Không lo thiếu tiền, chỉ thiếu startup hay

Tia Sáng trao đổi với anh Nguyễn Hồng Trường, Phó chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam về tiêu chí của một con người đáng được đầu tư và Nhà nước cần làm gì để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.


Con người đáng để đầu tư cần có một “nỗi ám ảnh thực sự”

Trong chương trình “Cánh buồm khởi nghiệp”, chiếu trên VTV vào ngày 1/1/2016, anh có nói, yếu tố quan trọng nhất trong thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp là con người. Vậy theo anh, người sáng lập đáng để đầu tư là người như thế nào?

Một con người đáng để đầu tư là một con người biết mình muốn gì và biết mình đang làm cái gì. Có người làm được nhiều thứ rất hay nhưng sau một hồi lại không biết mục đích của mình là gì. Họ làm chỉ vì tiền hoặc chỉ vì trào lưu.

Tuy nhiên, câu hỏi hay hơn phải là: “Nhà đầu tư nhìn vào cái gì?” Như tôi nhìn, tôi chưa quan tâm lắm đến kế hoạch kinh doanh hay mô tả sản phẩm khi bắt đầu tiếp xúc với người doanh nhân. Tôi quan tâm đến câu chuyện của chính doanh nhân đấy hơn là anh ta đang làm cái gì. Tôi muốn biết điều gì thôi thúc anh ta làm sản phẩm đấy và khi làm sản phẩm đó thì anh ta muốn đạt đến điều gì. Tôi muốn tìm hiểu xem nỗi ám ảnh thực sự của doanh nhân đó là gì, quan niệm của anh ta về thế giới, về thành công, về sản phẩm. 

Nói cách khác, việc trả lời cho câu hỏi “Anh ta là ai?” mới là chuyện quan trọng nhất. Và với người thực sự nắm được câu chuyện này và có đam mê thì đương nhiên sẽ biết mình đang làm gì và làm như thế nào. Từ đó để xem liệu anh ta có vượt qua con đường gập ghềnh sẽ đi trong tương lai hay không. Kể cả có nhà đầu tư chống lưng đi chăng nữa thì vẫn có quá nhiều thay đổi, quá nhiều rủi ro, đặc biệt là đối với những ngành tăng trưởng nhanh thì mức độ rủi ro còn cao hơn rất nhiều so với các ngành khác.

Vậy có mâu thuẫn không khi anh nói là anh không quan tâm lắm đến sản phẩm nhưng IDG lại chỉ đầu tư vào những sản phẩm đã hoạt động được một thời gian và có vị thế nhất định trên thị trường rồi?

Không. Đương nhiên phải quan tâm đến sản phẩm chứ. Yếu tố thành công là cả ba chữ P: People (Con người), Product (Sản phẩm), Plan (Kế hoạch kinh doanh). Để thành công và để nhận được đầu tư thì cả ba chữ P đấy đều rất quan trọng. Nhưng với góc nhìn của từng người thì sẽ đánh giá trọng số của ba cái đấy khác nhau. Với nhà đầu tư, trọng số để mà đánh giá con người là 90%, sản phẩm là 9%, kế hoạch chỉ là 1% thôi.

Vì sao sản phẩm lại không phải là yếu tố quan trọng nhất trong mắt của nhà đầu tư?

Vì có những sản phẩm giống hệt nhau nhưng tại sao có người này làm thì được, người khác làm thì không được? Ví dụ điển hình nhất, Google không phải là cái máy tìm kiếm đầu tiên, Facebook không phải là mạng xã hội đầu tiên, nhưng những con người đằng sau đã làm nên thành công đấy.

Vả lại, một sản phẩm tốt và chiếm lĩnh được thị trường thì cũng chỉ có mấy dạng. Một là, nó thật sự là market challenger, là một cái gì thách thức thị trường, hoàn toàn mới, có tính đột phá. Hai là rẻ hơn và ba là hiệu quả hơn những sản phẩm đã có trên thị trường. 

