Hướng đến thế hệ khởi nghiệp mới

Sau khi xây dựng nền tảng khởi nghiệp tại các trường đại học và các công viên phần mềm, Chính phủ Đài Loan tập trung cho các startup và các vườn ươm tư nhân – nơi hình thành một thế hệ khởi nghiệp mới, bắt kịp với xu hướng thế giới.

Ươm tạo từ nguồn lực sẵn có

Từ năm 1996 đến 2008, Chính phủ Đài Loan tập trung cho những nơi nhiều nguồn nhân lực khoa học, các phát minh, sáng chế và những kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa với mục tiêu chính là khích lệ tinh thần khởi nghiệp ở cộng đồng.

Theo đó đến nay, Đài Loan có 140 trung tâm ươm tạo (incubator) và 81% trong số đó thuộc về các trường đại học. Những incubator trong trường đại học được hỗ trợ 50%-70% chi phí vận hành từ ngân sách nhà nước thông qua những chương trình khuyến khích khởi nghiệp từ các bộ, ban, ngành. Trong đó hỗ trợ chính là Bộ Kinh tế thông qua Quỹ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME Development Fund) với hơn 100 trung tâm ươm tạo. Theo đó, tất cả các trường đại học đều có thể viết đề xuất xin hỗ trợ xây dựng trung tâm ươm tạo hoặc các trung tâm tăng tốc khởi nghiệp (accelerator). Tuy nhiên, chỉ một số ứng cử viên được lựa chọn và kinh phí chỉ được cấp năm một. Nghĩa là, nếu muốn được hỗ trợ vào năm sau, họ phải tiếp tục cạnh tranh nhận tài trợ bằng cách viết đề xuất, báo cáo về hiệu quả hoạt động của mình.

Ngoài các trường đại học, Chính phủ Đài Loan còn đầu tư cho tất cả các khu công viên phần mềm lớn thông qua SME Development Fund để xây dựng các trung tâm ươm tạo. Mặc dù đóng vai trò hết sức tích cực như vậy trong việc hỗ trợ kinh phí nhưng chính phủ sẽ lựa chọn công khai các tổ chức tư nhân có kinh nghiệm về hỗ trợ khởi nghiệp để điều hành những trung tâm ươm tạo này.   

Những chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo và các hoạt động khởi nghiệp của Đài Loan khởi đầu vào năm 1996 và tập trung vào ba nội dung: ươm tạo; cung cấp kiến thức và thông tin khởi nghiệp; hỗ trợ tài chính cho các startup thông qua việc thúc đẩy xây dựng và phát triển các trung tâm ươm tạo trên toàn lãnh thổ Đài Loan. Chức năng của các trung tâm này là cung cấp những dịch vụ cơ bản như cung cấp không gian làm việc, thiết bị, máy móc, phòng thí nghiệm; tư vấn về mặt công nghệ; tư vấn, đào tạo về quản trị, kinh doanh cho các startup; giới thiệu các quỹ đầu tư; hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính…

Bên cạnh đó, vào năm 2003, Bộ Kinh tế Đài Loan cũng xây dựng “Đại học Online cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ” đóng vai trò như một nền tảng thông tin về khởi nghiệp và cho phép tất cả các sinh viên có thể truy cập miễn phí. Đến năm 2012, có hơn 12 triệu người truy cập đại học ảo này và mỗi lượt truy cập kéo dài hơn 40 phút với hơn 1.100 khóa học về kinh doanh và 257 video chia sẻ của những nhà khởi nghiệp thành đạt.

Những điều trên giúp cho các startup được tiếp cận với hỗ trợ và định hướng về mặt công nghệ, kinh doanh và kêu gọi vốn, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung về khởi nghiệp và ươm tạo doanh nghiệp.


