Lần đầu tiên sau 200 năm, màu xanh lam mới sẵn sàng để bán

Cái ống nhỏ bé đựng 40 ml màu xanh lam (hay còn gọi là xanh dương hay xanh nước biển), với giá đắt đỏ 179,40 USD, được Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) chấp thuận cho thương mại hóa trong lĩnh vực nghệ thuật, lại đến từ sự tình cờ.

Giáo sư Mas Subramanian trong phòng thí nghiệm với phát minh bất ngờ: màu xanh lam YInMn. Nguồn: trường ĐH Oregon

Nhiều nền văn hóa ở nhiều không gian và thời gian khác nhau đã sử dụng thứ màu lam huyền thoại (blue) với các sắc độ khác nhau như màu lam Ai Cập, màu xanh da trời Maya, lam tối Phổ (xanh Prussia), lam Hán… Kể từ thời cổ đại, nó đã là một màu quan trọng trong nghệ thuật và trang trí. Lapis lazuli (hay ngọc lapis, ngọc lưu ly) đã được sử dụng từ thời Ai Cập cổ đại để làm đồ trang sức, sau nữa đến thời kỳ Phục Hưng là để tạo màu lam sẫm (ultramarine), thứ đắt đỏ bậc nhất trong tất cả các màu, thậm chí theo tiến sĩ Abbie Vandivere (Phòng bảo tồn bảo tàng Mauritshuis Hà Lan) thì “ở thế kỷ 17, nó còn đắt hơn cả vàng”. Ngay cái tên ultramarine mang trong mình lịch sử của cả một giai đoạn: nó xuất phát từ tiếng Latin ultramarinus, nghĩa là “vượt qua biển cả” bởi màu này được nhập khẩu vào châu Âu từ những mỏ đá ở đông bắc Afghanistan với công lao của các thương gia Ý trong thế kỷ 14 và 15. Nó được nhiều họa sĩ nổi tiếng thời kỳ Phục Hưng và Baroque như Masaccio, Perugino, Titian, Vermeer… sử dụng để tô màu trang phục cho nhân vật trung tâm còn còn các họa sĩ trường phái Ấn tượng như Pierre-Auguste Renoir, Claude Monet, Alfred Sisley, Vincent van Gogh… dùng để tô bầu trời, mặt nước…

Trong thế kỷ thứ 8, các nghệ sĩ Trung Quốc sử dụng màu xanh cobalt để tô màu cho đồ gốm hoa lam (mua từ các mỏ ở Ba Tư). Trong thời kỳ Trung cổ, các nghệ sĩ châu Âu đã sử dụng màu xanh này để trang trí các cửa sổ nhà thờ. Còn trang phục châu Âu được nhuộm màu bằng phẩm nhuộm chiết xuất từ cây tùng lam cho đến khi các nghệ nhân phát hiện ra chất nhuộm tốt hơn từ cây chàm châu Mỹ (indigo).

Đến thế kỷ 19, các chất nhuộm và màu vẽ màu lam tổng hợp đã thay thế cho các chất nhuộm hữu cơ và màu vẽ từ khoáng chất. Tuy nhiên thật đáng buồn là dù có bắt chước Mẹ thiên nhiên thì con người mới chỉ tạo ra những màu thứ cấp. Việc mơ ước tạo ra những màu tổng hợp với số lượng lớn và bền hơn tự nhiên gặp nhiều thất bại theo nhiều cách. Phức hợp vô cơ màu xanh lam gần nhất được thương mại hóa kể từ thế kỷ 19 là xanh cobalt lại có nhược điểm là không chỉ gây ngộ độc khi nuốt hoặc hít phải mà còn không chịu được bức xạ nhiệt, dễ bị phai màu theo thời gian.

Trong bức “Chèo thuyền”, Pierre-Auguste Renoir sử dụng màu xanh lam để tô mặt nước. Nguồn: Bảo tàng tranh quốc gia Anh.​

Thành công từ sự tình cờ

Ngày nay, mọi màu xanh lam của chúng ta đều được các nhà hóa học tạo ra từ phòng thí nghiệm nhưng điều đó không có nghĩa là dễ dàng có được những sắc thái mới của màu này. Trong bối cảnh đó, giáo sư Mas Subramanian (trường Đại học Ohio, Mỹ) tìm ra màu xanh lam YInMn một cách tình cờ. “Bằng kinh nghiệm của mình, tôi biết màu xanh lam là một màu khó tạo ra. Phần lớn màu xanh lam trong tự nhiên không thực sự là màu xanh lam bởi chúng đều chủ yếu hình thành qua ánh sáng phản xạ lên các vật thể”, ông nói.

