Kết nối nhà khoa học và công chúng

Các nhà khoa học đang nghiên cứu những gì? Những công trình khoa học có tính ứng dụng của họ mang ý nghĩa như thế nào, có thể tác động gì tới đời sống? Chúng đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải nỗ lực và kiên trì ra sao? Qua các buổi nói chuyện được Tia Sáng tổ chức trong đó các nhà khoa học trực tiếp làm diễn giả, công chúng sẽ hiểu hơn về công việc của họ.


TS Trần Đình Phong diễn giải về lá nhân tạo Ảnh: Thanh Nhàn

Tại buổi nói chuyện ngày 16/7, diễn giả, TS. Trần Đình Phong trình bày và về vai trò và quá trình chế tạo lá nhân tạo (artificial leaf) và cùng thảo luận với đông đảo người tham gia trong không khí sôi nổi và cởi mở. 

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng gia tăng mạnh, các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng khó khai thác và khan hiếm, các nhà khoa học, tập đoàn lớn và chính phủ nhiều nước rất chú trọng yêu cầu cải tiến công nghệ để khai thác các nguồn năng lượng tái tạo được trong tự nhiên. Trong đó, lá nhân tạo, một giải pháp tuyệt vời trong chuyển hóa và sử dụng năng lượng mặt trời đã mở ra một nấc thang mới trong nghiên cứu phát triển các vật liệu, thiết bị tiên tiến dựa trên các quá trình tổng hợp quang hóa tự nhiên của lá cây xanh.

Tại buổi nói chuyện, TS Phong nhận được nhiều câu hỏi của người tham dự về những khó khăn, thuận lợi và cơ chế hợp tác quốc tế khi tiến hành nghiên cứu này trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu thốn rất nhiều điều kiện cơ sở vật chất, tài chính cho các nhà khoa học theo đuổi những hướng nghiên cứu dài hơi về vật liệu tiên tiến. TS Phong chia sẻ, khi xây dựng nhóm nghiên cứu về lá nhân tạo này ở Việt Nam, anh và nhóm nghiên cứu có được tinh thần say mê nghiên cứu, nhiệt huyết của nhiều bạn trẻ tham gia nhưng cũng gặp khó khăn về tài chính. Trong nhiều trường hợp, nhóm nghiên cứu của anh rất thiếu kinh phí để gửi các kết quả nghiên cứu đi các phòng thí nghiệm trên thế giới để kiểm tra.

Nghiên cứu về lá nhân tạo đã mang đến cho TS Phong và các cộng sự một số công bố quốc tế, trong đó có công bố trên Nature Materials về molybden sulfide vô định hình, một vật liệu rẻ tiền và dễ chế tạo có thể thay thế xúc tác bạch kim trong phản ứng điều chế Hydro – nhiên liệu sạch dùng trong pin nhiên liệu. Việc theo đuổi hướng nghiên cứu này còn giúp anh có cơ hội dẫn dắt và truyền niềm cảm hứng làm khoa học cho một nhóm không nhỏ các nghiên cứu sinh và sinh viên, qua đó tạo dựng cho các em một nền tảng tri thức chắc chắn, những quy chuẩn nghiêm túc trong công việc nghiên cứu, và niềm đam mê để theo đuổi sự nghiệp khoa học trong lâu dài. Có những em đã có những nỗ lực sáng tạo đáng kể, mang lại những đóng góp chuyên môn thuyết phục cho công trình nghiên cứu của nhóm – đóng góp của từng em đã được TS Phong điểm lại một cách đầy đủ, cụ thể, khách quan trong bài trình bày.

Một số nhà khoa học có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu trong và ngoài nước đến tham dự buổi nói chuyện đã rất hoan nghênh ý tưởng tổ chức các buổi giao lưu giữa nhà khoa học với công chúng. GS.TSKH Trần Xuân Hoài và TS. Nguyễn Trọng Tĩnh, Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học kỳ vọng Tia Sáng tổ chức nhiều buổi nói chuyện khoa học trước công chúng hơn nữa để tăng cường tương tác giữa giới học thuật và công chúng yêu khoa học.

Tác giả