Khai thác tài sản trí tuệ: Tìm lời giải mới cho bài toán cũ

Đề xuất trao quyền đăng ký sáng chế hình thành từ đề tài sử dụng ngân sách nhà nước là được kì vọng sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc đã tồn tại từ lâu trong quá trình tạo lập và thương mại hóa tài sản trí tuệ của các viện, trường và doanh nghiệp Việt Nam.

Thiếu chính sách tạo động lực

“Trước đây số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích của chúng tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kể từ năm 2020, chúng tôi bắt đầu tiếp cận và nhận được hỗ trợ từ Cục Sở hữu trí tuệ, con số đã tăng lên 30, chênh lệch cực kì lớn so với trước”, PGS.TS. Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết trong hội thảo trực tuyến “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu” trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2021.

Điều diễn ra tại trường ĐH Công nghiệp TPHCM đã phần nào phản ánh hiệu quả của những nỗ lực thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ của Việt Nam trong những năm qua. Không chỉ trường ĐH Công nghiệp TP HCM mà nhìn chung, “số lượng đơn đăng ký và số văn bằng bảo hộ sáng chế được cấp của các trường đại học, viện nghiên cứu của chúng ta ngày càng tăng lên, một mặt là do nhu cầu đổi mới khoa học công nghệ, thứ hai là sự quan tâm đến việc đăng kí và phát triển tài sản trí tuệ ngày càng gia tăng”, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), nhận xét.

Tuy nhiên, những điểm sáng trên vẫn còn khá thưa thớt. Nhìn chung, “số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số đơn đăng ký, đây là điều mà chúng ta rất cần lưu tâm”, ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh. Bởi lẽ, nếu các doanh nghiệp Việt Nam phát triển giải pháp công nghệ tương tự sẽ mất quyền đăng ký bảo hộ, hoặc họ muốn sản xuất thương mại hóa thì sẽ vướng phải quyền sở hữu của các doanh nghiệp nước ngoài đã “đi trước đón đầu”.

Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ là một trong những khó khăn lớn nhất với các nhà sáng chế. Ảnh: Sáng chế máy ép gạch không nung của công ty Hồ Hoàn Cầu. Nguồn: hohoancau.com

Lật giở lại những hội thảo trước đây, bất cứ ai cũng có thể thấy rằng vấn đề này đã được thảo luận rất nhiều và trở thành câu chuyện quá quen thuộc với những người trong ngành. Trong quá trình đi tìm nguyên nhân, một trong những ý kiến phổ biến nhất là “do quá trình đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, đặc biệt là sáng chế quá phức tạp”, theo ông Hồ Xuân Vinh, Giám đốc công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, nổi tiếng với nhiều sáng chế về máy xây dựng và nông nghiệp. “Với các doanh nghiệp, khâu đăng kí sở hữu trí tuệ thực sự rất khó bởi vì các quy định về mẫu, cách thức viết ra các bản mô tả rất phức tạp. Giai đoạn đầu, chúng tôi đã phải thuê các đơn vị tư vấn. Hơn nữa, việc đăng kí cũng tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc. Với mỗi lần đăng ký sáng chế, các đơn vị tư vấn thường yêu cầu 40-50 triệu đồng một lần mà chưa biết có chắc chắn được hay không”.

Mặc dù là một trong những rào cản lớn song theo các chuyên gia, sự phức tạp của quy trình đăng ký bảo hộ sáng chế không phải là vấn đề quá khó đáp ứng. Với các chính sách thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ trong những năm gần đây, nếu doanh nghiệp hoặc viện, trường tìm đến đúng nơi hỗ trợ thì việc đăng ký bảo hộ sẽ rất dễ dàng. “Trước đây tôi nghĩ rằng, khó đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế, giải pháp hữu ích, có những kết quả nghiên cứu làm xong chúng tôi chuyển giao thẳng cho doanh nghiệp luôn chứ không đăng ký. Cho đến gần đây, tôi bắt đầu tiếp cận với Cục Sở hữu trí tuệ mới thấy đăng ký đâu có khó và tốn kém như thế, số lượng đơn đăng ký của chúng tôi đang ngày càng tăng”, PGS.TS. Đàm Sao Mai cho biết. “Đó là nhờ Cục Sở hữu trí tuệ đã trực tiếp hỗ trợ chúng tôi từ hoàn thiện hồ sơ, cũng cách tra cứu dữ liệu làm sao cho đảm bảo tính mới, khả năng đăng ký bảo hộ của sáng chế,… Mỗi khi chúng tôi muốn triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, bên Cục đều đồng ý ngay lập tức”.

Nếu quy trình thủ tục không còn là vấn đề, vậy tại sao số lượng sáng chế của người Việt Nam vẫn bị “lép vế” so với các đơn vị nước ngoài? Theo ý kiến của những chuyên gia có kinh nghiệm trong nghiên cứu lẫn hoạt động sở hữu trí tuệ như PGS.TS. Đàm Sao Mai, “nguyên nhân là do các nhà khoa học chưa có động lực đăng ký, nhiều người lựa chọn công bố bài báo vì nhanh hơn, tiện lợi hơn”. Cụ thể, “công bố quốc tế trung bình mất khoảng 6 tháng đến 1 năm, nhưng đăng ký giải pháp hữu ích hoặc sáng chế phải mất 2-3 năm, kéo dài hơn. Do vậy, việc công bố quốc tế để tính điểm công trình thuận lợi hơn nhiều so với việc đăng kí sáng chế để tính điểm”, theo TS. Vũ Xuân Tạo ở Trung tâm sinh học thực nghiệm, Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ KH&CN).

