Kiểm soát nông sản theo chuỗi: Tăng cường vai trò của khu vực tư nhân

Nhu cầu truy xuất nguồn gốc và minh bạch chất lượng nông sản của người tiêu dùng trong nước và đặc biệt là của các thị trường nước ngoài “khó tính” đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân phải thúc đẩy liên kết sản xuất trên toàn chuỗi giá trị. Đồng thời, thực hành đánh giá, giám sát chất lượng cũng phải chuyển đổi trọng tâm sang khu vực tư nhân.


Phòng thí nghiệm Eurofins Sắc Ký Hải Đăng tại TP Hồ Chí Minh tuân thủ các tiêu chuẩn của Tập đoàn Eurofins toàn cầu, có các trang thiết bị và kỹ thuật phân tích hiện đại. Nguồn ảnh: Eurofins.vn.

Giám sát trên toàn chuỗi: quá khó vì liên kết yếu

Nỗi lo ngại về nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm đang “bao trùm” lên người tiêu dùng trong nước. Gần đây nhất, kết quả điều tra hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn năm 2017 của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DNHVNCLC) cho thấy, có tới 53% người tiêu dùng cho biết đang nghi ngờ nông sản tươi mình mua không đảm bảo chất lượng nhưng “bắt buộc” phải sử dụng vì chưa tìm được nguồn nông sản đủ tin tưởng hơn, và có khoảng ¼ số người được hỏi nghi ngờ dư lượng chất cấm trong hầu hết các thực phẩm sử dụng hằng ngày. Do đó, đòi hỏi truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn thực phẩm trên toàn chuỗi giá trị nông sản đang trở thành yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản trong nước.

Đối với các doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu nông sản thì yêu cầu này trở nên ngày càng “khắt khe” hơn. Một số thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu hiện nay đã “dịch chuyển” kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm ra khỏi biên giới của nước nhập khẩu sang “trực tiếp” ngay tại nước sở tại. Một ví dụ điển hình, Đạo luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm mới của Mỹ (FSMA) sẽ trở thành rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp nông sản Việt Nam phải “đối mặt” từ trước tới nay để bước chân vào thị trường Mỹ. Đây được coi là đợt “quét dọn” lớn nhất trong việc thiết lập lại các luật về an toàn thực phẩm tại Mỹ trong 70 năm qua với trọng tâm tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc. FDA sẽ yêu cầu giám sát trên toàn chuỗi và có tần suất kiểm tra bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất xuất khẩu vào Mỹ thay vì chỉ kiểm tra chất lượng ở khâu cuối cùng là cảng nhập khẩu vào Mỹ.

Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp nông sản Việt Nam chưa đủ năng lực đáp ứng những yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với cả thị trường nội địa và xuất khẩu. “Theo tổng hợp của chúng tôi, có tới 466 thư cảnh báo của FDA cho sản phẩm nông sản Việt Nam, trong đó chủ yếu là cảnh báo với các mặt hàng thuỷ sản, rau quả”, TS. Đào Đức Huấn, Viện Chiến lược và chính sách nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết. “Đáng chú ý là, có những thư cảnh báo từ năm 2009 nhưng vẫn chưa được FDA gỡ bỏ, nghĩa là chúng ta chưa đủ khả năng thay đổi thực hành sản xuất, kiểm soát chất lượng tốt”, TS. Huấn nói thêm.

Giám sát chất lượng thực phẩm theo chuỗi đặt ra yêu cầu phải đảm bảo liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị rất chặt chẽ, nhưng đây vẫn là “thách thức” chưa thể vượt qua với ngay cả những doanh nghiệp sản xuất nông sản lớn nhất nhì trong cả nước. Chẳng hạn như trường hợp của Vineco, một doanh nghiệp đầu tư “rầm rộ” vào nông nghiệp với khẩu hiệu “nông sản sạch cho mọi nhà” đã có mối liên kết với 500 nông hộ (mỗi hộ có sản xuất quy mô từ hơn 1ha), đặt mục tiêu kiểm soát từ nguồn nước, đất, phân bón… ở khâu đầu vào cho tới khâu thu hoạch và ra thị trường nhưng vẫn chưa thể đảm bảo chuỗi sản xuất hoạt động tuân thủ đúng quy trình đề ra. “Có tới 30 – 40% số mẫu nông sản vẫn nhiễm thuốc bảo vệ thực vật khi kiểm tra để cung cấp cho các cửa hàng Vinmart. Vì vậy chúng tôi rất khó cân đối sản lượng nông sản cung cấp cho toàn hệ thống phân phối”, TS. Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc kỹ thuật của Vineco cho biết.

