Khảo sát con đường dẫn đến sự thịnh vượng
Những cỗ máy tăng trưởng trên thế giới đang trong thời kỳ chuyển pha. Các nền kinh tế đang phát triển hiện nay đang đóng góp trên một nửa tổng tăng trưởng GDP toàn cầu. Kết quả đương nhiên là người ta phải quan tâm tới một vấn đề nóng hổi: Liệu có nguy cơ là một số hay nhiều nước đang phát triển sẽ trở thành miếng mồi ngon của “bẫy thu nhập trung bình” hay không?
Trong đa số mọi trường hợp các quốc gia thành công trong việc tiến lên mức thu nhập trung bình từ mức thu nhập thấp, nền tảng quá trình phát triển là khá giống nhau. Thường thì, có rất nhiều người lao động không có tay nghề được chuyển từ những công việc với thu nhập chỉ đủ sống qua ngày sang những ngành sản xuất hay dịch vụ hiện đại hơn – cần vốn đầu tư lớn hơn và công nghệ cao hơn – mà không cần phải nâng cao tay nghề cho những người lao động này.
Những ngành công nghệ đó đã có sẵn từ các nước giàu có hơn và dễ dàng thích ứng với hoàn cảnh địa phương ở các nước nghèo. Hiệu quả tổng hợp của công việc chuyển giao đó – thường đi kèm với quá trình đô thị hóa – là sự gia tăng đáng kể “năng suất lao động toàn xã hội”, yếu tố quan trọng tạo ra sự gia tăng GDP vượt trên mức tăng trưởng đơn thuần dựa trên gia tăng công ăn việc làm, tiền vốn, và những tác nhân vật chất khác trong sản xuất.
Chẳng sớm thì muộn, việc gặt hái lợi ích từ những loại “hoa quả ở cành thấp” như thế – hiểu theo nghĩa cơ hội tăng trưởng – sẽ gặp phải giới hạn. Sau đó tốc độc tăng trưởng có thể chậm lại làm cho nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Thời điểm mấu chốt là khi trong nền kinh tế không còn dư thừa những người thiếu tay nghề để tiếp tục chuyển sang phục vụ trong những ngành kinh tế hiện đại không đòi hỏi kỹ năng lao động bậc cao. Hoặc là, như trong một số trường hợp cho thấy, khi những ngành này không thể tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh [vì không thể tăng thêm được lợi nhuận] trong khi nền kinh tế thì vẫn đang dư thừa những lao động không có tay nghề.
Otaviano Canuto, là Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách mảng giảm nghèo và quản lí kinh tế (the World Bank’s Vice-President for Poverty Reduction and Economic Management), đồng tác giả cuốn: Một ngày sau ngày mai: Sổ tay về chính sách kinh tế trong tương lai trong thế giới đang phát triển (The Day After Tomorrow: A Handbook on the Future of Economic Policy in the Developing World). |
Sau thời điểm bước ngoặt này, sự gia tăng năng suất lao động toàn xã hội và việc duy trì tốc độ phát triển GDP cao phụ thuộc vào khả năng của nền kinh tế trong việc nâng cấp sản xuất, dịch vụ và nông nghiệp theo xu hướng đòi hỏi công nghệ phức tạp hơn, trình độ lao động cao hơn, và cần những tài sản vô hình như năng lực thiết kế và tổ chức. Mặt khác, một yếu tố quan trọng cơ bản khác là việc thiết lập các định chế trợ giúp cho đổi mới và chuỗi các giao dịch phức tạp trên thương trường.
Bây giờ thách thức không còn là tiếp cận những công nghệ cơ bản [mà thế giới đang có] mà là tạo dựng năng lực cùng những định chế phù hợp ở trong nước – vốn là những thứ không thể nhập khẩu hoặc sao chép một cách dễ dàng của nước ngoài. Điều kiện tối thiếu ở đây là xã hội phải cung cấp được một nền giáo dục và cơ sở hạ tầng phù hợp.