Vào năm 2008, giáo sư Subramanian nhận được tài trợ của Quỹ Khoa học Mỹ để khám phá về những vật liệu mới cho những ứng dụng trên linh kiện điện tử. Trong quá trình thực hiện dự án, ông đặc biệt quan tâm đến việc tổng hợp multiferroics – những vật chất có nhiều tính chất trong cùng một pha của vật liệu như các tính chất sắt (ferro): sắt từ, sắt điện hoặc phản sắt…, trên nền những ô xít mangan. Ông cùng với học trò là nghiên cứu sinh Andrew E. Smith, nghiên cứu một dung dịch ô xít đặc gồm vật liệu sắt điện YInO3 và vật liệu phản sắt từ YMnO3 được gia nhiệt tới gần 1.093°C. Kỳ lạ là thay vì một vật liệu điện tử mới có hiệu suất cao, những gì xuất hiện từ buồng đốt là một hợp chất xanh lam sáng – một màu xanh lam mà ngay lập tức giáo sư Subramanian hiểu là một kết quả đột phá. “Nếu tôi không có nền tảng hiểu biết về nghiên cứu trong ngành công nghiệp thì có thể tôi sẽ không biết đó là điều bất thường, một khám phá có tiềm năng thương mại hóa lớn”, ông đã trả lời trên New York Times vào năm 2020 như vậy (ông từng có thời gian làm cho DuPont, một công ty hóa chất lớn của Mỹ).

Subramanian chưa từng thấy màu xanh nào tương tự “nó sống động và rực rỡ hơn màu xanh cobalt và xanh Phổ”. Vì vậy, ông cho rằng nó sẽ phù hợp làm màu vẽ hơn là trong những thiết bị công nghệ. “Tôi rất tò mò muốn biết tại sao mangan lại có thể cho ra được màu này bởi vì nó ít khi được dùng làm nguyên liệu chế màu vẽ. Vì vậy tôi cũng thoáng nghĩ là có thể mình sai. Do đó tôi quyết định lặp lại thí nghiệm”, ông nói (mangan cũng từng được dùng để tạo một số màu đen và nâu nhạt chứ không phải màu lam).

Cái tên YInMn dành cho màu mới là tập hợp ký hiệu các hợp chất trong bảng tuần hoàn: yttri, indi và măng gan. Một trong những đặc tính trứ danh của nó là hấp thụ một cách hoàn toàn các bước sóng ánh sáng đỏ và xanh lá cây, vì vậy chỉ phản xạ màu xanh lam.

Cái đẹp của màu lam YInMn là ở chỗ không chỉ được tạo ra ở quy mô lớn trên cơ sở công thức của giáo sư Subramanian mà còn ở chỗ nó không độc, an toàn cho sử dụng – và có lẽ cũng thân thiện hơn với môi trường. “Việc được tổng hợp tại mức nhiệt độ rất cao cho thấy màu mới vô cùng bền, một đặc tính được chờ đợi trong một thời gian dài”, ông giải thích. “Nó không bị rã theo nước mưa hoặc trong bất kỳ điều kiện môi trường có a xít nào”.

Đường đến thị trường

Subramanian và Smith cùng với một giáo sư hóa học khác của trường là Arthur Sleight đã đăng ký sáng chế về vật liệu YInMn trước khi xuất bản công bố về khám phá của họ trên tạp chí Journal of the American Chemical Society. Không lâu sau đó, Geoffrey Peake, người phụ trách mảng R&D tại The Shepherd Color Co., một công ty chuyên về các màu vô cơ, đã liên hệ với trường để xúc tiến thử nghiệm màu mới. Không giống như các công ty khác, Shepherd Color chỉ quan tâm đến việc đưa nó vào sơn và nhựa để ứng dụng trên gốm và kim loại, vốn đòi hỏi tính bền của màu khi sử dụng cho các đồ vật hoặc trang trí ngoài trời. “Đó là lý do tại sao không cái tên nào phù hợp với màu lam này hơn YInMn cả. Với một nhà sản xuất công nghiệp thì không nhất thiết phải tìm ra một cái tên câu khách”, Peake giải thích.

