Khan hiếm nhân lực công nghệ tại Singapore

Mặc dù có một hệ sinh thái khởi nghiệp mà các nước Đông Nam Á mơ ước nhưng Singapore lại rất thiếu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Và điều đó mở ra cơ hội việc làm cho các kỹ sư người Việt. Thiếu hụt 30000 chuyên viên IT


CTO của Wego, Lê Sơn Phụng, người thứ hai từ trái sang trong một buổi tiệc của công ty.

 

Sau rất nhiều nỗ lực đầu tư bởi chính phủ từ năm 2010 trở lại đây, Singapore đang nổi lên như một trung tâm về khởi nghiệp (startup) của khu vực Đông Nam Á. Đất nước này ở thời điểm hiện tại (tháng 6 năm 2016), có hơn 1.7001 startup đang hoạt động và hơn 50 2 quĩ đầu tư mạo hiểm luôn tìm kiếm những startup có tiềm năng trong khắp khu vực để đầu tư. 
 Các chính sách hỗ trợ startup của chính phủ đã tạo ra những kết quả nhất định về số lượng startup được hình thành và cũng như về số lượng vốn được gọi thêm từ khu vực tư nhân. Các chính sách đó cũng tạo ra những cú hích thu hút các công ty công nghệ lớn của thế giới như Google, Twitter, Facebook xây dựng trung tâm công nghệ của khu vực Đông Nam Á tại Singapore. 

Tuy nhiên, những chính sách đó chưa tạo được sự thu hút nhân tài theo đuổi lĩnh vực công nghệ vốn là lực lượng nền tảng để tạo ra những startup thành công. Theo dự báo, đến năm 2017 Singapore sẽ thiếu hụt khoảng 30.000 3 chuyên viên công nghệ thông tin về các lĩnh vực an ninh mạng, phân tích dữ liệu (data analytics), phát triển ứng dụng. 

Trong những năm trước đây, các sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ ở các trường đại học của Singapore thường lựa chọn công việc trong các ngành về tài chính, ngân hàng do chế độ lương bổng tốt hơn và sự nghiệp ổn định hơn. Thêm vào đó, trong mắt các nhà quản lý doanh nghiệp Singapore, công việc lập trình thường được xem là công việc tay chân dành cho nhân viên cổ xanh. Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore vẫn được xem là non trẻ so với các nơi khác (chẳng hạn như Silicon Valley của Mỹ), nên chưa có nhiều startup thành công vượt bậc cũng như chưa có nhiều kỹ sư công nghệ trở nên giàu có sau khi startup mà họ tham gia vào giai đoạn đầu được thoái vốn với lợi nhuận cực lớn. Những lý do kể trên góp phần tạo ra tâm lý không muốn theo đuổi nghề nghiệp lập trình phần mềm trong phần đông sinh viên tốt nghiệp ở Singapore.  

Tình trạng khan hiếm kỹ sư phần mềm chất lượng cao luôn là nỗi đau đầu không những của các startup mới thành lập, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mà còn đối với các doanh nghiệp startup đã phát triển như Grab (được biết ở Việt Nam với sản phẩm Grab Bike, Grab Taxi), Garena (công ty trị giá một tỷ USD đầu tiên ở Singapore), các công ty công nghệ lớn như Google, Twitter. 

Do không có đủ nhân lực lập trình từ các trường đại học trong nước, các công ty công nghệ xoay sang tổ chức các chương trình thu hút nhân tài từ các nước ở các khu vực khác, trong đó có Việt Nam. Việt Nam vốn từ lâu được biết đến là cái nôi về gia công phần mềm và là lò sản xuất nhiều kỹ sư lập trình, đang dần thu hút các công ty công nghệ tại Singapore tuyển dụng nhân lực tại chỗ. Thực tế, hầu hết trong các startup của Sing đều có ít nhất một vài hoặc cả nhóm kỹ sư đều là người Việt Nam, kể cả những công ty có ảnh hưởng nhất trong thị trường tại Đông Nam Á lúc này như Grab, Garena, RedMart (công ty thương mại điện tử về thực phẩm), Wego (công ty đặt vé máy bay và phòng khách sạn giá rẻ), Zopim (công ty phần mềm mới được mua lại với giá 30 triệu USD). Đặc biệt, cả hai vị trí giám đốc công nghệ (CTO) và giám đốc kỹ thuật (Director of Engineering) của Wego là do người Việt Nam nắm giữ. 

