HPI và những điều chưa nói

Cách đây hơn một tháng, báo chí trong nước đồng loạt giật tít “Việt Nam hạnh phúc thứ năm thế giới”. Tin này làm nức lòng nhiều người Việt, bởi chúng ta vốn vẫn quen thấy đất nước thường chỉ đứng thứ hạng kém trong các bảng xếp hạng quốc tế. Nhưng thực sự các tiêu chí để xếp hạng “hạnh phúc” này là như thế nào và chúng được dựa trên các cơ sở gì? Bài viết này nhằm giải đáp phần nào những câu hỏi này và nêu thêm một số vấn đề khác liên quan.

Ý nghĩa thực của HPI

HPI là tên viết tắt của “Happy Planet Index”, có nghĩa là “Chỉ số hành tinh hạnh phúc”. Chỉ số này được tổng hợp và xếp hạng bởi NEF (New Economics Foundation)1), một tổ chức nghiên cứu độc lập tại Anh quốc. Theo NEF, có ba yếu tố được xét đến khi tính HPI:

   Tuổi thọ trung bình của cư dân

   Mức độ thỏa mãn với cuộc sống của cư dân

    Sự tiêu hao tài nguyên hành tinh

Công thức tính HPI:  Số năm sống hạnh phúc/ Chỉ số tiêu hao tài nguyên

Trong công thức trên:

    “Số năm sống hạnh phúc”: được tính toán dựa trên tuổi thọ trung bình và mức độ thỏa mãn với cuộc sống của cư dân một nước.

   “Mức độ thỏa mãn với cuộc sống”: chính là hạnh phúc theo quan điểm cá nhân, hay chính là “hạnh phúc” theo cách hiểu đơn thuần.

    “Chỉ số tiêu hao tài nguyên”: hay còn gọi là footprint được tính dựa trên GDP bình quân, với logic sau:

+ Mỗi một hecta đất trên hành tinh trung bình sản xuất ra một lượng của cải vật chất nhất định (180 con gà 1,6 kg hoặc 100 kg thịt bò hoặc 70 kg cá v.v.) Theo NEF, một diện tích hành tinh rộng 2,1 hecta là vừa đủ cho nhu cầu sống của một người.

+ Một nước có thu nhập bình quân đầu người cao, đồng nghĩa với việc họ sẽ chi tiêu nhiều hơn, qua đó sử dụng một diện tích đất hành tinh nhiều hơn (Diện tích đất sử dụng ở đây là con số quy đổi, mang tính tượng trưng, không phải là đất đai của một quốc gia).


Chỉ số hạnh phúc hoàn toàn khác với khái niệm hạnh phúc đơn thuần

Ví dụ: Cư dân Nhật có độ tuổi bình quân là 82,3, mức độ thỏa mãn cuộc sống là 6,8, tiêu thụ một tài nguyên đất là 4,9 hecta/người/năm, chỉ số HPI của Nhật là 43,3.

Khi đưa ra thống kê HPI, NEF hướng tới mục tiêu tốt đẹp, đó là khuyến khích cư dân hành tinh “sống xanh” – sống lâu, hạnh phúc và không làm tổn hại tới môi trường, thông qua những dẫn chứng trong bảng xếp hạng – những quốc gia xếp cao nhất như Costa Rica, Jamaica có mức độ thỏa mãn cuộc sống, tuổi thọ trung bình cao, nhưng tiêu thụ ít tài nguyên hành tinh.

HPI cần phải được phân biệt với khái niệm hạnh phúc đơn thuần, đó là sự thỏa mãn với cuộc sống theo quan điểm cá nhân, không phân biệt thu nhập. Mức độ thỏa mãn cuộc sống – hay “hạnh phúc” theo ý nghĩa thực của nó – chỉ là một trong ba chỉ số cấu thành HPI.

Cũng bởi vậy, HPI nên được hiểu là “chỉ số (làm) hành tinh hạnh phúc” thay vì hiểu một cách chung chung là “chỉ số hạnh phúc”. Khi báo chí Việt Nam đăng tít “Việt Nam vào trong top 5 nước hạnh phúc nhất thế giới”, họ đã đồng nhất một phần HPI với tổng thể HPI.

Cách tính HPI và thứ hạng của Việt Nam

NEF cũng có lý khi chọn GDP làm cơ sở tính mức tiêu hao tài nguyên. Bởi những một đất nước có nền kinh tế phát triển thường đi kèm với việc khai thác, sử dụng nhiều tài nguyên cũng như thải ra một lượng CO­2 lớn. Tuy nhiên những lập luận này cũng đã bỏ qua nhiều tiêu chí khác cần phải có:

   Tỉ  trọng công nghiệp/dịch vụ khác nhau giữa các quốc gia. Ví dụ cùng có GDP là 273 tỉ USD (2008) nhưng Thái Lan thu nhập 44,5% từ công nghiệp, 44,1% từ dịch vụ; Phần Lan thu nhập 31,7 % từ công nghiệp, 65,9 % từ dịch vụ.

   Hiện tại đang diễn ra quá trình chuyển đổi sang sử dụng các công nghệ sạch, nguyên liệu sạch, năng lượng tự nhiên ở các nước công nghiệp phát triển.

   Sự di chuyển sản xuất từ các nước giàu hoặc mới nổi sang các các nước đang phát triển thông qua hình thức đầu tư nước ngoài.

    Nhiều nước xuất khẩu nguyên liệu thô thu lợi thấp, trong khi nhiều nước khác không khai thác nguyên liệu trong nước mà nhập khẩu để tinh chế, thu lợi cao hơn.

