Khoa học Mở: Những gợi ý cho Việt Nam

Mặc dù còn 14 tháng nữa, UNESCO mới chính thức thông qua Khuyến cáo khoa học Mở nhưng những gợi ý đầu vào cho bản phác thảo đã cho thấy, trên con đường hướng tới Khoa học Mở, Việt Nam sẽ cần sự hỗ trợ của Truy cập Mở, Dữ liệu Mở, Tài nguyên Giáo dục Mở - đều là những thứ mà Việt Nam hiện chưa có, hoặc có thì còn rất sơ khai.


Giờ thực hành thí nghiệm bộ môn Công nghệ Y sinh của Viện Điện tử Viễn thông (ĐH Bách khoa HN). Ảnh: CCPR-HUST

Hiểu về Khoa học Mở

Trước hết, chúng ta cần biết, Khuyến cáo Khoa học Mở được UNESCO và 193 quốc gia thành viên hướng tới nhằm đem lại hướng dẫn về các giá trị và các nguyên tắc được chia sẻ cho Khoa học Mở, và xác định các biện pháp cụ thể về Truy cập Mở và Dữ liệu Mở, qua đó đưa mọi người hiểu hơn về khoa học và tạo thuận lợi cho việc phổ biến và áp dụng tri thức khoa học. Khuyến cáo đó sẽ được phát triển thông qua một quy trình tham vấn tại các khu vực với sự tham gia của nhiều bên tư vấn, đóng góp để đảm bảo sự minh bạch và toàn diện.

Hiện tại có khá nhiều định nghĩa về Khoa học Mở (Open Science), mỗi định nghĩa là một cách tiếp cận của mỗi tổ chức. Chúng ta thử tham khảo vài ba định nghĩa của các tổ chức khoa học có uy tín trên thế giới: 

• Ủy ban châu Âu (EC): Khoa học Mở đại diện cho một cách tiếp cận mới cho quy trình nghiên cứu khoa học được tiến hành trên hoạt động hợp tác và cách thức mới để có thể lan tỏa tri thức bằng việc sử dụng các công nghệ số và các công cụ mới có khả năng hợp tác.

• Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): Khoa học Mở xoay quanh việc truy cập mở các bài báo khoa học, truy cập dữ liệu từ nghiên cứu của chính phủ và nghiên cứu thông qua hợp tác với sự hỗ trợ của các công cụ công nghệ thông tin và truyền thông… Việc mở rộng truy cập tới các xuất bản phẩm và dữ liệu khoa học là trọng tâm của khoa học Mở với mục tiêu các kết quả nghiên cứu đến với càng nhiều người càng tốt và những lợi ích tiềm năng được lan truyền càng rộng càng tốt.

• Gần đây nhất, nhóm 24 cơ quan quỹ quốc gia, châu Âu và các quỹ từ thiện chuyên đầu tư cho khoa học Liên minh S (cOAlition S) đã định nghĩa như sau: Khoa học Mở là tập hợp các thực hành đảm bảo cho nghiên cứu khoa học tới được các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, và công dân khắp trên thế giới bằng việc sử dụng một cách tối ưu các công nghệ số.

• UNESCO trên trang chuyên dành cho Khoa học Mở của mình cho rằng ý tưởng đằng sau Khoa học Mở là để cho phép thông tin, dữ liệu và các kết quả đầu ra của khoa học được truy cập một cách rộng rãi hơn (Truy cập Mở) và khai thác trên cơ sở tin cậy hơn (Dữ liệu Mở) với sự tham gia tích cực của tất cả các bên tham gia đóng góp (Mở cho Xã hội – Open to Society).

Với định nghĩa của UNESCO thì Khuyến cáo Khoa học Mở của tổ chức này sẽ dựa vào ba trụ cột chính, đó là: Truy cập Mở tới thông tin, dữ liệu và các kết quả đầu ra của các nghiên cứu khoa học; Dữ liệu Mở phục vụ cho khai thác tin cậy hơn các dữ liệu nghiên cứu khoa học; và Mở cho Xã hội, ngụ ý khoa học có sự tham gia tích cực của tất cả các bên tham gia đóng góp, bao gồm cả các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, và công dân khắp trên thế giới, bằng việc sử dụng tối ưu các công nghệ số.
Đáng chú ý, Khuyến cáo Khoa học Mở sẽ là phần tiếp theo của Khuyến cáo về Khoa học và các nhà nghiên cứu năm 2017 của UNESCO. Nó cũng sẽ được xây dựng dựa vào Chiến lược Truy cập Mở tới Thông tin và Nghiên cứu Khoa học của UNESCO và Khuyến cáo Tài nguyên Giáo dục Mở mới của UNESCO. Do đó, các thành phần của Khoa học Mở cũng rất đa dạng, bao gồm 12 yếu tố là Truy cập Mở, hạ tầng Mở, tài nguyên Giáo dục Mở, Dữ liệu Mở, phòng thí nghiệm Mở, huy động vốn đám đông, ghi chép Mở, đổi mới sáng tạo Mở, khoa học Công dân, đánh giá Mở, phần cứng Mở, nguồn Mở – Phần mềm nguồn Mở. 


