Liệu đã đến lúc có thể cất cánh?

“Cất cánh” nghĩa là Việt Nam thực sự gia nhập vào “đội bay” của nền kinh tế toàn cầu, nghĩa là Việt Nam sẽ “bay” cùng với các nền kinh tế phát triển, dù là ở vị trí phía sau họ. Vì thế, chắc chắn “cất cánh” là câu chuyện đáng được chờ đợi và đã từng được chờ đợi rất lâu ở Việt Nam. Khó mà không tin rằng với đà tăng trưởng và khí thế hội nhập hừng hực, với các dự báo tăng trưởng đặc biệt sáng sủa, nền kinh tế lại vẫn tiếp tục “chạy đà” trên mặt đất mà chưa “cất cánh” được. Nhưng với sự cẩn trọng và nghiêm túc, vẫn cần đặt ra câu hỏi: có thực là nền kinh tế Việt Nam đã có đủ điều kiện để có thể cất cánh trong năm 2006?

1. Năm 2006, bước vào một chặng mới, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế nước ta được dự báo bằng những con số thật sự lạc quan và có căn cứ khá vững chắc vì chúng dựa trên những nền tảng và xu hướng thực tiễn rõ ràng.

Tính đáng tin cậy của các dự báo đó còn được xác nhận bằng nhiều sự kiện phản ánh thế đi lên rõ ràng của nền kinh tế mà hai yếu tố nổi bật và có ý nghĩa quan trọng bậc nhất là sự phục hồi mạnh mẽ của dòng FDI và triển vọng gia nhập WTO trong năm nay của Việt Nam.
Nhiều người nói đến làn sóng FDI thứ hai với sức quyến rũ của vị “nữ hoàng đầu tư đang mỉm cười với Việt Nam”. Việc Canon, Intel… – những tập đoàn lớn, có tiềm lực tài chính, thị trường và công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới – quyết định chọn Việt Nam làm điểm đến sau nhiều năm cân nhắc là những sự kiện chứa đựng tiềm năng đột phá phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế trong giai đoạn tới. Thực sự, đó là những quyết định có giá trị chỉ báo và định hướng đầu tư toàn cầu với sức thuyết phục rất cao. Cộng hưởng với triển vọng trở thành thành viên WTO, sức hấp dẫn FDI tăng lên một cách hiện thực đang cải thiện mạnh mẽ vị thế của Việt Nam với tư cách là một “điểm đến” của vốn và công nghệ, và “điểm bùng nổ” tăng trưởng.
Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhiều chính khách, nhà đầu tư và học giả nước ngoài, những người vốn rất thận trọng và khách quan khi đưa ra các nhận định, lại trở nên rất cởi mở khi phát biểu về triển vọng của kinh tế Việt Nam. Ông Đại sứ Nhật Bản, khi trả lời VietnamNet, thậm chí đã đưa ra nhận định rằng “về kinh tế, Việt Nam sẽ vượt Thái Lan trong 10 năm tới” (Vietnam Net, 13/3/2006).
Những nhận định loại này đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tạo nên một bầu không khí hào hứng, lạc quan trong xã hội, bất chấp sự u ám do những sự cố kiểu như PMU-18 gây ra.
Hào hứng, lạc quan đến mức có ý kiến nói rằng đến năm 2006, nền kinh tế Việt Nam sẽ “cất cánh”.
2. Nói đến “cất cánh” là nói đến một trình độ phát triển mới về chất, cao hơn hẳn của nền kinh tế. Với khái niệm “cất cánh”, các học giả muốn đề cập đến một thời đại phát triển mới, hay đúng hơn, đến một bước chuyển quan trọng bậc nhất trong tiến trình phát triển của loài người: từ trạng thái “trườn bò trên mặt đất”, nền kinh tế nước ta sẽ chuyển sang trạng thái cất cánh bay lên, nhập vào quỹ đạo bay của thế giới hiện đại.
Theo logic đó, câu hỏi đặt ra xác thực hơn sẽ là: Có thực là trong năm 2006, hay thậm chí, để cho chắc chắn hơn, năm 2007, nền kinh tế Việt Nam sẽ chuyển sang một thời đại phát triển mới về chất, sẽ vận động theo một nguyên lý mới?
3. Tất nhiên, ở đây không có mốc năm tháng rõ ràng của sự cất cánh. Không ai có thể quả quyết được thời điểm cụ thể mà tại đó, nền kinh tế nước ta nhất định sẽ bay lên. Nhưng có những tiêu chuẩn chất lượng, những nguyên tắc đủ rõ ràng để xác định trạng thái đó. Không có những tiêu chuẩn này thì dù khí thế có mạnh đến mấy, tinh thần có lạc quan đến đâu cũng không thể tuyên bố về “sự cất cánh”.
Sai lầm trong sự định vị này có thể dẫn nền kinh tế đến những sự cố khó lường, thậm chí là tai họa. Thực tế, nền kinh tế nước ta đã có mấy lần trải qua cảm giác “bay bổng” như vậy để rồi lại “rơi oạch” xuống và tự phát hiện ra rằng mình vẫn đang “bò trên mặt đất”.