Ở trên diện rộng, liên kết dọc (giữa nông dân và doanh nghiệp) cũng như liên kết ngang (hợp tác sản xuất giữa những nông hộ giữa nông dân) đều vẫn còn rất lỏng lẻo. Trong số các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thì có 60% chỉ tiến hành tổ chức thu mua nông sản của nông dân khi đến mùa thu hoạch mà không đầu tư vào quá trình sản xuất của nông dân (quy hoạch, tổ chức sản xuất, cung ứng giống, vật tư, tập huấn…). Còn có tới 85% các hợp tác xã ở các vùng nguyên liệu không tổ chức sản xuất theo hướng thị trường, không quan tâm đến những yêu cầu của thị trường để điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất của các hộ nông dân thành viên1.

Bỏ tư duy “bao sân” và kiểm soát

Không chỉ có thị trường Mỹ hay các nước châu Âu ngày càng “khó tính” hơn, mà nhiều người tiêu dùng Việt cũng có thể “quay lưng” với hàng nông sản Việt nếu không đảm bảo các yêu cầu minh bạch chất lượng trên toàn chuỗi giá trị trong khi nông sản ngoại nhập sẽ ngày càng “ồ ạt” vào nội địa do xu hướng hội nhập quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp nông sản Việt cần phải bỏ “thói quen làm thương mại kiểu ‘ngẫu nhiên, tình cờ’, ví dụ như doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất rồi sau đó mới tìm kiếm đối tác và ‘xuất hàng’. Mà phải chuyển sang tìm hiểu về yêu cầu của đối tác từ trước khi sản xuất từ 1 tới 3 năm”, theo TS. Đào Đức Huấn. Đồng thời, trong suốt thời gian “chuẩn bị”, tìm hiểu về yêu cầu của thị trường xuất khẩu khó tính hoặc nội địa, các doanh nghiệp đều phải thay đổi thực hành sản xuất – thúc đẩy liên kết sản xuất tốt hơn.

Tuy nhiên, lấy gì để đánh giá, giám sát chất lượng trên toàn chuỗi nông sản, đảm bảo từng khâu trong chuỗi giá trị đều “suôn sẻ” thay vì chỉ “chăm chăm” đóng dấu “đạt/ không đạt” vào sản phẩm đầu ra? Nhìn vào hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm hiện hành, sẽ không khỏi “rối mắt” vì có quá nhiều cơ quan quản lý, kiểm soát chồng chéo và hàng chục văn bản quy phạm pháp luật khác nhau2 với tư duy quản lý phổ biến là nhà nước “bao sân” kiểm soát mọi khâu. Nhưng quy trình này của nhà nước vẫn “nặng quản lý và kiểm soát hành chính. Ví dụ, trong các chuỗi sản xuất tiêu thụ heo, gà, cán bộ thú y chốt ở rất nhiều khâu và đóng dấu, coi đó là quản lý và kiểm soát. Câu hỏi là sự có mặt của cán bộ thú y và con dấu có đảm bảo rằng quá trình chăn nuôi đạt chuẩn, heo gà nuôi không sử dụng các chất cấm gây mất an toàn cho người tiêu dùng?”, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ Phần Giải pháp và Dịch vụ Truy xuất nguồn gốc (TRACEVERIFIED) cho biết. “Riêng trong lĩnh vực cung cấp công cụ truy xuất nguồn gốc cho các nhà sản xuất thực phẩm, điều đáng ngạc nhiên là mặc dù trên thị trường đã có hàng chục công ty phần mềm có thể cung cấp dịch vụ này thì rất nhiều cơ quan quản lý cấp tỉnh lại đang xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc cho riêng tỉnh. Có thể nói tư duy quản lý rất phổ biến hiện nay vẫn là Nhà nước bao, Nhà nước nắm giữ, Nhà nước kiểm soát”, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh nhận định.

Nhìn chung, “Hệ thống quản lý nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm quá rườm rà, sự phân khúc và phối hợp [để giám sát chất lượng] chỉ trên hình thức và chưa có cách tiếp cận đổi mới, thống nhất trong quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm”, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh kết luận.