Công ty Shepherd thường trông chờ bốn điều thú vị ở màu mới, Peake nói, đó là màu mới có tông mạnh hơn các màu tương tự đang có trên thị trường không? có thể chống chịu lại nhiệt độ và thời tiết không? có lợi thế về giá cả không? có đòi hỏi bất kỳ điều chỉnh hay vấn đề nào về môi trường không? “Ngay lập tức có thể nói đây là một màu đặc biệt bởi vì nó phản xạ nhiệt hơn cả màu xanh cobalt. Nó thực sự bền và thực sự là màu xuất sắc như màu đá lapis”, Subramanian nói.

Việc phát triển YInMn ở Shepherd đã đem công việc mới cho TS. Andrew E. Smith vào năm 2010 và tới tháng 9/2017, EPA chấp thuận đề xuất sử dụng trong công nghiệp. “Khi khám phá một màu mới, cần phải chứng minh có thể sản xuất ở quy mô lớn và được trao giấy phép thương mại hóa sản phẩm. Cần phải tiến hành những bước tiếp theo”, Peake cho biết còn Subramanian bổ sung “để nhà sản xuất sử dụng công thức một cách dễ dàng hơn, cần rất nhiều thử nghiệm, và sau đó cũng thật khó để thuyết phục EPA”.

Không chỉ các nhà sản xuất công nghiệp mà Bảo tàng nghệ thuật Harvard, cũng quan tâm đến YInMn và đưa nó vào bộ sưu tập màu Forbes với 2.500 màu của mình. Hiện YInMn chiếm một vị trí trưng bày ở tầng bốn với tên gọi “xanh đẹp” (“Bluetiful”, một cách chơi chữ ghép từ blue và từ beautiful).

Không chỉ các nhà sản xuất công nghiệp mà Bảo tàng nghệ thuật Harvard, cũng quan tâm đến YInMn và đưa nó vào bộ sưu tập màu Forbes với 2.500 màu của mình. Narayan Khandekar, một nhà khoa học bảo tồn và giám đốc của Trung tâm Bảo tồn và nghiên cứu kỹ thuật Straus tại bảo tàng, cũng theo sát sự phát triển của màu này trong nhiều năm và đón nhận những mẫu YInMn sớm nhất để đưa nó vào bảo tàng. Hiện YInMn chiếm một vị trí trưng bày ở tầng bốn với tên gọi “xanh đẹp” (“Bluetiful”, một cách chơi chữ ghép từ blue và từ beautiful).

Màu của giáo sư Subramanian được đưa vào bộ sưu tập bởi đó là một ví dụ hiếm về một màu hiện đại, hoàn toàn tương phản với rất nhiều màu lam đã có từ thời Trung cổ trong bộ sưu tập này. Khandekar nói với giáo sư Subramanian, “anh đã có được một màu ultramarine tổng hợp, màu xuất hiện từ năm 1826 và đây là tổng hợp một màu đã biết. Rất hiếm khi có được một màu vô cơ tổng hợp như vậy”. Ngay cả trong thời gian 27 năm làm việc thì Peake cũng chỉ chứng kiến năm hoặc sáu màu vô cơ được tổng hợp thành công.

Thế giới nghệ thuật rộng mở

Màu xanh YInMn. Nguồn: trường ĐH Oregon 

Màu xanh lam là màu lạnh nhất, nó gợi những cảm xúc khác biệt: cô đơn, thiêng liêng, sầu muộn và cả nổi loạn. Đây là lý do mà Crayola, công ty chuyên về màu vẽ hàng đầu thế giới đã giành được quyền thương mại hóa YInMn trong lĩnh vực nghệ thuật. “Chúng tôi cố gắng giữ tính đổi mới và sự thời thượng cho bảng màu của mình, đó là lý do tại sao chúng tôi vô cùng phấn khích giới thiệu màu xanh lam mới được truyền cảm hứng từ YInMn”, Smith Holland, CEO và chủ tịch Crayola, nói trong một thông cáo báo chí.

