Kỹ thuật cải thiện độ chính xác của công cụ dự tính nhiệt độ và lượng mưa

Một nghiên cứu mới được công bố trên Nature Communications cho thấy các kịch bản của Dự án Đối chứng các mô hình khí hậu giai đoạn 6 (CMIP6) thuộc Chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới đã đưa ra dự đoán về mức nhiệt gia tăng trong tương lai cao hơn từ 3,4% đến 11,6% so với thực tế có thể xảy đến. 

Khối núi Annapurna ở dãy Himalaya, miền Trung – Bắc Nepal. Ảnh: Unsplash

Sau khi sửa đổi các tính toán, các nhà nghiên cứu quốc tế cho biết, như vậy, tỷ lệ lớp tuyết phủ suy giảm ở châu Á, đặc biệt là ở dãy Himalaya, thấp hơn từ 10,5% đến 40,2% so với dự đoán trước đây.

Châu Á là khu vực đông dân cư nhất thế giới. Các nhà khoa học và kỹ sư môi trường phải liên tục ước tính tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với chu trình thủy văn, đặc biệt là lượng mưa.

Những ước tính như vậy cực kỳ quan trọng, góp phần xây dựng và sửa đổi các chính sách giảm thiểu biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên nước trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Alistair Borthwick, giáo sư Thủy động lực học Ứng dụng tại Đại học Plymouth và là một trong những đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết, “Những hiểu biết về các mối liên hệ giữa sự nóng lên toàn cầu và các thông số lượng mưa trong tương lai là chìa khóa để ước tính quy mô, cường độ và tần suất xuất hiện của lũ, hạn hán trên thế giới”.

“Bằng cách sử dụng các kỹ thuật mới nhất trong phân tích dữ liệu, chúng tôi đã xác định được những mối quan hệ thực nghiệm giúp các chuyên gia ra dự tính tốt hơn về lượng mưa trong tương lai ở châu Á”.

Nghiên cứu này quy tụ các nhà nghiên cứu tại các trường Đại học ở Amsterdam, Vũ Hán, Edinburgh, Nam Kinh, Oxford và Plymouth. Các nhà khoa học đã sử dụng những ràng buộc (các nguyên tắc quy định kiểm soát kết quả trong một giới hạn cụ thể) để đánh giá mối quan hệ giữa mức độ tăng nhiệt từ năm 1970 đến năm 2014 và mức độ tăng lượng mưa từ năm 2015 đến năm 2100 trên khắp châu Á.

Qua đó, các nhà khoa học đã cải thiện độ chính xác trong các dự tính lượng mưa trong tương lai của mô hình CMIP6 lên tới 31%.

Giáo sư Yuanfang Chai thuộc Đại học Vũ Hán và Đại học Vrije Amsterdam, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết “cần phải cải thiện độ chính xác của các dự tính liên quan đến biến đổi khí hậu trong tương lai, bởi đây là cơ sở để các nhà quản lý đề ra những biện pháp giảm thiểu và thích ứng với khí hậu. Tuy nhiên, các dự tính của CMIP6 vẫn chưa chính xác như kỳ vọng. Bằng cách áp dụng kỹ thuật ràng buộc, nghiên cứu của chúng tôi đã cải thiện độ chính xác của các dự tính về lượng mưa, nhiệt độ và lượng tuyết suy giảm ở châu Á trong tương lai so với kết quả đầu ra ban đầu của CMIP6”.

Giáo sư Alistair Borthwick viết, “khi Trái đất ấm lên, mức nhiệt của châu Á sẽ gia tăng, đặc biệt là các mùa cháy rừng kéo dài hơn, tần suất và cường độ cháy rừng tăng lên”.

“Ấn Độ là đất nước dễ bị ảnh hưởng nhất, người dân sẽ phải đối diện các vấn đề sức khỏe do nắng nóng. Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng sa mạc hóa, xói mòn đất, bão cát và ô nhiễm không khí ở các khu vực Tây Bắc khô hạn và bán khô hạn. Tại một số khu vực ở châu Á, mức nhiệt tăng có thể ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Mực nước giảm ở một số sông và hồ ở châu Á có thể gây hại cho quần thể cá, tăng mức độ ô nhiễm và thúc đẩy sự phát triển của tảo (hiện tượng phú dưỡng).

Đối với dãy Himalaya, nhiệt độ cao hơn sẽ gây suy giảm lượng tuyết phủ. Băng tan có thể làm gia tăng đáng kể lưu lượng dòng chảy của sông, dẫn đến lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các thành phố, khu đô thị và đất nông nghiệp ở hạ lưu.

“Nghiên cứu cải thiện độ chính xác của các dự tính tốc độ tăng nhiệt và lượng mưa ở châu Á, hỗ trợ các nhà chức trách phát triển các kế hoạch tái định cư, các biện pháp giảm thiểu lũ lụt và hệ thống cảnh báo lũ lụt tốt hơn”.□

Hà Trang dịch

https://phys.org/news/2022-07-future-temperature-growth-asia-overestimated.html

Tác giả