Học cái robot không làm được

Các nhà kinh tế lo ngại tự động hóa sẽ làm hàng triệu người bị thất nghiệp. Ai tiếp tục tự học hỏi, nâng cao kiến thức và tay nghề, phải học để làm những việc mà máy móc không làm được.

Máy móc làm được nhiều thứ hơn con người. Ai không muốn người bạn đồng nghiệp robot gạt bỏ mình thì hãy chịu khó bổ túc nâng cao tay nghề.

Ai muốn biết tương lai nghề nghiệp của mình có đen tối hay không bởi nhà cung cấp dịch vụ phân tích Oxford Economics dự đoán, cứ mỗi robot công nghiệp mới có thể thay thế cho 1,6 nhân lực trong sản xuất. Công ty tư vấn doanh nghiệp McKinsey dự báo, đến năm 2030 sẽ có khoảng  800 triệu lao động bị mất việc làm do quá trình tự động hóa.

Báo cáo hiện nay của Diễn đàn kinh tế thế giới về tương lai việc làm trên cơ sở  điều tra tại 26 quốc gia công nghiệp trên thế giới, thì đến năm 2025 sẽ có 97 triệu việc làm mới đồng thời mất đi 85 triệu việc làm cũ. Một nửa số cán bộ nhân viên cần phải được đào tạo lại dưới một hình thức nào đó, 94 % các nhà quản lý được phỏng vấn đều cho rằng cán bộ nhân viên của họ cần học tập để có những khả năng mới. 

Vấn đề gây lo lắng cho nhiều người ở dự báo này là ở chỗ, những người do tự động hóa bị mất việc làm như cô nhân viên kế toán hay anh chuyên viên phân tích tài chính bị mất việc sẽ làm việc gì trong tương lai?

Nếu người ta nêu câu hỏi này với Simon Janssen – nhà kinh tế làm việc tại Viện nghiên cứu  thị trường lao động và nghiên cứu nghề, thì câu trả lời đã rõ ràng “Người ta phải tiếp tục mở mang kiến thức, nếu không bạn sẽ nhanh chóng bị rớt lại“. Janssen chuyên sâu về tác động của biến đổi công nghệ đến phát triển thị trường lao động. Theo ông thuật ngữ tiếp tục đào tạo là một lĩnh vực rộng bao gồm nhiều bước mà người lao động có thể tham gia. Tiếp tục bồi dưỡng có thể là một hình thức bồi dưỡng không chính thức hình thành ngay tại địa bàn làm việc, tại đây các đồng nghiệp giúp dỡ lẫn nhau để tìm hiểu, học hỏi về một cái máy hoặc thiết bị mới. Chính thức hơn có thể là các khóa bồi dưỡng về một chủ đề nhất định  hoặc tiến hành đào tạo lại, hoặc bồi dưỡng để trở thành đốc công hoặc các khóa học nâng cao ở bậc đại học.

Hy vọng thu nhập tăng

Tuy nhiên cụ thể nên đầu tư vào khả năng nào để chắc chắn có lợi trong tương lai, điều này không hề dễ. Theo nhà kinh tế Janssen, nên phân biệt giữa hai loại kiến thức: một loại chỉ hữu ích trong diện hẹp, ở doanh nghiệp hoặc trong lĩnh vực nghề nghiệp nhất định, thí dụ như một phần mềm  điều khiển nhất định, chỉ để dùng đối với một số máy móc của doanh nghiệp đó; dạng thứ hai đa năng hơn, tổng hợp hơn được các nhà quản lý khác nhau thừa nhận và đánh giá cao, thí dụ như một phương pháp quản lý  hoặc nắm vững một ngôn ngữ lập trình như Python chẳng hạn.

Vậy người lao động nên tận dụng cuộc  khủng hoảng corona này để tiếp tục bồi dưỡng như thế nào? Kỹ năng nào là quan trọng? Cần lưu ý gì khi chọn các hội thảo?

