Khuyến nghị cho tiến trình tự chủ đại học: Mối quan hệ giữa các thiết chế quản trị

Trong kỳ cuối của loạt bài viết về tự chủ đại học ở Việt Nam, tác giả Trần Đức Viên sẽ phân tích, đưa ra những khuyến nghị về cơ chế quản lý để đảm bảo quá trình tự chủ đại học thực sự có chuyển biến cả về chất và lượng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tiền phong.

Mối quan hệ giữa ba thiết chế quản trị trường đại học tự chủ

Một trong những ‘điểm nghẽn’ trong thời gian qua được các trường đại học và dư luận xã hội quan tâm nhiều là vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn, và mối quan hệ giữa ba thiết chế lãnh đạo, quản trị, quản lý trường đại học là Đảng ủy (ĐU), Hội đồng trường (HĐT) và Ban Giám hiệu (BGH). Về vấn đề này nên vận dụng các nguyên tắc đã được áp dụng khi giải quyết các mối quan hệ giữa Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ ở tầm quốc gia.

– Ban chấp hành Đảng bộ (Đảng ủy) nhà trường là tổ chức Đảng đại diện cho Đảng bộ giữa 2 kỳ Đại hội; hoạt động theo Điều lệ Đảng, pháp luật của nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Đảng bộ cấp trên và Quy chế làm việc của Ban chấp hành Đảng bộ trường; có trách nhiệm là hạt nhân chính trị, lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện nhà trường bằng các nghị quyết. Đảng ủy có nhiệm vụ (i) xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh; (ii) ban hành và lãnh đạo nhà trường bằng các nghị quyết về các mặt công tác và các nhiệm vụ chính trị của nhà trường, mang tính đường lối, định hướng; (iii) lãnh đạo công tác tổ chức và cán bộ thông qua các nghị quyết về công tác tổ chức và qui hoạch nhân sự; (iv) không can thiệp vào công tác quản trị của HĐT, và công tác quản lý hàng ngày của hiệu trưởng (HT). Thực ra, Đảng ủy luôn là thiết chế lãnh đạo tòan diện và tuyệt đối các lĩnh vực hoạt động của nhà trường, điều đó luôn được khẳng định vì các vị trí lãnh đạo chủ chốt, từ chủ tịch HĐT, HT, phó hiệu trưởng, trưởng các đơn vị đều là đảng viên sinh hoạt tại các chi bộ trực thuộc Đảng ủy, họ có trách nhiệm tối thượng là sống và làm việc theo Điều lệ Đảng, pháp luật của nhà nước, theo nghị quyết của chi ủy, đảng ủy bộ phận và của các chỉ thị, nghị quyết của đảng ủy cấp trên.

– Trong một cơ sở giáo dục đại học, HĐT là một thực thể có quyền lực cao nhất, làm nhiệm vụ lãnh đạo, quản trị nhà trường, còn bộ máy của HT có nhiệm vụ quản lý, điều hành. HĐT phải lãnh đạo chiến lược, không nên sa vào các quyết định chiến thuật, do đó khi đã có chính sách và kế hoạch phát triển tổng thể, HĐT phải giao quyền đầy đủ cho HT, không can thiệp vào việc điều hành cụ thể của HT. Vì thế, người ta thường nói HĐT chỉ có một ‘nhân viên’, đó là HT.

– Mối quan hệ giữa HĐT và các thành viên của HĐT với HT và bộ máy của HT tuân theo các nguyên tắc: (i) HĐT giữ vai trò lãnh đạo, còn HT làm nhiệm vụ quản lý; (ii) HĐT lãnh đạo và quản trị cơ sở giáo dục đại học thông qua HT, không trực tiếp tác động đến các thành viên trong bộ máy của HT, trừ khi HT đề nghị; (iii) Sự lãnh đạo và quản trị của HĐT được thực hiện bằng nghị quyết của toàn thể hội đồng chứ không phải của các thành viên hội đồng, kể cả chủ tịch; (iv) Quan hệ giữa HT và các thành viên HĐT là quan hệ cộng sự, ngang hàng, hỗ trợ nhau, không phải trên dưới.

