Hợp tác tài trợ khoa học Anh – Việt: Những góc nhìn mới
Tài trợ cho nghiên cứu thông qua hợp tác quốc tế, thông thường đối tượng thụ hưởng là các nhà khoa học, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, đối tượng thụ hưởng bao gồm cả các cơ quan quản lý nghiên cứu.
TS. Dương Ngọc Tú (Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cùng cộng sự đã triển khai thành công dự án do Quỹ Newton tài trợ “Thực hiện các giải pháp tổng thể để phát triển các sản phẩm có giá trị cao từ cây nghệ (Curcuma longa) tại Việt Nam”. Nguồn: vtc.vn
Có mặt tại Việt Nam được gần 5 năm, Quỹ Newton – chương trình hợp tác phát triển chính thức trong lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Vương quốc Anh, đã đồng tài trợ cho các hoạt động nâng cao năng lực, nghiên cứu và chuyển giao tại Việt Nam với giá trị tài trợ lên tới 8,4 triệu bảng Anh cho gần 400 người, chủ yếu là các nhà khoa học thuộc 81 tổ chức nghiên cứu của Việt Nam và 58 tổ chức nghiên cứu của Anh. Mở ra một kênh hợp tác mới trên 5 lĩnh vực ưu tiên (y tế, nông nghiệp, môi trường và năng lượng, sáng tạo số, đô thị tương lai), Quỹ Newton đem lại cơ hội nhận kinh phí tài trợ cho những nghiên cứu ở tầm quốc tế cho các nhà khoa học Việt Nam thông qua mối hợp tác giữa các bên quản lý, thông thường là một cơ quan Việt Nam và một cơ quan cơ quan tài trợ của Anh.
Nếu mối quan hệ tài trợ chỉ diễn ra đơn thuần giữa một bên sẵn sàng cấp kinh phí và một bên có vốn đối ứng để cùng giải ngân thì thông thường, đối tượng hưởng lợi sẽ chỉ là người được cấp kinh phí – đó cũng là chuyện diễn ra giữa Quỹ Newton và phần lớn các cơ quan Việt Nam trong gần 5 năm qua. Giữa những hoạt động đơn thuần như thế, sự kết nối tài trợ giữa Quỹ Newton với Quỹ Nafosted (Bộ KH&CN) mang màu sắc hoàn toàn khác biệt: Quỹ Newton coi đây là một trong những mối quan hệ hiệu quả nhất, mang tính chủ động nhất tại Việt Nam; còn Quỹ Nafosted coi đây là cơ hội “học hỏi về quản lý và điều hành từ một đối tác đã ở trình độ cao và hoàn thiện nhưng lúc nào cũng mong muốn làm tốt hơn nữa”, như đánh giá của TS Phạm Đình Nguyên, Phó giám đốc Quỹ Nafosted.
Trong mối quan hệ hợp tác này, “dù luôn lắng nghe và học hỏi nhưng Nafosted vẫn giữ được sự chủ động và độc lập của mình”, nhận xét của chị Phan Liên Hương, cán bộ quản lý chương trình Newton tại Việt Nam, cho thấy nỗ lực của Nafosted để không chỉ là “người học việc” mà còn là “người đồng hành”. Vậy đạt được điều này có thật sự dễ dàng?
Học hỏi từ những tương đồng
Với một quỹ ở tầm quốc gia như Nafosted, hoạt động hợp tác quốc tế hiện vẫn còn ở mức khiêm tốn: ngoài hợp tác với 4 tổ chức của Anh là Hội đồng Nghiên cứu Vương quốc Anh, Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh, Viện Hàn lâm Anh quốc, Hội đồng Anh thông qua Quỹ Newton, Nafosted mới kết nối với một số tổ chức khác như Quỹ Flanders (Bỉ), Quỹ Khoa học Đức, Quỹ Khoa học Thụy Điển, Hội đồng nghiên cứu Y tế và sức khỏe quốc gia Úc. Tuy mối quan hệ chưa nhiều nhưng Quỹ Nafosted luôn biết tận dụng cơ hội để học hỏi.
