Lần đầu làm việc với nhà đầu tư
Lê Huỳnh Kim Ngân không chỉ được nhiều người biết đến với vai trò là một người xây dựng cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam mà còn với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu thiên thần, thương thảo nhiều thương vụ thành công. Dưới đây là chia sẻ của chị dành cho những người gọi vốn lần đầu tiên. Chuẩn bị tinh thần
Nguồn ảnh: The next web
Bạn cần xác định rõ bạn có phải là con người phù hợp với khởi nghiệp hay không? Startup không phải là một cuộc chơi vui là chính, khi bạn khởi nghiệp, nghĩa là bạn bắt đầu kinh doanh. Bạn hãy tự hỏi bản thân 100 lần là bạn có thể nhịn đói ăn mì gói suốt mấy năm liền hay không? Bạn hãy tự hỏi bản thân là bạn có nguồn tài chính tự đủ nuôi mình trong thời gian ngắn hạn ít nhất là 1 năm chưa? Bạn có sẵn sàng không nhận lương mà tiền bạn kiếm được sẽ dành cho việc trả lương người khác không?
Trên thực tế sau khi đọc nhiều hồ sơ, mình cảm giác nào đó không rõ là có nhiều bạn chỉ phù hợp với đi làm có chức vụ cao hơn khởi nghiệp. Khi khởi nghiệp, bạn cần đặt quyền lợi của công ty trước quyền lợi của cá nhân mình. Mình không rõ khoảng 200 hồ sơ mình đọc được (của các vườn ươm và các khóa tăng tốc khởi nghiệp) có phản ánh mặt bằng chung nhận thức của các nhà sáng lập hiện nay hay không, mà nếu có thật đúng vậy, thì đúng là có nhiều điều để suy nghĩ.
Ngày trước mình không hiểu tại sao những làn sóng khởi nghiệp đợt 1 đợt 2 tuy không có nhiều điều kiện hay môi trường khởi nghiệp như hiện nay, thế mà lại là giai đoạn có nhiều người sáng lập thành công bền vững nhất. Cách đây 10 năm trước hay mới 5 năm trước, những người sáng lập khi bắt đầu khởi sự kinh doanh, họ vốn dĩ đã và đang là người có kinh nghiệm rồi, không như hiện nay, người người khởi nghiệp mà chẳng hiểu vì sao mình lại lựa chọn khởi nghiệp. Đây là điều nguy hiểm
Đặc điểm chung của những nhà sáng lập là: họ từng làm qua rất nhiều thứ, ban đầu họ không biết đam mê của họ thực sự là gì, nhưng họ thực sự bắt tay vào làm việc, từ những công việc nhỏ nhặt vụn vặt nhất cho đến khi vào một ngày đẹp trời, họ đặt để tâm hồn của họ vào đứa con tinh thần của mình và phát triển nó. Bạn không thể khởi nghiệp khi bạn chưa thực sự trải qua kinh nghiệm làm việc thực tế hay cọ xát trong cuộc sống; bạn cần thất bại thật nhiều trước khi khởi nghiệp thực sự. Có nhiều người thất bại nhiều quá rồi đi làm ở công ty lớn luôn cho khoẻ tấm thân, điều đó cũng đâu có sao.
Làm “bài tập” trước khi gọi vốn/nộp đơn vào accelerator/incubator
“Bài tập” hay còn gọi là mấy câu hỏi phỏng vấn đấy, thật ra đều là như nhau. Quỹ đầu tư cũng sẽ hỏi hệt những câu mà accelerator/incubator hỏi, trừ khi bạn đang gọi vốn những vòng sau với số tiền to hơn, giá trị công ty lớn hơn thôi. Thế nên, những câu hỏi của một accelerator đăt ra là không bao giờ thừa thãi. Điều đáng buồn là hầu hết, những câu trả lời chỉ mang tính chất qua loa/chém gió là chính.
Mình có làm một bộ câu hỏi mẫu ở đây, nếu bạn nào chịu khó làm thì sẽ rất tốt cho chính bạn: http://bit.ly/seedforaction
Những gì cần trình diễn trong bài tập này?
1. Nói chuyện bằng con số, không nói chuyện cảm tính. “Tôi cảm thấy thị trường này lớn” không có tác dụng bằng “Theo báo cáo của TNS thì thị trường tiềm năng của sản phẩm A tại Việt Nam là 50 triệu USD”. Mọi người rất lười trong việc tìm số liệu hoặc hay biện minh là không tìm thấy, nào là Việt Nam giấu số liệu kỹ quá, blah blah. Mình chỉ có một câu nói: “Khi người ta muốn, người ta tìm cách. Khi người ta không muốn, người ta tìm lý do.”
