Khủng hoảng tài chính đang chờ chúng ta?

Giá dầu vượt ngưỡng 80USD/ thùng; vàng tăng cao chưa từng thấy, vượt xa ngưỡng 730USD/ounce; bên kia bờ đại dương người dân rồng rắn xếp hàng rút tiền trước cửa ngân hàng; Cục Dự trữ liên Bang Mỹ (FED) họp khẩn cấp... có phải một cơn bão tài chính hay một cuộc khủng hoảng đang đến gần?

Sóng gió bắt đầu nổi vào trung tuần tháng 8-2007, lên trên thị trường chứng khoán Mỹ. Ngày 9.08.2007 chỉ số Dow Jones tụt giảm gần 400 điểm (từ 13657 giảm xuống còn13270 điểm), đến ngày 15.08 Dow Jones lại lập kỷ lục tụt dốc – xuống dưới ngưỡng 13000 điểm (dừng ở mốc 12845), thị trường chứng khoán thế giới bắt đầu chao đảo. Ngân hàng Trung ương Mỹ, Nhật, EU ngay lập tức đã vào cuộc: chi ra gần 400 tỷ USD (trong đó Mỹ – 120,5 tỷ USD; EU- 211 tỷ Euro; Nhật Bản – 8,4 tỷ USD và 600 tỷ Yên) để củng cố thêm năng lực tài chính cho hệ thống ngân hàng. Thị trường nhờ đó mới tạm thời bình ổn. Nói là tạm thời vì không ai có thể biết chắc được những gì đang chờ chúng ta ở phía trước.
Thực ra, khó khăn trên thị trường tín dụng bất động sản ở Mỹ đã được giới tài chính thế giới cảnh báo từ lâu. Câu chuyện bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, thị trường bất động sản ở Mỹ liên tục khởi sắc. Tiền đầu tư đổ dồn vào khu vực này không ngừng tăng. Tuy nhiên, bước ngoặc quyết định phải đợi đến những năm 2000. Trước sự thất bại thảm hại của các công ty công nghệ thông tin (dot.com), thị trường chứng khoán Mỹ có nguy cơ sụp đổ. Để cải thiện tình hình, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thực hiện chính sách đồng USD yếu, nhằm kích cầu trong nước. Lãi suất ngắn hạn giảm “đột ngột” từ 6% (năm 2000) xuống 1% năm 2002 và giữ nguyên ở mức rất thấp trong nhiều năm tiếp theo (chỉ bắt đầu tăng trở lại từ năm 2005). Đồng tiền rẻ, cùng với thủ tục cho vay dễ dãi đã biến thị trường bất động sản (BĐS), chính xác hơn là thị trường cho vay đầu tư vào bất động sản trở nên màu mỡ hơn bao giờ hết. Các nhà đầu tư dốc hết hầu bao vào bất động sản. Ngay cả những người có thu nhập thấp cũng mạnh dạn vay tiền mua nhà bằng chính tiền thế chấp ngôi nhà tương lai. Các ngân hàng cho vay thu hồi vốn bằng cách phát hành các chứng khoán được bảo đảm bằng BĐS và bán chúng cho các ngân hàng khác, cho các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư rủi ro. Các tổ chức này sẽ bán lại những chứng khoán đó cho các nhà đầu tư. Vòng xoáy chứng khoán dựa trên BĐS thế chấp cứ ngày một leo cao với tổng giá trị vốn hóa thị trường ước tính vào khoảng 1,3 nghìn tỷ USD. Người bán không biết mặt người mua và cả hai đều không biết thực chất cổ phiếu họ đang mua – bán được phát hành dựa trên BĐS thế chấp nào? Mà không cần phải biết, quan trọng là giá cổ phiếu liên tục tăng. Món lợi  kếch sù đã lôi cuốn các công ty môi giới tài chính vào cuộc và đằng sau họ là sự hỗ trợ không mệt mỏi của hệ thống ngân hàng, đẩy hệ thống tài chính vào cuộc chơi nguy hiểm. Bởi khi “thuận chèo, mát mái”, giá BĐS tăng đều, ổn định thì không nói làm gì. Nhưng đến lúc cung vượt cầu. BĐS chào bán quá nhiều mà người thực cần mua thì ngày càng ít. Giá bất động sản bắt đầu tụt dốc không phanh. Nhiều chủ đầu tư không còn khả năng chi trả. Ngân hàng xiết nợ, thị trường lại càng thừa cung. Các tập đoàn môi giới tài chính lao đao, ngân hàng cũng không còn đủ tiền để quay vòng, tất cả mắc kẹt trên thị trường bất động sản. Thế là khủng hoảng bắt đầu.

