Khám phá loài thực vật hoá thạch mới tại Việt Nam
Trong một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Palaeogeography, Palaeoclimatology, Palaeoecology, TS Đỗ Văn Trường (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã cùng các nhà nghiên cứu tại Vườn Thực vật nhiệt đới Xishuangbana (Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc), báo cáo về một hệ thực vật hoá thạch (cổ thực vật) thuộc kỷ Paleogen (hay còn gọi là kỷ Cổ Cận) mới tại miền Bắc Việt Nam.
Thông qua loài thực vật hóa thạch mới này, các nhà khoa học nhận thấy Vịnh Bắc Bộ – vùng lõi của khu vực phía Bắc Việt Nam là một nguồn quan trọng cho sự phát triển của thảm thực vật Đông Á, sau sự thoái lui của vành đai khô cằn Đông Á hậu Paleogen.
Các lá thuộc họ Dẻ gai (Fagaceae) và họ Long não (Lauraceae) trong hệ thực vật Hạ Long
Khí hậu miền Bắc nước ta có phần tương đồng với khí hậu miền Nam Trung Quốc – thuận lợi cho sự phát triển của các loài thực vật khác nhau, với hơn 12.000 loài thực vật bậc cao. Mặc dù đóng vai trò quan trọng về mặt thực vật học và lịch sử của cổ sinh vật trong Đại Tân Sinh ở Việt Nam (bắt đầu 66 triệu năm trước ngay sau kỷ Phấn trắng và kéo dài đến tận ngày nay), nhưng có rất ít nghiên cứu cổ sinh vật hiện đại được tiến hành tại khu vực này.
Các nhà nghiên cứu mô tả các đặc trưng của những hoá thạch từ hệ tầng Đồng Ho, lưu vực Hoành Bồ, TP Hạ Long (Quảng Ninh), và thảo luận về sự giống nhau trong cấu trúc giữa chúng với các loại thực vật khác thuộc Đại Tân Sinh ở miền Nam Trung Quốc.
Hoá thạch thực vật cỡ lớn thuộc Thế Oligocen Hạ Long có 38 loài thuộc 16 họ và 24 chi (Thế Oligocen hay còn gọi là thế Tiệm Tân, một thế địa chất kéo dài từ khoảng 33,9 tới 23 triệu năm trước). Hệ thực vật hoá thạch này thuộc “thực vật vịnh Bắc Bộ địa hình đất trũng lòng chảo kỷ Paleogen” (Paleogene Pan Gulf of Tonkin palaeoflora), bao gồm các loài cây lá kim và thực vật hạt kín chủ yếu thuộc họ Dẻ gai (Fagaceae), họ Long não (Lauraceae) và họ Dầu (Dipterocarpaceae), tất cả đều đặc trưng cho hệ thực vật vùng nhiệt đới châu Á.
Đây là điểm giống nhau giữa các thực vật kỷ Paleogen Bắc Bộ với các thực vật kỷ Paleogen miền Nam Trung Quốc, có thể hình dung nó như một khu rừng thường xanh nhiệt đới đất thấp xen lẫn với thảm thực vật đá vôi.
Sử dụng cả hai phương pháp tiếp cận đặc điểm sinh lý (hình thức và cấu trúc) của lá hóa thạch dựa trên phân loại và không phân loại, các nhà nghiên cứu đã tái tạo thảm thực vật và khí hậu cổ sinh cả về mặt định tính lẫn định lượng. Kết quả cho thấy miền Bắc Việt Nam đã trải qua khí hậu nóng ẩm trong thế Oligocen, nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 20°C, nhiệt độ trung bình của tháng lạnh nhất khoảng 10°C và lượng mưa hằng năm trung bình gần 2000 mm. Khí hậu gió mùa đã tồn tại, nhưng yếu hơn so với ngày nay.
Thêm vào đó, họ phát hiện Vịnh Bắc Bộ là vùng lõi của khu vực phía Bắc Việt Nam, nơi đây có khí hậu và hệ thực vật ổn định lâu dài. Nhờ vậy, nó là một nguồn quan trọng cho sự phát triển của thảm thực vật Đông Á sau sự rút lui của vành đai khô cằn Đông Á hậu Paleogen.
Ngô Thành tổng hợp
(Visited 1 times, 1 visits today)