2. Các con số phải logic và có mắt xích liên quan đến nhau. Nếu có nguồn dẫn chứng thì cũng nên dẫn chứng rõ ràng. Không có con số nào đúng hay chính xác 100%, nhưng luôn có những con số hợp lý và chấp nhận được ở một vài góc độ nào đó.
3. Diễn giải ít thôi, bớt “chém gió” chuyện người khác, sử dụng kinh nghiệm của mình để đưa ra nhận định. Tất cả những gì bạn cần làm là thể hiện khi bạn chọn ngách/ngành/dịch vụ/lĩnh vực nào đó bạn khởi nghiệp, hãy chắc chắn bạn hiểu về thị trường, hiểu về đối thủ, hiểu bạn đang làm gì nhiều hơn nhà đầu tư.
4. Đừng lười!!!
Bật mí bí mật “quyến rũ” nhà đầu tư
Khi phỏng vấn hay gặp gỡ, thời gian của cả hai không nhiều, thế nên làm sao để gây ấn tượng với nhà đầu tư rất quan trọng. Mình có hỏi han vài bạn bè làm đầu tư lâu năm, hay hỏi nhiều anh chị đã từng bỏ tiền vào các công ty khởi nghiệp khác nhau, thì họ đều thích/ấn tượng với những tính cách tiêu biểu của người sáng lập như sau:
1. Quyết liệt. Chưa cần biết bạn có thành công về sau hay không, nhưng bạn phải là một người vô cùng quyết liệt với những gì mình làm, bảo vệ ý tưởng của mình, bảo vệ startup của mình vì nó là con của bạn, và bạn cần bảo vệ nó tối đa. Bạn cần thể hiện được tinh thần: nếu có ai cũng có ý tưởng giống tôi, thì chỉ có thể là tôi làm được mà không phải ai khác.
2. Biết tiếp thu, không bảo thủ. Quyết liệt không có nghĩa là bảo thủ nhé, nếu bạn hạ thấp bản thân/cái tôi một chút, bạn sẽ học được rất nhiều từ sau buổi nói chuyện với nhà đầu tư.
3. Là người “bán” được sản phẩm của mình. Có một đặc điểm là nhiều bạn hay lấy lý do, vì tôi là geek nên tôi có biết sale là gì đâu. Sale ở đây không có nghĩa là bạn cứ chăm chăm bán cho bằng được sản phẩm hay dịch vụ của mình mà bạn đang thuyết phục người khác dùng được sản phẩm của mình, yêu thích nó, và họ sẵn sàng sau khi dùng thử nghiệm xong sẽ giới thiệu cho người khác. Đó là thành công rồi đấy. “Ép” nhà đầu tư phải sử dụng sản phẩm của mình trong lần gặp đầu tiên và nhắc nhở họ một cách khéo léo (nhưng liên tục) cũng là 1 “chiêu thức” không tồi.
4. Giỏi một thứ gì đó (và chắc chắn mình giỏi chứ không chém gió nhé). Bạn có thể là một người làm kỹ thuật tốt nhưng quản lý tồi – không sao. Bạn có thể là một người sale giỏi nhưng không biết tí gì về kỹ thuật – không sao. Nhưng phải chắc chắn bạn phải giỏi một thứ gì đó và nó có ích lợi cho công ty bạn xây dựng. Những mảnh ghép còn thiếu, bạn có thể tìm chuyên gia sau (hoặc đồng sáng lập với mình, nếu bạn đủ may mắn).
5. Hãy luôn gặp nhà đầu tư cùng với người đồng sáng lập hay cố vấn của mình. Đừng đi một mình nếu bạn chưa đủ giỏi hay sẹo chưa đủ đầy mình để tiếp xúc với nhà đầu tư, hãy luôn đi cùng một ai đó – người có thể lấp vào chỗ trống kinh nghiệm của bạn.
À còn dòng nhắn nhủ cuối:
Nếu bạn không tin vào bản thân mình, không tin vào sản phẩm của bạn thì làm sao chúng tôi có thể tin vào khả năng thành công của bạn? Phải luôn tin vào chính mình đấy nhé :”)