Cơ hội cho kỹ sư người Việt

Các sinh viên và kỹ sư có thể kiên trì theo dõi qua internet về nhu cầu tuyển dụng của các công ty mà mình muốn làm việc. Các bạn cũng nên thỉnh thoảng sang Singapore tham dự các sự kiện chuyên nghiệp dành cho lập trình viên4, vì các công ty startup hay tới đây để tuyển lập trình viên. Nếu các bạn có phần trình bày về một đề tài nào đó thì càng dễ gây sự chú ý từ các công ty startup. Ngoài ra, với những người có kinh nghiệm làm việc ở các công ty nước ngoài tại Việt Nam khoảng 2-3 năm, xác suất được nhận sẽ cao hơn vì khi đó họ đã tương đối chuyên nghiệp, đồng thời có thể làm việc và giao tiếp bằng tiếng Anh. Võ Anh Duy (hiện là kỹ sư của ThoughtWorks) là một trường hợp như vậy. Sau khi tốt nghiệp Khoa công nghệ thông tin, trường Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2013, em vào làm cho công ty Silicon Straits Saigon, chuyên về ngôn ngữ lập trình Ruby. Hằng năm ở Singapore có một sự kiện chuyên đề về lĩnh vực này, Duy sang tham dự và tìm hiểu về môi trường làm việc bên Singapore. Thông qua mạng xã hội Twitter, em theo dõi những chuyên gia hàng đầu về phần mềm và Ruby. Qua đó, em biết được công ty ThoughtWorks (đồng sáng lập là Martin Fowler, một trong những chuyên gia phần mềm hàng đầu thế giới) đang có chương trình tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam. Em tận dụng cơ hội đó để nộp đơn và được nhận vào làm cùng với hai bạn Việt Nam khác. Duy có chia sẻ là các bạn lập trình viên Việt Nam ít chú trọng luyện tập kỹ năng làm phần mềm chuyên nghiệp, ví dụ TDD (Test Driven Development – một chuẩn làm phần mềm giúp hạn chế lỗi) vốn rất được các công ty làm phần mềm chất lượng cao như ThoughWorks yêu cầu cần phải có.

Cũng có những trường hợp, những kỹ sư và sinh viên công nghệ thông tin được “săn đón” vì họ được giải các cuộc thi trong nước hoặc quốc tế. Tuy nhiên, họ vẫn cần trau dồi kỹ năng làm việc, đáp ứng đòi hỏi của các công ty lớn. Lâm Phan Việt (hiện nay là kỹ sư của Grab) tốt nghiệp Đại học Cần Thơ  năm 2013, sớm xác định sẽ ra nước ngoài làm việc nên đã có sự chuẩn bị dài hơi. Khi còn là sinh viên, Việt đã tham gia vào cuộc thi các cuộc thi tin học trong nước và quốc tế như ACM5. Do có những thành tích  nhất định trong cuộc thi ACM, nên ngay từ năm cuối Việt đã được Google săn đón và mời sang Úc để phỏng vấn. Việt chia sẻ rằng, em không qua được vòng phỏng vấn do kinh nghiệm chưa đủ và yếu về kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh nhưng em được một startup khác tại Úc nhận vào làm việc từ xa. Song song với việc nâng cao kỹ năng giao tiếp trong quá trình làm việc cho startup, Việt vẫn miệt mài trao dồi các kỹ năng về giải thuật, tư duy logic, giải quyết vấn đề thông qua các trang web chuyên biệt 6. Các kỹ năng đó rất được chú trọng trong quá trình phỏng vấn bởi các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook, Amazon. Việt thường xuyên nộp đơn xin việc cho các startup ở Sing tại trang web StartupJobs.asia, Grab liên hệ với Việt. Sau vài vòng phỏng vấn, Việt nhân được offer từ Grab và sau đó một tháng Việt đã có mặt tại Singapore để làm việc. Việt có chia sẻ là môi trường làm việc ở Grab rất giống với môi trường trong các startup lớn tại Silicon Valley do CTO trước đây của Grab vốn từng làm việc tại Facebook nên đã áp dụng văn hoá làm việc tương tự. Cuối tháng bảy, Việt sẽ chuyển sang làm việc cho công ty Amazon tại Úc. 

Như vậy cơ hội làm việc cho các kỹ sư và sinh viên Việt Nam tại Singapore là rất nhiều. Những thông tin về tuyển dụng vẫn được đăng tải công khai trên trang web của các công ty, trang tìm việc làm trực tuyến www.startupjobs.asia hoặc kênh #job của cộng đồng phần mềm Grokking Software Engineering trên thế giới. Điều kiện cần để các em nắm bắt những cơ hội này là củng cố khả năng giao tiếp tiếng Anh và những kiến thức, kĩ năng chuyên môn sâu, cập nhật với công nghệ thế giới. 
 ———–  
* Giám đốc startup Gund Singapore, kỹ sư tại IBM Singapore.

 Tham khảo:
1 https://angel.co/singapore
2https://www.techinasia.com/directory-of-early-stage-venture-capital-seed-funds-and-angel-investors-for-startups-in-singapore
3 http://www.straitstimes.com/ singapore/manpower/it-talent-in-short-supply-amid-smart-nation-push
4 Các trang web về sự kiện dành cho lập trình viên tại Singapore
 https://2016.devfest.asia/;http://www.reddotrubyconf.com/;https://2016.phpconf.asia/;http://fossasia.org/; http://www.iosconf.sg/
5Trang web về cuộc thi lập trình quốc tế dành cho sinh viên https://icpc.baylor.edu/
6 Các trang web giúp các bạn lập trình viên trao dồi kỹ năng giải thuật và giải quyết vấn đề: https://codility.com/; https://www.hackerrank.com/

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)