– Hiệu trưởng với tư cách một cá nhân vừa là thành viên HĐT, vừa là người có nhiệm vụ thi hành các nghị quyết của HĐT, nên vị trí và nhiệm vụ của HT là: (i) là người đứng đầu bộ máy điều hành, có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt nhất mọi chính sách và kế hoạch tổng thể do HĐT đề ra, thể hiện qua các nghị quyết của HĐ[1]; (ii) là cầu nối giữa HĐT và các thành viên trong trường với cán bộ viên chức và người học; (iii) chịu trách nhiệm giải trình trước HĐT về các hoạt động của nhà trường, đảm bảo thành tựu của các chính sách được đề ra và không vi phạm những giới hạn điều hành đã được quy định.

Ở đây cần có sự tin tưởng lẫn nhau giữa bộ phận lãnh đạo, quản trị và bộ máy điều hành, quản lý. Khi các bên hiểu rõ trách nhiệm của mình, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau thì quan hệ giữa các bên sẽ tốt đẹp và được tối ưu hóa, sức mạnh của các thiết chế này sẽ được cộng hưởng thành sức mạnh tổng hợp, mạnh mẽ và hiệu quả hơn rất nhiều so với từng thiết chế riêng rẽ.

Có nên kiêm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản trị và quản lý trường đại học?

Trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay, có ba vị trí lãnh đạo, quản trị và quản lý chủ chốt là Bí thư, Chủ tịch HĐT và HT. Có trường Bí thư kiêm HT, có trường Bí thư kiêm Chủ tịch. Dù là mô hình nào, thì cũng đều có thể tham khảo, học hỏi, nhưng không nên áp đặt hay ‘gợi ý’ nên như thế này, nên như thế kia, cố gắng áp dụng đồng loạt theo kiểu đồng phục (uniform) ‘chụp’ lên tất cả các trường. Các trường tự chủ nghĩa là họ có quyền định đoạt ‘số phận’ của họ, không nên và không thể áp đặt.

Thực tế cho thấy, Chủ tịch HĐT kiêm HT dễ làm cho quyền lực của HT bị lạm dụng và tha hóa, và như một hệ quả, dễ dẫn đến tình trạng thiếu dân chủ. HT là Chủ tịch HĐT nên việc thực hiện nhiệm vụ của HĐT mang tính cá nhân nhiều hơn, không hề có dấu ấn của tập thể, nếu có thì cũng rất mờ nhạt, không thực chất; HT vẫn có thể tha hồ đưa ra quyết định mà không vấp phải một ‘phản biện’, một sự ‘cân đối quyền lực’ nào. Ở những cơ sở giáo dục (CSGD) này chỉ có dân chủ hình thức; vì vậy, HT dứt khoát không thể kiêm chức Chủ tịch HĐT. Bí thư có thể kiêm HT hoặc kiêm chủ tịch HĐT hoặc ba vị trí này do ba người nắm giữ, tùy thuộc vào từng CSGD, và họ phải tự quyết định việc này. Chỉ có như thế mới hạn chế được những sai lầm khi quyền lực tập trung vào tay một người, mới có thể giảm thiểu đến mức thấp nhất những sai phạm về thiếu dân chủ mà các trường dễ mắc phải.  

Tự chủ về công tác chuyên môn

Nhà nước nên giao quyền toàn diện về tự chủ học thuật, tự chủ chuyên môn cho các trường đại học, giám sát kết quả đầu ra qua các chỉ số đầu ra cơ bản (KPIs) do các trường đã cam kết với xã hội hơn là giám sát đầu vào theo cơ chế xin-cho. Bãi bỏ quản lý kiểu ‘cấp phép’ của Bộ GD&ĐT với các CSGD (như các ‘giấy phép con’: Thông tư số 38/2010/TT-BGDĐT ngày 22/12/2010 về tiêu chuẩn mở ngành đào tạo; Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh; Thông tư số 15/2014/BGDĐT-ĐTĐH ngày 15/05/2014 quy định địa điểm tổ chức thi tuyển sinh; Công văn 1761/BGDĐT-GDĐH ngày 15/04/2015 quy định tổ chức đào tạo ở ngoài cơ sở đào tạo; Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17/2/2011, Thông tư số 38/2010/TT-BGDĐT ngày 22/12/2010 quy định thẩm định và phê duyệt cho phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành mới, v.v…). Cũng cần giao các trường được tự quyết định việc đào tạo theo nhu cầu xã hội, theo đơn đặt hàng của địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế với những thế mạnh của CSGD, miễn là CSGD có đề án khả thi, chịu trách nhiệm giải trình, được HĐT thông qua và chịu sự giám sát của xã hội, của nhà nước.

