Khuyến khích các nhà khoa học có tinh thần kinh thương

Theo Vụ tổ chức cán bộ của Bộ KH&CN, hiện có 13 doanh nghiệp KH&CN được thành lập mới và chuyển đổi từ các tổ chức KH&CN. Ngoài ra có một số lượng lớn các doanh nghiệp đủ điều kiện và đang làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Vậy làm thế nào để có thể thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển của loại hình doanh nghiệp này, góp phần quan trọng vào việc đổi mới công nghệ trong mọi thành phần kinh tế? Đó là nội dung cuộc Hội thảo quốc tế “Chính sách tạo môi trường hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ” do Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN tổ chức.


Tập trung phân tích mô hình doanh nghiệp spin-off (doanh nghiệp khởi nguồn từ nghiên cứu khoa học, có mối quan hệ chặt chẽ với tổ chức nghiên cứu “mẹ”), TS Bạch Tân Sinh nhận định, tại những nước có nền kinh tế chuyển đổi như Trung Quốc, các nước Đông Âu, hình thành doanh nghiệp KH&CN còn được xem như là một phương thức chuyển đổi một số tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ nhằm giải quyết vấn đề mang tính khiếm khuyết về cấu trúc của hệ thống tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc gia. Do vậy, cần có những chính sách khuyến khích các nhà khoa học có tinh thần kinh thương là người sáng lập ra các doanh nghiệp khoa học spin-off để họ sẵn sàng chịu rủi ro mạo hiểm rời môi trường hàn lâm sang môi trường doanh nghiệp.

Đại diện của Thái Lan cho biết Chính phủ nước này đã quyết định thành lập Cơ quan phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NSTDA) vào năm 1991 với nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu trong phát triển công nghệ và tiếp cận thị trường. Bộ phận trợ giúp thương mại hoá kết quả nghiên cứu của NSTDA bao gồm những người am hiểu cả về công nghệ và kinh doanh, trợ giúp các nhóm nghiên cứu công nghệ đồng thời ở  quá trình phát triển sản phẩm và quá trình tiếp thị, bán hàng.

Tại Pháp tổ chức OSEO được thành lập với nhiệm vụ hỗ trợ tài chính cho các hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Hơn 80.000 doanh nghiệp đã được hỗ trợ với các mức độ khác nhau.

Theo ông Gryga Vitalii, cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Dobrov thuộc Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Ukraina, sự phát triển của các doanh nghiệp KH&CN ở Ukraina hiện vẫn trong tình trạng khủng hoảng sâu sắc thể hiện tình hình kinh tế tổng thể. Cơ hội cho giới kinh doanh có được các lợi nhuận khổng lồ bằng cách xuất khẩu tài nguyên khoáng sản hoặc các sản phẩm với giá trị thấp là một trong những nguyên nhân đẩy KH&CN tới tình trạng lạc hậu.

Tại Ấn Độ, quá trình cải cách hệ thống khoa học công nghệ gồm nhiều bước, mục đích tạo nền tảng rộng cho đổi mới sáng tạo trong đó đặc biệt chú trọng tới đào tạo nhân lực chất lượng cao. GS V. Krishna, Đại học Jawharlal Nehru, New Delhi cho rằng, “không thể xây dựng hệ thống đổi mới mà không có hệ thống KH&CN. Đổi mới ở cấp cơ sở và nghiên cứu phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đóng vai trò quan trọng như nghiên cứu cơ bản có định hướng”.

Theo ông Phạm Minh Tuấn- Giám đốc Trung tâm ươm tạo Topica Education Việt Nam, tại Singapore tồn tại nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm khác nhau. Các quỹ đầu tư này có quyền quyết định đầu tư vào các dự án họ thấy khả thi, tuy nhiên Nhà nước cũng hỗ trợ theo hình thức đồng đầu tư: Nếu quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư 1 đồng vào dự án, Nhà nước cũng đầu tư 1 đồng hỗ trợ.

Để thúc đẩy nhanh quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN, ông Trần Văn Tùng- Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ cho biết, Bộ KH&CN đang tiến hành xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ tổ chức khoa học và công nghệ tập trung vào các nội dung: hướng dẫn thành lập, đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về ươm tạo, thành lập, quản trị doanh nghiệp…

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)