Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa

Việt Nam đã chọn Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm mô hình phát triển. Trong hơn hai thập kỷ qua, nhiều điểm tích cực của kinh tế thị trường đã được phát huy để đem lại mức tăng trưởng kinh tế khá cao, đưa phần lớn người dân Việt Nam thoát khỏi đói nghèo — nỗi ám ảnh của cả Dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Tuy nhiên, khi vẫn còn lúng túng trong việc hiểu định hướng xã hội chủ nghĩa là gì và mối quan hệ của nó với kinh tế thị trường như thế nào thì các nguyên tắc thị trường ngày càng chi phối sâu rộng các hoạt động kinh tế đã làm cho các vấn đề như: bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm, thậm chí là mâu thuẫn xã hội đang trở nên nghiêm trọng và gay gắt hơn.  Để có thể đi đến cái đích “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”, Việt Nam cần phải phát huy nhiều hơn nữa yếu tố xã hội chủ nghĩa bằng việc tập trung nguồn lực của Nhà nước để giải quyết những mặt trái của kinh tế thị trường; song song với việc hoàn thiện các thể chế thị trường với nòng cốt là xây dựng một Nhà nước pháp quyền; và giảm thiểu tối đa việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh của Nhà nước, nhất là những hoạt động mà thị trường có thể làm tốt chức năng của nó.

Kinh tế thị trường không phải là chiếc đũa thần
Nói đến kinh tế thị trường nhiều người sẽ hình dung ngay đến các nước phát triển và cho rằng đó chính là chủ nghĩa tư bản. Thực ra, các nước phát triển đã gặt hái được thành công không chỉ nhờ tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường mà còn hạn chế được những mặt trái của nó. Trong khi đó, nhiều nước đã không thành công, hay ít nhất cũng gặp rắc rối, do đã lãng quên hay không xử lý được những thất bại của thị trường. Ở những mức độ khác nhau, các nước chuyển đổi từ mô hình kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường đều đang gặp phải vấn đề. 

Cải cách “vụ nổ lớn”: Thành công và thất vọng
Sau thất bại của mô hình kinh tế kế hoạch, các nước Đông Âu và Liên Xô đã cải cách theo kiểu “vụ nổ lớn” để “xóa đi tất cả làm lại từ đầu”. Hầu hết tài sản Nhà nước được tư nhân hóa. “Sau một đêm”, các thể chế kinh tế tập trung được thay bằng các thể chế thị trường. Với cách tiếp cận này, một số nước đã có được những thành công nhất định, trong khi một số khác chỉ đem lại sự thất vọng cho công chúng cùng với bất ổn xã hội.

Các nước Đông Âu đã trở thành thành viên của Cộng đồng châu Âu (EU) như Czech, Hungary, Bungary hay Ba Lan, nói chung là đã thành công với mức độ phát triển hay tiến bộ xã hội tiệm cận với các nước phát triển. Lý do của sự thành công là (1) không ít thì nhiều về cấu trúc xã hội, hay văn hóa của các nước này cũng có những tương đồng với các nước Tây Âu; và (2) quan trọng nhất là sức ép để trở thành thành viên của EU đã buộc các nước Đông Âu phải tiến hành cải cách nhanh chóng và xây dựng các thể chế thị trường trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật hay pháp quyền giống như các nước khác trong EU. Tuy có được những thành công ban đầu, nhưng các nước này vẫn đang phải đối mặt với những mặt trái của kinh tế thị trường. 

Đối với Liên bang Nga, có hai quan điểm trái chiều và người viết bài thuộc về nhóm cho rằng cải cách của nước Nga đã không thành công trên thực tế. Phần lớn khối tài sản khổng lồ của một quốc gia từng được xem là hùng mạnh nhất thế giới đã rơi vào tay một số ít người. Khi mà pháp quyền không được tôn trọng để chống lại tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, quy luật khắc nghiệt nhất của kinh tế thị trường, thì một xã hội bất công cho phần lớn dân chúng đã được tạo ra. Những xung đột xã hội hay sắc tộc gần đây chính là hậu quả của sự bất công này.

Cải cách ở những nước thuộc Liên Xô cũ như: Ucraina, Belarus… đã đem lại sự thất vọng cho công chúng. Chán ngán với Chính phủ hiện tại, công chúng hoặc là sử dụng lá phiếu của mình, hoặc là gây bạo loạn để hình thành nên Chính phủ mới. Đây chính là những cuộc cách mạng màu hay được nhắc đến. Tuy nhiên, sự thất vọng đã xảy ra ngay sau đó và đưa xã hội đã rơi vào tình trạng chia rẽ và bất ổn triền miên. 