Các thành phần của khoa học Mở.

Qua các góc nhìn này, có thể thấy không chỉ UNESCO mà nhiều tổ chức khác cũng kỳ vọng Khoa học Mở sẽ trở thành một trong những công cụ hỗ trợ các quốc gia vượt qua những thách thức cấp bách về kinh tế xã hội của hành tinh, thúc đẩy các giải pháp bền vững và đổi mới sáng tạo, vốn không chỉ xuất phát từ cộng đồng khoa học mà còn từ toàn bộ xã hội. Câu trả lời gần đây của cộng đồng khoa học cho đại dịch Covid-19 đã là cách để mọi người thấy giá trị hứa hẹn của khoa học Mở khi đem lại các giải pháp khoa học cho thách thức toàn cầu đó. Mặt khác, về tương lai, khoa học Mở sẽ là hoạt động khiến khoa học mở hơn, truy cập rộng hơn và tiến tới cơ hội trở nên hiệu quả, dân chủ, và minh bạch hơn. 

Tương lai của Khoa học Mở đang rất gần bởi nó đang được quá trình chuyển đổi số ở phạm vi rộng lớn hơn dẫn dắt, khi cho phép thông tin, dữ liệu và các kết quả đầu ra của khoa học truy cập được rộng rãi hơn (Truy cập Mở) và khai thác được tin cậy hơn (Dữ liệu Mở) với sự tham gia tích cực của tất cả các bên tham gia đóng góp thích hợp (Mở cho Xã hội). Bằng việc khuyến khích khoa học kết nối nhiều hơn với các nhu cầu xã hội và bằng việc trao cơ hội một cách công bằng cho các nhà khoa học, nhà quản lý và các công dân, Khoa học Mở được dự đoán là tác nhân thay đổi cuộc chơi thực sự trong việc thực hiện quyền con người trong khoa học và thu hẹp khoảng cách về KH&CN và đổi mới sáng tạo giữa các quốc gia, giữa các vùng và châu lục. 

Chính sách KH&CN Việt Nam có cần thay đổi?

Nếu chiểu theo các định nghĩa về Khoa học Mở và thành phần của Khoa học Mở có thể thấy dường như nó vẫn còn xa lạ với Việt Nam. Ngoại trừ khái niệm phần mềm nguồn Mở ra, các khái niệm Mở trong bài viết này, như các khái niệm nằm trong thành phần của Khoa học Mở đều rất hiếm xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông ở Việt Nam. Ví dụ, nếu nhìn vào Khuyến cáo về Khoa học và các nhà nghiên cứu khoa học năm 2017 của UNESCO, chúng ta có thể thấy một số vấn đề nền tảng, một số các khái niệm cơ bản cho Khoa học Mở, nhưng cho tới nay, chưa thấy xuất hiện những khái niệm này trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới khoa học công nghệ ở Việt Nam. Hy vọng với lần này, Việt Nam sẽ không bỏ lỡ Khoa học Mở như Khuyến cáo ra đời ba năm trước nữa bởi việc không có các chính sách về Truy cập Mở, Dữ liệu Mở, Tài nguyên Giáo dục Mở, vốn là các thành phần cơ bản quan trọng của Khoa học Mở, sẽ gây nhiều khó khăn cho việc xây dựng chính sách Khoa học Mở của Việt Nam. 

Tại sao khoa học và công nghệ Việt Nam cần có những quy định cơ bản và thống nhất ở tầm quốc gia – điều chỉ có được thông qua các văn bản quy phạm pháp luật? Có thể ai đó sẽ bật ra câu hỏi này, dù vẫn còn cảm thấy chưa thực sự hài lòng khi nhìn vào sự vận hành của các hoạt động khoa học và công nghệ hiện tại. Có thể trả lời như sau: việc truy cập Mở tới các xuất bản phẩm học thuật và dữ liệu nghiên cứu là yếu tố chính của khung khoa học Mở và là bước đầu cơ bản nhằm đạt được khoa học Mở. Do đó, Việt Nam nên tập trung trước hết vào việc xây dựng chính sách truy cập mở theo các hướng dẫn cho các nhà cấp vốn nghiên cứu trong và ngoài chính phủ cũng như cho những người làm chính sách truy cập mở ở các cơ sở nghiên cứu. 