   Những nước nghèo đói và kém phát triển nghiễm nhiên được hiểu là những quốc gia có footprint thấp nhất.

   Nỗ lực bảo vệ môi trường của nhiều quốc gia (phân loại rác, sử dụng sản phẩm tái chế, sử dụng phương tiện công cộng..) lại không hề được xét đến.

So sánh hai quốc gia xếp hạng gần nhau là Sudan và Luxembourg, ta thấy được những bất cập trong cách tính mức độ tiêu hao tài nguyên, cũng như chỉ số HPI của NEF.

Sự chênh lệch về “hạnh phúc đích thực” thể hiện rất rõ khi ta so sánh tuổi thọ bình quân và độ thỏa mãn cuộc sống của cư dân hai quốc gia trên. Tuy vậy Sudan có footprint chỉ bằng ¼ của Luxembourg. Điểm đáng chú ý khác là hai nước này có lượng khí thải CO2 tương đương nhau (hơn 11 triệu m3 vào năm 2006).  

Quay lại với vị trí thứ 5 của Việt Nam. Hai trong ba tiêu chí để tính HPI của nước ta là độ tuổi trung bình (73,7) và mức độ thỏa mãn cuộc sống (6,7) đều ở mức trung bình khá so với các nước trong bảng xếp hạng. Lý do duy nhất đưa chúng ta lên thứ hạng cao là chỉ số footprint tương đối thấp (1,3). Theo cách hiểu mà NEF đưa ra thì mỗi người Việt Nam hiện chỉ cần sử dụng 1,3 hecta đất hành tinh để thỏa mãn cuộc sống trong một năm, thấp hơn mức cần thiết là 2,1 hecta.

Khác với nhiều nước châu Phi vốn mức tiêu hao tài nguyên thấp bởi họ có nền kinh tế kém phát triển, Việt Nam có một nền kinh tế đang trên đà khởi sắc với mức tăng GDP ấn tượng trong nhiều năm. Cách tính footprint của NEF chắc chắn sẽ trở nên hợp lý hơn khi ta chứng minh được sự tăng trưởng của Việt Nam đi đôi với một mức độ khai thác tài nguyên hợp lý và việc bảo một môi trường sống trong lành cho cư dân, hay nói cách khác là một sự phát triển bền vững.

Thực tế tại Việt Nam

Thực tế chứng minh trong những năm vừa qua, chúng ta gặp phải nhiều vấn đề trong việc quản lý nguồn tài nguyên cũng như việc giữ gìn môi trường. Do khuôn khổ của bài viết, tôi chỉ xin nêu hai ví dụ tiêu biểu cho những vấn đề nêu trên. Thứ nhất là lượng khí thải CO2 trong những năm vừa qua ở Việt Nam, thứ hai là tình trạng ô nhiễm tài nguyên nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo một số liệu vừa công bố mới đây, hôm 16.7.2009 2, Việt Nam hiện đang là nước đứng đầu thế giới về tốc độ tăng lượng khí thải CO2, cụ thể là 10,6%/năm trong thời kì 2000-2005. Tốc độ này có thể không đáng lo ngại, nếu như lượng khí thải của chúng ta thấp, nhưng thực tế lại không phải như vậy.

Theo bảng thống kê “Tỉ lệ giữa GDP và khí thải CO2 của các quốc gia trên thế giới” 3, Việt Nam đang xếp ở nhóm cuối bảng. Theo đó, để làm ra 1 tỉ USD, chúng ta đã thải trung bình 2 triệu m3 khí CO2. Bảng dưới đây so sánh Việt Nam với các nước phát triển (đứng thấp hơn ta nhiều bậc trong bảng xếp hạng HPI của NEF) cũng như một số nước khác ở châu Á:

Quốc gia

Lượng khí thải CO2 (triệu m3)/mức thu nhập 1 tỉ USD

Campuchia

0,105

Thụy Sĩ

0,11

Thụy Điển

0,13

Pháp

0,19

Nhật

0,27

Lào

0,48

Singapore

0,49

Hàn Quốc

0,68

Việt Nam

2,00

Iran

2,69

 

Về mức độ ô nhiễm nguồn nước ở ĐBSCL, mới đây Chi cục Bảo vệ môi trường Tây Nam Bộ đã thống kê rằng có tới 90% chất thải rắn (trên tổng số 3,7 triệu tấn) không được thu gom hay bị đổ ra kênh rạch không qua xử lý.

Qua đó có thể thấy rằng, dù rất đáng vui mừng với những thành tựu kinh tế đã đạt được, nhưng chúng ta vẫn còn phải cố gắng rất nhiều để không đi chệch khỏi xu hướng phát triển bền vững của thế giới. Tham khảo những thống kê quốc tế như HPI là điều cần thiết, tuy nhiên cũng cần phải nghiên cứu kĩ các tiêu chí xếp hạng của họ và đối chiếu với tình hình thực tế ở nước ta để có được đánh giá khách quan. Có vậy, chúng ta mới tránh được những ngộ nhận không cần thiết và có chiến lược phát triển phù hợp với thực tế hơn.

Chú thích:

1)  Toàn văn thống kê HPI của NEF: http://www.happyplanetindex.org/learn/download-report.html

2)  Hội nghị cải tạo nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm chi phí trong các tòa nhà, các cơ sở công nghiệp do Quỹ William J.Clinton phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường TP.HCM tổ chức

3) Căn cứ trên “World Economic Outlook Database”

Tác giả