4. Về mặt định lượng, không có gì phải nghi ngờ những con số dự báo tăng trưởng đẹp đẽ nêu trên. Năm ngoái, trong nhiều điều kiện rất khó khăn và phức tạp, Việt Nam vẫn đủ quyết tâm và tài trí để vượt qua các khó khăn và đạt tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục của 10 năm gần đây: 8,4%. Vậy thì năm nay, với các điều kiện cơ bản được dự báo là sẽ không khó hơn năm ngoái, càng có quyền để tin chắc rằng tốc độ tăng trưởng GDP  7,5-8% là mục tiêu trong tầm tay của chúng ta.
Những dự báo tốc độ nêu trên là đáng tin cậy. Nhưng đó chỉ là một nửa câu chuyện, thậm chí không phải là nửa quan trọng nhất. Chúng không đủ và chưa phản ánh điểm mấu chốt nhất của tương lai phát triển của nền kinh tế nước ta trong một thế giới hội nhập và cạnh tranh khốc liệt. Hơn thế, kinh nghiệm lịch sử của chính nền kinh tế đổi mới của nước ta trong những năm gần đây cho thấy rằng tốc độ tăng trưởng cao không nhất thiết đi liền với xu hướng tạo ra một nền kinh tế mạnh. Tăng trưởng cao chỉ là một điều kiện cần nhưng còn xa mới là “đủ”. “Hiệu quả sử dụng vốn thấp”, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chậm được cải thiện”, “khả năng bị thua trên sân nhà”… là những câu nói vang lên với tần số ngày càng dày đặc trong mấy năm gần đây, kể cả trong các báo cáo và văn kiện chính thức của Đảng và Chính phủ.
Càng ngày, chúng ta càng nhận thức rõ hơn một điều vốn là thông thường: trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế hiện nay, triển vọng hình thành “thể chế kinh tế thị trường đồng bộ”, khả năng “tan băng” trên thị trường nhà đất, mức độ kiềm chế tham nhũng, lãng phí; khả năng ứng phó với các tác động hội nhập và tiến độ nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam… là những nội dung quyết định triển vọng phát triển của nền kinh tế.
Nhưng những nội dung này còn tương đối ít (nếu không muốn nói là rất ít) được dự báo.
5. Trong nền kinh tế nước ta hiện nay, bên cạnh những mảng rất “sáng”, còn có những mảng “tối” đáng lo ngại. Những vụ việc kiểu PMU – 18 chỉ là một trong số những yếu tố cụ thể minh họa cho phía tối của bức tranh.
Ở một tầm bao quát hơn, xin đề cập đến xu hướng tụt hạng năng lực cạnh tranh tăng trưởng và tự do hóa kinh tế của Việt Nam đang tiếp tục diễn ra và chưa thấy có dấu hiệu dừng lại một cách chắc chắn. Xu hướng này đang làm trầm trọng thêm thực tế “tụt hậu xa hơn” của nền kinh tế, bất chấp GDP liên tục tăng trưởng “năm sau cao hơn năm trước”1.

Cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào chỉ ra cho mọi người biết khả năng Việt Nam sẽ leo thêm một số bậc nhất định (mấy bậc?) trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh và tăng trưởng toàn cầu sau một hay một số năm nào đó. Chúng ta cũng không rõ bao nhiêu khoảng cách phát triển với các nước đi trước, với các đối thủ cạnh tranh chủ chốt sẽ được rút ngắn và quá trình này diễn ra trên cơ sở nào.
Đương nhiên, FDI và kinh tế tư nhân sẽ tạo đà tốt cho quá trình tăng trưởng. Những “cú huých” đầu tư của Canon, Intel và các công ty nước ngoài khác sẽ tạo tiền đề để Việt Nam có được “bước ngoặt” (cất cánh). Nhưng chỉ thế thôi sẽ rất chưa đủ cho một sự cất cánh nếu chính bản thân nền kinh tế, nếu các chủ thế đích thực của nó chưa đủ năng lực, chưa đủ điều kiện và chưa sẵn sàng bay.
Cho đến năm 2006, tức là sau 20 năm tăng trưởng trong không gian thị trường – mở cửa, soi chiếu vào kinh nghiệm “cất cánh” của thế giới, chúng ta vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế: còn thiếu rất nhiều điều kiện tiền đề cho sự cất cánh.
Chắc chắn rằng nền kinh tế không thể cất cánh một khi các yếu tố đầu vào cơ bản của nền kinh tế thị trường – đất đai và lao động – vẫn tiếp tục tồn tại dưới hình thái hiện vật nguyên sơ của nó. Một thị trường đất đai nghẹt thở vì tình trạng đóng băng kéo dài, đang đe dọa không chỉ sự yên ổn của hệ thống tài chính – ngân hàng mà cả triển vọng của nền kinh tế nông thôn cũng như quá trình đô thị hóa đang bị “tắc nghẽn”. Một thị trường lao động vận hành một cách yếu ớt và đầy bất trắc là nguyên nhân của tình trạng bất ổn và kém hiệu quả của việc phát huy thế mạnh nguồn nhân lực. Thiếu đôi cánh thị trường cơ sở đó, liệu nền kinh tế nước ta sẽ cất cánh đi đâu?

Nền kinh tế cũng không thể cất cánh với nguồn nhân lực mà lợi thế hiện thực lớn nhất là “rẻ” đang bị mất dần và bộc lộ ngày càng rõ bất lợi thế cơ bản và dài hạn là kỹ năng kém, kỷ luật không cao và năng suất thấp.
Nền kinh tế cũng không thể cất cánh với bộ máy quản lý nhà nước đang bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập, điều hành nền kinh tế với một cơ chế có quá nhiều “lỗ thủng” cho tham nhũng và lãng phí. Nền kinh tế cũng không thể cất cánh với môi trường kinh doanh tiếp tục bị phân biệt đối xử như hiện nay, tức là với một trạng thái các yếu tố động lực của cỗ máy còn hoạt động theo những “nguyên lý” khác nhau và chưa đồng thuận (thậm chí, xung đột) về lợi ích.
Đó là chưa kể hàng loạt điểm “thắt nút cổ chai” khác – có cái đã bộc lộ rõ và cũng còn nhiều cái chưa bộc lộ. Những lời cảnh báo gay gắt về tình trạng thiếu điện, thực tế đáng lo ngại về giao thông vận tải (tắc nghẽn giao thông, thiếu đường cao tốc, hệ thống đường sắt, cảng biển, sân bay yếu kém…) hay hạ tầng viễn thông… có lẽ nói lên rất nhiều điều về khả năng cất cánh đích thực của nền kinh tế nước ta hiện nay.
Có lẽ cần phải có cách nhìn tích cực hơn đối với sự cất cánh chứ không thể chỉ căn cứ vào các con số dự báo nghiêng hẳn về mặt lượng. Và không phải chỉ nhìn nhận một cách tích cực hơn mà cần hành động quyết liệt hơn, với một tư duy phát triển mới mẻ về chất và lượng.

——–
  Cách đây chưa lâu, Ông Lee I.H., đại diện IMF ở Việt Nam, đưa ra “dự báo” (đã được đăng tải trên nhiều tờ báo): giả định giữ nguyên tốc độ tăng trưởng hiện nay, Việt Nam phải mất 18 năm nữa mới đuổi kịp Indonesia, 34 năm để đuổi kịp Thái Lan và 197 năm để đuổi kịp Singapore. Tuy đây là con số có giá trị cảnh báo hơn là khẳng định, nhưng để một số người đọc khỏi cảm thấy bị tổn thương khi thấy triển vọng kém tươi sáng như vậy của Việt Nam, Ông Lee đã phải đưa ra các lý lẽ để biện minh. Một số nhà kinh tế Việt Nam cũng đã đăng đàn giải thích luận điểm của Ông Lee, có lẽ là để giảm bớt khả năng “gây xúc động” quá mức của nó đối với nhiều người Việt Nam.

Trần Đình Thiên

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)