IMF: vị cứu tinh duy nhất cho cuộc khủng hoảng Brazil

Brazil sẽ phải cầu viện đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các lãnh đạo của quốc gia này càng sớm nhận thức được thực tế khắc nghiệt đó thì thế giới sẽ càng được an toàn hơn.

Cuộc khủng hoảng kép cả về chính trị và kinh tế đã đi đến ngưỡng không thể vãn hồi. Chính phủ đang bị đóng băng. Bộ tài chính đã làm mất lòng tin của các nhà đầu tư trong nước cũng như của các thị trường toàn cầu.

Vòng xoáy nợ nần đang tăng tốc trong khi hầu như không có biện pháp đối phó nào khả dĩ. Không mấy người tin rằng Đảng Công nhân cầm quyền có khả năng – hoặc, trong trường hợp đó, sẵn sàng – thực thi những biện pháp quyết liệt cần thiết để phá vỡ cái bẫy chính sách hiện nay; hầu hết đều cho rằng vào thời điểm muộn màng này, dù cố gắng nhưng Đảng Công nhân khó có thể đáp ứng được nhu cầu cấp thiết trước mắt.

Raul Velloso, cựu thứ trưởng bộ kế hoạch Brazil, cho biết: “Cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra với quy mô lớn, có khả năng đẩy đất nước quay trở lại tình trạng siêu lạm phát. Mọi biến số nợ hiện đều đi chệch hướng. Ngày càng có ít người tin rằng chính phủ có thể quản lý được các khoản nợ của mình. Chúng tôi đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.” Hiện nay 3/4 ngân sách đang bị vô hiệu hóa và “mắc kẹt” trong các khoản chi trả phúc lợi cũng như các hoạt động giao dịch trong vùng.

Khối nợ đang leo thang tại Brazil. Nguồn: Ngân hàng nhà nước Brazil

Trong khi đó, tổng thống Dilma Rousseff đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc; nhưng dù bà thắng hay thua trong những tháng tới, quốc hội Brazil cũng đã trở nên quá phân tán và giận dữ trước thực tế thâm hụt ngân sách đang ở mức trên 10% GDP.

Arminio Fraga, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Brazil, cho biết: “Tôi có cảm tưởng rằng không ai muốn thực thi bất kỳ biện pháp nào táo bạo hay muốn có những sự hy sinh đánh đổi nào cả. Brazil lâm vào tình cảnh hiện nay là do mở rộng tín dụng và tài chính quá mức, đến khi giật mình nhìn lại thì đất nước đã bị tê liệt với một mô hình kinh tế vô phương cứu chữa. Đây là một bi kịch về kinh tế.”

Ông Fraga cho rằng sự sụp đổ này của Brazil là một điều hết sức đáng buồn, bởi đất nước dường như đã đi đúng hướng dưới thời tổng thống Luis Inacio da Silva, hay Lula như người dân trong nước vẫn gọi.

Tuy nhiên, trong một diễn biến mới đây, ngay cả Lula cũng trở thành đối tượng bị điều tra hình sự trong vụ bê bối rửa tiền Lava Jato. Ban đầu, đây chỉ là một cuộc điều tra về việc các lãnh đạo hãng dầu mỏ quốc doanh khổng lồ Petrbras nhận hối lộ để giao những hợp đồng đã được thổi phồng giá cho các hãng xây dựng rồi dùng số tiền thu về “cống nạp” cho Đảng Công nhân; nhưng trong một cuộc thanh trừng quy mô lớn, cuộc điều tra này đã nhanh chóng mở rộng phạm vi liên đới tới rất nhiều nhân vật chính trị hàng đầu ở Brazil.

Xét từ một góc độ, vụ án này là minh chứng ấn tượng cho thấy sự độc lập của pháp luật, nhưng không ai biết cuộc điều tra sẽ diễn tiến ra sao nên người dân đang dần tỏ ra mệt mỏi. Tuần trước bộ trưởng bộ tư pháp Brazil đã từ chức do những bất mãn trước việc Đảng Công nhân gây sức ép để buộc ông phải kiểm soát vụ việc này.

Rui Falcão, chủ tịch Đảng Công nhân, nhận xét một cách hài hước rằng các quyền cơ bản của người dân hiện đang bị xâm phạm bởi các công tố viên nằm ngoài vòng pháp luật. Ông nói: “Chẳng mấy chốc chúng ta sẽ thấy người ta bãi bỏ quyền bảo hộ nhân thân. Nền dân chủ của đất nước đang bị đe dọa rồi.”


Dilma đã để mất cơ hội cuối cùng giành lại niềm tin của thị trường khi cánh tay phải của bà, Joaquim Levy, bỏ cuộc sau một năm ở cương vị bộ trưởng tài chính do không chịu nổi tình trạng trì trệ trong nội các.

Tình trạng mất niềm tin vào chính phủ Brazil đã trở nên trầm trọng tới mức chính phủ của bà Dilma sẵn sàng lấy lại niềm tin bằng mọi giá. Và IMF là con đường thoát thân duy nhất trong thế bế tắc hiện nay.

