Jacinda Ardern: Nhà lãnh đạo tiêu biểu trong khủng hoảng

Thủ tướng New Zealand đã nhận được những lời khen ngợi cho các biện pháp hiệu quả của mình trong đại dịch.

Vào ngày 14 tháng 3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã bước lên bục với những tấm biểu đồ cùng một thông điệp đầy khó khăn cho quốc gia của mình. Vào thời điểm ấy, đất nước này mới chỉ có 6 người nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona đang gây ra đại dịch, và tất cả những người ấy đều có liên quan đến yếu tố du lịch nước ngoài. Tuy vậy, Thủ tướng New Zealand đã công bố một loạt các biện pháp nghiêm ngặt để làm chậm quá trình bùng phát dịch bệnh, bao gồm hai tuần tự cách ly đối với tất cả những ai nhập cảnh vào New Zealand, đóng cửa các cảng biển đối với tàu du lịch và hạn chế việc di chuyển đến các nước láng giềng Thái Bình Dương. “Tôi tin rằng đây là điều phải làm”, bà nói, “chúng ta phải hành động quyết liệt, và chúng ta phải hành động sớm. Chúng ta phải làm tất cả mọi thứ có thể để bảo vệ sức khỏe cho người dân của New Zealand”. Và chỉ chưa đến hai tuần sau, New Zealand bắt đầu lệnh phong tỏa toàn quốc.

Nhờ vậy, vào thời điểm toàn thế giới đều lo lắng và sợ hãi, Ardern đã nhận được sự khen ngợi từ quốc tế cho việc lãnh đạo đất nước của mình bằng lòng nhân ái cùng những hành động quyết đoán. Bà đã thống nhất quốc gia 5 triệu dân này bằng những biện pháp chưa từng có trước đó và giúp cho New Zealand trở thành một câu chuyện thành công hiếm hoi trong đại dịch. Và nhờ đó, quốc đảo này hiện đã hai lần dập tắt được các đợt bùng phát Covid-19 trong cộng đồng và giới hạn số ca nhiễm bệnh ở mức 2,000 người, số ca tử vong ở mức 25 người.

Rất ít quốc gia đạt được kết quả tốt như vậy trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Chẳng hạn, số ca tử vong ở Mỹ cao hơn gấp 170 lần khi điều chỉnh theo quy mô dân số.

Một số chuyên gia cho rằng, New Zealnd được hưởng lợi nhờ vị trí địa lý cô lập và quy mô dân số nhỏ. Tuy nhiên ngay cả khi không có những lợi thế ấy, rất ít nhà lãnh đạo có thể xử lý các vấn đề bất ổn về khoa học khéo léo như Ardern, chuyên gia về quản trị Michaela Kerrissey từ trường y tế công cộng T.H. Chan Đại học Harvard ở Boston, Massachusetts, đánh giá. Bà nhận định, trong khi các nhà lãnh đạo khác trì hoãn hành động cho đến khi có thêm nhiều thông tin hơn thì Ardern đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp ứng phó.

Tại các cuộc họp báo hằng ngày, với sự có mặt của tổng cục trưởng y tế quốc gia  Ashley Bloomfield, Ardern đã thẳng thắn nói chuyện với người dân của mình. “Bà ấy đã đưa ra những tuyên bố hết sức minh bạch” về số lượng các ca bệnh đang ngày càng tăng lên và lý do tại sao việc áp dụng biện pháp phong tỏa là cần thiết, Kerrissey nói. “Tôi nghĩ rằng sự đồng cảm và trung thực mà bà đã truyền tải là khá độc đáo và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ”.

Juliet Gerrard, nhà hóa sinh học, cố vấn khoa học chính của thủ tướng cho biết, Ardern rất khát khao hiểu được các chi tiết về khoa học, ví dụ như việc các bộ gen được sử dụng để theo dõi các đợt bùng phát dịch như thế nào, hoặc bằng cách nào mà virus sẽ tiến hóa. “Nhờ vậy, sự hiểu biết sâu rộng đã giúp bà có thể truyền đi những thông tin rất phức tạp và luôn thay đổi”, Gerrard nói.

Tuy nhiên, chính phủ New Zealand cũng phải đối mặt với một số chỉ trích về việc không giám sát cộng đồng đầy đủ và không xét nghiệm cho nhân viên và khách du lịch tại các cơ sở cách ly một cách triệt để, dẫn đến việc bùng phát dịch bệnh và phải tiến hành phong tỏa ở thành phố lớn nhất của quốc gia này là Auckland vào tháng 8. Trước đó, trong tháng 6, nền kinh tế của New Zealand cũng rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận và khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng lên 1/3 vào tháng 9.

Dù vậy, phần lớn người dân New Zealand vẫn lắng nghe các khuyến nghị của thủ tướng khi chính sách hạn chế được áp dụng, và các cuộc thăm dò dư luận cũng liên tục cho thấy có tới 80% người dân ủng hộ các hành động của chính phủ, bao gồm cả biện pháp phong tỏa. Và vào tháng 10 vừa qua, Ardern đã tái đắc cử vị trí Thủ tướng.

Bà cũng có niềm tin vào vai trò của khoa học trong những lĩnh vực khác. Theo nhà kinh tế học Rebecca Burdon, người đứng đầu Climate Resource, cơ quan tư vấn chính sách về biến đổi khí hậu ở Melbourne, Úc, so với những người tiền nhiệm của mình, Ardern đã nỗ lực hơn nhiều trong việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và coi đây là một trọng tâm cần được ưu tiên.

Vào năm ngoái, New Zealand đã thông qua đạo luật Không Carbon, trong đó nêu cam kết sẽ theo đuổi mức phát thải ròng bằng không (net-zero emissions) vào năm 2050. Ngoài New Zealand, chỉ có một số ít quốc gia khác ban hành đạo luật tương tự.

Chính phủ của Ardern đã cam kết dành khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội để ứng phó với Covid-19 – con số nhiều hơn hầu hết tất cả các quốc gia khác. Tuy nhiên, Thủ tướng New Zealand cũng phải đối mặt với một thách thức lớn trong việc vừa phải vực dậy nền kinh tế vốn phụ thuộc rất nhiều vào du lịch quốc tế, vừa phải bảo đảm cho sự an toàn của người dân trước loại virus corona nguy hiểm đang gây ra đại dịch trên toàn thế giới.

Mỹ Hạnh dịch

Nguồn: https://www.nature.com/immersive/d41586-020-03435-6/index.html#jacinda-Ardern

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)