Lắp đặt thiết bị Movimar cho tàu cá đánh bắt xa bờ

Sau bốn năm nghiên cứu (2010 -2014), Dự án Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh (Movimar) đã bắt đầu được đưa vào áp dụng tại các ngư trường Việt Nam, gần đây nhất là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Dự án Movimar do Pháp tài trợ có tổng số vốn là 15,124 triệu Euro (tương đương 408,339 tỷ đồng), trong đó tiền từ nguồn vốn ODA của Pháp là 13,9 triệu Euro (tương đương 375,3 tỷ đồng), vốn đối ứng của Việt Nam 33,039 tỷ đồng (tương đương 1,224 triệu Euro). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản của dự án.

Dự án được triển khai tại Hà Nội và 28 tỉnh ven biển.

Mục tiêu dài hạn của dự án là góp phần hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản; quản lý, giám sát hoạt động khai thác hải sản hiệu quả và an toàn, góp phần đảm bảo trật tự an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

Về ngắn hạn, dự án đặt mục tiêu: Góp phần thiết lập hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản sử dụng công nghệ vệ tinh (Vessels Monitoring System – VMS) được thiết lập và vận hành tại Việt Nam, bao gồm xây dựng Trung tâm điều khiển tích hợp thông tin hàng hải (Trung tâm THEMIS) và khu vực, lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho 3.000 tàu cá khai thác hải sản xa bờ của 28 tỉnh ven biển, làm các nghề câu mực, cá ngừ đại dương…; Xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu hải dương học nghề cá phục vụ dự báo ngư trường; cải thiện chất lượng dự báo khí tượng hải văn, đặc biệt là công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, các hiện tượng thời tiết bất thường trên các vùng biển; Đào tạo, chuyển giao công nghệ sử dụng công nghệ vệ tinh, xử lý ảnh viễn thám cho đội ngũ cán bộ làm việc tại Trung tâm THEMIS và các khu vực, Trung tâm bảo dưỡng thiết bị, hướng dẫn ngư dân sử dụng thiết bị vệ tinh.

Sau bốn năm triển khai, dự án đã đạt được nhiều kết quả khả quan, mà nổi bật là thiết lập được hệ thống VMS, qua đó cho phép cơ quan quản lý nghề cá Việt Nam giám sát chặt chẽ hoạt động đánh bắt của các tàu cá, đánh giá tốt hơn sản lượng đánh bắt trên các vùng biển và có những giải pháp xử lý nhanh, chính xác các tai nạn, sự cố kỹ thuật đối với các tàu cá hoạt động trên các vùng biển. Đây cũng là công cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ nguồn lợi hải sản, ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác những sinh vật biển đang có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời hỗ trợ thông tin để đưa ra quyết sách kịp thời như thành lập các khu bảo tồn biển, vùng cấm khai thác cho những khu vực nhất định trong một thời gian nhất định hoặc lâu dài…

Qua dự án, những công nghệ cao trong việc lập mô hình hải dương học và khí tượng học, sử dụng phần mềm, vận hành hệ thống định vị vệ tinh, quản lý an toàn, ứng dụng thủ tục theo dõi giám sát, tìm kiểm và cứu hộ cứ nạn, an toàn trên biển, hệ thống cảnh báo sớm, khoa học biển, giám sát và điều phối hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển… được chuyển giao cho các tỉnh thành ven biển Việt Nam.

Hiện Bà Rịa Vũng – Tàu là một trong những địa phương đầu tiên của Việt Nam triển khai áp dụng công nghệ VMS sau hai năm chuyển giao (2013-2015). 270 tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân của tỉnh đều được lắp đặt thiết bị này với giá thành 135 triệu đồng/chiếc. Trung tâm bảo dưỡng Movimar thuộc Đài Thông tin Duyên Hải Vũng Tàu  sẽ đảm nhận vai trò bảo dưỡng thiết bị vệ tinh Movimar miễn phí cho bà con ngư dân  khu vực phía Nam.

Việc lắp đặt thiết bị không chỉ giúp các nhà quản lý kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động khai thác hải sản, tăng cường vấn đề đảm bảo an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển mà còn góp phần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân khai thác đánh bắt cá trên biển, giúp các tàu cá xử lý tốt tình huống nguy hiểm, nhất là trong việc phối hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)