Do vậy, các ý tưởng về sản phẩm đều na ná giống nhau nên con người làm sản phẩm sẽ quyết định hướng đi của sản phẩm đấy. Nếu đi theo hướng sản phẩm có tính đột phá, thì con người ấy có tài năng đặc biệt. Nếu như anh không phải người như vậy, mà anh lại bảo là sản phẩm của anh đột phá, chưa ai có thì chuyện đấy không đúng. Anh bảo sản phẩm của anh hiệu quả hơn mà anh xử lý mọi việc rất rườm rà, lòng vòng thì hiệu quả hơn thế nào được. Còn rẻ hơn thì hoàn toàn có thể chứng minh được, phải làm rồi thì mới biết là rẻ hơn chứ, chưa làm thì khó lắm, đúng không?

Có ý tưởng khởi nghiệp, nhưng thiếu tiền?

Có nhiều người cho rằng, không thiếu tiền, chỉ thiếu startup tốt để đầu tư thôi. Anh có thấy thế không?

Đúng. Các startup xét cho cùng là không tốn nhiều tiền bởi vì doanh nghiệp mới ở giai đoạn khởi đầu. Với lại mỗi startup thường trải qua nhiều vòng đầu tư, từ hạt giống đến series A, B, C… cho đến khi bán được hoặc IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng). Chứ không phải cho một lượng tiền lớn một lúc để nhà sáng lập làm từ đầu đến cuối. (Làm gì có chuyện đấy!)

Thứ hai là tiền có rất nhiều nguồn. Tại sao cứ nghĩ là chỉ lấy từ quỹ đầu tư? Bởi vì nhà đầu tư thật sự cho startup đầu tiên chính là ba chữ F (Family – Gia đình, Friends – Bạn bè, Fools – những người cả tin), đúng không? Bây giờ còn có crowdfunding (gọi vốn từ cộng đồng) nữa, rồi có thể vay.

Có bạn hỏi tôi, bây giờ em có đội ngũ, em có ý tưởng để khởi nghiệp, nhưng em lại thiếu tiền. Cho nên em lại không làm được. Nói câu đấy thì quá chán. Không cần phải là nhà đầu tư cũng đã chán rồi. Thế sao không làm sản phẩm thử (prototype) trước đi?

Rồi bạn ấy bảo nếu startup phải cỡ đâu đó một tỉ mỗi năm. Hai năm không thành công là tốn hai tỉ. Rồi bạn ấy hỏi là làm thế nào để có thể hạn chế được thiệt hại khi làm startup?
Đã gọi là startup là phải là người rất nhiều sáng kiến, nhiều cách thức và phải có máu liều. Bây giờ vay được được một tỉ. Chẳng may có thất bại thì cũng phải cố làm việc mà trả nợ. Còn nếu không biết cách nào để hạn chế thiệt hại thì chẳng ai muốn đầu tư cho nữa. Đúng không?

Thế cho nên không bao giờ phải lo thiếu tiền, chỉ thiếu startup hay thôi.

Thế nhưng có startup cho rằng, các quỹ hầu như không hoạt động, kêu gọi vốn cực kì khó?

Các startup giỏi thì thường các quỹ sẽ biết. Còn startup mà cứ loay hoay tìm quỹ thường ít khi được đầu tư lắm. Nói quỹ không hoạt động là không đúng, làm gì có chuyện đấy, càng ngày càng nhiều quỹ. Vấn đề ở chỗ người ta có muốn đầu tư hay không hoặc người ta đầu tư người ta có công bố hay không. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ lại thường không công bố. IDG chỉ công bố 10 công ty trong khi chúng tôi đầu tư hơn 40 công ty.

Anh nhận xét gì về các thương vụ đầu tư trong năm 2015?

