Khoảng trống về an toàn công nghệ ở các nhà máy xử lí khí và lọc dầu ở Việt Nam
Những nhà máy xử lí khí và lọc hóa dầu ở Việt Nam đều đạt chứng chỉ BS OHSAS 18001: 2007 về an toàn, nhưng chỉ như vậy thì chưa đủ mà cần phải có một hệ thống quản lí an toàn chuyên biệt hơn.
An toàn công nghệ trên thế giới
Lịch sử của ngành khai thác thăm dò và chế biến các sản phẩm dầu mỏ đã chứng kiến nhiều tai nạn liên quan đến sản xuất và vận chuyển dầu khí.
Việc đảm bảo an toàn vận hành ngày càng trở nên thách thức hơn khi số lượng các nhà máy nhiều hơn, công suất lớn hơn và công nghệ xử lý phức tạp hơn. An toàn hệ thống trước đây chủ yếu được đề cập tới trong những lĩnh vực có khả năng rủi ro cao như quân sự, hàng không, năng lượng hạt nhân và đã dần được áp dụng trong lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí dưới cái tên an toàn công nghệ. Nó ngày càng đóng một vai trò quan trọng với những hệ thống quản lí an toàn tiên tiến của các công ty năng lượng.
An toàn vận hành bao gồm hai thành phần chính: an toàn cho cá nhân (Personal safety) và an toàn công nghệ (Process safety). An toàn cá nhân hướng đến ngăn ngừa và phòng tránh những tai nạn xảy ra với lực lượng lao động, các sự cố xảy ra ở mức độ tương đối thường xuyên (hằng ngày) nhưng mức độ không lớn (chấn thương khi vận chuyển thiết bị, tiếng ồn, ngã từ trên cao v.v).
An toàn công nghệ nhắm đến việc ngăn chặn những tai nạn sự cố liên quan đến việc rò rỉ các nguồn năng lượng, các vụ cháy, nổ. Đó là những tai nạn với tần suất không thường xuyên nhưng mức độ ảnh hưởng rất lớn như thiệt hại về con người, phá hủy một phần hoặc hoàn toàn nhà máy và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
Vụ nổ ở nhà máy lọc dầu của BP ở Texas
tháng 3/ 2005 |
Ở phạm vị từng nhà máy riêng biệt, tai nạn và sự cố lớn xảy ra với quá trình sản xuất và vận chuyển các sản phẩm dầu khí có thể hiếm khi xảy ra nhưng khi nhìn ở phạm vi toàn cầu, tai nạn liên quan đến an toàn công nghệ xảy ra tương đối thường xuyên. Từ những vụ nổ lớn như nhà máy lọc dầu của BP ở Texas năm 2005, nhà máy xử lí khí của Exxon ở Longford Úc năm 1988, rò rỉ đường ống ở Alaska của BP năm 2006 đến hàng loạt vụ nổ, cháy hoặc rò rỉ hậu quả trung bình cố nhỏ hơn xảy ra với tần suất vài tháng một lần lại có một ở các nhà máy lọc dầu, xử lí khí trên thế giới.
Gần đây nhất, vụ nổ ở nhà máy lọc dầu của BP ở Texas là một bài học lớn về an toàn công nghệ, một số nguyên nhân hệ thống được tóm tắt như ở dưới đây:
* Văn hóa an toàn ở mức thấp và không có các chương trình ngăn chặn/ phòng ngừa các tai nạn lớn
* Chỉ số an toàn cá nhân được dùng như là một thước đo cho an toàn công nghệ và thước đo để đánh giá văn hóa an toàn.
* Thiếu một nền văn hóa báo cáo sự cố và học hỏi từ những sự cố trước đây
* Lỗ hổng trong chương trình bảo trì bảo dưỡng dẫn đến tình trạng hư hỏng của thiết bị công nghệ: “run to failure”
* Các chương trình về an toàn tập trung vào cải thiện những chỉ số an toàn cá nhân và thói quen/ cách hành xử của công nhân hơn là tập trung vào an toàn công nghệ và hệ thống quản lí an toàn.
