Hội nông dân Việt Nam phải đủ mạnh để giành thắng lợi trong cơ chế thị trường

Nghị quyết Trung ương VII dự kiến đến năm 2020, sẽ đào tạo kĩ năng nghề nghiệp và tạo điều kiện cho nông dân làm ăn giỏi tích lũy đất đai, vốn liếng trở thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Đông đảo lao động nông thôn sẽ được đào tạo, hỗ trợ tham gia thị trường lao động công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu. Hội phải đủ mạnh để tổ chức nông dân xây dựng cuộc sống vật chất và tinh thần tốt đẹp, chuyển mình thành công vào nền nông nghiệp sản xuất lớn, hiện đại và xã hội công nghiệp tương lai. Giai cấp nông dân hôm nay là công nhân và trí thức ngày mai. Tổ chức người lao động đủ mạnh để tự vệ và phát triển trong cơ chế thị trường là thể hiện rõ rệt nhất của định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn phát triển mới.

Suốt chặng đường trên hai mươi năm đổi mới, nông dân là người sáng tạo ra chính sách nông nghiệp đổi mới, là lực lượng nòng cốt tạo nên bước đột phá phát triển kinh tế, phát triển nông thôn thành công rực rỡ…

Hội Nông dân vừa tổ chức Đại hội lần thứ V, đánh dấu một giai đoạn phát triển quan trọng của giai cấp nông dân Việt Nam. Suốt chặng đường trên hai mươi năm đổi mới, nông dân là người sáng tạo ra chính sách nông nghiệp đổi mới, là lực lượng nòng cốt tạo nên bước đột phá phát triển kinh tế, phát triển nông thôn thành công rực rỡ, mở ra cục diện mới phát triển đất nước. Trong những thời điểm đất nước trải qua các tác động của khủng hoảng kinh tế quốc tế như khi phe XHCN sụp đổ cuối thập kỷ 80, cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á cuối thập kỷ 90 và cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay, nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển luôn là nhân tố tạo sự bình ổn cho kinh tế, xã hội nước nhà.

Trên các bảng xếp hạng của nhiều tổ chức quốc tế về năng lực cạnh tranh, về môi trường kinh doanh… nước ta đều ở vị trí tương đối thấp nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nước thu hút đầu tư quốc tế mạnh nhất thế giới. Đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây cùng với khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra trên 70% việc làm trong xã hội và đóng góp trên 80% GDP cho đất nước [1]. Hai trụ cột kinh tế quan trọng này đứng vững và phát triển nhanh dựa vào nguồn lao động dồi dào từ nông thôn với mặt bằng lương thấp nhờ mức giá lương thực, thực phẩm thấp. Bên cạnh đó, thu nhập ổn định ở nông thôn và xoá đói giảm nghèo tiến bộ rõ rệt tạo ra môi trường chính trị xã hội ổn định. Đây là kết quả trực tiếp của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn do người nông dân đóng vai trò chính. Nghị quyết Trung ương VII đánh giá nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam đóng “vai trò chiến lược, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế xã hội” là chỉ đạo hết sức quan trọng và mới mẻ, đánh dấu bước tiến quan trọng về tư duy của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế nước ta thành một nền kinh tế hiện đại trong tương lai.

Bước vào thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, để tiếp tục là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, người nông dân Việt Nam sẽ phải vượt qua những thách thức rất to lớn. Khó khăn nhất đối với nông dân trên con đường phát triển sản xuất hàng hoá lớn là khắc phục nhược điểm của chính nền kinh tế tiểu nông. Không có một hệ thống dịch vụ sản xuất nào có thể vượt qua rủi ro và bù đắp nổi chi phí giao dịch để tiếp cận tới hơn mười triệu hộ nông dân và hàng triệu hộ ngành nghề riêng rẽ, nhỏ lẻ phân tán trên cả nước như hiện nay. Một hệ thống phân phối kinh doanh ở nông thôn dựa vào hàng vạn hộ tiểu thương rời rạc không thể tạo nên nguồn hàng hóa ổn định, đồng nhất, rõ ràng về xuất xứ, đảm bảo về chất lượng cho nhu cầu thị trường quốc tế. Những hộ tiểu nông trung bình chỉ có 0,6 ha lại chia thành nhiều mảnh đất nhỏ không thể nào áp dụng máy móc cơ giới và tạo ra khối lượng hàng hoá đồng đều, qui mô lớn được.

