IPP 2: Liên tục thử nghiệm để hoàn thiện

Khác với rất nhiều các khóa tăng tốc khởi nghiệp có tiếng ở Việt Nam, thường chỉ áp dụng mô hình có sẵn ở nước ngoài, IPP2 đã xây dựng được cơ chế hỗ trợ startup cả về tài chính và năng lực còn đang rất non trẻ ở Việt Nam.

Một buổi tập huấn trong khuôn khổ khóa taqưng tốc khởi nghiệp của IPP2. Nguồn: IPP2

Trong buổi lễ tổng kết hơn bốn năm hoạt động của Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Phần Lan – Việt Nam giai đoạn 2 – IPP2, EZCloud được lựa chọn là đại diện của khối doanh nghiệp được IPP2 tài trợ lên phát biểu. Lý do của sự lựa chọn này, theo chị Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Chương trình, không chỉ bởi vì họ đã vươn ra quốc tế với mức tăng trưởng 250% – 300% mỗi năm sau khi tham gia chương trình mà còn vì họ thực sự “nâng niu” số tiền mà IPP2 tài trợ.

Đặng Thành Trung, giám đốc nghiên cứu, người phát biểu hôm đó từng là nhà khoa học, từng làm nghiên cứu sinh tại Đại học Paris 13, chưa hề có kinh nghiệm kinh doanh và các đồng sáng lập của anh đều có xuất thân là “dân kỹ thuật”. Họ thành lập công ty vào năm 2013 với suy nghĩ đơn giản rằng: “chỉ cần bán sản phẩm để lấy tiền” là đủ.

Chính vì vậy mà họ không có chiến lược kinh doanh, bán hàng chỉ dựa vào mối quan hệ có sẵn là chủ yếu, nhân sự mỏng, những nhà sáng lập vừa là sếp vừa là nhân viên. Theo lời anh Trung, sau hai năm gặp nhiều khó khăn, họ “mong muốn nhận được tài trợ nhưng không biết xin kiểu gì”, “chỉ nghe đài báo nói là bán cổ phần nhưng cũng không biết bán cổ phần kiểu gì”. IPP2 đem đến sự giúp đỡ kịp thời.

Không giống quỹ tư nhân hay nhà nước trước đó

Xin tài trợ hay gọi vốn đầu tư đối với đa số những người khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam không hề đơn giản vì nhiều lí do. Hiện nay, ở Việt Nam, các startup xin hỗ trợ tài chính qua ba con đường chủ yếu (không kể người thân), thứ nhất là các nhà đầu tư thiên thần, thứ hai là các quỹ đầu tư và cuối cùng là vay vốn ngân hàng.

Theo tài liệu nghiên cứu phục vụ cho việc xây dựng chính sách của IPP2 vừa phát hành, hai đối tượng đầu tiên đều chưa được khuyến khích một cách hợp pháp ở Việt Nam. Dẫu cho xuất hiện các câu lạc bộ đầu tư thiên thần thì họ hoạt động vẫn rất hạn chế và việc vận hành của họ thường dựa vào các nguồn tiền và dự án nước ngoài, nếu nguồn tài chính này hết thì các tổ chức này khó mà có thể tiếp tục duy trì.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm thực chất xuất hiện ở Việt Nam dưới dạng văn phòng đại diện, còn “túi tiền” của họ nằm ở các nước có chính sách thuế và đầu tư thuận lợi hơn. Hai hình thức đầu tư mạo hiểm này cũng thường chỉ quan tâm tới các startup đã thể hiện sự tăng trưởng nhất định về mặt người dùng hoặc doanh thu. Còn các ngân hàng, mặc dù tỏ ra ủng hộ “phong trào startup” nhưng hỗ trợ của họ vẫn chỉ dừng lại ở hình thức vay ưu đãi nhưng rất khó triển khai vì các ngân hàng chưa có kinh nghiệm định giá và đánh giá các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, việc khó tiếp cận nguồn vốn không chỉ dừng lại ở những lí do khách quan mà còn đến từ việc startup không có đủ kiến thức và mối quan hệ để gọi vốn. Gọi vốn đầu tư mạo hiểm được mô tả theo lời của anh Đỗ Hoài Nam, một nhà đầu tư thiên thần từng khởi nghiệp thành công tại Silicon Valley, là một nghệ thuật, có nhiều bước và nhiều kĩ thuật từ tiếp cận các nhà đầu tư từ việc khi nào gặp, “chào hàng” ra sao cho đến việc học ngôn ngữ của họ, biết cách phân chia cổ phần thỏa đáng với các cổ đông sáng lập và nhà đầu tư nhưng vẫn đủ dùng cho nhiều lần gọi vốn sau đó.