Tự chủ về đầu tư

– Với các dự án do nguồn vốn tự có và các dự án đầu tư từ các nguồn vốn của nhà nước có tổng mức đầu tư dưới 20 tỷ đồng, CSGD được thành lập ban quản lý dự án;

– Các trường được chủ động hoàn toàn trong việc mua sắm, có nghĩa là tự chủ trong việc phê duyệt danh mục, kế hoạch sử dụng kinh phí, dự toán thiết bị đối với các gói mua sắm từ nguồn thu hợp pháp nhằm tăng tính tự chủ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

– Với các gói cải tạo sửa chữa từ nguồn thu hợp pháp, các trường được chủ động từ khâu lập và thẩm định kế hoạch sử dụng kinh phí, phê duyệt danh mục, dự toán cho đến việc triển khai tổ chức thực hiện; Đối với các công trình có trị giá từ 20 tỷ VNĐ đồng trở xuống do ngân sách nhà nước cấp, đơn vị được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết toán công trình; Các trường được chủ động lựa chọn các tổ chức có đủ chức năng thẩm định công trình, mua sắm trên nguyên tắc đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch.

– Với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn thu hợp pháp của CSGD, nhà trường được phép tự chủ thuê hoặc tự thực hiện (nếu có đủ năng lực theo luật định) các công đoạn thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định vốn, thẩm tra thiết kế, thẩm tra vốn, phê duyệt dự án và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan quản lý nhà nước về tính hợp pháp và hợp lý trong các quyết định của CSGD.

– Có quyền tự giám sát thi công các công trình xây dựng theo đúng thiết kế và dự toán; Thực tế là hiện nay, các cơ quan được thuê giám sát thi công các công trình có tinh thần trách nhiệm rất thấp, câu chuyện nhà thầu và cơ quan giám sát ‘đi đêm’ với nhau rất phổ biến. CSGD tự giám sát thi công công trình của mình, kinh phí do mình bỏ ra, sẽ hiệu quả, tiết kiệm và thực chất hơn rất nhiều.

Về tự chủ tài chính

Ở Việt Nam hiện nay khá nhiều người hiểu tự chủ đại học trước hết và then chốt là tự chủ tài chính, nghĩa là nhà nước cắt chi thường xuyên, cắt giảm đầu tư. Điều này trái với thực tế tự chủ đại học trên thế giới, đó là khi giao quyền tự chủ cho đại học thì nhà nước chỉ thay đổi cách đầu tư: thay đầu tư theo dòng kinh phí-hạng mục (line-iterms) như trước đây bằng đầu tư một khoản kinh phí (block grants). Đã đến lúc Nhà nước thay đổi phương thức đầu tư: thay vì cấp kinh phí nuôi bộ máy, đầu tư theo dòng kinh phí-hạng mục thì đầu tư một khoản kinh phí cố định trong một khoảng thời gian nào đó (thường là 5 năm), hoặc giao kinh phí theo cách đặt hàng và giao nhiệm vụ trên cơ sở kết quả ‘đầu ra’ (KPIs) của CSGD. Nhà trường được quyền linh động sử dụng nguồn kinh phí đó một cách hiệu quả nhất, và Nhà nước tăng cường giám sát tính minh bạch và hiệu quả việc của sử dụng kinh phí của CSGD (Rattana, 2015); và như một lẽ đương nhiên, chính phủ cũng công khai, minh bạch các khoản kinh phí đầu tư cho các CSGD, kể cả đại học quốc gia và đại học vùng, theo các KPIs của họ.