Thách thức lớn nhất trong cơ chế thị trường là hiện tượng “mạnh được yếu thua.” Quá trình toàn cầu hoá có những luật chơi không công bằng, bất lợi cho nông nghiệp của các nước đang phát triển. Nông dân nước nghèo không phải chỉ cạnh tranh với nông dân nước giàu mà trước hết phải vượt qua mức trợ cấp to lớn của chính phủ họ. Trung bình nông dân ở 30 nước thuộc nhóm OECD hàng năm nhận hỗ trợ bằng 30% tổng giá trị nông nghiệp của họ[2]. Cạnh tranh sản xuất đã khó nhưng bán ra thị trường còn gay go hơn. Chỉ tính riêng 10 nhà chế biến, kinh doanh, 10 siêu thị và 10 doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp đứng đầu đã chiếm giá trị tăng thêm tương đương 74% so với những gì tòan bộ nông dân thế giới được hưởng[3]. Cuộc cạnh tranh giữa những nông dân nhỏ Việt Nam với các hệ thống sản xuất nông nghiệp hiện đại, qui mô lớn, được tổ chức chặt chẽ và trợ cấp dồi dào, việc thương lượng, làm ăn với hệ thống các doanh nghiệp giàu có về vốn liếng, mạnh mẽ về tổ chức, kết nối với các tập đòan đa quốc gia hùng mạnh là không cân sức.

Ngay trong nước, quá trình phát triển kinh tế thị trường tất yếu không tránh được hình thành các nhóm khác biệt nhau về lợi ích kinh tế và quyền lợi xã hội. Trong các nhà máy, công xưởng, hàng loạt cuộc bãi công tự phát của công nhân đòi quyền lợi tối thiểu về thời gian làm việc, mức lương thoả đáng, điều kiện làm việc hợp lý,… đang diễn ra cùng với tình trạng lẩn tránh đóng bảo hiểm cho lao động, vi phạm qui định bảo hộ lao động, bảo vệ môi trường khá phổ biến trong các doanh nghiệp. Trong nông thôn, nhiều nơi nông dân khiếu kiện đông người do thiệt thòi về bồi hoàn chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp, đô thị; người sản xuất thường xuyên đương đầu với biến động giá cả bất lợi khi mua vật tư đầu vào và bán nông sản, nông dân … trong khi việc bắt bí giá cả, lợi dụng thông tin, phá hoại môi trường của tư thương, người kinh doanh, nhà đầu tư,… diễn ra khá nhiều.

  Khoang cách chênh lệch về quyền lợi kinh tế và xã hội giữa nông dân với công nhân công nghiệp, với dịch vụ và cư dân đô thị chưa thu hẹp, trong khi ưu thế về thông tin, quyền lực và điều kiện sống tiếp tục bất lợi cho cư dân nông thôn. Cuối thập kỉ 1990, dân nông thôn Việt Nam chiếm 80% dân số mà chỉ hưởng 30% mức tiêu dùng xã hội[4]. Quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá hiện nay đang tiếp tục thu hút ngày càng nhiều các nguồn tài nguyên chủ chốt của nông nghiệp và kinh tế nông thôn như lao động, đất, nước, khóang sản,… Thêm vào đó là những yếu tố biến động của thiên tai, dịch bệnh, thị trường và quá trình biến đổi khí hậu trong tương lai tiếp tục tạo ra nhiều biến động và rủi ro trong sản xuất và đời sống cho nông dân.