Sự cần thiết của IMF không xuất phát từ việc Brazil cần phải được “bơm” một nguồn tiền gấp rút để có thể duy trì hoạt động – rõ ràng tình huống này chưa đến mức ấy; vấn đề nằm ở chỗ quốc gia này đang bị kẹt trong một vòng xoáy luẩn quẩn và vòng xoáy này khó có cơ dừng lại nếu không có được cái uy tín “đi vay” từ một tổ chức quốc tế.


 
Brazil đang phải trả lãi suất ngày càng cao cho các khoản nợ của mình


Ernesto Talvi, giám đốc chương trình Brookings-CERES khu vực châu Mỹ Latin, cho hay IMF là giải pháp “đỡ tồi tệ” nhất trong số những giải pháp tồi tệ mà Brazil có được hiện nay.

“Những phương án còn lại là gia tăng lạm phát để làm giảm giá trị thực chất của các khoản nợ, hoặc để kinh tế vận động theo chiều xoáy trôn ốc ngược để qua đó tái cơ cấu nợ,” ông nói.

Đảng Công nhân không muốn “khom lưng quỳ gối” trước IMF – trong con mắt của những người theo cánh tả ở châu Mỹ Latin, IMF là tổ chức hậu thuẫn nhiệt tình nhất cho “chủ nghĩa tư bản tân tự do” và là “tay sai” của các ngân hàng trên toàn cầu. Cách đây 18 tháng, Dilma khẳng định: “IMF sẽ không bao giờ có thể kiểm soát nền chính trị Brazil lần nữa.” Nhưng trong tình hình hiện nay, có thể bà sẽ phải rút lại lời nói của mình.

Theo ông Talvi, Brazil không còn lựa chọn nào khác. Ông nói: “Trong chính trị, có những lúc cái bất khả lại là điều không thể tránh khỏi. Chẳng sớm thì muộn, họ cũng sẽ phải nhận ra rằng IMF là lối thoát hiểm duy nhất.”

Đối với thế giới, đây là một vấn đề cấp thiết. Brazil hiện là nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latin nên cơn “đổ bệnh” của quốc gia này có thể sẽ lây lan sang các thị trường mới nổi khác và gây ra một cuộc biến động có hệ thống về tài chính.


“Các nhà đầu tư đã cảm thấy hoảng sợ rồi. Bất kỳ điều gì xảy đến với Brazil đều có thể sẽ tạo nên một cuộc “tháo chạy” khỏi các thị trường mới nổi,” ông Talvi cho biết.

Theo ông Talvi, cần có một gói cứu trợ sớm từ IMF nhằm đáp ứng các nhu cầu vay mượn của Brazil trong hai năm – giải pháp này sẽ giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng leo thang đồng thời tạo ra một chu kỳ mới tích cực hơn giúp hạ thấp các khoản nợ và tránh được nguy cơ vỡ nợ.

Nhưng Brazil khó lòng mà vật lộn qua được giai đoạn này. Tình trạng lạm phát đình đốn đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Tỉ lệ lạm phát đã tăng lên gần 11%, mức cao kỷ lục trong 13 năm qua, nhưng ngân hàng trung ương không thể làm gì bởi nền kinh tế đang ở vào trạng thái rơi tự do. Năm ngoái, sản lượng kinh tế giảm 3,8%. Theo dự đoán của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năm nay sản lượng có thể giảm thêm 4% nữa.

Chỉ tính riêng trong hai tháng trở lại đây, doanh số bán ô tô đã giảm tới 31%. Thị trường lao động ở Brazil tưởng chừng như có sức “đề kháng” tốt hơn nhưng hiện cũng đang bất ngờ sụp đổ; tính trung bình mỗi tháng Brazil đang mất đi 150.000 việc làm.

Với những ai theo dõi cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro, tình trạng hiện nay ở Brazil không có gì quá ngạc nhiên. Đây là cuộc suy thoái nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới cơ sở thuế. Chỉ áp dụng một biện pháp duy nhất là thắt chặt tài chính sẽ gây ra nhiều hệ quả hơn nữa, bởi nó sẽ đẩy nhanh đà trượt dốc của nền kinh tế và gia tăng mức độ thâm hụt của nền kinh tế.

“Nguy cơ quốc gia” của Brazil đã đẩy tỉ lệ lãi suất thực trên một khoản vay 10 năm lên 7%. “Nếu tiếp tục vay nợ với mức lãi suất này, họ sẽ thành tự sát mất. Các khoản trả nợ lãi đang gia tăng nhanh chóng, đặt Brazil vào một quỹ đạo mất bền vững.”


“IMF là ngân hàng trung ương và là nguồn vay mượn khi các thị trường mới nổi đi vào bước đường cùng bởi họ không thể tự in tiền. IMF cần làm cho Brazil như Ngân hàng Trung ương châu Âu đã làm cho Tây Ban Nah và Bồ Đào Nha,” ông nói.