Câu chuyện rồi sẽ đi về đâu?

 

VN-Index từ 6/06 đến 9/07
(Nguồn: vietstock.com.vn)

Việc các ngân hàng trung ương của Mỹ, Nhật và EU không chần chừ, lập tức bơm ngay một lượng tiền lớn để trấn an thị trường và kiềm chế sự tháo ồ ạt của các nhà đầu tư, một mặt cho thấy, tình hình vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát. Mặt khác, đó lại là bằng chứng chứng tỏ các ngân hàng trung ương từ lâu đã ý thức được mối nguy cơ tiềm ẩn và luôn sẵn sàng phương án dự phòng. Tuy nhiên, ngân hàng dù có mạnh đến đâu cũng không đủ sức để quyết định giá trên thị trường. Do đó chưa có gì bảo đảm, lần chao đảo tiếp theo kết cục sẽ như thế nào? Quả thực, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hiện đang mắc phải tình huống nan giải: một bên là áp lực lạm phát đang dồn nén tới đỉnh điểm, một bên là nguy cơ đổ vỡ của thị trường tín dụng bất động sản mà kéo theo nó là sự đổ vỡ của hệ thống tài chính – ngân hàng. Công cụ chủ yếu để giải quyết vấn đề là lãi suất tín dụng. Tăng lãi suất sẽ giúp thu hút đầu tư và kiềm chế lạm phát. Giảm lãi suất sẽ cứu nguy thị trường bất động sản. Chọn con đường nào đây?  FED đã chọn con đường thứ hai: cắt giảm lãi suất chiết khấu (lãi suất cho các ngân hàng vay tiền) từ 6,25 xuống  5,75%  và lãi suất ngắn hạn từ 5,25% xuống 4,75%. Đây là một quyết định mạnh tay. Tác dụng của nó thấy ngay lập tức, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng vọt thêm 200 điểm ngay sau lời tuyên bố của FED;  S&P 500 cũng tăng khoảng 2,9%; Nasdaq tăng 2,7%; Russell 2000 cũng tăng gần 4%. Chứng khoán toàn cầu khởi sắc. Trong khi đó, đồng USD tiếp tục rớt giá thê thảm, tỷ giá EU/USD dừng ở mức 14,099 (18/09) – mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua.