Việc các nhà đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam vẫn đang hoạt động “phi chính thức” và đa phần thiếu chuyên nghiệp, lại càng đòi hỏi startup phải có “quen biết” mới tiếp cận được mạng lưới này hoặc kiến thức về đầu tư mạo hiểm dày dặn, vừa để bảo vệ quyền lợi cho mình, vừa để gây niềm tin với các nhà đầu tư. Nhưng đây cũng là một đòi hỏi xa vời với các startup đến từ một hệ sinh thái non trẻ như Việt Nam mà EZCloud chỉ là một ví dụ. Không ngạc nhiên khi trong số 3000 startup ở Việt Nam, chỉ có vài chục phi vụ đầu tư cho khởi nghiệp từ các quỹ đầu tư mạo hiểm mỗi năm (theo thống kê của tổ chức đào tạo khởi nghiệp Founder Institute).

Kendrick Nguyễn, từng là người tư vấn pháp lý cho AngelList, nền tảng kết nối startup với nhà đầu tư thiên thần của Mỹ phải thốt lên, “Tôi có thể tưởng tưởng ra khó khăn vô cùng lớn trong việc gọi vốn đối với 99.9% những nhà khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam, những người ít kết nối hơn, ít điều kiện hơn, hoặc Tiếng Anh ít trôi chảy hơn so với những người trông năng động, tự tin và thời trang ở sự kiện như Techfest”.

Sự xuất hiện của IPP2 đã khỏa lấp phần nào sự khuyết thiếu trong tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam và giúp trả lời cho câu hỏi vốn gây tranh cãi nhà nước có nên và có thể hỗ trợ tiền cho khởi nghiệp sáng tạo hay không. Khác hoàn toàn với các hình thức hỗ trợ tài chính của tư nhân và cả của nhà nước trước đó vốn chỉ dành cho nghiên cứu.

IPP2 lựa chọn hình thức tài trợ cho doanh nghiệp mà không lấy cổ phần, cũng không can thiệp vào hoạt động của các startup. Tài trợ của chương trình chi trả cho 70% chi phí liên quan đến nhân sự (còn 30% doanh nghiệp tự bỏ ra) và được hoàn trả sau khi doanh nghiệp đã chi tiêu, dựa trên báo cáo tài chính của họ, cứ ba tháng/lần. IPP2 mở ra cơ hội cho doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực miễn là đáp ứng đủ các tiêu chí về thị trường và sản phẩm chứ không khu trú ở các xu hướng công nghệ đang thịnh hành của thế giới giống như các quỹ hay các nhà đầu tư thiên thần.

Quy trình tài trợ đơn giản, chỉ đòi hỏi doanh nghiệp bản mô tả công ty theo mẫu có sẵn. IPP2 cũng không giới hạn tài trợ cho các doanh nghiệp đã được thành lập mà cho cả các ý tưởng đang hình thành. Điều này khiến cho các startup, dù không được chuẩn bị về kiến thức gọi vốn hay mạng lưới các mối quan hệ vẫn có thể nhận được tài trợ thông qua các thủ tục đơn giản.

