Incubator và Accelerator, hình thức nào hỗ trợ STARTUP hiệu quả hơn?
Vườn ươm tạo (incubator) và trung tâm hỗ trợ (accelerator) là hai mô hình khác biệt, dù chúng đều trợ giúp cho các doanh nhân khởi nghiệp các nguồn lực, sự huấn luyện, đào tạo, và các cơ hội phát triển. Nhưng bài viết dưới đây của Shiwen Yap cho thấy ở Mỹ, đối với một số đối tượng doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ có thể là mô hình mang lại hiệu quả cao hơn.
Lâu nay tồn tại phổ biến hai hình thức trợ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp là vườn ươm tạo và khóa tăng tốc khởi nghiệp. Các vườn ươm tạo là nơi bảo trợ cho doanh nghiệp từ khi khởi nghiệp cho tới lúc trưởng thành, trong khi khóa tăng tốc khởi nghiệp chỉ trợ giúp cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong một khung thời gian ngắn hơn, với những bài tập mang tính bắt buộc mà các doanh nghiệp phải hoàn thành nếu muốn trụ lại cho tới khi tốt nghiệp.
Theo Wong Meng Weng, nhà đồng sáng lập một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn cầu có tên là JFDI, “các vườn ươm tạo là mô hình trợ giúp doanh nghiệp thuộc về thế kỷ 20, thường gắn liền với các công viên khoa học. Nhiều vườn ươm tạo có thiên hướng trở thành những không gian văn phòng cho một số lượng hạn chế doanh nghiệp thuê. Còn với mô hình trợ giúp bằng các khóa tăng tốc khởi nghiệp, chúng tôi có thể đúc kết, chọn ra những vấn đề cơ bản nhất cần hướng dẫn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, và huấn luyện cho một số lượng doanh nghiệp rất lớn, bởi ngày nay các bí quyết kinh doanh có thể được chia sẻ vô cùng cởi mở, không còn mang tính bí truyền như trước đây”.
Khác biệt cơ bản giữa incubator và accelerator
Các khóa tăng tốc khởi nghiệp có xu hướng đẩy nhanh sự tương tác giữa doanh nghiệp và thị trường, bắt buộc các doanh nghiệp phải thích nghi nhanh chóng trong một thời gian giới hạn. Về cơ bản, khóa tăng tốc khởi nghiệp khác vườn ươm tạo ở các yếu tố: kỳ hạn hỗ trợ, mô hình hoạt động, quá trình chọn lọc doanh nghiệp, tổ chức lớp và đào tạo.
Trước khi bước vào các khóa tăng tốc khởi nghiệp, các doanh nhân khởi nghiệp ở Mỹ có thể tham gia vào các khóa Tiền Tăng tốc (Pre-Accelerator), là những khóa đào tạo kéo dài trong khoảng bảy – tám tuần, giúp các nhóm doanh nhân khởi nghiệp chuẩn bị từ khâu hình thành và phát hiện ý tưởng, cho tới bước sẵn sàng tham gia vào một khóa tăng tốc khởi nghiệp. Khóa huấn luyện Tiền Tăng tốc là một chuỗi các bài giảng và hướng dẫn diễn ra hằng tuần, bao gồm những nội dung cơ bản của việc hình thành một doanh nghiệp. Ngoài các buổi nghe giảng, các nhóm học viên sẽ làm việc độc lập, nhưng mỗi tuần đều phải viết báo cáo về kết quả tiếp thu hằng tuần. Thông thường các khóa Tiền Tăng tốc được điều hành bởi các tập đoàn hoặc cơ quan nhà nước, tuy nhiên cũng có thể do một khóa tăng tốc khởi nghiệp hoặc nhóm các nhà đầu tư nào đó đứng ra tổ chức. Tùy vào nguồn tài trợ mà khóa đào tạo có thể có hoặc không thu phí từ các học viên tham dự. |
Paul Bricault, nhà đồng sáng lập Amplify, một khóa tăng tốc khởi nghiệp doanh nghiệp ở thành phố Los Angeles lý giải một cách ngắn gọn, “một khóa tăng tốc khởi nghiệp sẽ thu của doanh nghiệp dưới 10% cổ phần của một ý tưởng kinh doanh mà doanh nghiệp tự đề ra, đổi lại trung tâm cấp cho doanh nghiệp một khoản vốn nhỏ, và sự hướng dẫn có giới hạn. Chúng được chia thành từng phần trong một chương trình tổng thể kéo dài từ ba tới bốn tháng, sau đó doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được ‘tốt nghiệp’”.
Trái lại, các vườn ươm tạo thường đưa những đội quản lý từ bên ngoài đến giám sát ý tưởng kinh doanh do vườn ươm và doanh nghiệp cùng xây dựng, nhằm nuôi dưỡng, phát triển chúng qua một giai đoạn dài hơi hơn (trung bình ở Mỹ khoảng 33 tháng), đồng thời vườn ươm tạo nắm giữ một lượng cổ phần lớn hơn của doanh nghiệp.
