Hội nghị KH&CN hạt nhân cán bộ trẻ năm 2022: Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân để giải quyết bài toán thực tế
Với số lượng nghiên cứu ứng dụng chiếm ưu thế, hội nghị KH&CN hạt nhân cán bộ trẻ lần thứ 7 không chỉ tạo ra một diễn đàn học thuật nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu cho cán bộ trẻ, mà còn góp phần thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong giải quyết các bài toán kinh tế - xã hội.
Một điểm đáng chú ý là số lượng các báo cáo trong hội nghị năm nay nghiêng nhiều hơn về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các ngành kinh tế xã hội (tiểu ban B – 36 báo cáo). Xu hướng này cũng gắn liền với mục tiêu mà ban tổ chức đặt ra từ trước đến nay – “đẩy mạnh nghiên cứu triển khai trong lĩnh vực KH&CN hạt nhân, xây dựng tiềm lực cán bộ trong ngành năng lượng nguyên tử, cũng như thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào phát triển kinh tế – xã hội cho đất nước”, ông Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phát biểu trong hội nghị KH&CN hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) tổ chức vào ngày 6-7/10.
Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phát biểu trong hội nghị. Ảnh: TA
Để ứng dụng hiệu quả kỹ thuật hạt nhân trong giải quyết các bài toán thực tế, các nhà nghiên cứu trẻ đã nhanh chóng cập nhật những xu hướng mới trên thế giới. Một số nghiên cứu nhận được nhiều sự quan tâm tại phiên toàn thể của hội nghị như ứng dụng bức xạ chùm tia điện tử (EB) trong xử lý kiểm dịch khi xuất khẩu trái cây tươi của ThS. Chu Nhựt Khánh (Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ) hay ứng dụng kỹ thuật đồng vị bền trong xác thực chất lượng và phân biệt nguồn gốc nông sản của ThS. Hà Lan Anh (Viện KH&KT hạt nhân) đều là những xu hướng đang phát triển trên thế giới. Một số nội dung trong báo cáo đã được các tác giả công bố trong các bài báo quốc tế.
Kết quả bước đầu cho thấy nhiều giải pháp có tiềm năng ứng dụng đầy hứa hẹn. Chẳng hạn như quy trình tiền xử lý hóa chất kết hợp với chiếu xạ EB của ThS. Chu Nhựt Khánh thử nghiệm trên quả nhãn không chỉ hạn chế mức độ hóa nâu của quả nhãn mà còn kéo dài thời gian bảo quản lên tới 22 ngày, thay vì chỉ có 12 ngày ở mẫu đối chứng. “Đây là một nghiên cứu rất hấp dẫn và có ý nghĩa thực tế rất lớn”, TS. Trần Minh Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm chiếu xạ Hà Nội nhận xét. Ngoài tính hiệu quả, “việc sử dụng tia điện tử cũng giúp người tiêu dùng ở một số thị trường cũng bớt e ngại và dễ dàng chấp nhận hơn so với chiếu xạ gamma hoặc tia X, vì họ nghĩ không liên quan đến đồng vị phóng xạ. Qua đó có thể góp phần vào mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam”.
Dù không mang lại kết quả ứng dụng trực tiếp như trên song các báo cáo ở tiểu ban A (vật lý, công nghệ hạt nhân và các vấn đề liên quan) lại có ý nghĩa rất lớn trong nghiên cứu cũng như phát triển công nghệ hạt nhân. Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những báo cáo xuất sắc năm nay là báo cáo các kết quả phép đo tiết diện vi phân ở các góc 70o, 90o, 120o, và 150o của hạt sản phẩm (α0) từ phản ứng 11B(p, α0)8Be do chùm proton năng lượng 2.5 MeV bắn phá trên bia boron tự nhiên của ThS. Đỗ Thị Khánh Linh (Viện KH&KT hạt nhân). Với kết quả đo thực tế có độ tương đồng cao so với các số liệu đã được công bố trước đó, thí nghiệm này sẽ mở ra việc sử dụng máy gia tốc HUS Pelletron trong nghiên cứu phản ứng hạt nhân.
Để đảm bảo chất lượng cho hội nghị, quá trình xét duyệt các báo cáo vẫn được duy trì nghiêm túc như các lần trước. TS. Hoàng Sỹ Thân, Trưởng ban Ban Kế hoạch và quản lý khoa học (VINATOM), thành viên ban tổ chức hội nghị cho biết, các báo cáo đều trải qua quá trình đánh giá, phản biện của hội đồng khoa học, sau đó được phân loại ở mức trình bày hoặc dán bảng. Tổng số báo cáo thu được năm nay vẫn duy trì ở mức khá ổn định so với các lần trước (62 báo cáo), trong đó số lượng báo cáo trình bày đã tăng nhẹ (40 báo cáo, tăng 3 báo cáo so với lần trước).