Ở nhiều nền kinh tế chuyển đổi, khi bàn tay vô hình của thị trường từng bước thay thế bàn tay hữu hình của nhà nước thì đồng minh vốn có của người nông dân sẽ thay đổi. Các doanh nghiệp Nhà nước chuyển nhanh sang cổ phần hoá, hướng về mục tiêu lợi nhuận, các tổ chức sự nghiệp cung cấp dịch vụ công của nhà nước cũng chuyển nhanh sang xã hội hoá, tự chủ về tài chính, các tổ chức viện trợ nhân đạo quốc tế chuyển sang đối tác kinh doanh, người tiêu dùng chuyển thị hiếu về sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu, nhập khẩu,… Trong xã hội hình thành các nhóm quyền lợi khác biệt ráo riết tranh thủ quyền lực chính trị. Giới doanh nghiệp dù là quốc doanh hay dân doanh, từng lớp thị dân dù là viên chức hay dân thường vận động cho một hệ thống chính sách đem lại lợi ích cho mình và không phải luôn có lợi cho nông dân, đây là thực tế khách quan của mọi hình thức nhà nước trong cơ chế thị trường.

Trong cơ chế kế hoạch, về lý thuyết, không có sự khác biệt đối lập về quyền lợi giữa các bộ phận xã hội. Do đó, tổ chức đại diện cho người lao động như công đoàn, hội nông dân, đóng vai trò “cánh tay nối dài của đảng, chính quyền” một cách hợp lý. Chuyển sang cơ chế thị trường, khi “hạ tầng cơ sở” đã chấp nhận sự chuyển biến mạnh mẽ tạo ra khác biệt to lớn về quyền lợi trong các mối quan hệ sản xuất giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa người quản lý, nhà đầu tư và người lao động, thì ở “thượng tầng kiến trúc” vẫn tồn tại một cách duy ý trí hình thức quản lý hành chính với các tổ chức đại diện cho người lao động. Nếu cán bộ công đoàn, hội nông dân sống bằng lương nhà nước hay tiền công của giới chủ, không trực tiếp do người lao động bầu ra và nuôi nấng, đương nhiên không thể bảo vệ quyền lợi thiết thân cho người lao động.

Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” được đề cao không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nhiều nước trên con đường công nghiệp hoá. Xưa nay phúc lợi của chủ nghĩa xã hội vẫn được coi là mơ ước tương lai trong khi đúng ra công bằng xã hội chủ nghĩa phải là tiêu trí đánh giá suốt quá trình công nghiệp hóa. Cố gắng đảm bảo công bằng hướng vào các nhóm bất lợi trong xã hội như người nghèo, người cô đơn, tàng tật, đồng bào dân tộc,…thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của xã hội. Quyết tâm đảm bảo thiết thực quyền lợi của đông đảo người lao động mới thực sự thể hiện rõ tính giai cấp của định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo qui luật chung, khi tỷ trọng GDP nông nghiệp trong tổng GDP quốc gia giảm từ 20% hiện nay xuống còn khỏang 15% thì kinh tế nước nhà mới phát triển đủ mạnh để nhà nước có ngân sách đủ sức trực tiếp trợ cấp trở lại cho cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong bảy, tám năm tới, khả năng hỗ trợ hạn chế của ngân sách dù muốn, cũng chỉ đủ tập trung cho một số nhóm đối tượng nhỏ theo mục tiêu nhân đạo. Nhưng sóng gió quyết liệt của cơ chế thị trường đang đe doạ lợi ích sống còn của hàng chục triệu nông dân Việt Nam.

Ở hầu hết các nước phát triển trước đây đều chấp nhận mô hình phát triển chữ U ngược của Kuznets[5]: chấp nhận hi sinh quyền lợi của nông dân trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá, sau khi kinh tế đã phát triển sẽ lấy các nguồn thu từ công nghiệp và đô thị để trợ cấp, bù đắp lại cho nông nghiệp, nông thôn. Về thực chất, ở Âu Mỹ trước đây, giai cấp nông dân bị bóc lột tàn tệ, bị bần cùng hoá trong quá trình chuyển hoá đau đớn thành đội ngũ lao động công nghiệp. Tại rất nhiều nước, thiết chế gia đình nông thôn, cộng đồng làng xã bị huỷ hoại trong quá trình phát triển đô thị. Ngày nay, quá trình phá nông thôn lấy nguyên liệu xây đô thị, tước đoạt, xô đẩy cư dân nông thôn ra làm lao động công nghiệp cũng đang diễn ra ở nhiều quốc gia. Kết quả chẳng những tạo ra những thành phố khổng lồ nghẽn tắc người di cư mà còn gây nên nhiều bất ổn xã hội, mâu thuẫn sắc tộc, tranh chấp không gian, bất ổn chính trị.