Thực ra, bản chất của sự bất ổn ở Nga hay các nước thuộc cộng hòa Xô Viết trước đây là do các quan hệ thị trường đã được đưa vào quá nhanh trong khi pháp quyền không được tôn trọng. Cho dù ai đứng trong Chính phủ cũng là để bảo vệ lợi ích của số ít những người đã thâu tóm phần lớn tài sản quốc gia trong quá trình chuyển đổi. Phúc lợi xã hội không được coi trọng và quyền lợi của phần lớn người dân bị hy sinh. Mặt trái của kinh tế thị trường không được quan tâm giải quyết làm cho dân chúng mất niềm tin.

“Dò đá sang sông”: Thành công ban đầu, nhưng…
Khác với các nước Đông Âu và Liên Xô, Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành cải cách kinh tế theo cách tiệm tiến hay “dò đá sang sông”. Các hoạt động kinh tế từng bước được nới lỏng để chúng tuân theo các quy luật thị trường. Kết quả rõ nhất đối với hai nước là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong một thời gian rất dài trong khi vẫn duy trì được sự ổn định chính trị, xã hội. Chính sách cải cách của hai nước đã đem lại lợi ích cho rất nhiều người, nhất là những cải cách về đất đai, nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, hiện tại cả Việt Nam và Trung Quốc đang phải đối mặt với hai vấn đề hết sức nan giải. 

Thứ nhất, cải cách kinh tế đã đi quá nhanh trong khi với mục tiêu ổn định được đặt lên hàng đầu nên cải cách hệ thống chính trị đã diễn ra khá thận trọng. Sự tương tích giữa các thể chế kinh tế và chính trị ở cả hai nước đang được tranh luận sôi nổi mà nó được biểu hiện rõ nét nhất qua bình luận gần đây của ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và phát biểu của ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc ở Thâm Quyến hồi tháng 08/2010 vừa qua. 

Cải cách các thể chế chính trị như thế nào là điều không hề đơn giản. Nếu không có những cải cách để loại bỏ sự sơ cứng hay thoái hóa của bộ máy, nhất là tình trạng tham nhũng và vô trách nhiệm tràn lan, thì sự ổn định của các thể chế chính trị nói riêng, xã hội nói chung sẽ bị đe dọa. Tuy nhiên, việc rập khuôn các thiết chế dân chủ theo kiểu phương Tây có lẽ không phải là phương cách tốt. Sự bất ổn, thậm chí là bạo loạn ở các nước thuộc Liên Xô cũ cũng như nhiều nước trong khu vực là bài học nhãn tiền cho bất cứ ai mơ về những cải cách không thực tế. Tuy nhiên, cho dù tiếp cận theo phương thức nào, thì cũng cần phải có sự cạnh tranh hay giám sát thực chất ở mỗi vị trí trong bộ máy Nhà nước. 

Thứ hai, mặt trái của kinh tế thị trường hay những thất bại thị trường đang nổi lên ngày càng nhiều và gay gắt. Kinh tế thị trường đã không là chiếc đũa thần để giải quyết mọi vấn đề của mô hình kinh tế kế hoạch như nhiều người mong đợi mà nó lại gây ra rắc rối. Cái vòng luẩn quẩn thất bại của thị trường dẫn đến thất bại của Nhà nước và ngược lại cứ liên tục xảy ra. Càng tăng trưởng kinh tế, thì những người ở vị thế bất lợi càng bị thiệt thòi. Nếu cứ để cho thị trường vận hành một cách tự do theo “bản năng” của nó thì sự bất công hay các vấn đề xã hội khác sẽ trở nên ngày một nghiêm trọng hơn. Không ai khác, Nhà nước sẽ phải giải quyết những vấn đề này. Tuy nhiên, câu hỏi khó nhất là Nhà nước nên làm như thế nào.

Cần phát triển thêm các lý luận của Marx và Lenin
Những lúng túng trong việc giải thích về định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam có lẽ là do sợ vi phạm các nguyên lý của Marx và Lenin, lý thuyết nền tảng của chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, cần có cái nhìn uyển chuyển hơn về vấn đề này. 

Sự vĩ đại của Marx là không thể phủ nhận. Ông là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất thế giới. Những lý luận của ông là một trong những nền tảng quan trọng của kinh tế học và triết học hiện đại. Những phân tích về giá trị thặng dư, về bóc lột của Marx có thể đúng trong xã hội mà tính đồng nhất của các loại hàng hóa rất cao và hầu hết các hoạt động sản xuất đều là thâm dụng lao động. Giá trị của một mét vải nhìn chung là như nhau và sức lao động kết tinh rất lớn trong đó. Cách thức mà các nhà tư bản, những ông chủ sử dụng chủ yếu để bắt người lao động làm việc cật lực nhằm đem lại sự giàu có cho nhà tư bản là kỷ luật là đàn áp. Do vậy, tư duy cần có “chuyên chính vô sản” và Nhà nước đứng ra làm thay thị trường để chống lại tình trạng người bóc lột người có thể là hợp lý trong bối cảnh những mặt trái của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chưa được nghiên cứu cũng như trải nghiệm qua.