Bản thân các nhà quản lý cũng nhận thấy tình trạng này. “Chúng tôi cho rằng nguyên nhân không phải do các nhà khoa học không có năng lực sáng tạo mà do cơ chế chính sách động lực, đây là điều rất đáng lưu ý để chúng ta tìm giải pháp tăng số lượng sáng chế của người Việt”, ông Đinh Hữu Phí cho biết. Bên cạnh những hoạt động khuyến khích, khen thưởng, nhiều người kỳ vọng động lực đăng ký bảo hộ sáng chế sẽ được cải thiện trong thời gian tới nhờ thay đổi quy định trao quyền đăng ký sáng chế cho các viện, trường. “Chúng tôi đã đề xuất trao quyền đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích,… hình thành từ đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cho các tổ chức chủ trì triển khai một cách tự động, không bồi hoàn. Đây là vướng mắc từ lâu nay được rất nhiều viện trường và các nhà khoa học quan tâm. Nếu đề xuất này được thông qua thì sẽ tạo động lực rất lớn cho việc khai thác, thương mại hóa các sáng chế”, ông Đinh Hữu Phí nói.

Cần thu hút sự tham gia của doanh nghiệp

Việc thúc đẩy số lượng đăng ký sáng chế, cũng như các công ty startup, mô hình spinoff được coi là một trong những điểm mấu chốt để tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cũng như quốc gia. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, “đó chỉ là phần nổi của tảng băng thôi, điều quan trọng là phải ứng dụng được những kết quả đó vào cuộc sống và kiếm tiền từ chúng. Đây mới là phần mất rất nhiều công sức để triển khai”, ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc ươm tạo của Công ty đầu tư và phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK Holdings) nhận xét.

Tương tự như vấn đề đăng ký bảo hộ sáng chế, làm thế nào để tăng cường chuyển giao, thương mại hóa công nghệ cũng là bài toán mà các viện, trường lâu nay vẫn đang đi tìm lời giải. “Đây không phải là vấn đề nên làm mà với trường ĐH Bách khoa, đây là chuyện bắt buộc phải làm vì chúng tôi chịu rất nhiều áp lực cạnh tranh từ những trường khác, có những trường sẵn sàng trả lương rất cao để thu hút cán bộ Bách Khoa về làm, nếu chúng tôi không thương mại hóa được những tài sản trí tuệ trong trường để giúp cho các nhóm nghiên cứu làm giàu thì trường Bách khoa sẽ dần mất người và mất đi vị thế”, theo ông Phạm Tuấn Hiệp.
Rào cản lớn nhất trong quá trình này là “khoảng trống” giữa các viện, trường và doanh nghiệp. Đây không phải là vấn đề mới, thậm chí đã từng được đề cập trong hội nghị Tổng kết Chương trình phát triển thị trường KH&CN (Chương trình 2075) trong khuôn khổ Tuần lễ Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo do Bộ KH&CN tổ chức vào tầm này năm trước, “chỉ có khoảng 14% doanh nghiệp tìm đến viện, trường khi cần đổi mới công nghệ, còn 86% chạy đến chỗ khác”, theo nhận xét của TS. Tạ Bá Hưng, Chủ nhiệm Ban điều hành Chương trình 2075.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trường Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), ngoài việc thành lập các đơn vị trung gian (TTO, IP Office) để kết nối, hỗ trợ chuyển giao công nghệ như nhiều viện, trường đang làm, điều quan trọng là giải pháp công nghệ “phải tiếp tục hoàn thiện đến mức thị trường chấp nhận được chứ không phải mỗi cấp bằng sáng chế là được”. Một giải pháp tốt chỉ có giá trị nếu khả thi trong thực tế: “Công nghệ thương mại hóa khác với công nghệ nghiên cứu. Ví dụ trong xử lý hình ảnh, công nghệ nghiên cứu có thể nhận diện một khuôn mặt với độ chính xác 99%, tuy nhiên lại cần server, cấu hình, chi phí rất lớn. Công nghệ ứng dụng trong thực tế phải nhận diện khuôn mặt tuy độ chính xác không cao bằng nhưng có thể chạy trên những máy tính nhúng rất rẻ tiền”, ông Ngô Ngọc Thành, Tổng giám đốc công ty CP Beet Innovators cho biết.

Tuy nhiên, việc tối ưu hoàn thiện sản phẩm thường đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Chẳng hạn như sản phẩm thép polyme của tập đoàn GFS đã từng “chịu lỗ 8 năm qua, đến năm nay mới bắt đầu có lãi”, theo ông Đỗ Đức Thắng ở tập đoàn GFS. Sau một quá trình dài phát triển, “sản phẩm này được Bộ Quốc phòng mang ra thử ngoài biển đảo qua 5 năm thì các công trình đối chứng hỏng hết rồi, chỉ có sản phẩm của chúng tôi vẫn đứng vững”.

Do vậy, “đây là thung lũng chết mà để vượt qua, phải có nhà đầu tư rất lớn đi cùng”, theo ông Phạm Hồng Quất, “chúng ta cần phải kéo được doanh nghiệp vào cuộc, đặc biệt là những tập đoàn lớn ở các khu vực tư nhân. Ngoài nguồn lực đầu tư dồi dào, sự đồng hành của các doanh nghiệp còn cần thiết trong quá trình lưu thông sản phẩm: “Chỉ có các tập đoàn kinh tế mạnh mới đủ điều kiện và sức mạnh để bảo vệ tài sản trí tuệ, vì trong quá trình tung sản phẩm ra thị trường bị nhái là thường xuyên, cá nhân sẽ rất khó ngăn cản vì việc kiện cáo khá phức tạp”, ông Đỗ Đức Thắng nói.

Tác giả