Sự khác biệt này làm cho người lao động có những cân nhắc khác nhau về tài chính. Những điều này có ý nghĩa quyết định vì, theo Janssen, chúng ta biết từ nghiên cứu kinh tế mọi người không nhất thiết muốn được đào tạo thêm vì họ quan tâm đến những điều lý thú, mới mẻ mà chủ yếu họ muốn qua đó có thu nhập cao hơn.  Khuyến nghị của ông: Nếu bạn muốn học một kỹ năng đặc trưng theo yêu cầu của doanh nghiệp thì bạn  bạn nên chia sẻ chi phí đào tạo với người xử dụng lao động.

Bản thân doanh nghiệp qua đó cũng thu được rất nhiều cái lợi, theo Janssen, năng suất lao động tăng cũng sẽ làm tăng lương. Tuy nhiên nếu bị mất việc làm, thì cái kiến thức rất chuyên sâu này không còn có giá trị bao nhiêu trên thị trường lao động. Khi những khả năng này mang tính tổng quát hơn thì tình hình lại ngược lại: về lý thuyết, doanh nghiệp không được lợi ích trực tiếp nào khi để người lao động mở rộng kiến thức nói chung, vả lại qua đó làm cho người lao động có giá hơn đối với đổi thủ cạnh tranh. Tuy nhiên trong thực tế doanh nghiệp vẫn bồi dưỡng năng lực cho người lao động, nhưng khi người lao động nhảy việc, doanh nghiệp đòi người lao động phải hoàn trả số tiền mà doanh nghiệp đã đầu tư vào việc bồi dưỡng kiến thức, hay tay nghề cho người lao động. 

Không nhất thiết ai cũng phải biết lập trình

Bất chấp việc ai sẽ cáng đáng kinh phí, việc chủ động bồi dưỡng, nâng cao trình độ luôn là cần thiết và quan trọng vì nó giúp cho người lao động luôn điều chỉnh khả năng của bản thân cho phù hợp với cuộc đời nghề nghiệp của mình, giúp ta tránh không đi vào ngõ cụt trong nghề của mình. Thí dụ, qua đó bạn có được những khả năng mà người ta không dễ gì tự động hóa được. Tuy nhiên ngay cả ở đây thì những người lao động ham học hỏi cũng phải đối mặt với câu hỏi hóc búa, câu hỏi đầu tiên là: Ta có thể làm những gì? Simon Janssen nói “Đánh giá đúng vốn nhân lực của bản thân là điều cực kỳ khó“. Và số hóa càng khó hơn nữa. “Chúng ta không biết, điều mà lúc này chúng ta phải biết, liệu vài năm nữa có còn cần thiết nữa hay không”. Thí dụ có lập luận chắc như đinh đóng cột rằng, mọi người đều phải học kỹ năng về công nghệ thông tin. Janssen cho rằng “Điều đó ở chừng mực nào đó đúng”. Nhưng người ta cũng phải biết việc dùng phần cứng cũng như phần mềm ngày càng dễ dàng, đơn giản hơn. Thậm chí bạn không cần các lệnh thô sơ nhất khi dùng iPad, mọi cái đều có thể điều khiển trực quan. Còn những khả năng rất chuyên biệt, ví như lập trình thuật toán tự học thì không phải ai cũng cần phải biết  làm.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Janssen lại thấy một số năng khiếu khác có giá trị ngày càng tăng: đó là kỹ năng xã hội, như việc điều phối một tập thể đông người trong một  đại dự án với các chuyên ngành khác nhau hoặc giao tiếp có mục tiêu giữa những người có trình độ chuyên môn rất khác nhau. Janssen cho rằng “Điều này số hóa cực kỳ khó vì thế những kỹ năng này càng có giá trị hơn“. Tuy nhiên sự phát triển này cũng chỉ có thể lượng định trước một vài năm. Do đó nhà kinh tế này khuyên mọi người lao động hãy luôn để mắt tới sự phát triển của công nghệ. Ông hài hước nói “Phải giương mắt, vểnh tai để nhìn và nghe ngóng, để mình không bị máy móc thay thế”.

Xuân Hoài tổng hợp

Nguồn: https://www.wiwo.de/erfolg/trends/automatisierung-lernen-was-die-roboter-nicht-koennen/26777088.html;

https://www.nationalgeographic.com/magazine/2020/09/the-robot-revolution-has-arrived-feature/

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)