Nhưng không chỉ dừng lại ở hỗ trợ tiền bạc, IPP2 đã đưa các doanh nghiệp vào một khóa đào tạo tăng tốc khởi nghiệp kéo dài 6 tháng. EZCloud cho rằng, chính điều này giúp cho họ nhiều hơn là số tiền được nhận. Theo lời anh Trung, nhờ tham gia vào khóa đào tạo này mà EZCloud đã phát triển doanh nghiệp một cách bài bản, hiểu thế nào là mô hình kinh doanh, chân dung khách hàng – những khái niệm anh cho là thiết yếu đối với startup. Đó còn chưa kể IPP2 còn đem đến cho họ những mối quan hệ để từ đó họ có được thêm khách hàng, đầu mối để tuyển dụng nhân sự và mối quan hệ với các nhà đầu tư mới.

Trước khi đóng dự án, IPP2 phỏng vấn sâu 20 doanh nghiệp được tài trợ và nhận được phản hồi của họ cho rằng hỗ trợ của IPP2 là hữu ích, 12 trong số đó cảm thấy hỗ trợ của IPP2 là không thể thiếu và vô cùng quan trọng. Sau 6 tháng tăng tốc, có ba dự án gọi thêm được hơn 150.000 USD từ các nhà đầu tư khác.

Vào cuối năm 2017, đã có 8 doanh nghiệp được đầu tư, trong đó có năm doanh nghiệp gọi vốn thành công với tổng hơn một triệu USD. IPP2 cũng đạt được mục tiêu là giúp cho các doanh nghiệp phát triển mô hình kinh doanh và mở rộng thị trường khi 70% doanh nghiệp được tài trợ sống sót sau 2 năm và 4/20 doanh nghiệp đã đưa được sản phẩm của mình ra quốc tế (trừ Beeketing đã xác định mục tiêu hướng đến thị trường toàn cầu từ trước).

Luôn thay đổi trên đường đi

Trên thực tế, IPP2 đã không đưa ra một gói hỗ trợ hoàn thiện cho startup như vậy ngay từ ban đầu. Quá trình từ việc tài trợ cho đến thiết kế chương trình đã diễn ra nhiều sự điều chỉnh và thử nghiệm liên tục. Sau khi tài trợ cho 18 dự án/công ty khởi nghiệp sáng tạo với 30.000 EUR mỗi công ty, IPP2 lựa chọn tài trợ ra năm công ty tốt nhất để tài trợ tiếp 100.000 EUR.

Việc lựa chọn không chỉ dựa vào đánh giá của các chuyên gia độc lập với các tiêu chí giống như lần một mà còn dựa vào báo cáo tổng kết của khóa tăng tốc khởi nghiệp. Đó là lí do mà chị Trần Thị Thu Hương chia sẻ trong buổi lễ Tổng kết rằng, kể cả các chuyên gia độc lập gật đầu, chúng tôi vẫn nói không vì thấy kết quả hoạt động của họ ở đợt một không thực sự đạt yêu cầu. Có thể thấy rất rõ, trong khi ở lần tài trợ thứ nhất dựa vào tiềm năng tăng trưởng của các công ty thì ở lần thứ hai, không chỉ dựa trên chỉ số này mà các công ty còn phải đặt chân tới thị trường quốc tế mới tiếp tục nhận được tài trợ.

Ngoài ra, sự ra đời của khóa tăng tốc khởi nghiệp cũng là một hoạt động ngoài dự kiến vì mục đích ban đầu của IPP2 là chỉ tài trợ vốn mồi cho doanh nghiệp. Trong quá trình phỏng vấn nhu cầu của startup ở Việt Nam thông qua các buổi hội thảo được phỏng vấn ở Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, những người điều hành dự án nhận ra rằng, các startup đều bộc lộ những điểm yếu chung sau: Thiếu hụt sự nhạy cảm kinh doanh, thiếu hụt kĩ năng mở rộng ra thị trường ngoài nước, thiếu hụt kĩ năng gọi vốn, mơ hồ về kĩ năng thuyết trình dự án, kĩ năng đổi mới sáng tạo khiêm tốn và thiếu hụt về kĩ năng xây dựng, mở rộng các mối quan hệ.
Việc “giải tỏa” bất cập này lúc bấy giờ chỉ dựa vào một vài cá nhân và các vườn ươm, khóa tăng tốc đang hoạt động hạn chế do thiếu thốn nguồn lực cả về tài chính lẫn con người. Đó là lí do mà IPP2 đã cho ra đời chương trình đào tạo các cố vấn khởi nghiệp (Trainning of Trainers 1 – ToT1) để tạo ra các “hạt giống” thúc đẩy hệ sinh thái. Chương trình đào tạo này, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, được giảng dạy bởi cả các chuyên gia trong và ngoài nước về đổi mới sáng tạo và thiết kế nhằm không chỉ phục vụ cho ToT1 mà để áp dụng rộng rãi trong các trường đại học về sau này.

