Hướng tới sự tối ưu, mang lại sự tiện nghi, văn minh tiêu dùng cho người Việt Nam
Việc nghiên cứu, thiết kế và sản xuất trong nước các sản phẩm thiết bị vệ sinh thông minh, và sắp tới là hệ thống nhà thông minh Smart Home của Bkav Smart Home là một minh chứng về Việt Nam (VN) có khả năng nắm bắt công nghệ lõi để làm ra các sản phẩm công nghệ cao, hướng tới sự tối ưu, mang lại sự tiện nghi, văn minh tiêu dùng cho người VN. Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Thanh Thắng, giám đốc Bkav Smart Home, tác giả của công trình, hệ thống nhà thông minh
Những ý tưởng nghiên cứu và sản xuất bộ sản phẩm tự động trong phòng vệ sinh thông minh tại Việt Nam xuất hiện như thế nào?
Năm 2002, trong những chuyến đi công tác Nhật Bản, anh Nguyễn Tử Quảng đã chứng kiến các hệ thống tự động rất hiện đại, sử dụng thiết bị thân thiện với môi trường, anh đã nuôi ý định phải sản xuất những sản phẩm như thế ở VN. Vậy là chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu phát triển sản phẩm. Năm 2005, sản phẩm van xả nước thông minh đầu tiên của Smart Home được đưa ra thị trường.
Với những sản phẩm đầu tiên chúng tôi phải mất đến 2 năm để nghiên cứu và sản xuất. Đến nay, chu kì một sản phẩm mới từ lúc nghiên cứu đến khi ra đời chỉ còn 6 tháng.
Những sản phẩm tự động đã được người tiêu dùng đón nhận như thế nào?
Rất nhiều người không tin là VN có thể làm được những sản phẩm như thế này. Thậm chí trong buổi lễ ra mắt, có người còn đến “hỏi thật” tôi là sản phẩm nhập ở đâu, hoặc giỏi lắm cũng chỉ là lắp ráp tại VN.
Điều này cũng dễ hiểu, vì VN vốn chưa chú trọng phát triển các sản phẩm công nghệ cao. Nhưng đấy cũng lại là một động lực cho mình khẳng định vị trí, làm thay đổi quan niệm xã hội.
Những loại sản phẩm này đã được nhập khẩu về VN bởi các thương hiệu lớn và đã định vị trên thị trường. Làm thế nào những sản phẩm VN tìm được chỗ đứng?
Ở đâu đó trên thị trường các bạn có thể thấy những sản phẩm tương tự, tuy nhiên không có nhà sản xuất nào có đồng bộ các sản phẩm thiết bị thông minh như Smart Home. Chúng tôi có ưu thế ở thị trường VN, khi đi tiên phong trong việc làm chủ công nghệ thiết kế và sản xuất, đưa ra các giải pháp hệ thống phù hợp với nhu cầu sử dụng công nghệ của cuộc sống. Đặc biệt, sản phẩm được ưa chuộng như van xả thông minh của Bkav Smart Home chiếm tới 75% thị phần miền Bắc, 60% thị phần miền Nam.
Đồng thời, ưu điểm của Smart Home là chế độ chăm sóc khách hàng tốt. Nếu dùng sản phẩm của nước ngoài mà gặp hỏng hóc, trục trặc, rất khó để tìm phụ kiện thay thế ngay, phải chờ nhập khẩu có khi mất đến vài tháng trời. Còn với Smart Home chỉ mất 30 phút sau khi gọi điện thông báo cho bộ phận chăm sóc khách hàng.
Nếu xét về tố chất con người, người Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó… không thua kém bất cứ dân tộc nào. Chỉ có điều, con người mình phải được đặt vào môi trường như thế nào thì mới phát triển tốt được. |
Những sản phẩm này có đặc điểm gì để khắc phục điều kiện tự nhiên ở VN?