Cơ chế cấp phát tài chính cho các CSGD của nhà nước cũng cần thay đổi, có thể theo 2 cách (i) hoặc là ngân sách nhà nước cấp thẳng cho các CSGD, như cách làm của Hoa Kỳ; (ii) hoặc là kinh phí vẫn qua Bộ chủ quản, như phần lớn các nước, theo các tiêu chí rõ ràng, thuyết phục dựa trên các chỉ số KPIs của CSGD.

Về chủ tài khoản, theo cơ chế tự chủ, các đại học công lập sẽ hoạt động, vận hành ‘như’ doanh nghiệp; và chúng ta đang tiến tới ‘đối xử’ công bằng với các trường đại học, công cũng như tư. Theo qui định hiện hành, các trường ngoài công lập, chủ tịch HĐT được gọi là chủ tịch hội đồng quản trị và là chủ tài khoản, vậy với các trường công lập, nhà nước cũng cần xem xét cơ chế để HĐT có quyền lực thực sự trong kiểm soát tài chính. HĐT có quyền thì mới đòi hỏi thực thể này có trách nhiệm; ví dụ qui định với các khoản thu-chi có giá trị từ X đồng trở lên thì HĐT chịu trách nhiệm kiểm soát và điều đó được thể chế hóa bằng các văn bản liên quan; hoặc áp dụng cơ chế đồng chủ tài khoản, nghĩa là chủ tịch HĐT và HT cùng đứng tên mở tài khoản, họ có quyền và nghĩa vụ như nhau khi thực hiện mọi giao dịch liên quan đến tài khoản đồng chủ sở hữu.  

Thay cho lời kết

Xây dựng đại học tự chủ hoàn toàn là hình thức chuyển biến cả về chất và lượng trong mối quan hệ giữa chính phủ và cơ sở giáo dục đại học thông qua việc chính phủ hỗ trợ và cho phép các trường đại học thay đổi hoàn toàn hệ thống cấu trúc và quản trị đại học.Trên cơ sở đó đại học tự chủ có thể tự quyết tất cả các vấn đề liên quan đến sự phát triển của CSGD một cách công khai, minh bạch, hiệu quả. Tóm lại là nhà nước và xã hội để cho các trường có quyền nói lên tiếng nói của mình, có quyền đưa ra quyết định của chính mình và chịu trách nhiệm về các quyết định ấy, để thực hiện mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi mà trường đại học đang theo đuổi một cách hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất về thời gian và tiền bạc. CSGD có trách nhiệm giải trình với nhà nước, với xã hội về tất cả các hoạt động của mình; và nhà nước, xã hội giám sát các hoạt động và sự vận hành của CSGD qua các chỉ số cơ bản mà CSGD đã cam kết, với mục tiêu là CSGD xây dựng danh tiếng dựa trên chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ xã hội (văn hóa chất lượng).

Tự chủ là một quá trình đầy thử thách và cơ hội, cần những con người dũng cảm, có tinh thần sáng tạo, dám dấn thân vì khát vọng đổi mới; đó là những con người dám nghĩ, dám làm và biết làm, và có thể làm được những việc lớn. Để đảm bảo qúa trình tự chủ đại học thắng lợi, các cơ quan quản lý nhà nước cần tôn trọng quyền tự chủ của các trường, đồng hành cùng các trường, thông qua ban hành các văn bản pháp lý, các hướng dẫn mang tính mở đường, kiến tạo và đó chính là cách tốt nhất để các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thành công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học của chúng ta.

————-
Chú thích:

[1] Hoạt động của hiệu trưởng không phải là thực hiện những công việc cụ thể, mà là thiết kế công việc, lãnh đạo thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động của BGH bằng các sách lược, chiến thuật, điều hành cụ thể, tạo nên bầu không khí làm việc tích cực, sáng tạo và chan hòa trong nhà trường; HT không làm thay công việc thuộc trách nhiệm của các tổ chức trực thuộc (Phòng Ban, Khoa, Viện…). Nếu làm thay, nghĩ thay, vô hình trung HT đã tạo ra sự chây ì, dựa dẫm, trông chờ, làm triệt tiêu tính năng động, sáng tạo và chủ động của bộ máy thừa hành, làm nảy nở thói vô trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thừa hành.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)