Hội nhập kiểu chả hoa Năm Thuỵ

Ông Nguyễn Trường Chinh, điều hành cơ sở chả hoa Năm Thuỵ (Trà Vinh) nói rằng: “Đã bảy năm nay vừa chạy vừa xếp hàng để giữ chuẩn mực”.

Nguyễn Trường Chinh là cơ sở đầu tiên lắp hệ thống năng lượng mặt trời, chi phí trên 1,8 tỷ đồng, tiết kiệm được 30% tiền điện hàng tháng.

Chinh giải thích, việc đầu tư lâu nay của ông là đúng hướng và theo đúng chuẩn mực, trong đó HACCP là dấu mốc quan trọng.

Doanh số tăng

Xưởng chế biến chả hoa Năm Thuỵ được công nhận HACCP từ năm 2016, sau khi đầu tư trên 20 tỷ đồng trang thiết bị theo công nghệ mới từ Đức, để đa dạng hoá sản phẩm và nâng sản lượng hàng bán ra thị trường. “Làm như mình ngưng đầu tư thì lòng tin sẽ như ‘nước lớn – nước ròng’, nên hễ có tích luỹ tôi tiếp tục đầu tư, cứ làm hoài”, Chinh cười.

Việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại hơn vẫn tiếp tục, dù Chinh đã xin bỏ công ty xuống hạng “cơ sở sản xuất” từ hai năm trước. Theo Chinh, cứ tập trung hoàn thiện sản phẩm ở cấp cơ sở, nhưng chất lượng đạt chuẩn mực có tính quốc tế “biết đâu lại là chuyện hay”! Câu trả lời từ thực tế là doanh số năm 2016 trên 39 tỷ đồng, nhờ hoàn thiện quy trình.

Mỗi ngày sản xuất bình quân 2 tấn chả và thịt nguội (sản xuất trên 20 sản phẩm).Mỗi năm đều có thêm sản phẩm mới. Năm nay có món thịt sấy, ướp tẩm theo công thức thịt lạp với rượu Anise, đại hồi, tiểu hồi, quế khâu, đinh hương từ các thiết bị của Đức. Người Trà Vinh thích những món này, nhưng thị trường lớn vẫn là TP.HCM.

Chinh chọn thiết bị của Đức, vì đơn đặt hàng ngày càng nhiều, cần thiết bị lớn hơn.Mọi thiết bị được chọn nhà cung cấp kèm gói tư vấn, huấn luyện. Chinh học say sưa, cần mẫn khi các chuyên gia Đức chuyển giao theo những chuẩn mực và chia sẻ văn hoá liên quan tới món mới.

Tốt nghiệp ngành điện, Chinh chọn thiết bị và chỉ sẵn sàng đầu tư với hai điều kiện: có khả năng làm ra sản phẩm mới và giảm tối đa tác động tới môi trường. Ở Trà Vinh, Chinh là nhà sản xuất thực phẩm đầu tiên lắp hệ thống năng lượng mặt trời, chi phí trên 1,8 tỷ đồng. Hiện nay, ông tiết kiệm được 30% tiền điện hàng tháng.Khoản tiết kiệm từ năng lượng tái tạo được đầu tư cho thiết bị mới; bên cạnh chương trình kiểm soát nguyên liệu đầu vào tại nguồn, bảo đảm truy xuất nguồn gốc chất lượng thịt heo từ nông trại, lò mổ về tới xưởng.

Hình mẫu cho bạn bè

“Hết thời gian bảo hành là 25 năm, bộ biến đổi 12 năm, nhưng đối với cơ sở sản xuất, 5 – 6 năm là hoàn vốn, phần lời mình dành để giữ giá bán các sản phẩm khác”, Chinh tính toán như vậy.

Khi theo đuổi công nghệ, tính toán đầu tư “từ trên trời tới dưới đất”, Chinh phát hiện cách giải bài toán tổ chức sản xuất, kinh doanh hơn trước rất nhiều. Trong vòng bảy năm ròng rã, ít nhất có ba đợt sóng đầu tư với giá trị khoảng 25 tỷ đồng, hoàn thiện quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, chuyên biệt hoá sản xuất bằng các thiết bị thông minh và nâng cao năng lực cung cấp theo đặt hàng. Có lúc Chinh không đủ vốn đầu tư một lần nên phải hoàn thiện quy trình từng công đoạn.

Đối với Chinh, vốn liếng là bài toán cân não khi nhớ lại hình ảnh thất bại của cha mẹ, từ chủ nhà máy xay xát, sụp đổ tới mức không còn nhà để ở. Với doanh số 60 tỷ đồng/năm như hiện nay, Chinh đang chuẩn bị cho làn sóng thứ tư, đầu tư 7 tỷ đồng hoàn thiện nhà xưởng tách biệt. Một khoản đầu tư lớn luôn là thách thức với cơ sở nhỏ, nhưng không có chọn lựa nào khác chỉ vì hệ thống xử lý nước thải có giới hạn, trong khi lượng hàng ngày càng tăng. Ông đã chuẩn bị cho giai đoạn “lột xác và vươn mình”, dù giấy khai sinh của doanh nghiệp vẫn là “cơ sở nhỏ”.

Dù cơ sở nhỏ hay siêu nhỏ cũng phải “chuẩn mực, tươm tất…” là những từ ông vẫn nói hàng ngày với các thành viên câu lạc bộ Đặc sản – sản phẩm làng nghề Trà Vinh, nơi ông đang là chủ nhiệm. Chinh hiểu mọi bước đi của cơ sở nhỏ này là hình mẫu, là lòng tin cho những doanh nghiệp nhỏ trên con đường hội nhập.

bài, ảnh Hoàng Lan (TGTT)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)