Hồi sinh năng lượng hạt nhân: Châu Âu sẽ bắt kịp Mỹ

Tổng Giám đốc Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, bà Sama Bilbao y León đang kêu gọi những người ra quyết định thuyết phục giới đầu tư về tiềm năng mà các tài sản hạt nhân mang lại, bao gồm toàn bộ chuỗi cung ứng và phân khúc các lò phản ứng mô-đun nhỏ. Trong cuộc phỏng vấn với Balkan Green Energy News, bà bày tỏ lạc quan khi châu Âu nỗ lực hỗ trợ làn sóng đầu tư năng lượng hạt nhân mới, đồng thời cho biết châu Âu sẽ bắt kịp các biện pháp đang được tiến hành ở Hoa Kỳ và Canada.

Các chính phủ và công ty đã cam kết tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc COP28 sẽ tăng gấp ba công suất năng lượng hạt nhân vào giữa thế kỷ này, chính thức khởi động sự hồi sinh của ngành. Các khoản đầu tư ở châu Âu hầu như đã chậm lại trong vài thập kỷ qua, nhưng thị trường bắt đầu ấm dần lên khi vào năm 2021, Liên minh châu Âu đưa năng lượng hạt nhân vào Bảng phân loại xanh (green taxonomy).

Theo bà Sama Bilbao y León, với một số bước tiến trong lập pháp gần đây, châu Âu đang chuyển mình nhằm theo kịp những ưu ái mà Mỹ và Canada dành cho ngành này. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, cần phải làm nhiều việc hơn nữa để tiến tới cấp điện không cácbon và đáng tin cậy 24/7 với giá cả phải chăng cho mọi người.

Sau đây là bài phỏng vấn đối với Tổng Giám đốc Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, bà Sama Bilbao y León.

Bắc Mỹ và Châu Âu đang cạnh tranh đầu tư cho quá trình chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo và khử cacbon. Quan điểm của ngành điện hạt nhân về các chương trình tài trợ là gì?

Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận ra, nếu nghiêm túc thực hiện để đạt mức phát thải bằng 0, sẽ phải xem xét nhiều vấn đề, bao gồm cả năng lượng hạt nhân. Cuộc khủng hoảng năng lượng đã thức tỉnh nhiều người.

Tại Mỹ, Đạo luật Giảm lạm phát được thực thi theo kiểu từ dưới lên (bottom-up), đem đến ưu đãi cho từng dự án. Chỉ cần đáp ứng các điều kiện, các dự án sẽ nhận được một số trợ cấp hoặc tín dụng thuế. Nhưng chưa có gì thật sự rõ ràng về cách thức hoạt động. Điều đáng lo ngại là, mặc dù một số dự án sẽ mang lại lợi nhuận nhưng vẫn chưa rõ liệu sẽ tồn tại hay không một lưới điện không các-bon và đáng tin cậy, cung cấp điện 24/7 và với giá cả phải chăng.

Các chương trình tài trợ ở Mỹ và Châu Âu cần được điều chỉnh thêm để tăng công suất năng lượng hạt nhân cần thiết, đáp ứng các mục tiêu khử các-bon.

Mỹ dành một số cơ chế ưu đãi thú vị cho ngành hạt nhân, không chỉ với các nhà máy điện hạt nhân mới mà còn hướng đến sự phát triển của toàn bộ chu trình nhiên liệu và chuỗi cung ứng cho tất cả các dự án mới.

Thứ hai, các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) đang nhận được rất nhiều sự hỗ trợ.

Điểm quan trọng thứ ba, Mỹ thừa nhận sâu sắc về vai trò các tổ máy hiện nay và có rất nhiều động lực để duy trì mức công suất hiện tại.

Châu Âu thì khác. Có nhiều cách tiếp cận từ trên xuống hơn (top-down). Mỗi quốc gia đều khác nhau, và cuối cùng đều đi đến những quyết định riêng về cơ cấu năng lượng.

Như chúng ta đã thấy, một số chính sách kích thích phát triển trong luật pháp châu Âu không phù hợp lắm với các dự án hạt nhân. Lượng tiền có xu hướng teo lại trong khi khung thời gian không phù hợp lắm.

SMR có thể được hưởng lợi từ điều đó, nhưng thực tế là rất nhiều lò phản ứng lớn cũng sẽ được xây dựng.

Mô hình tài chính phù hợp cho các lò phản ứng lớn là gì?

Những lò phản ứng lớn sẽ cần các loại mô hình tài chính khác nhau. Ví dụ, mô hình cơ sở tài sản theo quy định (regulated asset base – RAB) ở Vương quốc Anh tạo thuận lợi cho các quan hệ đối tác công tư hướng tới các dự án lớn hơn. Chúng ta sẽ thấy các hợp đồng chênh lệch (contracts for difference – CfD), nhưng không nhiều.