Tuy nhiên, thời đại “ăn chắc mặc bền”cách đây hơn một trăm năm rất khác với thời đại “ăn ngon mặc đẹp”của chúng ta. Việc rập khuôn cứng nhắc các lý luận của Marx và Lenin là không phù hợp trong bối cảnh hầu hết các hoạt động kinh tế thiên về thâm dụng tri thức, tài năng và vốn hơn là lao động. Việc Bill Gates trở thành nhà tư bản hay người người giàu nhất thế giới chính là nhờ ông đã tạo cho nhân loại một giá trị lớn hơn khối tài sản của ông nhiều lần chứ không phải do ông ta bóc lột của người khác bằng gậy gộc. Thêm vào đó, xét về sức lao động, công sức của một cầu thủ trung bình chạy trên sân chắc chắn không kém Messi hay Ronaldo, nhưng thu nhập của những cầu thủ đắt nhất hành tinh này cao hơn rất nhiều lần so với những cầu thủ thông thường. Lý do các cầu thủ này nhận được thù lao cao là do họ giúp cho khán giả có được niềm vui sướng nhiều hơn chứ không phải họ lao động nhiều hơn.

Những lập luận của Marx và Lenin vẫn còn những giá trị, nhưng chỉ riêng chúng không thể giải thích được thực tế sinh động hiện nay. Sự thất bại của mô hình kinh tế tập trung và những nghiên cứu về các hình thức sở hữu và hành vi đã chỉ ra rằng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất không tạo ra động lực và cơ chế để nguồn lực được sử dụng hiệu quả, ít nhất là trong thời đại của chúng ta. 

Xét về lý tưởng, mô hình kinh tế kế hoạch, Nhà nước làm thay thị trường nếu thành công thì tốt đẹp hơn nhiều so với kinh tế thị trường. Tuy nhiên, mô hình này đã vi phạm nguyên tắc cốt lõi về hành vi của con người. Điều nghịch lý là quyết định cá nhân và quyết định tập thể là khác nhau. Nếu một việc làm nào đó, để mỗi cá nhân làm thì tất cả mọi người sẽ có hành động như nhau, nhưng cũng những người này cùng tập hợp lại để đưa ra quyết định tập thể thì quyết định thường là trái ngược với quyết định của mỗi cá nhân. Trong chế độ công hữu, tình trạng ăn theo và “cha chung không ai khóc” là điều khó tránh khỏi. Hơn thế, trong bối cảnh không thể kiểm soát được hành vi thì hành động hợp lý của hầu hết những người được giao quản lý doanh nghiệp là sử dụng tài sản của Nhà nước để trục lợi cá nhân, củng cố địa vị của mình, thay vì đạt được các mục tiêu cao đẹp được mong đợi. 

Mô hình sở hữu mà nó tạo động lực để các nguồn lực của xã hội được sử dụng hiệu quả chính là sở hữu cá nhân. Vì lý do này mà ngay cả ở các nước Bắc Âu, những quốc gia được xem là khá thành công trong việc xây dựng xã hội chủ nghĩa cũng đang triệt để tiến hành tư nhân hóa mà ở Việt Nam gọi là xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công chứ không nói gì đến các hoạt động kinh doanh. Ngay cả nhà tù, một công cụ sức mạnh của Nhà nước hiện cũng đã được giao cho tư nhân quản lý.

Tóm lại, để mô hình Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có thể phát huy tốt đưa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh sớm trở thành hiện thực, Việt Nam cần làm rõ hơn nữa các khái niệm then chốt để có những định hướng rõ ràng trong mô hình phát triển của mình. Ở vế kinh tế thị trường, Nhà nước chỉ nên tập trung vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng một Nhà nước pháp quyền đúng nghĩa. Đối với vế xã hội chủ nghĩa, Nhà nước nên tập trung vào việc giải quyết các vấn đề xã hội mà khu vực thị trường không thể hoặc thực hiện không hiệu quả. Với cách hiểu như vậy, sẽ không nhất thiết phải đặt ra vấn đề công hữu hay tư hữu, nguyên nhân của những rắc rối trong thời gian qua. Hơn thế, Việt Nam có thể gọi mô hình phát triển của mình là Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Việc cắt đi từ “định hướng” sẽ loại bỏ được cảm giác yếu tố xã hội chủ nghĩa chỉ được gắn thêm vào kinh tế thị trường, hai thứ vốn không ăn khớp với nhau.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)