụ hỗ trợ và thực hiện R&D, phát triển nguồn nhân lực, quảng bá công nghệ, phát triển hạ tầng cơ sở khoa học và công nghệ. Cơ quan này đặt ưu tiên cho việc giải quyết những vướng mắc gặp phải trong chu trình thương mại hoá các kết quả nghiên cứu. Chu trình này đòi hỏi có sự tham gia của 3 tổ chức: Văn phòng cấp giấy phép công nghệ (TLO), Văn phòng quản lý các cụm và chương trình (CPMO), các trung tâm nghiên cứu quốc gia. Các nhà phân tích dự án của CPMO, nhân viên ban phát triển kinh doanh của các trung tâm nghiên cứu quốc gia, nhân viên bộ phận kinh doanh IP của TLO được tuyển chọn vào bộ phận thương mại hoá của Cơ quan Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia (NCG). Tại đây, quy trình thương mại hoá sản phẩm sẽ được trợ giúp ngay từ giai đoạn đầu tiên bằng cách tiến hành song song hai quá trình: đánh giá về kỹ thuật và về thị trường. Trên cơ sở tính khả thi của dự án, NCG sẽ đề xuất lập quỹ vốn nghiên cứu. Sau đó, các nhân viên của NCG tiến hành theo dõi kết quả nghiên cứu đồng thời với việc phát triển khách hàng, phát triển mô hình kinh doanh. Quản lý IP khi kết quả nghiên cứu đã trở thành IP và xác lập các điểm mốc đạt được trong thương mại hoá.
Ưu điểm của quá trình này là đánh giá được năng lực công nghệ và cơ hội thị trường. Các dự án được đánh giá theo từng cấp độ phân biệt bằng màu sắc. Ví dụ, khi dự án được đánh dấu màu xanh chứng tỏ thị trường đã rõ ràng, giải pháp công nghệ rõ ràng, công nghệ có thể được cấp phép nhanh chóng, có giá trị cao. Khi công nghệ được xếp vào màu xanh đậm, sẽ tiến hành nghiên cứu lập quỹ vốn.
(Sumowan Sungchuay, Cơ quan phát triển KH&CN Thái Lan)
Ukraina: Hệ thống các công viên công nghệ
Tháng 7 năm 1999, Bộ luật về Chế độ đặc biệt cho các hoạt động đầu tư và đổi mới dành cho các công viên công nghệ được Quốc hội thông qua. Theo luật này, ba công viên công nghệ mới với một số ưu tiên tài chính cho các doanh nghiệp đổi mới đã được hình thành. Các nét chính của 3 công viên công nghệ này là: được hình thành trên cơ sở các viện nghiên cứu hàng đầu của Viện Hàn lâm Khoa học Ukraina với các định hướng công nghệ mạnh; bản thân các viện không được ưu đãi về thuế nhưng các dự án đổi mới sẽ nhận được ưu đãi.
Hiện nay Ukraina có 16 công viên công nghệ. Trong giai đoạn 2000 -2009, các công viên công nghệ đã đóng góp hơn 1 tỷ hryvnas (UAH) cho ngân sách Trung ương và địa phương; tạo ra hơn 3000 việc làm mới. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của các công viên công nghệ này vẫn chịu sự tác động mạnh của các chính sách ưu đãi. Cụ thể như, vào đầu năm 2005, khi các ưu đãi thuế cấp cho các công viên công nghệ bị bãi bỏ, 8 trong số công viên công nghệ đã đổi mới hoạt động kinh doanh nhưng một số khác đã không có các nguồn hoặc biện pháp hỗ trợ để bắt đầu hoạt động.
(TS. Gryga Vitalii, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng KH&CN và Lịch sử khoa học Dobrov – Viện Hàn lâm Khoa học Ukraina)
Ấn Độ: Các chính sách phát triển khoa học công nghệ
Sự phát triển kinh tế mạnh trong vòng hai thập kỷ qua đã giúp cho quốc gia này có thể đầu tư nhiều hơn cho khoa học. Các cuộc cải cách kinh tế từ những năm 1991 đã “chạm” tới hệ thống khoa học của Ấn Độ.
Cải cách lần I: Tập trung vào kết nối KH&CN với đổi mới
Trong cuộc cải cách lần 1 này, Ấn Độ chú trọng thương mại hoá R&D tại các phòng thí nghiệm quốc gia; thiết lập sơ đồ trung gian công nghệ/chuyển giao công nghệ tại các Viện nghiên cứu và trường đại học; hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm và các biện khuyến khích bằng thuế; các công viên khoa học công nghệ được hình thành và phát triển theo cụm. Phần mềm, dược và công nghệ sinh học là ba lĩnh vực được ưu tiên đặc biệt.
Công nghệ thông tin: Hình thành các khu công nghệ cao ở trên khắp đất nước các cụm phát triển khoa học công nghệ tại các thành phố có các trung tâm đại học chính như Bangalore, Hyderabad, Delhi, Chennai…; các chương trình khoa học có tính kết nối các ngành khoa học và các khu công nghệ cao như chương trình vũ trụ; đẩy mạnh xuất khẩu phần mềm.
Dược: Xây dựng năng lực công nghệ nội tại với R&D công và chuyển giao công nghệ tại 7 phòng thí nghiệm trọng điểm; mở rộng thị trường trong nước. Kết quả là vào đầu những năm 1990, 13 hãng kiểm soát 85% thị trường, FDI cho lĩnh vực này tăng từ 40% lên 70%. Từ năm 2000, hằng năm nhận được 80-100 bằng sáng chế Mỹ.
Công nghệ sinh học: hỗ trợ cho 40 chương trình cho trình độ đại học và 15 trung tâm R&D tiên tiến tại các trường đại học và phòng thí nghiệm quốc gia.
Cải cách lần II: Thúc đẩy toàn cầu hoá và cách mạng toàn cầu
Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các trung tâm R&D của các công ty đa quốc gia. Bangalore có tới 45 trung tâm R&D nước ngoài, Delhi theo sau với 22 trung tâm. Các công ty đặc biệt trong lĩnh vực phần mềm, công nghệ sinh học, dược và ô tô mở rộng quy mô trong nước cũng như quốc tế.
Cải cách thứ III: Sự phát triển và lớn mạnh của các công ty Ấn Độ
Thông qua mua bán sáp nhập công ty, số lượng các công ty đa quốc gia của Ấn Độ tăng lên rõ rệt. Infosys, TCS, Wipro và Satyam mua 20 công ty ở Mỹ, Úc và châu Âu. Tata có cơ sở tại 43 quốc gia. Mittal mua lại Arcelor của Pháp-Bỉ, trở thành một trong những công ty thép hàng đầu thế giới.
Cải cách lần thứ IV: Giáo dục đại học và phát triển kỹ năng
Cải cách giáo dục trở thành trung tâm của cải cách này với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố làm nên thành công của mọi cuộc đổi mới sáng tạo trong KH&CN. Những Viện công nghệ mới của Ấn Độ được thành lập những năm gần đây, hệ thống viện đào tạo và nghiên cứu khoa học, các trường đại học mới đã tạo nên những cột mốc mới trong các kế hoạch đổi mới của quốc gia, thành tích nổi bật của một số trường đại học công và sự phồn vinh của khu vực tư nhân đang góp phần làm thay đổi bức tranh của khoa học Ấn Độ.
(GS. V.V. Krishna, Đại học Jawaharlal Nehru, Delhi)