Lạm phát từ góc nhìn cung tiền

Một số nhà quản lý cho rằng tình hình lạm phát tăng cao hiện nay là do hiện tượng tăng giá toàn cầu nhưng lý do này thật sự chưa thuyết phục, vì trong số hàng trăm nước đã và đang phát triển trên thế giới trong cùng thời điểm hiện tại, hiếm nước nào có mức lạm phát cao như ở Việt Nam.

Tình hình lạm phát tăng cao hiện nay, gấp đôi chỉ tiêu mà Chính phủ đề xuất và Quốc hội thông qua cách đây chỉ hơn nửa năm, đã đặt ra dấu hỏi đối với năng lực dự đoán và hoạch định – một phần tất yếu trong năng lực quản lý điều hành kinh tế – của Chính phủ và Quốc hội. Những lý lẽ đổ lỗi cho hiện tượng tăng giá toàn cầu như một số nhà quản lý đưa ra là chưa thuyết phục, vì trong số hàng trăm nước đã và đang phát triển trên thế giới trong cùng thời điểm hiện tại, hiếm nước nào có mức lạm phát cao như ở Việt Nam.

Lạm phát năm 2011 đến từ đâu?

Đứng ở thời điểm hiện tại, bằng phương pháp loại trừ chúng ta có thể xác định sơ bộ nguồn gốc chủ yếu gây ra mức lạm phát cao vọt như hiện nay. Về chính sách tiền tệ, nguồn cung tiền tệ trong 6 tháng đầu năm 2011 tăng không nhiều (2,45%), không thể coi là tác nhân chính. Về chính sách tài khóa, nguồn chi tiêu công của năm 2011 chưa được cắt giảm theo đúng tiến độ của Nghị quyết 11, dễ bị coi là một nguyên nhân gây lạm phát, nhưng phần lớn chi tiêu công lấy nguồn từ thu ngân sách Nhà nước, tức là vẫn đảm bảo không bơm tiền vào nền kinh tế (nguồn chi tiêu công trong quý I không vượt quá nguồn thu từ ngân sách, theo công bố trên trang web của Bộ Tài chính). Mặt khác, nếu đúng là chi tiêu công năm 2011 là nguyên nhân gây lạm phát lúc này, thì vẫn phải thông qua việc bơm tiền vào nền kinh tế, nhưng như chúng ta đã biết, cung tiền năm 2011 chưa tăng nhiều để gây lạm phát cao như vậy.

Do đó, các chính sách kinh tế vĩ mô năm 2011 không thể coi là nguyên nhân chính gây ra tình hình lạm phát cao như hiện nay. Vì vậy, về cơ bản có thể khẳng định nguồn gốc gây lạm phát cao lúc này là do tác động có độ trễ của các chính sách kinh tế vĩ mô năm 2010, đặc biệt là chính sách tăng cung tiền giai đoạn nửa cuối năm này. 

Trên lý thuyết, nếu tốc độ lưu thông của đồng tiền không thay đổi thì mức tăng cung tiền 27% trong điều kiện mức tăng trưởng GDP khoảng 7% của năm 2010 lẽ ra phải gây ra mức lạm phát khoảng 20%. Tuy nhiên, mức lạm phát thực tế của năm 2010 chỉ xấp xỉ 12%, tức là có một độ trễ nhất định. Theo Phạm Đỗ Chí(1) thì độ trễ trong tương tác giữa lượng tăng cung tiền và lạm phát là 6-7 tháng, tức là tới tháng 7 năm 2011 thì chính sách tăng cung tiền của năm 2010 mới ngừng tác động lên lạm phát 2011.

Cần tiếp tục hạn chế tăng cung tiền 2011

Ý thức được nguy cơ lạm phát, từ đầu năm Chính phủ đã xác định chỉ tăng cung tiền ở mức 16%/năm. Với chỉ tiêu tăng GDP khoảng 6-7%/năm, giả định rằng tốc độ lưu chuyển của đồng tiền trong nền kinh tế không đổi, thì mức lạm phát sẽ vào khoảng dưới 10%.
Nhưng thực tế đã xảy ra theo một kịch bản hoàn toàn khác.

