Khiên cưỡng chuyện nghề

Tôi làm trà chưa lâu, song năm năm cũng giúp tôi nhận ra nhiều vấn đề, có thể không hẳn là những vấn đề cấp thiết, nhưng cần đưa ra trao đổi vì đó là việc nên làm, nhằm tránh được sự nhầm lẫn, dù trong một bộ phận nhỏ, bởi nó giúp duy trì một cái nhìn đúng.


Hiếu cổ hay nệ cổ

Những giá trị Thẩm mỹ và Văn hóa do cha ông để lại luôn đáng kính ngưỡng, họ đã sống và làm hết mình nhằm tinh hóa cái cũ và tạo ra cái mới, song, nền tảng Xã hội mỗi thời một khác, Vật chất lại càng khác xa nhiều, chính thế, với sự hỗ trợ của muôn vàn dạng thiết bị thời nay, thiết nghĩ, việc làm nghề và thưởng thức sẽ phải hơn xưa, ấy vậy mà trong giới, người làm nghề, người dùng, răm rắp ăn theo cái cũ, một mực vọng cổ mà theo. Tôi nghĩ nếu có học người xưa, thì cái nên học chính là thái độ của họ với nghề nghiệp, tâm thế của họ khi thưởng thức. Hãy tinh hóa cái cũ rồi trên nền đó mà tạo ra cái mới!

Xây dựng “trà đạo Việt” hay sự ganh đua

Mỗi đất nước, mỗi tộc người có cương thổ khác nhau, khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau và sản vật khác nhau, Văn hóa – Phong tục theo đó mà cũng khác nhau. Tất nhiên không tránh khỏi những điểm tương đồng, bởi Văn hóa mang trong nó tính hỗn dung. Đời sống của trà cũng không ngoại lệ. Ấy vậy mà rất nhiều những người “làm trà”, vì Trung Hoa có nghi lễ, Nhật Bản có nghi lễ, rồi theo đó mải miết đi xây dựng cái gọi là “trà đạo Việt”, phải chăng đấy là sự ganh đua sinh ra từ tâm hồn tẻ nhạt, hay từ sự thiếu hiểu biết về chính trà Việt Nam. Liệu có nên chăng?

Nghi lễ phát tiết từ sự kính ngưỡng. Người làm nghề hãy có thái độ kính ngưỡng với nghề của mình, từ thái độ đó sẽ phát tiết những tinh phẩm. Khi người dùng trà nhìn thấy sự cẩn trọng tột độ của người làm nghề với trà, sự tôn trọng của người làm trà với người dùng trà, thì sự trân trọng, yêu quý trà sẽ hình thành là lẽ tất yếu và nghi lễ cũng theo mà nên. Thực tế là trong lịch sử, nó đã hình thành và vẫn đang len lỏi tồn tại trong xã hội đương đại, chỉ có điều đáng buồn là nó đang bị suy thoái dần!.

Thiếu hụt và bất minh thông tin

Xét cả hai khía cạnh, đặc tính nguyên liệu và phương pháp chế biến trà thì trà Việt Nam khá phong phú: người tộc Dao có trà chiết, trà làm. Người Thái có trà “Tán-ma”. Thái Nguyên, Phú Thọ có trà “móc câu”. Ấy vậy mà đa số trong dân chỉ biết đến “trà Thái”. Xét đặc tính vị-hương-thủy-diệp thì sản phẩm trà Việt Nam cũng khá đa dạng, ấy vậy mà người dùng chỉ biết đến “nước xanh” – “hậu ngọt”. Thật thiệt thòi! Sự ấy, do đâu mà ra, chẳng phải từ sự thiếu hụt thông tin đó sao! Bao nhiêu loại trà được làm ra là bấy nhiêu nghệ nhân thực thụ, họ đang ở đâu, nơi thôn dã, chốn sơn lâm đâu đâu cũng có ấy vậy mà người dùng chỉ biết đến đám “nghệ nhân” không làm nghề là do đâu? Chẳng phải từ sự bất minh thông tin hay sao?

Thiển ý

Việc duy nhất mà người làm nghề cần làm, theo tôi, đấy là hãy tinh hóa sản phẩm của mình, hãy cung cấp thông tin chân thực và kỹ lưỡng cho khách hàng của mình. Khi mọi thứ được mộc mạc gần gũi thì cũng dễ dàng cho người mới tiếp cận được với nó hơn. Việc ăn, việc chơi là việc riêng của mỗi người, tùy vào trình độ nhận thức và thẩm mỹ mà họ sẽ tự chọn vị trí cho mình, chuyện đó đâu phải chuyện mà người làm nghề phải lo kia chứ. Khi sản phẩm được làm một cách tử tế, trau chuốt bởi bàn tay của những người làm nghề thực thụ, đáng kính, thì việc người dùng trân trọng là hệ quả tự nhiên sẽ tới. Với sự trân trọng trong tâm cam, họ sẽ tự biết thể hiện tấm lòng đó, từ đấy mà ra được nghi lễ, ra được cái đẹp. Đâu phải khiên cưỡng ai phải thế nào!. Đối với việc gìn giữ giá trị cổ truyền thì hãy nghiên cứu cho tới, hãy giữ cho nguyên vẹn, đừng thêm thắt, đừng đánh bóng, bởi lẽ như vậy thì đâu còn là cổ truyền nữa, và đặc biệt, đừng làm một cái mới tật nguyền, rồi đổ vấy cho cổ nhân, như vậy chẳng phải sẽ có lỗi với người trước, tha hóa bản thân, lừa dối hậu thế hay sao?

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)