“Lên đời” quả măng cụt Tân Qui
Mới đây cây măng cụt ở Tân Qui (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) đã bắt đầu được sản xuất, thu hái theo tiêu chuẩn VietGap để nâng cao thương hiệu trên thị trường. Tiếp theo, kế hoạch trong tương lai gần là đưa măng cụt Tân Qui lên tầm tiêu chuẩn GlobalGap để tiếp cận thị trường châu Âu.  
Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể ‘Măng cụt Tân Qui’ cho sản phẩm măng cụt cù lao Tân Qui” do Sở KH&CN Trà Vinh thực hiện đã đem lại một thương hiệu mới cho thứ quả đặc sản này trên thị trường.
Cây măng cụt đã được trồng cách đây hơn 100 năm trên đất Cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè. Với đặc điểm trái to, hạt nhỏ, vị ngọt thanh, vỏ màu tím đậm bắt mắt, măng cụt Tân Quí đã nhanh chóng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Tuy nhiên, cũng như nhiều cây tồng khác, măng cụt Tân Qui nhiều khi vẫn phải lao đao trước những biến động thị trường, tư thương ép giá hoặc thu nhập của người nông dân trồng măng cụt vẫn còn ở mức thấp.
Để nâng cao giá trị của quả măng cụt Tân Qui, kỹ sư chế biến nông sản Trần Văn Nhàn đã nhận chủ trì dự án. Phối hợp với hợp tác xã Tân Thành, ông Nhàn đã xây dựng quy trình sản xuất, thu hái theo tiêu chuẩn VietGap. Với quy trình này, hơn 30 xã viên của hợp tác xã Tân Thành đã chăm bón vườn măng cụt theo những nguyên tắc nghiêm ngặt về kỹ thuật sản xuất, về an toàn thực phẩm, đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn của quả, về môi trường sản xuất và về nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ… Các xã viên đều được trải qua nhiều khóa tập huấn, nâng cao trình độ canh tác, ý thức bảo quản sản phẩm nhằm đem lại những trái măng cụt chất lượng đồng nhất, hình thức bắt mắt và nhất là an toàn cho người tiêu dùng.
Trải qua một vài mùa thử nghiệm, trái măng cụt Tân Qui đã được ghi nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, gia tăng cả về sản lượng và giá trị sản phẩm, đặc biệt giá trị tăng từ 10-13%. Đây là cơ hội để nâng cao thương hiệu măng cụt Tân Qui trên thị trường, cải thiện đời sống người nông dân trồng măng cụt. Thành công của dự án cũng đem lại nhiều kinh nghiệm cho Sở KH&CN Trà Vinh xây dựng và phát triển nhiều danh hiệu sản phẩm đặc sản khác của tỉnh.
Chủ nhiệm hợp tác xã Tân Thành, ông Đỗ Văn Tài cho biết, hiện từ 22 ha trồng măng cụt của hợp tác xã Tân Thành, hàng năm thu hoạch khoảng 200 tấn trái. Trong một vài năm tới, ông sẽ có kế hoạch đưa măng cụt Tân Qui lên tầm tiêu chuẩn GlobalGap nhằm phấn đấu xuất khẩu măng cụt sang thị trường châu Âu.
Hiện nay trên thị trường Việt Nam mới có hai loại măng cụt được trao chứng nhận VietGap là Tân Qui và Gia An (thuộc trang trại Gia An ở Bon SrêÚ, Đăk Nia, Gia Nghĩa, Đắk Nông).