Thay đổi tư duy cũ, hướng đến các công nghệ mới

Đài Loan được biết đến là nơi đứng thứ hai trên thế giới về ngành công nghiệp bán dẫn với những tập đoàn thiết kế và sản xuất linh kiện bán dẫn và chipset nổi tiếng như TSMC*, MediaTek (đối tác của Qualcomm*), Foxconn (đối tác của Apple). Ngoài ra, những thương hiệu công nghệ xuất xứ từ Đài Loan như Acer, Asus, HTC… đều là những tập đoàn chuyên về phần cứng (hardware).
Những xu hướng khởi nghiệp trên thế giới trong lĩnh vực internet như mạng xã hội, dữ liệu lớn…; phần cứng như các thiết bị thông minh – vạn vật kết nối (internet of things) và các mô hình kinh doanh khác biệt xuất phát từ nền kinh tế chia sẻ bắt đầu manh nha ở Đài Loan vào giữa những năm 2000. Tuy nhiên, tư duy của cộng đồng khởi nghiệp Đài Loan, đặc biệt là những trung tâm ươm tạo truyền thống trong các trường đại học và các công viên phần mềm không dễ thay đổi để bắt kịp với những xu hướng mới. Ví dụ, khoảng 70% startups trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại những trung tâm ươm tạo này vẫn đi theo hướng sản xuất các thiết bị phần cứng đã quá phổ biến. Fox Hsiao, đồng sáng lập INSIDE – một trong bốn công ty truyền thông internet lớn nhất Đài Loan – cho biết, điểm yếu của cộng đồng khởi nghiệp Đài Loan là “bảo thủ”, thiên về sản xuất phần cứng (nhưng công nghệ ít đột phá) và sản phẩm chủ yếu phục vụ thị trường trong nước chứ không dám thử thách với lĩnh vực mới, hướng đến thị trường toàn cầu. Theo Fox, những ngành mới thuộc lĩnh vực internet thường khó thuyết phục những quỹ đầu tư  mạo hiểm và các nhà đầu tư thiên thần ở Đài Loan vì họ “không biết định giá thế nào” do đã quen với tư duy định giá các thiết bị phần cứng.

Chính phủ Đài Loan đã nhận ra hai điểm yếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp của mình và khắc phục bằng cách tập hợp và đầu tư cho thế hệ khởi nghiệp mới của Đài Loan – những người trẻ năng động, hiểu rõ những xu hướng của ngành công nghệ thế giới.

Chính phủ hợp tác với những vườn ươm hoàn toàn sử dụng vốn tư nhân thay vì dàn trải ngân sách cho các trường đại học và công viên phần mềm như trước. Chúng tôi đã đến thăm hai trong ba trung tâm ươm tạo tư nhân của Đài Loan là Garage+ và Appworks, được điều hành bởi những nhà khởi nghiệp đang ở lứa tuổi 30. Họ cho biết, những cơ quan hỗ trợ khởi nghiệp của chính phủ đã tới đề xuất cộng tác với họ để tăng cường hiệu quả hoạt động của những trung tâm ươm tạo trong các tổ chức công lập. Sắp tới, các vườn ươm cũ sẽ thay đổi phương thức lựa chọn các startup và cung cấp những dịch vụ mới để thu hút nhân tài và xây dựng những startup có quy mô thị trường toàn cầu.

Bên cạnh đó, Đài Loan cũng có hai quỹ đầu tư mạo hiểm là Angel Fund và quỹ của Hội đồng Phát triển Quốc gia (National Development Fund – NDF) để đầu tư đối ứng cho các startup trong lĩnh vực internet cùng với các quỹ đầu tư quốc tế. Quỹ NDF trị giá 400 triệu USD hiện đã đầu tư 83 triệu USD vào bốn quỹ đầu tư mạo hiểm của Đài Loan, trong đó trung tâm ươm tạo/quỹ đầu tư mạo hiểm AppWorks được đầu tư 12 triệu USD, đổi lại là 30% cổ phần. NDF sẽ đầu tư cho các startup trong lĩnh vực internet, có tiềm năng phát triển thành quy mô toàn cầu hoặc có mô hình kinh doanh đặc sắc thông qua một chương trình mới được tổ chức vào đầu năm nay gọi là Taiwan Startup Stadium (TSS – Sân vận động của Startup Đài Loan). Trụ sở của TSS, được cải tạo lại từ sân bóng đá Zhongshan với hơn 20.000m2 sẽ là một co-working space cho các startup của Đài Loan và quốc tế cùng làm việc và tổ chức các sự kiện khởi nghiệp lớn. Khác với mô hình accelerator hoặc incubator của tư nhân và các trường đại học, mục tiêu của TSS là đưa các startup mở rộng quy mô và cọ xát với thị trường thế giới.

Dự kiến TSS có khoảng 10 chương trình hướng đến việc xây dựng cộng đồng, cung cấp thông tin và các khóa huấn luyện các startup. Điều hành TSS đều là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực Internet. Hiện nay, TSS có hơn 50 mentors- là những người có kinh nghiệm khởi nghiệp và đồng sáng lập thành công nhiều công ty trong lĩnh vực mới và điều hành các quỹ đầu tư mạo hiểm. Bên cạnh đó, các chương trình huấn luyện khởi nghiệp và kêu gọi vốn của TSS sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn (hai tuần) và chỉ sử dụng tiếng Anh với những người đứng đầu các quỹ và trung tâm ươm tạo quốc tế (như 500Startups và Y Combinator). Sau khi hoàn thành những khóa học này, sẽ có 4-12 startup được lựa chọn để tới các incubator hoặc các sự kiện khởi nghiệp lớn trên thế giới để học tập và làm việc.

* Chỉnh sửa lại so với trên bản in là TMSC và Qualcom

Tác giả