Không nên đánh đồng startup với khởi nghiệp

Theo các nghiên cứu về startup trên thế giới, mẫu số chung cho các startup không nằm ở lĩnh vực kinh doanh hay tiền vốn họ cần để cạnh tranh mà chính là ở khả năng “tăng trưởng nhanh” về khách hàng hoặc doanh thu. Thế nhưng, “nhanh” như thế nào mới được gọi là startup? Ai mới có thể đánh giá được khả năng “tăng trưởng nhanh” khi startup còn chưa có lợi nhuận và thậm chí mới ở giai đoạn ý tưởng? Và liệu có nhất thiết phải tách khái niệm khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không khi khởi sự kinh doanh nào cũng rất cần được khuyến khích và hỗ trợ?

Phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp KH&CN Việt Nam – Techfest 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gọi startup là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, một cách nói ngắn gọn của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đó là một cộng đồng đặc biệt vì theo ông, “tính chất tạo ra những sản phẩm mới, phân khúc khách hàng mới bằng những công nghệ mới và ý tưởng mới chưa từng có, cách tiếp cận thị trường mới, thường là liên quan đến công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và vì qua mạng nên không có tính biên giới”. 
Thế nhưng, trả lời cho câu hỏi: “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là gì?” không hề đơn giản. Chủ tịch HĐQT của FPT Trương Gia Bình cho rằng: “nói đến startup phải nói đến đỉnh cao của khoa học công nghệ, nói đến điều thế giới chưa từng làm” và không tính đến các doanh nghiệp mở quán cà phê hay quán phở. Một bài báo khác phản hồi lại lời của ông Trương Gia Bình lại cho rằng không nhất thiết startup phải ở trong lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như chuỗi cửa hàng café The Coffee House là startup. Tuy nhiên, bài báo này lại cho rằng mô hình tương tự – chuỗi cửa hàng the Kafe lại không phải là startup vì “không giải quyết được những vấn đề chính của thị trường và khả năng phát triển chậm do cần nhiều vốn để cạnh tranh”. Thế nhưng, the Kafe đã nhận được 5,5 triệu USD của các quỹ đầu tư mạo hiểm (tổ chức chỉ đầu tư duy nhất cho startup) ở Hong Kong.
Theo các nghiên cứu về startup trên thế giới, mẫu số chung cho các startup không nằm ở lĩnh vực kinh doanh hay tiền vốn họ cần để cạnh tranh mà chính là ở khả năng “tăng trưởng nhanh” về khách hàng hoặc doanh thu. Thế nhưng, “nhanh” như thế nào mới được gọi là startup? Ai mới có thể đánh giá được khả năng “tăng trưởng nhanh” khi startup còn chưa có lợi nhuận và thậm chí mới ở giai đoạn ý tưởng? Và liệu có nhất thiết phải tách khái niệm khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không khi khởi sự kinh doanh nào cũng rất cần được khuyến khích và hỗ trợ?
Tia Sáng đã có một cuộc trao đổi ngắn về quan điểm cá nhân của chị Phan Hoàng Lan, một trong các tác giả chính của Quyết định số 844/QĐ – TTg1 của Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, thành viên Ban tổ chức Techfest 2015, 2016 xung quanh những tranh cãi về “Startup là gì?”


Đại diện của Btaskee, startup với ứng dụng kết nối giữa chủ nhà và người giúp việc theo giờ, trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong ngày hội khởi nghiệp Techfest 2016.

Theo chị thì xác định startup là gì quan trọng như thế nào?

Việc xác định startup là gì là một việc quan trọng, bởi vì nếu không hiểu startup là gì thì rất khó để có những hỗ trợ đúng và sát với nhu cầu của họ được. Đặc biệt, nếu truyền thông về startup mà không đúng sẽ làm cho nhiều người hiểu nhầm, sẽ có thể có tác dụng ngược đối với việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tuy nhiên, hiểu về startup khác với việc cứng nhắc trong việc đưa ra các tiêu chí định lượng vì hầu hết việc xác định startup là gì dựa trên các tiêu chí định tính. Chính vì vậy mà về mặt chính sách, gần như các nước trên thế giới không đưa ra các tiêu chí cứng nhắc mà thông qua các đơn vị tư nhân như các quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm doanh nghiệp, chuyên gia để lựa chọn những startup xứng đáng được hỗ trợ.

Tại sao rất nhiều người lại cho rằng startup phải là những doanh nghiệp dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin?

