Hợp đồng thông minh: bước nhảy vào thế giới viễn tưởng

Cách đây 12 năm, trong tác phẩm khoa học viễn tưởng Daemon của mình, tiểu thuyết gia Daniel Suarez đã kể câu chuyện về một chương trình máy tính có thể tự vận hành, gửi email cho khách hàng và tham gia vào việc thực hiện các đơn đặt hàng. Cũng trong năm 2006, Charles Stross xuất bản cuốn tiểu thuyết Glasshouse, mô tả về một chương trình với tập hợp các điều kiện giả định liên quan đến đạo đức, tập quán, tiêu chuẩn xã hội áp đặt lên các cá nhân tham gia chương trình đó. Đổi lại, những người tham gia chương trình này sẽ được hưởng đặc quyền về sự công bằng tuyệt đối, sự tự do lựa chọn và khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên phi giới hạn. Có thể thấy rằng, thế giới viễn tưởng mà Daniel Suarez và Charles Stross vẽ ra đang gần nhân loại hơn bao giờ hết khi Nick Szabo hay Vitalik Bulerin và các cộng sự công bố về Hợp đồng thông minh (Smart contracts). Dạng thức hợp đồng này đã thực sự mở ra cánh cửa mới, tạo đà cho cú nhảy vào một thế giới khác mà trước đây chỉ nằm trong tưởng tượng. Vậy nhận dạng củaHợp đồng thông minh như thế nào và những vấn đề mà nó giải quyết là gì?

Với 4.080.000 kết quả tìm kiếm trong vòng 0,46 giây, Smart contracts hay Hợp đồng thông minh thực sự đang là mối quan tâm lớn không chỉ của những người yêu thích khoa học – công nghệ mà còn đối với cả những người làm trong lĩnh vực pháp lý. Investopia định nghĩa rằng, Hợp đồng thông minh là hợp đồng có khả năng tự thực hiện thông qua các điều khoản đã được mã hóa theo thỏa thuận giữa người mua và người bán. Mã lệnh và các thỏa thuận chứa trong đó, tồn tại trên một mạng lưới blockchain phi tập trung (decentralized). Các Hợp đồng thông minh cho phép các giao dịch đáng tin cậy và các thoả thuận được thực hiện giữa các bên một cáchẩn danh, riêng biệt mà không cần đến hệ thống pháp luật hoặc cơ chế thực thi bên ngoài.[i]

Chiếc máy bán hàng tự động là một hình ảnh ví dụ trực quan đơn giản nhất về Hợp đồng thông minh. Khi người mua hàng nhập lệnh lựa chọn sản phẩm và đút tiền vào khe nhận tiền, sản phẩm mà người khách mong muốn sẽ được tự động chuyển ra[ii].

Ở một mức độ phức tạp hơn, hãy lấy giao dịch liên quan đến vận tải đa phương thức (logistics) giữa anh A và công ty B để làm ví dụ minh họa. Giả sử anh A có nhu cầu vận chuyển một lô hàng thủ công mỹ nghệ, và sử dụng dịch vụ vận tải của công ty B. Tuy nhiên anh A và công ty B không tin tưởng nhau. Anh A băn khoăn rằng liệu công ty B có bảo quản tốt hàng hóa và chuyển hàng tới cho khách hàng đúng thời hạn không? Công ty B thì đặt ra câu hỏi là liệu khi giao hàng đến nơi, anh A có thanh toán tiền vận chuyển đầy đủ và đúng hạn không? Để giải quyết những khúc mắc này, anh A và công ty B phải giao kết một hợp đồng thỏa thuận vềviệc vận chuyển hàng hóa, dẫn đến những phát sinh về dịch vụ tư vấn luật như soạn thảo hợp đồng, phòng ngừa các rủi ro pháp lý, … Vậy cách nào để đơn giản hóa quy trình thỏa thuận giữa anh A và công ty B?