Những sản phẩm điện tử chịu tác động rất lớn của môi trường độ ẩm cao. Bạn biết đấy, ở Việt Nam, những khi trời nồm hiện tượng “đổ mồ hôi” có thể làm hư hỏng nhiều thiết bị điện tử. Chúng tôi phải nghiên cứu, thiết kế sản phẩm có độ bền cao, phù hợp với khí hậu VN, chẳng hạn như việc thiết kế một lớp keo dày để tránh bị nước vào.
Những người nghiên cứu và sản xuất loại sản phẩm công nghệ này đã theo đuổi triến lý phát triển như thế nào?
Đó là hướng tới sự tối ưu, mang lại sự tiện nghi, văn minh tiêu dùng cho người VN.
Cho đến nay, nhiều người vẫn nghĩ những sản phẩm tự động như vậy là rất xa xỉ và đắt đỏ, chỉ dành cho tầng lớp người giàu có. Nhưng những sản phẩm Smart Home có mức giá bán ra thị trường chỉ bằng 20-30% giá sản phẩm nhập khẩu, với chất lượng tương đương.
Phương châm của chúng tôi là mang lại sự tiện nghi cho xã hội, nên phải làm sao để có mức giá phù hợp nhất cho mọi người, để trong thời gian tới các sản phẩm, thiết bị thông minh sẽ được sử dụng rộng rãi trong đời sống.
Được biết đầu năm 2011, công ty sẽ chính thức cho ra mắt hệ thống nhà thông minh Smart Home. Vậy hệ thống này được hiểu như thế nào?
Đây là hệ thống các thiết bị điện tử gia dụng được kết nối với nhau thành mạng thiết bị và hoạt động theo các kịch bản tùy biến nhằm tạo ra môi trường sống tiện nghi, an toàn, tiết kiệm năng lượng.
Một hệ thống nhà thông minh cơ bản bao gồm: Máy tính điều khiển trung tâm để kết nối các thiết bị với nhau và điều khiển toàn bộ hệ thống nhà; thiết bị Client, có thể là điện thoại di động, máy tính bảng (Tablet)… để điều khiển và tương tác với ngôi nhà; các thiết bị gia dụng đầu cuối là những vật dụng điện tử trong gia đình như: điều hòa, rèm, mành, hệ thống đèn, quạt thông gió, ti vi, lò vi sóng, bếp ga…
Người sử dụng sẽ tương tác với các thiết bị này ra sao?
Người dùng sẽ tương tác trên giao diện các máy tính bảng (Tablet), hoặc sử dụng điện thoại di động.
Giao diện màn hình cảm ứng của các thiết bị này được thiết kế sử dụng đồ họa 3D với công nghệ điều khiển trực quan, mô phỏng lại toàn bộ ngôi nhà cùng các thiết bị trong gia đình. Công nghệ này giúp chủ nhân dễ dàng điều khiển các thiết bị như đang sử dụng thực tế.
Chẳng hạn, muốn mở rèm cửa ở phòng khách, người dùng chỉ cần di chuyển đến khu vực này trên màn hình cảm ứng và ra lệnh mở rèm theo vị trí mong muốn.
Chủ nhân của hệ thống nhà thông minh có thể kiểm soát, điều khiển ngôi nhà cũng như các thiết bị trong nhà bằng nhiều phương tiện như: điện thoại di động, laptop… thông qua việc sử dụng các công nghệ kết nối Wifi, 3G, SMS, GPRS…
Hệ thống chiếu sáng thông minh của ngôi nhà, được thiết kế để có khả năng hoạt động tự động hoàn toàn, tùy biến điều chỉnh ánh sáng, màu sắc… theo sở thích của người sử dụng.
Hệ thống giám sát môi trường trong ngôi nhà thông minh liên tục cập nhật các thông số về nhiệt độ, độ ẩm, lượng oxy… của từng khu vực trong ngôi nhà, đưa ra chế độ thích hợp đến các thiết bị như: điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, quạt thông gió… nhằm duy trình trạng thái môi trường tốt nhất trong toàn bộ ngôi nhà.