Trong khi số thương vụ năm 2014 là hơn 20 vụ thì năm 2015 đã tăng lên 50 vụ rồi, hơn gấp đôi. Điều đó phản ánh chất lượng của startup theo khía cạnh được quan tâm nhiều hơn và tiềm năng nó bắt đầu được khẳng định rõ hơn.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là chất lượng tương đối, tức là được sự chú ý hơn của các nhà đầu tư còn khả năng thành công của startup thì không biết được vì các thương vụ mới đầu tư vòng hạt giống hoặc Series A, tức là vẫn đang trong giai đoạn đầu của vòng đời thôi, biết cuối ngày startup có sống nổi không.

Còn các thương vụ mua bán, sáp nhập (acquisition) thì có hai kiểu: một là startup thành công nên được mua lại, hai là vì “có vấn đề” nên phải tự bán mình. Trong năm qua, có hơn một nửa acquisition là ở kiểu thứ hai.

Chính sách đã có nhưng vận hành không hiệu quả

Bộ KH&CN đang dự thảo đề án cấp nhà nước về Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Theo anh thì nhà nước nên can thiệp vào cái hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp ở mức độ nào?

Cái quan trọng nhất là hành lang pháp lí và chính sách để tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo. Lưu ý là cho đổi mới sáng tạo, không hẳn là cho khởi nghiệp (có hay không có chính sách, doanh nhân vẫn khởi nghiệp hằng ngày, nhưng để kích thích đổi mới sáng tạo là hoạt động rủi ro, thì có sự trợ giúp của nhà nước sẽ làm quá trình nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo được thúc đẩy nhanh hơn). Thứ hai là thu hút và đào tạo nhân tài. Thứ ba là chiến lược tài trợ nguồn lực theo hình thức tạo ra các vườn ươm công nghệ và các quỹ đầu tư.

Thực tế ở Việt Nam, các chính sách giải quyết ba vấn đề này đã có rồi nhưng chưa vận hành hiệu quả. Và để làm cho nó hiệu quả hơn thì cần có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân và các chuyên gia liên quan (những người hoạt động thực tế chứ không phải các nhà lý thuyết). Chẳng hạn, Bộ KH&CN đã lập ra các quỹ đầu tư mạo hiểm, phát triển khoa học công nghệ. Nhưng, nếu tự làm một mình thì khả năng thất bại rất cao. Vì vậy cần kết hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư tư nhân thì họ mới có cái nhìn sát với thị trường và sát với những biến đổi về khoa học công nghệ.

Theo tôi, Bộ KH&CN cần phải giương ngọn cờ đổi mới sáng tạo, thay đổi năng lực cạnh tranh quốc gia còn khởi nghiệp chỉ là câu chuyện nhỏ.

Gần đây, Bộ KH&CN thực hiện đề án xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam, nhiều quỹ đầu tư cho rằng nhà nước chỉ cần tạo ra hành lang chính sách pháp lí thông thoáng là tốt lắm rồi còn không cần phải tham gia đầu tư. Anh có đồng tình với ý kiến này không?

Có những người quan điểm hơi cực đoan là nhà nước không cần làm, chỉ cần khung hành lang pháp lí. Nhưng quan điểm của tôi hơi khác: Nhà nước có nguồn lực thì cứ làm. Nhưng cần biết kết hợp với tư nhân để làm cho đúng.

Nhà nước cần tham gia đầu tư vì tư nhân cũng chưa chắc đã bao quát hết câu chuyện đâu. Tư nhân có sẵn sàng đầu tư cho những nghiên cứu sáng tạo quá xa giai đoạn tiền thương mại hóa? Chưa chắc, đồng tiền của họ sẽ thiên về những đổi mới sẵn sàng thương mại hóa. Tư nhân liệu có thể đầu tư cho các dự án có tính chất xã hội không? Chưa chắc. Rồi tư nhân có đưa cái đổi mới sáng tạo đến tầng lớp gọi là kém may mắn hơn trong xã hội? Các tầng lớp yếu thế? Chưa chắc. Cho nên, nguồn quỹ của nhà nước làm những việc mà tư nhân có thể sẽ không làm vì họ nghĩ đến lợi nhuận đầu tiên. Có những cái mà quỹ đầu tư chẳng bao giờ đầu tư. Không phải bởi vì nó kém hay vì nó chỉ có ý nghĩa xã hội. Nó vẫn kiếm ra tiền nhưng mà đối với quỹ đầu tư, tiền như vậy không đủ.