Hợp đồng thông minhcó thể giải quyết câu hỏi này. Khi hai bên tham gia giao kết một bản Hợp đồng thông minh, anh A chỉ cần xây dựng một mã lệnh thanh toán phí vận chuyển cho công ty B. Lệnh thanh toán này sẽ được mã hóa theo ngôn ngữ máy tính và chỉ được thực hiện khi công ty B hoàn thành nghĩa vụ chuyển hàng kèm theo sự xác nhận củakhách hàngvề việc nhận hàng. Thêm một bước tiến nữa, nếu ứng dụng hỗ trợ GPRS (General Packet Radio Service) được tích hợp vào Hợp đồng thông minh thì không cần tới sự xác nhận của khách hàng, tại thời điểm lô hàng đặt đúng vào vị trí kho hàng (cần được chuyển tới) thì khoản tiền thanh toán dịch vụ cũng tự động chuyển vào tài khoản của công ty B.

Với những ứng dụng như trên, Hợp đồng thông minh giúp giải quyết rất nhiều những rào cản trong hoạt động kinh tế hiện nay.Trước hết, bởi vì các Hợp đồng thông minh sử dụng mã phần mềm để tự động hoá những hoạt động mà trước đây thường phải thực hiện thủ công (như việc xác nhận đơn hàng) nên chúng có khả năng thúc đẩy tốc độ của quy trình kinh doanh. Ngoài ra, các mã lệnh cũng đem lại sự đảm bảo về độ chính xác của giao dịch cao hơn, ít lỗi thủ công hơn, từ đó giảm thiểu đáng kể rủi ro khi thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó, một ưu điểm cần phải kể đến của Hợp đồng thông minh đó là việc tối thiểu hóa sự tham gia của các bên thứ ba/bên trung gian vào quá trình thực hiện hợp đồng. Sự tinh giản này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí kinh doanh. Đặt trong bối cảnh một doanh nghiệp phải thực hiện hàng ngày một lượng khổng lồ các thủ tục xác nhận đơn hàng logistics, lợi ích mà Hợp đồng thông minh đem lại sẽ không chỉ kể hết trong một hai trang giấy. Như vậy, với lý tưởng đảm bảo sự công bằng, minh bạch và tiết kiệm tối đa chi phí cho các bên tham gia giao kết hợp đồng, Hợp đồng thông minh thực sự đã cho thấy những tiềm năng ứng dụng của mình, không chỉ đơn thuần áp dụng vào các hoạt động thương mại, mà còn được kỳ vọng sẽ hoạt động hiệu quả trong việc bầu cử, tiếp cận dữ liệu về sức khỏe và dân số, hỗ trợ quy trình bồi thường bảo hiểm (insurance claim) hoặc quản lý chính phủ.

Tranh luận về bản chất của Hợp đồng thông minh

Nếu tiền ảo (virtual currency) như đồng Bitcoin, đồng Ethereum hoặc đồng Ripple ít nhiều cũng có một “danh phận” trên thị trường – hoặc là phương tiện thanh toán hoặc là tài sản, thì địa vị pháp lý (legal status) của Hợp đồng thông minh hiện nay vẫn đang bị bỏ ngỏ[iii]. Băn khoăn lớn nhất được đặt ra là liệu về bản chất, Hợp đồng thông minh có phải là hợp đồng dân sự hay không?

Trên thế giới hiện nay có 02 luồng quan điểm lớn về vấn đề này. Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng hợp đồng thông minh là một dạng của hợp đồng pháp lý và trong tương lai có khả năng thay thế hợp đồng truyển thống. Luồng quan điểm còn lại cho rằng hợp đồng thông minh chỉ đơn thuần là một phương thức phụ trợ cho hoạt động thực hiện hợp đồng đã được thỏa thuận giữa các bên.