Ngoài ra, các hợp đồng mua bán điện dài hạn (power purchase agreements – PPA) khuyến khích đầu tư, bên cạnh trái phiếu xanh (green bonds). Ontario ở Canada đang gây quỹ cho năng lượng hạt nhân thông qua trái phiếu xanh và tất cả đều được đăng ký vượt mức.

Liên minh Châu Âu nên tính đến điều này vì năng lượng hạt nhân là một phần trong hệ thống phân loại tại đây.

EU còn nhiều việc phải làm ngoài phân loại xanh, cải cách thiết kế thị trường điện và các luật gần đây khác?

Vâng, khá nhiều. Cải cách thiết kế thị trường điện không giải quyết được một số vấn đề chính và chi phí điện quy dẫn (levelized cost of electricity) không thể hiện chi phí sản xuất điện. Hiện tại, các nguồn năng lượng phụ thuộc vào thời tiết được ưu tiên điều động, trong khi phụ tải cơ sở dự kiến vẫn có sẵn để dự phòng, do đó sẽ có tình trạng dư thừa công suất của các nguồn kém tin cậy hơn và thị trường không khuyến khích điện sẵn có.

Thiết kế thị trường điện ở EU được cho là tối ưu hóa hệ thống bằng cách cho phép tích hợp tất cả các nguồn?

Chúng ta cần xem xét chi phí của toàn bộ hệ thống, những gì cần thiết để tất cả các nguồn năng lượng này kết hợp với nhau và tạo ra một hệ thống ổn định, linh hoạt và đáng tin cậy với giá điện phải chăng cho mọi người.

Các thiết kế thị trường mà chúng ta đang thấy không khuyến khích điều đó. Trong nhiều trường hợp, cái sai thể hiện ở chỗ giá thành sản xuất điện lớn hơn giá thị trường. Cụ thể, giá của kilowatt giờ cuối cùng, thường là từ khí đốt tự nhiên, cực kỳ đắt. Vì vậy, một mặt ta có được lợi nhuận “trên trời rơi xuống”, nhưng mặt khác, thị trường đang không khuyến khích mức tải cơ bản ổn định, đáng tin cậy.

Những hạn chế về lưới điện đối với ngành hạt nhân?

Đối với năng lượng hạt nhân, ở các nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc, khung thời gian trung bình xây dựng mạng lưới truyền tải mới chỉ là 5 hoặc 6 năm. Một điều lưu ý là các dự án hạt nhân thường được xây dựng gần các địa điểm hiện có và do đó được hưởng lợi từ mạng lưới truyền tải được xây dựng sẵn – đây là một lợi thế khi xem xét hạn chế chính về lưới điện là thời gian xây dựng mạng lưới truyền tải mới.

Điều quan trọng cần biết là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ đi từ con số 0 lên 25% năng lượng hạt nhân trong hệ thống điện của họ chỉ sau 12 năm. Bangladesh sẽ đạt 10% trong vòng chưa đầy 10 năm.

Hơn nữa, năng lượng hạt nhân không yêu cầu tính linh hoạt cao của lưới điện như năng lượng tái tạo.

Điện hạt nhân rất linh hoạt. Có khả năng hoạt động 24/7 không có nghĩa là không thể điều chỉnh việc sử dụng công suất. 75% công suất ở Pháp là hạt nhân và hoàn toàn có khả năng lên xuống công suất khi cần thiết.

Hơn nữa, SMR thực sự được thiết kế để tăng giảm rất nhanh.

Ngoài ra, các tổ máy hạt nhân có thể sản xuất nhiệt, phục vụ sưởi ấm khu vực hoặc sản xuất hơi nước nhiệt độ cao cho công ty hóa dầu, hoặc điện phân hydro và amoniac. Vì vậy, bây giờ chúng ta có một mô hình kinh doanh hoàn toàn khác vì tất cả các thị trường năng lượng này sẽ phát triển.

Các hệ thống năng lượng trong tương lai sẽ không giống như ngày nay nhờ sự thúc đẩy điện khí hóa toàn diện

Cần phải lùi lại một bước để cân nhắc. Các hệ thống năng lượng trong tương lai sẽ không giống như ngày nay với tất cả quá trình điện khí hóa phương tiện giao thông và người tiêu dùng, v.v. Nhu cầu sẽ tăng lên.

Những người ra quyết định cần phải táo bạo, thực tế và xem xét tất cả các lựa chọn. Cần lên kế hoạch trước về thiết kế, để xem chúng ta cần những gì để đưa ngành công nghiệp hạt nhân trở lại châu Âu.