Sau mỗi sự cố như vậy, các công ty năng lượng và chính phủ đều rút ra những những bài học cho riêng mình, đặc biệt là về đảm bảo an toàn công nghệ. Các công ty lớn như Exxon, BP, Shell đã phát triển hệ thống an toàn công nghệ của riêng mình, chính phủ Anh và Mỹ cũng đặt ra những yêu cầu cho các công ty năng lượng phải thiết lập hệ thống quản lý an toàn công nghệ như là một trong những yêu cầu tiên quyết để có giấy phép vận hành:, MODU HSE Case của Anh, SEMS, OSHA Process Safety Manage-ment (PSM) ở Mỹ.
Các bộ phận chính của một hệ thống quản lí an toàn công nghệ |
An toàn công nghệ ở Việt Nam
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã xây dựng những nhà máy xử lí khí và lọc hóa dầu với công nghệ hiện đại. Các hệ thống quản lí tiên tiến cũng đã được áp dụng để đảm bảo an toàn, sức khỏe và môi trường. Tất cả nhà máy chế biến và xử lí đều đạt chứng chỉ BS OHSAS 18001: 2007 về an toàn, sức khỏe và ISO 14000 về môi trường. Mặc dù vậy khái niệm về an toàn công nghệ vẫn còn tương đối mới mẻ với một bộ phận không nhỏ các nhà quản lí cấp cao và những người chịu trách nhiệm về vận hành cho nhà máy.
Đối tượng của OHSAS 18001: 2007 như đã đề cập ở trên là để phòng ngừa những tai nạn liên quan đến an toàn cá nhân xảy ra ở quy mô nhỏ. OHSAS hoàn toàn phù hợp với những nhà máy sản xuất có mức độ rủi ro thấp như nhà máy sản xuất bao bì, sữa, ô tô v.v. Những nhà máy sản xuất và chế biến dầu khí như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các nhà máy xử lí khí ở Vũng Tàu nơi hàng ngày phải đương đầu với những rủi ro liên quan đến công nghệ, áp dụng OHSAS là không đủ để đảm bảo an toàn trong vận hành và cần phải có một hệ thống quản lí an toàn chuyên biệt hơn để quản lí những rủi ro này.
Hệ thống AT-SK-MT của PVG |
OHSAS 18001:2007 |
Hệ thống quản lí an toàn công nghệ của OSHA |
Bảng so sánh một số bộ phận chính của hệ thống AT-SK-MT của PVG, OHSAS 18001:2007 và OSHA PSM
So sánh giữa hệ thống AT-SK-MT của PVG, OSHA 18001:2007 và hệ thống an toàn công nghệ của OSHA PSM, có thể thấy hai hệ thống này thiếu những bộ phận quan trọng được đề cập đến trong OSHA PSM: Phân tích và đánh giá rủi ro công nghệ, Toàn vẹn hệ thống (mechanical integrity), Đánh giá an toàn trước khi khởi động nhà máy (pre start up safety review), Quy trình vận hành, thông tin về công nghệ v.v. Những bộ phận này là những bộ phận quan trọng để đảm bảo an toàn công nghệ và không thể thiểu được trong bất kì một hệ thống quản lí an toàn nào.
Một hệ thống an toàn công nghệ không thể đảm bảo 100% rằng tai nạn sẽ không thể xảy ra vì luôn luôn có những lỗi trực tiếp hoặc lỗi hệ thống gây ra bởi con người trong quá trình thiết kế, vận hành. Mặc dù vậy, khi hệ thống an toàn công nghệ được áp dụng và tuân thủ sẽ giảm tần suất và mức độ của những tai nạn liên quan đến an toàn công nghệ. Trong khi những quy định của nhà nước chưa được ban hành, các nhà máy xử lí khí và nhà máy lọc dầu cần năng cao nhận thức về an toàn công nghệ cho đội ngũ vận hành, song song với đó đi tiên phong trong việc thiết lập hệ thống an toàn công nghệ của minh. Hệ thống an toàn công nghệ của OSHA (OSHA PSM) có thể được nghiên cứu và áp dụng bên cạnh các hệ thống quản lí sẵn có khác (ISO/ OHSAS) để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành nhà máy.