Vậy thì nhà nước đầu tư kết hợp với tư nhân theo cách như thế nào?

Có ba cách:

Cách thứ nhất, Nhà nước sẽ thuê một công ty quản lý quỹ. Một công ty đầu tư mạo hiểm giống như IDG bao gồm hai thành phần.Thứ nhất là cái quỹ, về bản chất chỉ là một cái túi tiền.Thứ hai là một công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, nơi có các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp như chúng tôi, là người thực hiện quyết định đầu tư túi tiền kia vào đâu, và hưởng phí quản lý quỹ. Một công ty quản lý quỹ có thể quản lý nhiều quỹ, nhiều túi tiền khác nhau. Nhà nước có thể ủy thác cho chúng tôi, bên cạnh quản lý quỹ của IDG, quản lý thêm cho cả quỹ của nhà nước. Nhà nước muốn chia sẻ rủi ro túi tiền của mình cho nhiều chỗ thì có thể đưa tiền cho nhiều công ty quản lý quỹ khác nhau. Mô hình của Malaysia và Singapore làm như vậy. Malaysia có quỹ Mavcap của Chính phủ, ngoài việc đầu tư trực tiếp cho startup họ đầu tư cho 15 quỹ tư nhân và tạo ra cả một hệ sinh thái, tận dụng điểm mạnh của nhiều nhà quản lý quỹ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi bỏ tiền vào quỹ tư nhân thì bản thân tư nhân cũng bỏ tiền vào trong đấy chứ không phải chỉ có tiền của nhà nước.

Cách thứ hai là nhà nước đầu tư đối ứng với tư nhân, ví dụ như tỷ lệ 1:2 hay 2:1 (nhà nước bỏ 1 đồng đầu tư nếu tư nhân bỏ 2 đồng hoặc ngược lại). Những ngành nào mà rủi ro cao, ý nghĩa xã hội lớn thì nhà nước nên bỏ tiền nhiều hơn tư nhân. Cách này cũng tốt nhưng hiệu quả không bằng cách trên vì hai lý do. Một là quỹ tư nhân có ít động lực để chia sẻ thông tin về các thương vụ đầu tư với nhà nước hơn. Những thương vụ họ đánh giá cao họ có thể thích tự đầu tư vì như vậy lợi ích tương lai sẽ lớn hơn. Những thương vụ họ sẵn sàng chia sẻ với nhà nước thì rủi ro lớn hơn nên họ muốn chia sẻ với nhà nước. Hai là về bản chất cơ chế ra quyết định của hai bên vẫn là độc lập, tuy nói là đối ứng nhưng thực tế thủ tục đầu tư chung có thể phức tạp hơn rất nhiều so với việc nhà nước ủy thác trực tiếp cho các nhà quản lý quỹ tư nhân như cách thứ nhất.

Cách thứ ba là quỹ của nhà nước là quỹ độc lập và chỉ tham vấn các quỹ tư nhân hoặc chuyên gia bên ngoài trong một số quyết định. Đây là cách khó nhất vì quỹ của nhà nước sẽ phải tự tìm được người giỏi để quản lý, và các cơ chế cho đội ngũ quản lý quỹ làm thuê cho quỹ của nhà nước khó có thể hấp dẫn bằng các quỹ tư nhân. Tư duy quản lý hành chính nhà nước có thể bị áp dụng trong Hội đồng đầu tư của quỹ này rất dễ dẫn đến tính phi hiệu quả, vì cách quyết định của khối tư nhân thường rất khác.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Hảo Linh (thực hiện)

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)