Các vườn ươm tạo thường hướng tới những doanh nghiệp công nghệ, như công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ xanh, v.v), và cả những doanh nghiệp phi công nghệ. Người tham gia vào các vườn ươm thường là các chuyên gia có kinh nghiệm từ những ngành công nghiệp này. Nhiều vườn ươm là những tổ chức phi lợi nhuận, hoặc là một phần của trường đại học hoặc tổ chức nghiên cứu, và được các tổ chức lớn tài trợ.
|
Vườn ươm tạo |
Nhà đầu tư thiên thần |
Trung tâm hỗ trợ |
Kỳ hạn trợ giúp |
1-5 năm |
Tùy theo nhà đầu tư |
3 tháng |
Tổ chức cohort |
Không có |
Không có |
Có |
Mô hình kinh doanh |
Thu các loại phí/phi lợi nhuận |
Kinh doanh dựa vào khoản đầu tư |
Kinh doanh dựa vào khoản đầu tư; cũng có thể phi lợi nhuận |
Xét chọn doanh nghiệp |
Không có tính cạnh tranh |
Tùy theo đặc thù nhà đầu tư |
Có tính cạnh tranh |
Giai đoạn hỗ trợ |
Đầu hoặc cuối giai đoạn khởi nghiệp |
Đầu giai đoạn khởi nghiệp |
Đầu giai đoạn khởi nghiệp |
Đào tạo (education) |
Tùy theo tình hình và nhu cầu thực tiễn |
Không có |
Các seminars |
Huấn luyện (mentorship) |
Tối thiểu và mang tính chiến thuật |
Theo nhu cầu thực tiễn |
Mật độ cao |
So sánh giữa ba hình thức trợ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp phổ biến: vườn ươm tạo, nhà đầu tư thiên thần, trung tâm hỗ trợ.
Khác với các vườn ươm, các khóa tăng tốc khởi nghiệp thường tập trung hướng tới các doanh nghiệp làm về phần mềm và kỹ thuật số, tuy nhiên cũng có một số khóa tăng tốc khởi nghiệp tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp làm phần cứng. Những đối tượng doanh nghiệp này không đòi hỏi ngay lập tức phải đầu tư quy mô lớn, ý tưởng kinh doanh cũng không cần được minh chứng qua thực tiễn một cách quá khắt khe, rất phù hợp với các nhà khởi nghiệp trẻ tuổi.
Mô hình kinh doanh của các khóa tăng tốc khởi nghiệp thường vì lợi nhuận. Nhà tài trợ và người tham gia trung tâm thường là những nhà đầu tư, doanh nhân hoạt động ở nhiều doanh nghiệp cùng một lúc. Do số lượng doanh nghiệp tham gia lớn, thời gian lại ngắn nên các hoạt động đào tạo, huấn luyện của họ thường có mật độ dày hơn, quy trình xét chọn doanh nghiệp cũng khắc nghiệt hơn.
Kinh nghiệm từ MIT
Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ đã thử nghiệm một mô hình khóa tăng tốc khởi nghiệp (Global Founders’ Skills Accelerator, gọi tắt là GFSA) và một chương trình ươm tạo có tên gọi Beehive Cooperative. Cả hai chương trình đều cung cấp cho doanh nghiệp địa điểm, không gian văn phòng. Đối tượng doanh nghiệp của cả hai chương trình có các phẩm chất tương tự nhau, và đều hình thành nên những cộng đồng mạnh. Khác biệt chủ yếu giữa hai chương trình là cách đào tạo.
Trung tâm GFSA yêu cầu các nhóm học viên phải tham dự seminars và họp với các nhà tư vấn hai lần mỗi tuần, tổ chức họp hội đồng quản trị hằng tháng, đồng thời phải đạt được các mục tiêu đề ra ngay từ khi chương trình bắt đầu. Trái lại, chương trình Beehive Cooperative tổ chức các seminar không theo cấu trúc rõ ràng, và các học viên tự chủ động tìm gặp nhà tư vấn.
Người ta ban đầu kỳ vọng rằng cả hai nhóm học viên đều sẽ đạt kết quả tốt, do cùng được trợ giúp và tạo điều kiện tối ưu, cho phép họ toàn tâm vào công việc. Nhưng thực tế cho thấy, tỉ lệ thành công ở nhóm tham gia khóa tăng tốc khởi nghiệp là cao hơn so với nhóm tham gia vườn ươm tạo.
Nhóm tham gia vườn ươm tạo chậm chạp hơn trong quá trình phát triển để đạt tới “tốc độ cất cánh” (escape velocity) – khái niệm cộng đồng khởi nghiệp ở MIT đặt ra để chỉ những doanh nghiệp rời khỏi bệ đỡ để tách ra tự đứng trên đôi chân của mình. Người ta thậm chí còn nhận ra một thực tế là tại vườn ươm, các học viên cùng doanh nghiệp của họ đã quá quen thuộc với môi trường thân thiện gần gũi, cùng mối quan hệ cộng đồng bền chặt, khiến họ không muốn phải rời đi.