Thực trạng đó cho thấy, nhà nước “khó lòng” đủ lực để trực tiếp “nắm lấy” mọi khâu trong lĩnh vực kiểm soát chất lượng trong khi quy mô thị trường ngày càng lớn, khối lượng, chủng loại sản phẩm ngày càng nhiều, mua bán hàng hóa đang dần thoát ly khỏi phương thức truyền thống. Và giả sử như có đủ nguồn lực vật chất, nhà nước cũng không thể can thiệp trực tiếp vào thị trường như cách hiện đang làm. Do đó, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh gợi ý giải pháp mà lâu nay nhiều nước đã áp dụng: Đó là phân biệt “rạch ròi” phần việc của quản lý nhà nước và phần việc để thị trường giải quyết; nhà nước giảm dần “vai” kiểm soát chất lượng thực phẩm, chỉ đóng “vai” bên “tạo luật chơi”. Cụ thể, nhà nước tập trung vào ban hành chính sách, ban hành (hoặc công nhận) các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và tổ chức hợp lý để kiểm tra, giám sát việc thực hiện cũng như hỗ trợ ban đầu việc thực hiện tại các doanh nghiệp (đào tạo kỹ thuật, vay tín dụng nếu cần). Bên cạnh kiểm soát trực tiếp, nhà nước còn dựa vào các tổ chức chứng nhận độc lập, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và sự kiểm soát nội bộ của các Hiệp hội ngành hàng. Ví dụ, trong lĩnh vực phòng thí nghiệm, nhiều nước chỉ duy trì một hoặc hai phòng lab kiểm chứng (reference lab), việc test sản phẩm là việc của các phòng lab tư nhân, với điều kiện các phòng này phải được chứng nhận ISO 17025. Một số nước như Đan Mạch, thậm chí còn không đầu tư xây dựng lab kiểm chứng mà công nhận một phòng lab tư nhân của tập đoàn Eurofins (http://www.eurofins.com/) là phòng lab kiểm chứng.

Tuy nhiên, các đơn vị kiểm định chất lượng độc lập (với các bộ tiêu chí kiểm định của họ) có thể tự thể hiện năng lực của mình và sẽ tự “sống” được bằng việc kiểm định đó hay không? TS. Nguyễn Thị Hồng Minh tin rằng, “các đơn vị kiểm định độc lập đó sẽ ‘sống được’ và mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế với điều kiện họ được ‘đối xử’ ngang bằng với các đơn vị của nhà nước (phòng thí nghiệm, trung tâm kiểm định…), nghĩa là các phòng thí nghiệm, trung tâm kiểm định công chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp/ tiến tới cổ phần hóa”.
——————–
1 Trần Đức Viên, Liên kết lỏng lẻo do thiếu niềm tin, Tia Sáng, số 2 tháng 11 năm 2016. http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Lien-ket-long-leo-do-thieu-niem-tin—10281
2 Ở cấp Chính phủ và ba Bộ được phân công trách nhiệm quản lý An toàn Vệ sinh thực phẩm từ năm 2009 đến nay đã ban hành 79 văn bản quản lý trong lĩnh vực này. Trong đó, Chính phủ ban hành 11 văn bản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành 19 văn bản, Bộ Y tế 46 văn bản, Bộ Công Thương 3 văn bản. Theo số liệu của Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS).

Chuyên gia độc lập về chuỗi cung ứng và an toàn thực phẩm Nguyễn Thị Kim Thanh của Hội DNHVNCLC đưa ra một ví dụ về quy trình kiểm soát Meta Control của Hà Lan mà Việt Nam có thể học tập. Tại Hà Lan, cơ quan An toàn thực phẩm và hàng tiêu dùng (NVWA) đã sử dụng hệ thống Meta Control – đánh giá và theo dõi vận hành hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm tư nhân, từ đó xem xét lại việc phân bổ nhiệm vụ và các nguồn lực cần thiết. Cụ thể, NVWA đã phê duyệt cho phép đưa hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của khối tư nhân vào khung tổ chức của họ, còn NVWA đặt ra các yêu cầu mà hệ thống tư nhân cần phải tuân thủ và có trách nhiệm theo dõi sự vận hành của hệ thống giám sát chất lượng sau khi được phê duyệt. Ví dụ: Công ty Bureau de Wit (BDW) có hơn 50 năm kinh nghiệm trong việc theo dõi, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hành vệ sinh tốt và được NVWA phê duyệt vào hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của Hà Lan vào tháng 12 năm 2011. BDW phải “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” trong việc đánh giá, giám sát chất lượng an toàn thực phảm của các khách hàng (chủ yếu gồm các khách sạn, nhà hàng, cà phê, nhà bán lẻ và chăm sóc sức khỏe.

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)