Kinh tế thế giới tổn thất 18 tỷ USD do nạn cướp biển
Từ năm 2005 đến nay, cướp biển ở vùng Sừng châu Phi* đã thu được hàng trăm triệu USD tiền chuộc. Ngân hàng thế giới, Liên hiệp quốc và Interpol đã cùng nhau thực hiện dự án khá tốn kém có tên là "Pirate Trails" để tìm dòng chảy tài chính của bọn cướp biển.
Phần lớn khoản tiền chuộc mà các hãng tầu biển buộc phải chi trả cuối cùng lại rơi vào túi những kẻ đứng đằng sau bọn cướp biển, vốn là những kẻ có sức mạnh tài chính to lớn. Chúng dùng số tiền khủng đó đầu tư vào các hoạt động phi pháp như buôn bán vũ khí, buôn người và trả tiền cho lực lượng vũ trang bảo vệ chúng. Nền kinh tế thế giới bị thiệt hại từ hoạt động cướp biển lên đến 18 tỷ USD.
Số tiền mà bọn cướp biển giữ lại thực ra chỉ là một phần rất nhỏ của tổng số tiền chuộc, nghĩa là không tới 0,1%, theo nghiên cứu trên. Những tên cướp biển thông thường, sau một phi vụ, được lĩnh từ 30.000 đến 50.000 USD. Kẻ xuất hiện đầu tiên trên con tầu bị cướp hoặc những tên tự mang theo thang hoặc vũ khí của mình được cộng thêm khoản tiền thưởng 10.000 USD.
Bị trừ tiền vì… hạnh kiểm xấu
Theo công trình nghiên cứu, nhiều tên cướp khi tham gia tấn công thường nhai chất kích thích có tên là Khat mà chúng mua bằng tiền đi vay. Khi tiền chuộc được thanh toán, bọn cướp mới nhận được phần của mình, tất nhiên sau khi đã khấu trừ các khoản tiền nợ mua ma túy. Ngoài ra, theo truyền thống từ hàng trăm năm nay, bọn cướp còn bị khấu trừ tiền ăn, tiền phạt vì hạnh kiểm xấu, thí dụ hành hạ thủy thủ đoàn. Một số tên cướp, theo công trình nghiên cứu, nợ nần chồng chất cho nên có muốn bỏ nghề cũng không bỏ nổi.
Một phần nhỏ của khoản tiền chuộc thuộc về địa phương, tiền trả cho đầu bếp, luật sư, những kẻ môi giới, những kẻ làm dịch vụ nhận biết tiền thật, tiền giả, ngoài ra là tiền trả cho lực lượng dân quân làm nhiệm vụ bảo vệ cảng. Thậm chí bọn cướp biển còn phải nộp “thuế phát triển” cho địa phương, và khoảng 20% cho lực lượng dân quân Hồi giáo Schabab. Lái buôn ở địa phương và những kẻ làm dịch vụ sẵn sàng tạm ứng tiền vì lãi suất mà bọn cướp phải chi trả có khi lên đến 100%.
Một khoản tiền lớn hơn chui vào túi những kẻ môi giới và đứng ở hậu trường – như cựu cảnh sát, cựu quân nhân, quan chức nhà nước, bọn buôn bán chất kích thích Khat, cả dân đánh cá và những tên từng là cướp biển – chúng nhận được từ 30 đến 75 % tổng số tiền chuộc. Trong khi đó tiền chi cho các vụ cướp biển thường không tốn kém bao nhiêu: những vụ tấn công đơn giản nhất thường chỉ tốn vài ba trăm USD. Những phi vụ lớn hơn với sự tham gia của nhiều thuyền bè thì phí tổn có thể lên đến 30.000 USD.
Dòng tiền “năng động“
Phần lớn khoản đầu tư tổ chức các vụ cướp được đưa từ nước ngoài tới Somalia. Tiền chuộc sau khi được chuyển giao lại chạy ra nước ngoài. Ở Somalia có nhiều doanh nghiệp nhỏ sẵn sàng đứng ra làm dịch vụ chuyển tiền. Công trình nghiên cứu cho rằng lĩnh vực tài chính ở Somalia năng động một cách đáng ngạc nhiên.
Kenya, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Djibouti là những nước quá cảnh quan trọng nhất hoặc là những trạm cuối cùng cho phần lớn khoản tiền chuộc. Từ đây, một phần ba khoản tiền lời được chuyển tới lực lượng dân quân, các phần tử tôn giáo cực đoan hoặc được dùng vào các lĩnh vực để gây ảnh hưởng về chính sách. Phần còn lại thường được dùng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản và buôn bán ma túy.
Theo công trình nghiên cứu, để ngăn chặn dòng tiền từ kinh doanh cướp biển thì các nước trong khu vực cần hợp tác chặt chẽ với nhau hơn, giám sát việc chuyển lậu tiền ra nước ngoài và điều chỉnh hoạt động của các hãng chuyển tiền ra nước ngoài. Ngoài ra phải kiểm soát và hạn chế sự sản xuất khat ở Kenya.
Chỉ khi nào chặn đứng được dòng chảy tài chính thì mới có thể tiêu diệt nạn cướp biển có hiệu quả. Dù sao thì nạn cướp biển ở vùng Sừng châu Phi sau khi lên đến cao trào vào năm 2011 đã giảm dần. Theo công trình nghiên cứu, nguyên nhân là do việc tăng cường các hoạt động quân sự ở ngoài khơi Somalia, trong đó có chiến dịch “Atalanta” của EU với sự tham gia của hải quân Cộng hòa Liên bang Đức.
Xuân Hoài dịch
—