Trong quá trình hợp tác, đại sứ quán (ĐSQ) Anh đánh giá Nafosted là đối tác “ăn ý nhất” bởi chức năng và phương thức tổ chức của Nafosted rất gần với Hội đồng Nghiên cứu Vương quốc Anh (UKRI): cả hai đều là cơ quan tài trợ nghiên cứu chuyên nghiệp và không có nhiệm vụ quản lý nhà nước. Quỹ cũng áp dụng nhiều thông lệ quốc tế tốt trong tài trợ nghiên cứu như tôn trọng ý tưởng nghiên cứu của người đề xuất, thực hiện quy trình quản lý trực tuyến, có phản biện quốc tế trước khi họp hội đồng hỗn hợp và ra quyết định tài trợ chung. Tất cả những điều này góp phần đảm bảo hiệu suất làm việc của cơ quan tài trợ và tạo niềm tin của các tổ chức hợp tác trên cơ sở minh bạch, trung lập và chất lượng trong đánh giá. Theo nhận xét của ĐSQ Anh, việc Quỹ Nafosted chấp thuận cho các nhà khoa học Việt Nam chỉ phải nộp hồ sơ tiếng Anh ban đầu còn nộp hồ sơ tiếng Việt chỉ dành cho những nhà khoa học được cấp tài trợ cho thấy những nỗ lực trong cải thiện thủ tục hành chính và đạt mức quốc tế hóa nhiều hơn của Quỹ.
Đại diện Quỹ Nafosted trong chuyến làm việc tại Viện Hàn lâm Anh quốc năm 2016. Nguồn: Nafosted.
Để có được một quy trình phản biện và cơ chế vận hành theo chuẩn mực quốc tế như vậy, Quỹ Nafosted cũng đã phải mất gần 10 năm kiên trì áp dụng và hoàn thiện. TS. Phạm Đình Nguyên – người có thời gian dài làm công tác nghiên cứu và tiếp xúc với nhiều cơ quan quản lý khoa học của nước ngoài, cho rằng, “về cơ bản thì quy trình đánh giá của mình đã đủ tốt” nên khi vào việc với Quỹ Newton là “mọi thứ gần như bắt nhịp cùng nhau ngay”. Nhiều năm qua, Quỹ Nafosted đã kiên trì áp dụng cơ chế phản biện quốc tế trong lĩnh vực khoa học tự nhiên: mời nhà khoa học nước ngoài tham gia vòng đánh giá hồ sơ đề xuất cùng đồng nghiệp Việt Nam, tuy tỷ lệ mời chưa được như kỳ vọng nhưng cũng cho thấy chủ trương và nỗ lực của Quỹ trong đảm bảo chất lượng tài trợ và mở rộng mạng lưới liên kết.
Tuy tự nhận xét là quy trình đánh giá của Quỹ Nafosted đã ở mức “tương đối tốt” nhưng việc hợp tác với những cơ quan quản lý quỹ có trình độ cao của Anh cũng là cơ hội để Nafosted “học hỏi sự nghiêm túc, khách quan, chuyên nghiệp trong công việc”, TS. Phạm Đình Nguyên nêu. Ví dụ, ở trình độ quản lý và nghiên cứu cao hơn, “họ có cách đánh giá tài trợ rộng, mềm dẻo hơn mình” song điều đó không ảnh hưởng đến chất lượng các đề xuất được tài trợ bởi “các đánh giá, nhận xét của họ rất chi tiết, chất lượng và đủ thông tin để các cơ quan quản lý có thể đưa ra quyết định một cách chính xác nhất”, anh giải thích. Thông thường, cách đánh giá của quỹ tài trợ thuộc các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vừa lỏng lại vừa chặt theo nghĩa quá nhiều thủ tục rườm rà hoặc cứng nhắc về tài chính, về danh mục thành phần vật tư hóa chất phục vụ nghiên cứu (hiếm khi được phép thay đổi nếu chủ nhiệm đề tài điều chỉnh cách làm) nhưng thiếu những nhận xét chuẩn xác về chuyên môn.