Như đã trình bày trên đây, tác động có tính độ trễ từ việc tăng cung tiền năm 2010, cùng tác động tăng giá khách quan mang tính toàn cầu đã làm CPI tháng 7 tăng vọt lên trên 22% so với cùng kỳ năm trước(2).

Như vậy, nếu hiện giờ chúng ta vẫn định bám theo sườn kế hoạch tăng cung tiền 16% thì sẽ rất nguy hiểm. Hiện đã xuất hiện các ý kiến đề nghị tăng tốc bơm tiền vào nền kinh tế để tránh trì trệ kinh doanh sản xuất3. Nhưng nếu để cho tốc độ tăng cung tiền nhanh hơn tốc độ tăng GDP trong những tháng còn lại của 2011, chắc chắn hậu quả sẽ là gia tăng lạm phát vào năm 2012, giống như chúng ta hiện tại đang phải trả giá cho việc tăng cung tiền hồi cuối năm 2010.

Vì vậy, nếu giả định lạc quan rằng tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm 2011 sẽ đóng góp thêm 3-4% trong tổng mức tăng trưởng 5-7% của cả năm, thì nếu chúng ta muốn giữ chân lạm phát, cung tiền từ nay tới cuối năm cũng chỉ nên tăng khoảng 5-6% (độ chênh 2% giữa mức tăng cung tiền và mức tăng trưởng GDP có thể hiểu như để bôi trơn cho nền kinh tế).

Trông đợi gì ở chính sách 2012?

Thủ phạm trực tiếp nhất gây ra lạm phát cao như hiện nay là chính sách tăng cung tiền bất hợp lý của năm 2010. Sự bất cẩn của những người làm chính sách năm 2010 – hẳn vì mong muốn kích thích đầu tư, nhằm đạt mức tăng trưởng GDP cao như chỉ tiêu đề ra – đã làm khó cho những doanh nghiệp và người dân phải vật lộn vì mức lạm phát và lãi suất quá cao. Vì thành tích nhất thời mà chúng ta phải gánh lấy một năm trời lận đận cho cả nền kinh tế.

Đây là một bài học đắt giá cho công tác hoạch định chính sách năm 2012. Tư duy “phấn đấu” đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP là một tư duy hành chính quan liêu, thiếu cơ sở khoa học khách quan. Khi tư duy này kết hợp với một thói quen cũng vô cùng cứng nhắc khác, là xây dựng mọi kế hoạch tài chính quốc gia trên cơ sở năm sau na ná như của năm trước – thiếu đánh giá một cách thực chất các kịch bản khác nhau của nền kinh tế – thì có thể gây ra bất cân đối nghiêm trọng, hậu quả cụ thể là tình trạng lạm phát ở Việt Nam cao một cách bất thường so với thế giới.

Để xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp cho năm 2012, cần một cái nhìn mới. Không thể vì một chút tăng trưởng mang tính hình thức (tiềm ẩn bên trong nhiều nguy cơ thiếu bền vững) mà chúng ta phải kích thích đầu tư bằng cách tăng cung tiền quá mức để rồi gánh về mức lạm phát ngất ngưởng năm nào cũng trên một con số. Mức tăng cung tiền chỉ nên cao hơn mức dự kiến tăng GDP một chút vừa đủ để đảm bảo bôi trơn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải đề phòng những dư chấn từ các chính sách vĩ mô của năm cũ khi hoạch định chính sách của năm mới.

Mặt khác, như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, mấu chốt vô cùng quan trọng là tiết chế đầu tư công. Một quốc gia có thể giám sát chặt chẽ vấn đề phát hành tiền để hạn chế thành công lạm phát, nhưng nếu chủ quan thả lỏng về tài khóa thì sẽ phải cảnh giác với một nguy cơ lớn khác mà ngay cả những quốc gia phát triển hiện cũng đang phải nhức đầu: mất an toàn nợ công.

1: Phạm Đỗ Chí, Bài toán 2011 cho lạm phát, lãi suất và tỷ giá, đăng trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 19/02/2011

2: Tình hình kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm 2011, Tổng cục Thống kê, 25/07/2011

3: Vietnam Money – Money supply must increase to avoid stagflation, http://www.reuters.com/article/2011/07/25/vietnam-economy-money-idUSL3E7IP0BG20110725

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)