Về bản chất, để xây dựng được chính sách truy cập Mở, điều quan trọng nhất là hài hòa lợi ích của các bên tham gia đóng góp, tất cả vì lợi ích của các nhà nghiên cứu khoa học và các độc giả của các xuất bản phẩm là kết quả của nghiên cứu khoa học, đặc biệt khi nghiên cứu đó được nhà nước cấp vốn. Kế hoạch S của Liên minh S là thực thi một chính sách truy cập Mở đầy đủ và tức thì (không có thời hạn cho việc cấm truy cập). Nhờ vậy, tác giả của các bài báo nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành không phải trả tiền cho các khoản phí xử lý bài báo (APC) và các độc giả, bao gồm các thư viện của các cơ sở nghiên cứu, không phải trả tiền thuê bao tạp chí để được đọc chúng. Trách nhiệm trả các khoản tiền đó thuộc về các nơi đầu tư cho nghiên cứu, ví dụ như các quỹ trong Liên minh S. Với những thay đổi đó, chính sách phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam, bao gồm chính sách xuất bản học thuật, chính sách đầu tư cho khoa học, chính sách truyền thông khoa học…, có thể sẽ rất khác nếu đi theo con đường truy cập Mở. Trong một thế giới Mở như vậy, chúng ta không thể giữ nguyên những chính sách cũ để nắm bắt những chuyển động mới mà hiệu quả của nó được mường tượng là đem lại nhiều lợi ích cho đất nước. 

Tuy nhiên nếu thay đổi chính sách phát triển khoa học Mở, chúng ta phải thay đổi hàng loạt các chính sách khác liên quan đến nó. Quá trình xây dựng những chính sách mới ắt hẳn phức tạp vì có rất nhiều khái niệm liên quan, tuy nhiên, tôi muốn lưu ý một điều là dữ liệu Mở và tài nguyên Giáo dục Mở, nhìn từ góc độ của việc cấp phép mở, có thể được coi như là các trường hợp đặc biệt của các tài nguyên truy cập Mở nhưng với các mức độ tự do khác nhau, trong đó dữ liệu Mở có các giấy phép có các mức độ tự do cao hơn của tài nguyên giáo dục Mở. Chính sách cấp phép mở cần phải được xây dựng, càng sớm càng tốt, vì nếu không được cấp phép mở, các tài nguyên không là truy cập Mở, không là dữ liệu Mở, cũng không là tài nguyên giáo dục Mở được, và hệ quả là, không có khoa học Mở được. 

Với Việt Nam, quá trình phát triển đi cùng khoa học Mở, đồng nghĩa đi với truy cập Mở, dữ liệu Mở, tài nguyên giáo dục Mở, chắc chắn sẽ có nhiều lợi ích về lâu dài trong phát triển quốc gia. Nó sẽ giúp Việt Nam có khả năng hòa nhập cũng như bắt kịp với sự phát triển khoa học công nghệ của thế giới, phát triển cùng và không tách rời khỏi các cộng đồng Mở của thế giới với phương châm theo ba bước: giành được tri thức để từ đó có thể đào sâu tri thức và cuối cùng là có thể tạo ra tri thức mới. 

Việc chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang các mô hình Mở sẽ không dễ dàng. Đi với Mở, có nghĩa là các mô hình truyền thống sẽ phải chuyển đổi sang các mô hình Mở, bao gồm mô hình phát triển, mô hình cấp phép, mô hình kinh doanh, mô hình xây dựng và quản lý cộng đồng, .v.v. Cùng với các mô hình đó là các xung đột trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành với các mô hình truyền thống, do đó để có được những hỗ trợ pháp lý và hướng dẫn cần thiết, chúng ta cũng sẽ phải sửa đổi, thậm chí thay thế những văn bản đó cho phù hợp với tình hình mới. □


Để Khuyến cáo Khoa học Mở của UNESCO năm 2021 có thể được phê chuẩn vào năm sau 2021, một quy trình với lộ trình rõ ràng theo thời gian đã được vạch ravới các giai đoạn và hành động cụ thể sau:
1. Từ tháng 1 tới tháng 3/2020: Thành lập Đối tác Khoa học Mở; Thành lập Ban chỉ đạo Khoa học Mở; Tham vấn online về các yếu tố của Khuyến cáo
2. Tháng 3/2020: Phác thảo đầu tiên của Khuyến cáo
3. Từ tháng 4/2020 tới tháng 9/2020: Tham vấn theo khu vực và chủ đề với các bên tham gia đóng góp về các nội dung của Khuyến cáo
4. Từ tháng 9/2020 tới tháng 1/2021: Phác thảo đầu tiên của Khuyến cáo, được gửi cho các quốc gia thành viên UNESCO để thu thập các bình luận của họ
5. Từ tháng 1/2021 tới tháng 4/2021: Tiếp tục các tham vấn và các đầu vào trên bản thảo cuối cùng
6. Tháng 4/2021: Truyền thông về bản thảo được làm lại của Khuyến cáo cho các quốc gia thành viên
7. Tháng 7/2021: Cuộc họp của ủy ban đặc biệt gồm các chuyên gia kỹ thuật và pháp lý do các quốc gia thành viên chỉ định (cuộc họp chủng loại II)
8. Tháng 11/2021: Đệ trình Khuyến cáo dự thảo tới Hội nghị Toàn thể lần thứ 41 để phê chuẩn
9. Tháng 11/2021: Các quốc gia thành viên phê chuẩn Khuyến cáo

Tác giả