Kết hợp đầu vào của hai dự án: tài trợ cho dự án khởi nghiệp sáng tạo và đào tạo các cố vấn khởi nghiệp, IPP2 đã tạo ra được một khóa tăng tốc khởi nghiệp “made in Vietnam”, phù hợp với đa số trình độ của các startup, đồng thời cũng là không gian kiểm nghiệm tính hiệu quả của chương trình đào tạo và gây dựng uy tín cho các cố vấn mà họ mới đào tạo. Khóa tăng tốc khởi nghiệp này cũng góp phần tạo ra một hệ sinh thái nhỏ nơi các thành tố hỗ trợ và liên kết với nhau một cách chặt chẽ.

Theo nghiên cứu của IPP2, các mô hình tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của hiện tại cần cải thiện như sau:
Vay ưu đãi:
Hiện nay, việc cân nhắc chuyển đổi từ khoản nợ sang khoản tài trợ là khả thi ở Việt Nam (tức là trong trường hợp startup thất bại, không thể trả được khoản vay thì nhà nước sẽ coi đó như một khoản tài trợ và không yêu cầu hoàn trả nữa), vừa giải quyết được vấn đề nợ xấu, vừa giải quyết được nguồn vốn hỗ trợ startup.
Bảo lãnh tín dụng: Với hình thức này thì ngân hàng sẽ san sẻ bớt rủi ro cho các đơn vị bảo lãnh và vì vậy sẽ ít do dự hơn trong việc cho vay các startup. Tuy nhiên để triển khai mô hình này thì nhà nước cần thành lập một quỹ lớn, tập trung tất cả những nguồn tài chính từ phía tư nhân và nước ngoài và đưa ra một văn bản pháp luật mới thay thế Quyết định 58/2013/QD-TTg về việc thành lập và vận hành các quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giải quyết những vấn đề và hạn chế trong mối quan hệ giữa họ và các ngân hàng.
Quỹ đầu tư mạo hiểm: Để khuyến khích thị trường đầu tư mạo hiểm, nhà nước phải đưa ra một môi trường thuận lợi cho cả nhà đầu tư cá nhân lẫn các quỹ đầu tư như minh bạch các văn bản, điều kiện, dữ liệu về đầu tư hoặc qua các công cụ về thuế. Nhà nước cũng nên cân nhắc hình thức cùng đầu tư với quỹ tư nhân giống như trường hợp của Israel và Singapore.
Quỹ của doanh nghiệp: Luật chuyển giao công nghệ (2017) mặc dù cho phép sử dụng quỹ khoa học và công nghệ (miễn thuế) đầu tư vào các startup thì vẫn cần những hướng dẫn, thông tin cụ thể và khuyến khích nhất định để khích lệ sự tham gia của doanh nghiệp vào đầu tư mạo hiểm. Nhà nước có thể thúc đẩy hoạt động này bằng cách tăng thêm những ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư thiên thần: Không chỉ cần thuế, các nhà đầu tư thiên thần còn cần được đào tạo, hỗ trợ thành lập hiệp hội và liên kết với mạng lưới nhà đầu tư thiên thần trong khu vực và quốc tế để nâng cao năng lực và thu hút thêm nguồn vốn từ nước ngoài.
 
Nguồn: Khoa học và phát triển.

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)