Cam kết chính trị đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong cơ chế thị trường đồng thời cũng là giải pháp đảm bảo phát triển vững bền, ổn định trong xã hội khác biệt về quyền lợi, phải thể hiện ở quyết tâm tổ chức đội ngũ lao động nông nghiệp khổng lồ thành một lực lượng thống nhất. Hồ Chí Minh trong cuốn “Đường cách mệnh[6]” bằng ngôn từ bình dân 80 năm trước đã chỉ ra những việc “tổ chức dân cày” phải làm. Diễn giải thành các nội dung sau: mục tiêu của hội phải là bảo vệ quyền lợi kinh tế, chính trị, văn hóa cho nông dân; đối tượng hội viên phải thực sự là nông dân, đủ tuổi trưởng thành, tư cách đạo đức, chính trị tốt, có hội viên giới thiệu; công việc của hội phải thiết thực, có lợi cho dân, cho nước như kết nạp hội viên, dạy cách làm ăn, tổ chức hợp tác xã, phát triển giáo dục, văn hóa, chống hủ tục, tệ nạn xã hội, cứu trợ xã hội.

Về cách thức tổ chức, “Đường cách mệnh” chỉ dẫn nông hội nên làm giống như công hội: Có thể tổ chức theo hội nghề nghiệp (ai làm nghề gì vào hội ấy) hay theo cách mạnh hơn là hội ngành hàng (những người làm chung một họat động trong một ngành, trên một địa bàn cùng tham gia một hội). Hội viên phải đóng góp hội phí để chi cho họat động thường xuyên, hỗ trợ lúc khó khăn như thất nghiệp, đình công (với công nhân) và đầu tư vào các họat động phát triển như mở trường, thư viện, bệnh viện, cơ sở văn hóa phúc lợi, xây dựng hợp tác xã, và lập các tổ chức của Hội. Khi tổ chức Đại hội, phải cử Đại biểu là người lao động, không phải là quan chức của Hội. Sự khác biệt chính giữa Hội với các tổ chức chính trị như Đảng là Hội phải chú trọng về khía cạnh kinh tế. Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta đã biết “cách mệnh” tinh thần, “cách mệnh” kinh tế, thì “cách mệnh” chính trị cũng không xa”.

Đối chiếu với những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, hội Nông dân Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để thực sự là tổ chức “của nông dân, do nông dân và vì nông dân”. Khác với các đoàn thể chính trị xã hội khác, Hội là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho đội ngũ lao động lớn nhất cả nước với 10 triệu hội viên. Trước tác động tổng hợp của công nghiệp hoá, đô thị hoá, toàn cầu hoá, thị trường hoá, quyền lợi của lao động nông thôn đang trải qua những biến động to lớn. Người nông dân mong đợi Hội các hoạt động thiết thực hỗ trợ sản xuất và đời sống, tham gia sử lý các tranh chấp, tổ chức các chương trình phát triển nông thôn, đóng góp xây dựng và thực hiện chính sách.

Cần nghiêm túc nghiên cứu phương án đổi mới Hội thành tổ chức kinh tế xã hội, chú trọng vào hoạt động kinh tế. Thành viên của hội nên tập trung vào tầng lớp nông dân hoặc lao động nông thôn. Những người đại diện của tổ chức nông dân phải được nông dân tín nhiệm bầu lên. Đại biểu tham dự Đại hội đa số phải là người thực sự làm nghề nông. Chương trình nghị sự của Đại hội, nội dung họat động của Hội phải tập trung vào việc làm ăn của nông dân, những vấn đề thiết thân đến đời sống lao động nông thôn. Kinh phí của Hội kể cả quĩ lương cho cán bộ dù được nhà nước trợ cấp nhiều nhưng vẫn phải dựa vững vào đóng góp tự giác của hội viên và họat động kinh doanh của Hội.