Luồng quan điểm thứ nhất tiếp cận vấn đề từ góc độ các yếu tố xác lập hợp đồng và cho rằng Hợp đồng thông minh là một dạng thức của hợp đồng dân sự, do đó, chịu sự điều chỉnh của pháp luật hợp đồng. Theo quan điểm này, Hợp đồng thông minh về bản chất đã đảm bảo yếu tố đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng (offer – acceptance). Một vấn đề đặt ra là, nếu Hợp đồng thông minh là một dạng của hợp đồng dân sự, quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên nên được chuyển dịch sang mã hóa như thế nào? Có thể thấy rằng một văn bản hợp đồng, đặc biệt là hợp đồng thương mại, sẽ bao gồm nhiều quy định hàm chứa nội dung mang tính chất trừu tượng như: quyền tiếp cận thông tin, quyền bảo mật thông tin, hoặc quy định về minh bạch kinh doanh,… Khi đó, việc mã hóa những quy định trừu tượng này thực sự là một thách thức bởi lẽ có những phạm vi công việc mà máy tính hiện nay chưa thể kiểm soát và theo dõi một cách hiệu quả.

Cụ thể hơn, giả sử rằng hai bên tham gia giao kết hợp đồng với điều khoản bảo mật về việc không tiết lộ bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, một trong hai bên tham gia giao kết hợp đồng “rò rỉ” thông tin bí mật kinh doanh kia cho bên thứ ba với mục đích cạnh tranh không lành mạnh. Trong trường hợp này, nếu thỏa thuận của hai bên được giao kết trên nền tảng hợp đồng thông minh, thì việc quan sát và theo dõi hành vi của các bên sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của chương trình máy tính. Hay nói cách khác, nền tảng blockchain – với đặc tính minh bạch và tiên tiến vượt trội cũng chưa thể là “chiếc phao cứu sinh” cho các bên trong việc ràng buộc nghĩa vụ pháp lý.

Luồng quan điểm thứ hai tiếp cận vấn đề từ góc độ mục đích sử dụng, cho rằng Hợp đồng thông minh chỉ được coi là một phương tiện dùng để thúc đẩy hoặc tự động hóa quy trình thực hiện hợp đồng (software agent). Trong trường hợp này, các bên đã có những thỏa thuận trước và Hợp đồng thông minh chỉ là một chương trình máy tính được thiết kế để thực hiện chính xác các nội dung đã được thỏa thuận đó. Với vai trò là phương thức phụ trợ hợp đồng này, Hợp đồng thông minh có thể được coi là một chương trình máy tính và thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về sở hữu trí tuệ[iv].

Vấn đề cốt lõi cần nhận định rõ ở đây là việc xác định bản chất của hợp đồng thông minh sẽ tùy thuộc vào quan điểm và học thuyết pháp lý mà từng quốc gia theo đuổi. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là các nhà quản lý cần nhìn nhận rõ những lỗ hổng pháp lý” liên quan đến việc ứng dụng hợp đồng thông minh vào thực tế cuộc sống để có các chiến lược quản lý phù hợp.


[i] Smart Contracts, đường link tham khảo tại https://www.investopedia.com/terms/s/smart-contracts.asp

[ii]Andreas Sherborne, Blockchain, Smart Contracts and Lawyers, 12/2017

[iii] Riccardo de Caria, A Digital Revolution in International Trade? The International Legal Framework for Blockchain Technologies, Virtual Currencies and Smart Contracts: Challenges and Opportunity, trang 9

[iv] Upgrading blockchains – Smart contract use cases in industry, Deloitte Insights, 08/06/2016, đường link tham khảo tại đây https://www2.deloitte.com/insights/us/en/focus/signals-for-strategists/using-blockchain-for-smart-contracts.html

Smart Contracts – How will Blockchain Technology Affect Contractual Practices? The Research Institute of the Finnish Economy, ETLA Reports, No 68, 09 January 2017, trang 23

Theo Điều 22, Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, về Quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu

1. Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.

Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)