Mặt khác, dù đầu tư kinh phí cho các nghiên cứu ở 18 quốc gia đối tác thông qua Quỹ Newton – phần lớn đều là các quốc gia đang phát triển, trình độ khoa học thấp hơn, nhưng Anh không hề lấy đó làm lý do để hạ thấp các tiêu chuẩn tối thiểu trong tài trợ cho nghiên cứu khoa học của mình. Ở lần tài trợ thứ nhất, Quỹ Newton chỉ tài trợ kinh phí cho 5 dự án. Mặc dù có tiếc nuối do một số hồ sơ không được tài trợ “chỉ kém một chút [về chất lượng] so với hồ sơ được tài trợ” nhưng TS. Phạm Đình Nguyên cũng đồng ý với quan điểm của Anh “cần đảm bảo chất lượng tài trợ thật tốt”. Đây cũng là mục tiêu quan trọng mà Quỹ Nafosted tiếp tục hướng tới trong các khâu tổ chức, đánh giá xét chọn, tài trợ của mình.
Học hỏi từ những khác biệt
Quá trình làm việc giữa các cơ quan tài trợ nghiên cứu thuộc hai quốc gia khác nhau không phải lúc nào cũng hoàn toàn ăn khớp, dù tất cả mọi hoạt động đều xoay quanh những công việc giống nhau: nhận hồ sơ online, xét duyệt hồ sơ qua hội đồng khoa học, cấp kinh phí thực hiện.
Nét khác biệt đầu tiên mà đối tác Anh nhận ra trong giai đoạn đầu hợp tác với Quỹ Nafosted là trong xét duyệt tài trợ “có thêm công đoạn thẩm định kinh phí rất mất thời gian mà ở Anh không làm”. Do đó, từ khi thống nhất về mặt nguyên tắc giữa hai bên cho đến khi dự án có thể “chạy được” thì Anh chỉ cần 3 tháng nhằm đảm bảo tính thời sự của nghiên cứu còn ở Việt Nam thì phải mất tới 1 năm.
Câu chuyện chậm giải ngân kinh phí sau khi Quỹ Nafosted phê duyệt đề tài không mới với các nhà khoa học Việt Nam. TS. Phạm Đình Nguyên cho biết, “kinh phí mà Quỹ Nafosted sử dụng để tài trợ khoa học là tiền ngân sách, do vậy để ký được ký hợp đồng tài trợ, sau khi có kết quả đánh giá khoa học còn phải thực hiện thẩm định và phê duyệt tài chính theo các quy định hiện hành, các chủ nhiệm đề tài cũng phải sửa lại dự toán đề tài phù hợp với kinh phí được phê duyệt”. Anh thừa nhận, “do phía đối tác không phải thực hiện những công việc này nên việc ký hợp đồng và giải ngân của họ nhanh hơn”.
Nét khác biệt thứ hai là Việt Nam chưa có cơ chế linh hoạt trong tổ chức các chương trình, các hoạt động liên quan đến nghiên cứu. Nếu phía Anh khá linh hoạt khi thiết kế một chương trình mới, quy mô nhỏ thì với các tổ chức ở Việt Nam, không riêng gì với Quỹ Nafosted, việc tạo dựng một chương trình như vậy thường mất thời gian và muốn “được việc” thường phải dựa vào một chương trình sẵn có. Ví dụ, ngay cả việc tổ chức những hội thảo mang tính thúc đẩy hợp tác, kết nối “làm quen” giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam – Anh để thuận lợi cho tài trợ nghiên cứu thì Quỹ Nafosted cũng lúng túng vì không có quy định nào cho việc tổ chức hoạt động như vậy.
Nét khác biệt thứ ba là trước đó Quỹ Nafosted không áp dụng cơ chế phản hồi giữa những người phản biện với nhà khoa học có hồ sơ được phản biện. Đại diện ĐSQ Anh cho biết, chỉ trong các chương trình hợp tác với Hội đồng Nghiên cứu Vương quốc Anh, các nhà khoa học nộp hồ sơ cho Nafosted mới được nhận thông tin phản biện và đặc biệt, có cơ hội phản hồi những nhận xét đó trước khi hội đồng đánh giá họp phiên chính thức. Theo quan sát của phía Anh, không chỉ Nafosted mà các đối tác Việt Nam đều chưa làm tốt được khâu này.