Hiện nay các nước có mức thu nhập trung bình ở Mỹ Latin đã thấy quá trình chuyển đổi lao động từ những công việc có thu nhập chỉ đủ sống qua ngày sang những công việc có thu nhập cao hơn đang chậm lại, dù lao động dư thừa vẫn còn. Đây là do sai lầm trong quản lí kinh tế vĩ mô và nền sản xuất hướng nội, trì trệ kéo dài tới tận những năm 1990, khi những nước này vấp phải những giới hạn của quá trình dịch chuyển lao động. Tuy nhiên, có một số nước đã vượt lên được, xác lập vị trí vững vàng trong chuỗi giá trị toàn cầu (ví dụ ở Brazil đã hình thành ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khoan dầu ngoài biển sâu, và công nghiệp sản xuất máy bay).
Ngược lại, các nước đang phát triển ở châu Á lại dựa chủ yếu vào thương mại quốc tế nhằm đẩy nhanh quá trình dịch chuyển lao động bằng cách tự mình tham gia vào những lĩnh vực cần nhiều lao động trong chuỗi giá trị toàn cầu. Những tiến bộ trong công nghệ thông tin liên lạc và cước vận chuyển rẻ cũng như hàng rào thương mại quốc tế giảm đã tạo nhiều thuận lợi cho xu hướng này.
Con đường từ thu nhập thấp (tính theo đầu người) lên mức trung bình và sau đó là lên mức cao đồng nghĩa với việc gia tăng tỉ lệ dân chúng chuyển từ những công việc chỉ đủ sống qua ngày sang những công việc đơn giản của thời hiện đại và sau đó là sang những công việc phức tạp hơn. Ngành thương mại quốc tế đã mở rộng cửa cho con đường này, nhưng những cải cách trong lĩnh vực định chế, nền giáo dục chất lượng cao và việc tạo ra những tài sản vô hình tại chỗ là vấn đề then chốt cho sự tiến bộ bền vững trong dài hạn. Hàn Quốc là thí dụ rõ nhất về việc một nước biết tận dụng cơ hội để leo lên các nấc thang thu nhập.
Để duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, các nước đang phát triển cần tận dụng nhóm lao động có thu nhập thấp ở nông thôn và số lao động bán thất nghiệp ở khu vực đô thị vì đây là nguồn lực còn chưa được khai thác. Nếu chuyển đổi nghề nghiệp thành công cho nhóm người này thì tổng năng suất lao động toàn xã hội sẽ gia tăng. Để điều này thành công trên bình diện toàn cầu thì bản thân các nước có mức thu nhập trung bình phải vượt qua các rào cản trên con đường dẫn tới mức thu nhập cao hơn, và bằng cách đó, tạo ra nhu cầu mới đồng thời tiếp tục chuyển giao cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp cho những người lao động ở các nước nghèo hơn.
Các nước có mức thu nhập trung bình nhưng giàu tài nguyên trực diện với con đường riêng của mình, một con đường đã được mở rộng ra nhờ sự tăng giá các nguyên vật liệu trong một thời gian dài, kèm theo sự dịch chuyển trong cơ cấu GDP toàn cầu. Khác với hoạt động sản xuất công nghiệp, ngành khai thác tài nguyên thiên nghiên thường có những tính chất đặc thù, tạo cơ hội cho việc hình thành các năng lực ở địa phương trong những hoạt động kinh doanh tầm cao [sinh nhiều lợi nhuận]. Tuy nhiên, thách thức gắn liền ở đây là làm sao để duy trì phát triển theo cách này một cách bền vững.
Trong khi phần lớn các nước tiến từ trạng thái thu nhập thấp lên thu nhập trung bình đều đi qua một con đường nói chung là giống nhau thì những giai đoạn tiếp theo của họ sẽ đòi hỏi những dạng kinh nghiệm phong phú khác nhau về cải cách thể chế và tích lũy tài sản vô hình. Căn cứ vào triển vọng phát triển không lấy gì làm tốt đẹp của những nền kinh tế tiên tiến, động lực của nền kinh tế thế giới hiện nay sẽ phụ thuộc vào mức độ thành công của các nước nghèo và các nước thu nhập trung bình khi nỗ lực tiến lên những bậc thang thu nhập mới.
Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn: http://www.project-syndicate.org/ commentary/canuto3/English
Nguyên nhân thường là thể chế yếu kém Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy vấn đề lớn nhất gây ra bẫy thu nhập trung bình là thể chế yếu kém, sản sinh ra những người lãnh đạo đất nước tư lợi, kém năng lực, mặc nhiên dung dưỡng tham nhũng, tạo ra những nhóm lợi ích dẫn đến chia rẽ trong xã hội, gây mất ổn định xã hội, làm suy yếu động lực phát triển. Bên cạnh đó, giáo dục, khoa học công nghệ kém phát triển khiến nền kinh tế tăng trưởng không bền vững – kinh tế trải qua một số cuộc khủng hoảng như lạm phát, khủng hoảng nợ v.v. – môi trường sống tự nhiên bị hủy hoại. Lê Đăng Doanh |
Nguy cơ rơi vào khu vực kém phát triển Những điều Octaviano Canuto nêu khá khớp với những gì đang được cảnh báo ở Việt Nam. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam hiển hiện khá rõ, được cảnh báo từ nhiều phía, trong đó có nghiên cứu của các chuyên gia trong nước, nghiên cứu của những chuyên gia nước ngoài am tường về quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam, nghiên cứu của các nhà tài trợ cho VN. Mặc dù đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong hơn 2 thập kỷ rưỡi cải cách, rõ ràng tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta đang chậm dần lại. Từ tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hơn 8%/năm trong thập kỷ đầu, sang thập kỷ thứ hai tốc độ đó ở VN tụt xuống mức hơn 7%, và trong 5 năm trở lại đây chỉ còn 6%. Tốc độ tăng trưởng giảm sút là do chất lượng tăng trưởng của Việt Nam thấp, đồng thời động lực và nguồn lực cho tăng trưởng đang giảm dần. Việt Nam tăng trưởng lâu nay chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và sức lao động giá rẻ. Nhưng vốn đầu tư đã ngày càng trở nên đắt đỏ hơn, theo nghĩa phải tốn nhiều tiền hơn cho mỗi phần trăm tăng trưởng, thể hiện ở hệ số ICOR ngày càng cao. Tài nguyên thiên nhiên thì cạn kiệt dần và hiệu quả đóng góp cho tăng trưởng rất thấp do chủ yếu chỉ được khai thác và xuất khẩu thô. Sức lao động giá rẻ cũng không còn duy trì được như một lợi thế cạnh tranh, do năng suất lao động chậm được cải thiện trong khi chi phí lao động tăng lên. Tình trạng chất lượng nguồn nhân lực thấp đã trở thành một “nút thắt cổ chai” cho tăng trưởng. Hai “nút thắt cổ chai” khác được nói đến rất nhiều ở Việt Nam là thể chế và kết cấu hạ tầng, cũng là những nhân tố mà Octaviano Canuto nhận thấy ở các nước khác bị kẹt trong bẫy. Riêng về thể chế, Việt Nam còn khó hơn các nước khác ở chỗ Việt Nam còn là một nước đang chuyển đổi, do đó phải vừa sớm hoàn tất thể chế kinh tế thị trường, vừa nâng cấp lên một thể chế hiện đại nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển và hội nhập. Phạm Chi Lan Cần nhận thức lại mô hình phát triển kinh tế Cản trở lớn nhất cho sự phát triển của Việt Nam, theo tôi là lối tư duy cũ về mô hình phát triển kinh tế lấy khu vực công làm chủ đạo, qua đó nuôi dưỡng những tập đoàn kinh tế lớn thuộc sở hữu Nhà nước và một hệ thống chính sách can thiệp quá sâu vào đời sống kinh tế. Nguyễn Đức Thành
|