Bước tiếp theo là tiếp sức cho Hội để có thể đảm nhiệm trọng trách của mình trong các họat động kinh tế xã hội. Nhà nước song song với việc tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ và hội viên của Hội và hỗ trợ kinh phí, cũng từng bước phân cấp, giao quyền cho Hội tự chủ, quản lý các công việc, tham gia dịch vụ công trực tiếp phục vụ nông dân, phục vụ nông nghiệp như đào tạo nghề, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, bảo vệ sản xuất, các chương trình phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo. Các tổ chức nông dân bắt nguồn từ cộng đồng thôn bản phải trở thành những đơn vị tự quản, tự chủ để đóng vai trò chủ động trong quá trình quản lý xã hội, quản lý tài nguyên tự nhiên, khai thác sử dụng các cơ sở hạ tầng ở nông thôn và tổ chức phát triển kinh tế hợp tác.

Khi Hội đã đủ mạnh để đại diện cho nông dân đàm phán, xử lý tranh chấp với các đối tác, có thể tiến đến hỗ trợ Hội phát triển hoạt động kinh doanh, từng bước chủ động việc cung ứng các vật tư nông sản thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp, khống chế kinh doanh các nông lâm thủy sản quan trọng nhất. Tiếp đến hỗ trợ để Hội nông dân có vị thế bảo vệ quyền lợi của cư dân nông thôn trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách, có tiếng nói công bằng đại diện cho nông dân trong đời sống chính trị xã hội của đất nước.

Người nông dân Việt Nam nổi tiếng về tinh thần dũng cảm, ý chí sáng tạo và tinh thần lao động cần cù. Khi được hỏi điều gì đáng nói nhất về Việt Nam, Michael Porter – chuyên gia về lợi thế cạnh tranh quốc gia của đại học Harvard đã trả lời: “ lao động và nông nghiệp”[7]. Sức mạnh của người dân nông thôn Việt Nam là một hiện tượng đặc biệt. Mặc dù đóng góp của nông nghiệp trong GDP của đất nước đã xuống dưới mức 20% và đóng góp cho xuất khẩu chỉ khỏang 23%, nhưng hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp (thể hiện bằng chỉ số ICOR) cao hơn so với các ngành khác và xuất khẩu nông nghiệp là lĩnh vực duy nhất xuất siêu trong thương mại.

Nghị quyết trung ương VII dự kiến đến năm 2020, sẽ đào tạo kĩ năng nghề nghiệp và tạo điều kiện cho nông dân làm ăn giỏi tích lũy đất đai, vốn liếng trở thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Đông đảo lao động nông thôn sẽ được đào tạo, hỗ trợ tham gia thị trường lao động công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu. Hội phải đủ mạnh để tổ chức nông dân xây dựng cuộc sống vật chất và tinh thần tốt đẹp, chuyển mình thành công vào nền nông nghiệp sản xuất lớn, hiện đại và xã hội công nghiệp tương lai. Giai cấp nông dân hôm nay là công nhân và trí thức ngày mai. Tổ chức người lao động đủ mạnh để tự vệ và phát triển trong cơ chế thị trường là thể hiện rõ rệt nhất của định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn phát triển mới.
——————–
* Tiến sĩ – Viện trưởng IPSARD

[1] Tổng cục Thống kê 2008.
[2]
Báo cáo phát triển thế giới 2008. Ngân hàng Thế giới.
[3] Von Braun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách lương thực Thế giới 2008[
4]
Bộ Kế họach Đầu tư 1999.
[5]
Kuznets, Simon. “Economic growth and Structure”. New York, Norton, 1965.
[6] Hồ Chí Minh Tuyển tập, tập 2.
[7]
Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Việt Nam, 2008.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)