Intel hỗ trợ 70% công đoạn thực hiện giải pháp IoT

Giám đốc Intel Việt Nam cho biết, Intel hỗ trợ các doanh nghiệp đến 70% về mặt kĩ thuật trong việc thực hiện các giải pháp Internet của Vạn vật (Internet of Things) dựa trên những phần cứng và phần mềm do Intel cung cấp.

Ngày 22/9 tại Hà Nội, Intel đã tổ chức Hội nghị về các giải pháp Internet của Vạn vật (Internet of Things-IoT) nhằm giới thiệu tiềm năng ứng dụng to lớn của  IoT trong đời sống, đặc biệt là trong quản lí vĩ mô, đồng thời gợi mở những cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Internet of things là khái niệm chỉ những đồ vật thông minh được tích hợp một máy tính thu nhỏ. Những thiết bị này sẽ được thu thập, trao đổi thông tin và chia sẻ dữ liệu qua mạng internet. Tuy nhiên, để có thể sử dụng được những dữ liệu trên, cần các giải pháp IoT (sắp xếp các phần cứng và thiết kế phần mềm) cho phép lọc, phân tích và quản lí dữ liệu nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể trong đời sống sinh hoạt hằng ngày và trong hoạt động quản lí, kinh doanh của các cơ quan, doanh nghiệp.

Các giải pháp IoT đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới, trong nhiều lĩnh vực và là điều kiện để tạo ra những thành phố, quốc gia thông minh. Hệ thống đèn đường của Đài Loan tự động điều chỉnh độ sáng, bật, tắt dựa vào điều kiện ánh sáng và thu thập các dữ liệu về độ ẩm, mức độ ô nhiễm, nhiệt độ của môi trường; hệ thống tưới tiêu tự động được sử dụng trong nông nghiệp Malaysia; hệ thống quản lí xe tải giúp thu thập thông tin về tình trạng xăng, dầu; lốp xe; thời gian hoạt động; vị trí; quãng đường được sử dụng trong các doanh nghiệp vận tải của Mỹ để từ đó điều động nhân lực và sắp xếp thời gian bảo dưỡng xe…đều là những ví dụ ứng dụng các giải pháp IoT của Intel.

Chia sẻ với báo chí tại Hội nghị, ông Trần Đức Trung, Giám đốc Intel Việt Nam, cho biết, Intel hỗ trợ các doanh nghiệp đến 70% về mặt kĩ thuật trong việc thực hiện các giải pháp IoT. Quan trọng nhất là Intel đưa ra thị trường các Gateways – là nền tảng tích hợp phần cứng và phần mềm cho phép thu thập dữ liệu của các vật dụng và gửi lên điện toán đám mây một cách bảo mật và dễ quản lí. Điều này giải quyết rào cản lớn nhất khi triển khai các giải pháp IoT là 85% các vật dụng vốn không được thiết kế để kết nối internet. Tập đoàn này cũng xây dựng Khối phát triển dùng chung miễn phí (Building block – một thư viện các giải pháp phần mềm) giúp giảm thời gian phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Intel cũng sáng lập liên minh giải pháp IoT gồm trên 400 thành viên và hơn 5.000 giải pháp IoT được công bố để những người quan tâm tự xây dựng giải pháp của mình với chi phí tối ưu và rủi ro thấp nhất. Chính vì vậy, việc còn lại của các doanh nghiệp là lựa chọn phần cứng và xây dựng các chương trình phần mềm nhằm phân tích và quản lí dữ liệu để đưa ra các giải pháp IoT cho những vấn đề cụ thể trong đời sống phù hợp với điều kiện của mình.
  

Đại diện của Intel cũng cho biết, tập đoàn này đang hợp tác với chính phủ Việt Nam trong việc vận dụng các giải pháp IoT để quản lí những lĩnh vực cấp bách như giao thông, nông nghiệp và y tế. Những nội dung hợp tác cụ thể sẽ được công bố trong tháng 10 tới.

Theo những chuyên gia của Intel, trong 10 năm trở lại đây, giá thành của các bộ vi xử lí đã giảm hai lần, giá thành băng thông giảm 40 lần và chi phí xử lí dữ liệu đã giảm 60 lần. Vì vậy, đây là “thời điểm hoàn hảo” để Việt Nam bước chân vào thị trường IoT.  Công ty DTT là một trong những đối tác tại Việt Nam của Intel với dự định xây dựng một nền tảng nguồn mở IoT (gọi là OIP – Open IoT Platform) tạo cơ hội cho những doanh nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là các startups ở Việt Nam có quyền khai thác và tham gia vào việc xây dựng và kinh doanh từ IoT, đồng thời cùng đóng góp vào hệ sinh thái này.

Đọc thêm:
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=112&CategoryID=43&News=9025

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)