Tại vì số đông startup không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và có công nghệ mới. Điều này thực ra rất tự nhiên. Vì startup theo khái niệm là phải có mô hình kinh doanh có thể “lặp lại hoặc mở rộng nhanh chóng” mà doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin lại dễ có được đặc tính này hơn các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác. Tuy nhiên, bảo startup là “phải” có công nghệ hoặc “phải” nằm trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì cũng chưa hoàn toàn đúng. Vì cũng có những startup trong lĩnh vực khác vẫn đảm bảo được sự “lặp lại hoặc mở rộng nhanh chóng” này, vì họ có thể không có công nghệ nhưng có mô hình kinh doanh mới. Ở Việt Nam ví dụ the Kafe có thể coi là startup trong lĩnh vực F&B (đồ ăn uống) vì mô hình của họ có thể lặp đi lặp lại và mở rộng được.
 
Đa số startup đều được định nghĩa bởi sự tăng trưởng nhanh. Nhưng với một công ty ở giai đoạn đầu, chưa mở rộng thì đánh giá khả năng tăng trưởng sẽ dựa vào cái gì?

Thực ra, theo các khái niệm về mặt học thuật trên thế giới, startup được định nghĩa bởi “tiềm năng” lặp lại hoặc mở rộng nhanh chóng, cũng có thể nói là “tiềm năng tăng trưởng nhanh” về quy mô người dùng, khách hàng hay doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, đây chỉ là “tiềm năng” thôi chứ không phải tại bất kỳ thời điểm nào startup cũng thể hiện được việc tăng trưởng nhanh của mình. Đặc biệt khi startup ở giai đoạn đầu, còn đang loay hoay tìm hiểu nhu cầu khách hàng hoặc làm sản phẩm thử nghiệm thì số lượng người dùng cũng chưa nhiều mà có thể chưa có doanh thu gì cả.
Vậy thì tiềm năng này được thể hiện ở “đầu vào” của startup, hầu hết là công nghệ mới hay mô hình kinh doanh mới hoặc có thể lặp lại hoặc có thể được nhanh chóng mở rộng. Đặc biệt, startup phải chứng minh được thực sự có nhu cầu lớn trên thị trường đối với sản phẩm của mình (có thể chưa cần có sản phẩm hoặc bán hàng nhưng đã phỏng vấn được số lượng khách hàng tiềm năng nhất định mà có những nhu cầu khá tương đồng đối với ý tưởng, sản phẩm của startup).
Thường thì những người có kinh nghiệm thường xuyên làm việc với startup, hỗ trợ startup như các nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn, huấn luyện viên khởi nghiệp sẽ có thể đánh giá được tiềm năng này một cách chính xác nhất. Nhưng không phải mọi người đều có ý kiến giống nhau và cũng không có gì là “chuẩn tuyệt đối” được.

 Theo chị, có thực sự cần phải phân biệt giữa startup ở Việt Nam và ở nước ngoài không?

 Theo tôi không cần phân biệt giữa startup ở Việt Nam và nước ngoài. Tuy nhiên từ “khởi nghiệp” ở Việt Nam không nên đánh đồng với từ “startup”. Chính vì vậy về mặt chính sách mới có thuật ngữ “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” để chỉ “startup” và để phân biệt với khởi nghiệp thông thường như mở quán phở hay quán bán quần áo là vì vậy. Sự phân biệt này không có nghĩa là chỉ nên hỗ trợ “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, không nên hỗ trợ khởi nghiệp thông thường bởi vì dù gì thì tinh thần kinh thương, ở bất kỳ lĩnh vực nào, khía cạnh nào, cũng là tinh thần rất nên cổ vũ. Sự phân biệt này chỉ có nghĩa là nên phân biệt giữa tính chất của hai loại hình khởi nghiệp để có thể hỗ trợ một cách sát sao nhất, phù hợp nhất với tính chất của từng loại hình mà thôi. Ví dụ, khi nhắc đến việc thu hút đầu tư mạo hiểm thì chỉ liên quan đến “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” hay “startup” mà thôi, chứ không một quỹ đầu tư mạo hiểm nào lại đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp thông thường cả.

Xin cảm ơn chị!

Nguyên Hạnh thực hiện.

* Định nghĩa về doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của QĐ 844 đã kế thừa khái niệm khởi nghiệp từ cách hiểu của các loại hình “emerging high-growth companies”, “early-stage innovative companies”, “entrepreneurs” hay “startups” trong các chính sách và cả trong các nghiên cứu trên thế giới.

 

Tác giả

(Visited 94 times, 1 visits today)