Việc Brazil đang tiến gần đến mô típ của hai quốc gia trên ở cấp độ nào vẫn còn là điều đang bàn cãi, nhưng chắc chắn là Brazil đang tịnh tiến theo hướng đó. Chỉ trong hai tuần qua đã có tới năm viện nghiên cứu ở Brazil đưa ra lời cảnh báo rằng quỹ đạo nợ của nước này đang diễn tiến nguy hiểm.

Moody’s, Standard & Poor’s, và Fitch đều đã đồng loạt hạ bậc xếp hạng tín dụng của Brazil xuống mức rác, gây ra phản ứng dây chuyền cho các công ty quốc doanh như Petrobras, Banco do Portugal, Caixa cũng như các công ty có vay nợ bằng đô la.

Moody’s dự đoán rằng nợ công của Brazil sẽ đạt mức 80% GDP trong năm tới – đây là một con số rất cao đối với một nền kinh tế châu Mỹ Latin với thị trường trái phiếu èo uột. Affonso Pastore, cựu thống đốc ngân hàng trung ương, thậm chí còn sợ rằng con số này sẽ phải là 90%.

Trước đây, Brazil thường vẫn gặp rắc rối vì vay mượn quá nhiều bằng đô la, từ đó dẫn tới nhiều cuộc khủng hoảng tiền tệ, khiến quốc gia này phải tìm đến IMF. Tuy nhiên, lần này phần lớn các khoản nợ của quốc gia này lại bằng đồng reais. Như vậy, đây là một cuộc khủng hoảng nợ trong nước.

Brazil hiện có 371 tỉ đô la dự trữ ngoại hối. Về lý thuyết, số tiền này đủ để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng bên ngoài trong một thời gian dài. Tuy nhiên, không nhờ thế mà Brazil được “miễn nhiễm” hoàn toàn trong vấn đề này. Các khoản nợ nước ngoài ngắn hạn hiện đã vượt hơn so với số tiền dự trữ khả dụng (khoản tiền này trên thực tế còn thấp hơn so với con số thông báo bởi ngân hàng trung ương Brazil đã lấy ra 115 tỉ đô la để thực hiện các trao đổi ngoại tệ).

Cho tới giờ, những sai lầm mà Brazil mắc phải đã được nhiều người biết đến. Brazil phát triển dựa trên chu kỳ hàng hóa phồn thịnh, họ cung cấp quặng sắt và vật liệu thô cho Trung Quốc; họ lệ thuộc vào một mô hình phát triển lỗi thời mà bản thân Bắc Kinh đã muốn chối bỏ. Họ để mặc cho tiền tệ gia tăng tới những ngưỡng nực cười từ đó bóp nghẹt hoạt động sản xuất – một hiện tượng đã được đưa vào sách với tên gọi “Căn bệnh Hà Lan.”

Chính sách tài chính quá lỏng lẻo, khiến ngân hàng trung ương phải thắt chặt đồng tiền. Các quỹ đầu tư nước ngoài thi nhau rót tiền vào Brazil để mong thu được lãi suất. Đó là công thức chung cho những loại tiền tệ mỗi lúc một mạnh hơn. Tổng thống Dilma phải viện đến các rào cản bảo hộ để ngăn chặn xu hướng này. Khi tình thế thay đổi và đồng real sụp đổ – khoảng 70% – bà quay sang áp dụng các biện pháp kiểm soát giá cả.
Số tiền thu về từ việc bán nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đã bị sử dụng phung phí cho các mục đích xã hội, ngay cả hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản cũng không được đầu tư. Trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Brazil đã tụt xuống thứ 75 về khả năng cạnh tranh, thứ 123 về chất lượng cơ sở vật chất, và thứ 135 về thời gian đăng ký kinh doanh.

Điều cần thiết bây giờ là phải thực thi hàng loạt những cuộc cải cách – nhưng đó cũng chính là điều mà chính phủ hiện tại ở Brazil không thể làm được. Và đó cũng là lý do tại sao quốc gia này lại cần đến bàn tay dẫn đường của IMF, một tổ chức vốn đã quen xử lý những tình huống nan giải như vậy – và họ cũng quen luôn với việc nhận về mình vô vàn lời chỉ trích.

Tuy vậy, cũng nên thận trọng khi cho rằng một cuộc thay đổi hoàn toàn sang thị trường tự do sẽ phát huy mọi nguồn lực đang bị kìm nén của Brazil. Bởi lẽ, điều đáng ngạc nhiên trên quốc gia này trong suốt 40 năm qua là họ vẫn chưa lấp được khoảng cách về thu nhập với Mỹ và Tây Âu, dẫu rằng đã có rất nhiều cuộc cải cách tự do.

Gốc rễ vấn đề nằm sâu trong nhân học chính trị. Ngày nay, GDP bình quân đầu người của Brazil mới bằng 23% so với Mỹ, tức là hầu như không có gì biến chuyển so với tình hình năm 1956, thậm chí còn thấp hơn giai đoạn cuối thập kỷ 1970. Hóa ra, cái bẫy thu nhập trung bình còn khó trị hơn tưởng tượng của chúng ta nhiều.

Chi Nhân dịch từ The Telegraph

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)