Giải thích về việc chưa áp dụng cơ chế phản hồi trong xét duyệt, TS. Phạm Đình Nguyên cho biết: “Quy trình đánh giá xét chọn hồ sơ đề tài thông qua Hội đồng khoa học có phản biện ngoài Hội đồng mà Nafosted thường sử dụng (giữ kín thông tin nhận xét phản biện, chỉ dùng cho Hội đồng khoa học) được học hỏi từ Quỹ Khoa học Thụy Sĩ, hiện vẫn là một mô hình đánh giá khoa học tốt mà nhiều quốc gia tiên tiến sử dụng, một số đối tác của Nafosted như Quỹ Khoa học Flanders (Bỉ), Hội đồng nghiên cứu Y tế và sức khỏe quốc gia Úc cũng theo quy trình này. Trong hợp tác với Hội đồng nghiên cứu Anh, Nafosted đồng ý sử dụng cơ chế do Anh đề xuất vì cũng là một phương án tốt và cũng để có thêm kinh nghiệm”.
Tuy nhận thấy còn tồn tại những khác biệt trong quy định quản lý ngân sách, quản lý khoa học và trình độ khoa học giữa hai quốc gia, TS. Phạm Đình Nguyên cho rằng, Quỹ Nafosted có thể hợp tác tốt và học hỏi được một số điều từ đối tác Anh, ví dụ như tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống quản lý trực tuyến để đơn giản các thủ tục hành chính, tăng tính khách quan, khoa học trong quá trình bình duyệt, đánh giá xét chọn và quản lý đề tài. Anh cho biết: “Từ rất sớm, Quỹ đã áp dụng hệ thống quản lý này và thấy rõ hiệu quả nhưng hiện nay, hệ thống quản lý của Quỹ cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung thêm các tính năng như của đối tác”.
Mặc dù chấp nhận những điều tồn tại khi “giản dị là ta chưa có điều kiện [được] như đối tác” nhưng theo TS. Phạm Đình Nguyên, việc hợp tác với các tổ chức tài trợ, hỗ trợ khoa học tiên tiến như Hội đồng nghiên cứu Anh đem lại cho Quỹ Nafosted cơ hội hội nhập quốc tế về quản lý tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học.
Cùng hỗ trợ nhà khoa học Việt Nam và Anh thực tập nghiên cứu ngắn hạn tại nước đối tác trong thời gian từ 1 – 6 tháng, trong 5 lĩnh vực nghiên cứu theo thỏa thuận chung bao gồm: khoa học sức khỏe và khoa học sự sống; Môi trường và an ninh năng lượng; KHXH và nhân văn; Công nghệ nông nghiệp; Kỹ thuật số, đổi mới và sáng tạo.
NAFOSTED – Viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Anh và Viện Hàn lâm Anh
Hợp tác hỗ trợ nhà khoa học Việt Nam và Anh trao đổi nghiên cứu tại nước đối tác trong tối đa 12 tháng trong lĩnh vực kỹ thuật và KHXH và nhân văn.
NAFOSTED – Hội đồng nghiên cứu Anh quốc: Một số hoạt động có sự tham gia của các tổ chức khác tại Đông Nam Á: Quỹ Nghiên cứu Thái Lan (TRF), Quỹ khoa học Indonesia (DIPI)… Hợp tác tài trợ thực hiện các đề tài nghiên cứu từ 2 – 3 năm trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm. + Lĩnh vực tài trợ năm 2016: Ô nhiễm không khí và sức khỏe con người, Tài nguyên nước, Đất than bùn và rừng ngập mặn nhiệt đới. + Lĩnh vực tài trợ năm 2017: Tác động của tai biến thiên nhiên về khí tượng thủy văn (lũ lụt, hạn hán,…), ưu tiên đề tài liên ngành giữa KHTN và kỹ thuật, KHXH và nhân văn.