Trái lại, nhóm học viên tham gia khóa tăng tốc khởi nghiệp phải có trách nhiệm giải trình lớn hơn, phải đạt được mục tiêu đề ra cho từng mốc phát triển, và duy trì các tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động. Họ phải hoạt động trong những khuôn khổ và trải qua thời gian huấn luyện và tư vấn với mật độ cao, qua đó bắt buộc phải đưa ra được sản phẩm phù hợp với thị trường trong thời gian ngắn nhất.
Alena Arens, nhà quản lý các đối tác chiến lược ở JFDI lý giải, “các khóa tăng tốc khởi nghiệp chỉ có ba tháng để hình thành hoặc chia tay một doanh nghiệp khởi nghiệp, vì vậy hoặc là họ phải thấy được một mô hình kinh doanh tốt, hoặc là chấp nhận thất bại, hoàn toàn không có thời gian bị lãng phí. Trong khi đó, các vườn ươm tạo ra nhiều những doanh nghiệp ảo với những mô hình kinh doanh không có tính khả thi”.
Lựa chọn sinh tồn của doanh nghiệp
Hai yếu tố chính quyết định sự sinh tồn của doanh nghiệp: chứng thực được các cơ hội từ thị trường, theo đó tìm được những khách hàng sẵn sàng trả tiền; tạo ra sản phẩm/dịch vụ đáp ứng đòi hỏi từ các cơ hội đó. Với mục tiêu như vậy, tự các doanh nghiệp phải chọn lựa mô hình hỗ trợ phù hợp nhất cho mình, bởi dù là mô hình khóa tăng tốc khởi nghiệp hay vườn ươm tạo thì đều có những ưu/nhược điểm riêng.
Các vườn ươm tạo có thể cung cấp cho doanh nghiệp các nguồn lực tài chính lớn hơn, thời gian hỗ trợ dài hơn. Nhưng ở đó các doanh nhân khởi nghiệp sẽ phải tự chủ động cao hơn, tự khép mình vào kỷ luật, tích cực tìm kiếm mạng lưới, học hỏi và phát triển. Trong khi đó, các khóa tăng tốc khởi nghiệp cung cấp sự trợ giúp trong thời gian ngắn hơn, tính tập trung và cấu trúc rành mạch hơn, mật độ huấn luyện dày hơn. Trong môi trường như vậy, các doanh nhân khởi nghiệp sẽ phải nỗ lực tối đa để hoàn thành các mục tiêu được yêu cầu và tốt nghiệp đúng hạn. Tuy nhiên, chính sức ép này lại có thể giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, buộc doanh nhân khởi nghiệp sớm thoát khỏi môi trường êm ấm mà họ đang được hỗ trợ.
Lời bàn Từ những đặc thù và kinh nghiệm thực tiễn của hai mô hình vườn ươm tạo và khóa tăng tốc khởi nghiệp, một bài học có thể rút ra và áp dụng vào điều kiện thực tế ở Việt Nam, đó là lựa chọn mô hình trợ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp phù hợp tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp đó. Đối với những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực không đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, dài hơi, nguồn vốn ban đầu không cần có quy mô lớn, ví dụ như với các doanh nghiệp làm phần mềm hay các ứng dụng trên điện thoại di động, thì khóa tăng tốc khởi nghiệp có thể là mô hình trợ giúp hiệu quả hơn – tuy nhiên khung thời gian trợ giúp vẻn vẹn trong vòng ba tháng như với các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Mỹ có thể là quá ngắn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, bởi nhìn chung các doanh nhân khởi nghiệp Mỹ có nhiều kỹ năng hơn, có khả năng đưa ý tưởng thành sản phẩm sớm hơn (http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=112&CategoryID=43&News=6917). Mặt khác, đối với những doanh nghiệp đòi hỏi nguồn lực lớn, thời gian chuẩn bị dài hơi, ví dụ doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ sinh học hay công nghệ xanh, thì các vườn ươm tạo sẽ là môi trường phù hợp hơn vì tính an toàn, ổn định, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, có thể thấy các vườn ươm tạo ở Mỹ không dễ dàng chấp nhận ý tưởng kinh doanh do doanh nghiệp khởi nghiệp tự đề ra, mà họ thường cùng doanh nghiệp xây dựng các ý tưởng này. Lưu ý rằng cả mô hình vườn ươm tạo hay khóa tăng tốc khởi nghiệp đều có thể được hình thành từ các trường đại học. Tuy nhiên, để hình thành khóa tăng tốc khởi nghiệp các trường đại học sẽ phải có mối liên hệ tốt với cộng đồng các doanh nhân năng động, giàu kinh nghiệm, quen làm việc với doanh nhân khởi nghiệp, để có thể tổ chức lịch huấn luyện, đào tạo với mật độ cao và lịch trình chặt chẽ mà các trung tâm hỗ trợ thường đòi hỏi. |
Thanh Xuân tổng hợp
Nguồn:
http://e27.co/entrepreneurs-choose-incubators-accelerators-20140715/
http://www.get2growth.com/startup-program-definitions/