Vậy khủng hoảng có thể diễn ra không?
Khủng hoảng tất nhiên là có, bởi đó là phần không thể thiếu trong các chu kỳ phát triển kinh tế. Vấn đề là khủng hoảng gì? Lúc nào? Qui mô ra sao? Hiện chưa ai có thể khẳng định được điều gì. Chúng ta chỉ chắc chắn một số điểm. Thứ nhất, giá BĐS ở Mỹ vẫn tiếp tục giảm, thị trường tín dụng bất động sản vì thế vẫn tiếp tục biến động theo chiều hướng xấu. Thứ hai, kinh tế Mỹ năm nay, cũng như một vài năm tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đồng USD, không phụ thuộc vào cố gắng của Ngân hàng Trung ương Mỹ, sẽ tiếp tục mất giá, và cùng theo nó là đồng Yên Nhật Bản. Vì sao? Đơn giản là vì suốt mấy chục năm qua hai đồng tiền này đã được in ra quá nhiều. Nhiều tới mức mà giờ đây hầu hết các nước trên thế giới đều hiểu, thật nguy hiểm khi tích lũy ngoại tệ chỉ bằng USD và Yên. Làn sóng tẩy chay USD và Yên tuy âm thầm nhưng đang diễn ra hết sức cương quyết ở các ngân hàng trung ương trên thế giới. Nếu vì một lý do nào đó mà quá trình này bổng nhiên diễn ra đột ngột thì khủng hoảng tài chính thế giới là điều không thể tránh khỏi. Thứ ba, rõ ràng cơn bão khủng hoảng toàn cầu đang đến gần. Thời gian gần đây chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc khủng hoảng mini: đầu năm khủng hoảng trên thị trường chứng khoán Thượng Hải (3-2007), bây giờ thì thị trường tín dụng bất động sản ở Mỹ. Và vừa đây thôi, chỉ trong 3 ngày 14, 15 và 17/9/2007, khách hàng đã xếp rồng rắn trên tất cả 72 đại lý của ngân hàng cho vay tín chấp Northern Rock (Anh) rút khoảng 3 tỷ bảng Anh (tương đương 6,06 tỷ USD). Northern Rock chao đảo, buộc phải cầu cứu Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) trợ giúp… Phải chăng đó là những cơn lốc “tiền trạm” của cơn bão đang đến rất gần? Rất có thể, vấn đề chỉ còn là yếu tố thời gian. Vô tình, nhìn lại lịch sử chúng ta không khỏi giật mình. 19-10-1987, ngày thứ hai đen tối trên thị trường chứng khoán Mỹ. Ngày đó chỉ số DJ chỉ trong 1 ngày đã sụt giảm kỷ lục 23%. Tháng 10-1997, đúng 10 năm sau, khủng hoảng tài chính châu Á. Và tháng 10 năm nay (năm 2007), cũng vừa tròn 10 năm, liệu có  sự trùng hợp ngẫu nhiên nào sẽ xảy ra không?

Khủng hoảng ở Mỹ liệu có ảnh hưởng đến chúng ta?

Dĩ nhiên là có. Giá cổ phiếu tại thị trường Việt Nam trong vòng 1 tháng, từ 18/7- 17/8 đã giảm khoảng 11,2%. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng chưa có gì báo động. Vì mấy lý do đơn giản. Thứ nhất, lượng tiền nước ngoài đổ vào chứng khoán Việt Nam chưa phải là nhiều. Thứ hai, kinh tế nước ta đang phát triển tốt, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nhà đầu tư có ý định rút vốn. Khó khăn chỉ có thể xuất hiện, nếu khủng hoảng thực sự diễn ra trên diện rộng, mà điều này, sau quyết định giảm lãi suất tín dụng của FED, là khó có thể diễn ra. Dự báo từ đây đến cuối năm FED còn tiếp tục cắt giảm từ 0,25 đến 0,5% nữa. Thứ ba, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay về cơ bản vẫn là một thị trường hướng nội. Tuy nhiên, khó khăn sẽ đến với chúng ta từ phía khác: từ nguy cơ mất giá trầm trọng của đồng USD và khả năng xuất khẩu khó khăn vào thị trường Mỹ. Nhưng đổi lại chúng ta có một cơ hội rất lớn. Kinh tế Mỹ gặp rắc rối, nhà đầu tư sẽ đổ xô đi tìm kiếm cơ hội mới, tìm nơi có thể sinh lời tối ưu cho đồng tiền của mình. Việt Nam  hoàn toàn có thể trở thành một trong những nơi đến lý tưởng đó. Chỉ có điều, với chính sách tiền tệ vĩ mô hiện nay, có vẻ như lượng tiền đầu tư nước ngoài vào càng nhiều, chúng ta càng lo. Phải chăng đã đến lúc cần có một cách tiếp cận mới trong kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế? Đó là cách tiếp cận nào? Hy vọng chúng tôi sẽ có dịp trở lại cùng bạn đọc bàn về vấn đề này trong các số báo tới đây.

Nguyễn Văn Minh

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)