Hệ thống giải trí đa phương tiện Multi Media giúp chủ nhân quản lý các thư viện âm nhạc, phim, ảnh của mình theo sở thích đồng thời lựa chọn các chế độ phát nhạc, chiếu phim… theo các khoảng thời gian trong ngày.
Hệ thống an ninh nắm giữ vai trò quan trọng, kiểm soát các nguy cơ cháy, nổ, bị xâm nhập trái phép… Hệ thống này bao gồm các thiết bị: kiểm soát vào ra (Access Control System – ACS), cảm biến phát hiện người, cảm biến phát hiện kính vỡ, hệ thống camera ghi hình (IP Camera), hàng rào điện tử…
Một hệ thống nhà thông minh hoàn chỉnh đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ, toàn diện của tất cả các thiết bị điện tử trong nhà như: cửa sổ, rèm, mành, máy bơm, lò vi sóng, máy giặt, tủ lạnh… và được lập kịch bản hoạt động để tạo sự tiện nghi, an toàn và tiết kiệm năng lượng.
Thông qua một hệ thống mạng, các kết nối thiết bị nhận lệnh điều khiển từ Home Server theo kịch bản đã được cấu hình trước. Chẳng hạn, khi có mưa bão, cửa sổ có thể tự đóng, dây phơi tự thu vào; Bình nước nóng tự bật đun nước trước buổi sáng hoặc trước giờ tan tầm; Hệ thống tưới cây tự động hoạt động theo giờ; Bể cá tự tắt/bật đèn, máy lọc nước và cho cá ăn…
Có khi nào sản phẩm của công ty bị khách hàng từ chối vì… giá rẻ? Người VN cũng có tâm lý cái “sang trọng” phải đồng nghĩa với đắt tiền.
Có. Từng có những công trình nhận báo giá thấy rẻ bất ngờ và đã từ chối. Họ yêu cầu những thiết bị nhập khẩu với giá 7-8 triệu/sản phẩm, trong khi sản phẩm của chúng tôi có mức giá chỉ bằng 20-30%. Sở dĩ hàng nhập có giá cao vì khi phân phối phải chịu thuế nhập khẩu, số lượng nhập ít, chi phí bảo hành cao khi phải chuyển ra nước ngoài bảo hành, cũng như mức lợi nhuận phân phối cao.
Thói quen sử dụng của người VN có ảnh hưởng đến việc điều chỉnh các tính năng của sản phẩm?
Người tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn mang nặng tư tưởng chuộng hàng ngoại. Cứ hàng nhập khẩu, nhãn hiệu nước ngoài là tốt. Vì thế, các sản phẩm được sản xuất trong nước dù chất lượng ngang ngửa, thậm chí còn tốt hơn sản phẩm của nước ngoài nhưng vẫn phải gánh những thành kiến nhất định.
Ví dụ, các sản phẩm sử dụng pin của Smart Home có thời gian sử dụng là 3 năm mới phải thay pin, trong khi các sản phẩm cùng loại khác của nước ngoài chỉ trong khoảng 6 tháng đến 1 năm. Để tăng độ bền của pin được như vậy, chúng tôi phải tối ưu hóa chu trình hoạt động của thiết bị cũng như sử dụng các nghệ mới nhất như công nghệ siêu tiết kiệm năng lượng NanoWatt.
Xin cám ơn ông.
Linh Nguyễn thực hiện
Xu hướng xây nhà thông minh trên thế giới
Nếu trước những năm 1970, khoảng 85% chi phí đầu tư xây dựng một tòa nhà là dành cho phần xây thô, 15% dành cho vật tư cơ điện (M&E); thì đến cuối thế kỉ 20, chi phí xây thô và M&E mỗi phần chiếm 50%. Nhưng từ những năm 2000, tỉ lệ cả hai phần xây thô và M&E chỉ còn chiếm 80%; 20% còn lại dành cho hệ thống thông tin, truyền thông và hệ thống điều khiển, giám sát tòa nhà. |