Một số nhà sản xuất màu vẽ khác cũng nắm bắt được ngọn gió mới. Kremer Pigmente ở Aichstetten, Đức và Golden Artist Colors ở New Berlin, New York, muốn đặt quyền cung cấp màu YInMn Blue cho thế giới nghệ thuật và phải chờ đợi nhiều năm để đón nhận một chút màu xanh lam này. “Chúng tôi phải nói với nhiều nghệ sĩ là chúng tôi có thể không được phép bán vật liệu này”, Jodi L. O’Dell, người phụ trách truyền thông ở Golden kể với Artnet News về sự chờ đợi sản phẩm được phép thương mại hóa. Nhưng đó là sự chờ đợi đáng giá bởi “YInMn xứng đáng lấp đầy khoảng trống trong dải màu sắc,” Georg Kremer, người sáng lập và chủ tịch Kremer, hào hứng nói. “Các khách hàng  của chúng tôi đều yêu nó ngay từ khoảng khắc đầu tiên thấy nó”. Ví dụ Michael Rothman, một họa sĩ chuyên về minh họa khoa học ở Connecticut, đã thử dùng màu YInMn từ lúc nó chưa được chấp nhận thương mại, trộn bột khô với nhựa thông dạng nhũ tương rồi tô bộ lông của một con chim được tin là cổ nhất thế giới từng tồn tại 47 triệu năm trước.

Subramanian không hề ngạc nhiên về điều này. “Dù với tôi hóa học hấp dẫn hơn nghệ thuật nhưng nếu là một nghệ sĩ, tôi luôn ước ao thử cái gì đó mới mẻ. Thật vui sướng khi sử dụng một màu hoàn toàn mới”.

Tuy nhiên không phải họa sĩ nào cũng hào hứng bởi nó quá đắt đỏ. Gail Fishback của Cửa hàng nghệ thuật Ý ở Maine, Mỹ, nói nó đắt gấp sáu lần những màu đắt nhất hiện nay. “Tôi cho rằng phần lớn khách hàng đang mua nó vì tò mò và vì muốn khoe khoang”, cô nhận xét. Cửa hàng này bán màu xanh lam với mức giá 179,40 USD cho ống màu 40 ml trong khi các màu khác chỉ có 8,70 USD một ống 75 ml.

Đó cũng là lý do vì sao một số công ty như Turner Colour Works Ltd., Holbein, và Kusakabe đều quyết định không đưa nó vào dòng sản phẩm của mình. Trong một thông cáo báo chí, công ty Gamblin Artists Colors nhấn mạnh “giá cả quá cao so với khả năng chi trả của họa sĩ”. Tuy nhiên O’Dell vẫn cho rằng “nhu cầu về sản phẩm vẫn gia tăng một cách bền vững”.

Cũng có những người phản đối màu mới khi cho là không thấy nhiều khác biệt giữa màu xanh biển và YInMn. Nhưng giáo sư Subramanian cho rằng “đây là khám phá vô cùng đặc biệt bởi lần đầu tiên một khám phá của tôi chạm đến những thành phần đa dạng của xã hội – họa sĩ, kiến trúc sư, những nhà công nghiệp thời trang, thậm chí cả ngành công nghiệp mỹ phẩm. Chưa bao giờ tôi có thể tưởng tượng là phát hiện của mình có thể đi xa đến thế” và nói thêm “nó đã thay đổi đời tôi”.

Có lẽ, Subramanian đã đúng bởi ông không tìm vật liệu mới cho ngành điện tử nữa. Dự án mà ông hiện theo đuổi là tìm kiếm một màu đỏ đẹp hơn, một màu thường có xu hướng đến từ những kim loại nặng hoặc những chất liệu độc tố cao như thủy ngân và chì. Điều đó có nghĩa là có thách thức rất lớn trên đường tìm ra màu đỏ hoàn hảo về sắc độ, tính bền và cả phi độc tố. Chúng ta sẽ cùng chờ xem. □

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: https://www.nytimes.com/2021/02/05/style/blue-pigment-YInMn.html

https://www.smithsonianmag.com/smart-news/first-blue-pigment-discovered-200-years-finally-sale-180976769

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)