Các công ty châu Âu có đủ khả năng cạnh tranh về mặt công nghệ không? Sau làn sóng phát triển lò phản ứng và xây dựng nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, hầu như các quốc gia ở đây đã tạm dừng, chỉ có một số ngoại lệ. Đức đã ra khỏi thị trường. Cùng lúc đó, các công ty Mỹ đang tấn công vào châu Âu, từ những tên tuổi công nghệ lớn đến các nhà phát triển SMR như NuScale Power cho đến một số công ty khởi nghiệp.

Nhiều công ty đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ Hoa Kỳ trong khi châu Âu đang loay hoay mất nhiều thời gian để nhìn nhận thực tế. Nhưng một số quốc gia đang có chuyển biến tích cực, ví dụ như Vương quốc Anh, Pháp và Cộng hòa Séc.

Châu Âu sẽ bắt kịp thôi. Nghị viện Châu Âu gần đây đã thông qua Báo cáo Sáng kiến Riêng về Lò phản ứng Mô-đun Nhỏ, xác nhận tầm quan trọng của những công nghệ này đối với hệ thống năng lượng tương lai của Châu Âu, trong khi Hội đồng công nhận hạt nhân là một ngành chiến lược với phát thải 0 ròng.

Tại hội nghị COP28, 24 quốc gia đã ký Tuyên bố tăng gấp ba lần năng lượng hạt nhân vào năm 2050. Cần phải làm gì để đạt được mục tiêu mới?

Sau tuyên bố của các Bộ trưởng, hơn 120 công ty đã chấp nhận thách thức bằng cách ký Cam kết Ngành Công nghiệp Hạt nhân Net Zero (Net Zero Nuclear Industry Pledge). Giờ đây, các quốc gia này phải đưa ra các chính sách về năng lượng hạt nhân để tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các nguồn năng lượng không các-bon và các-bon thấp.

Bước tiếp theo là khuyến khích đầu tư. Nhà đầu tư phải có tầm nhìn dài hạn. Hạt nhân không phải là lựa chọn kéo dài 4 hoặc 5 năm cho nhiệm kỳ của một chính phủ. Cần nhiều thời gian hơn để phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng cho ngành.

Những người ra quyết định phải đảm bảo rằng các nhà đầu tư hiểu được tiềm năng của các tài sản hạt nhân. Không chỉ bản thân một nhà máy điện hạt nhân, mà còn là toàn bộ chuỗi cung ứng và sản xuất công nghiệp với chu trình nhiên liệu và tất cả các mảnh ghép khác, bao gồm cả SMR.

Quá trình cấp phép phải được đẩy nhanh nhưng không ảnh hưởng đến sự an toàn

Điều thứ ba là tối ưu hóa việc cấp phép. Các chính phủ cần phải báo hiệu cho các cơ quan quản lý rằng hạt nhân rất quan trọng và cần được triển khai một cách tối ưu. Tất nhiên, cần đẩy nhanh quá trình cấp phép và quản lý các lò phản ứng mới, nhưng không đi tắt và vẫn phải đảm bảo mức độ an toàn.

Tăng gấp ba lần công suất hạt nhân nghĩa là có rất nhiều lò phản ứng mới, 40 GW mỗi năm trong 25 năm – một lượng điện khổng lồ, trong đó khoảng một nửa sẽ là lò phản ứng quy mô lớn và một nửa là lò phản ứng nhỏ.

Đó là một kỳ tích to lớn. Hiện tại, chúng ta mới đang xây dựng 10 GW mỗi năm.

Ngành công nghiệp cần đầu tư ngay bây giờ để sẵn sàng thực hiện tất cả các dự án này, về cơ sở hạ tầng công nghiệp, khả năng xây dựng cũng như lực lượng lao động. Trong một thập kỷ rưỡi qua, lực lượng lao động đã bị thu hẹp, đặc biệt là ở Tây Âu, do không có nhiều dự án mới.

Viễn cảnh nào cho làn sóng đầu tư năng lượng hạt nhân mới ở Đông Nam Âu?

Bulgaria và Romania đang xem xét thực hiện các dự án xây dựng hai lò phản ứng lớn tại mỗi nước– Croatia sẽ là đồng sở hữu và Serbia cũng là đối tác tiềm năng. Tất cả họ đều đã có nhà máy điện hạt nhân và nhanh chóng hiểu rằng có lẽ không thể đạt được mức 0 ròng vào năm 2050 nếu không có thêm công suất hạt nhân.

Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ vận hành lò phản ứng đầu tiên trong năm nay. Cả bốn quốc gia đều đang tìm cách kích hoạt hoặc đang phát triển các dự án SMR.

Thu Trang/Vinatom dịch

Nguồn: https://vinatom.gov.vn/hoi-sinh-nang-luong-hat-nhan-chau-au-se-bat-kip-my/

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)