Lo ngại việc chuyển giao DNNN “sống dở chết dở”

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu lo ngại rằng chủ trương chuyển giao doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang sống dở chết dở từ các tập đoàn kinh tế này sang tập đoàn kinh tế khác đang là cơ hội để các "mầm bệnh" lây lan, chứ không phải được chữa trị.

Hơn nữa, cơ sở pháp lý cho các thương vụ chuyển giao này là chưa hề có, theo thông tin từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tại hội thảo “Đổi mới vai trò nhà nước trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức ngày 16-10.

“Chuyển giao này thực chất là chuyển khó khăn từ tập đoàn kinh tế nhà nước này sang tập đoàn kinh tế nhà nước khác. Đó là một hình thức chủ động làm lây bệnh”, ông Trần Tiến Cường, nguyên chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận xét.

Báo cáo của CIEM cho biết, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) đã bàn giao sang Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) 7 công ty con, 23 công ty cháu, và 5 dự án.

Chẳng hạn, Vinalines nhận chuyển giao khu công nghiệp (KCN) Cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh), Cảng Vinashin Đình Vũ (Hải Phòng), KCN và Nhà máy đóng tàu Hậu Giang,…

PVN nhận chuyển giao các dự án KCN Tàu thủy Lai Vu (Hải Dương), KCN Tàu thủ Nghi Sơn (Thanh Hoá), KCN Tàu thuỷ Soài Rạp (Tiền Giang).

Báo cáo của CIEM nhận xét, do phải thực hiện chuyển giao “nguyên trạng”, khi hầu hết các doanh nghiệp bị chuyển giao có tình hình tài chính mất cân đối nghiêm trọng, nên cả PVN và Vinalines phải giải quyết rất nhiều gánh nặng tài chính này.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp bị chuyển giao đang làm chủ nhiều dự án dở dang, nên việc xác định giá trị các dự án này rất khó khăn.

Bên cạnh đó, việc chuyển giao các doanh nghiệp này là các quyết định hành chính, gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận.

Báo cáo cho biết, các khoản nợ và các dự án dang dở của Vinashin chuyển giao sang cho PVN và Vinalines là rất lớn, nhưng lại chưa có hồ sơ đầy đủ.

Báo cáo cũng ghi nhận, thương vụ chuyển giao EVN Telecom thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sang Viettel, doanh nghiệp sau đó đã phải đau đầu xử lý các vấn đề nợ, nhân sự, hợp đồng cũ, và khối tài sản lớn đã đầu tư không sử dụng được.

Ông Cường nói: “Hơn nữa, việc chuyển giao các doanh nghiệp phản ánh rõ tư duy can thiệp hành chính, phi thị trưởng của nhà nước… Nó không tạo ra sức ép và động lực cần thiết để đổi mới doanh nghiệp”.

Trong khi đó, ông Lê Viết Thái, thuộc CIEM nhận xét, khung pháp luật của việc chuyển giao các doanh nghiệp nhà nước với nhau là chưa hề có.

Ông Thái cho rằng, việc chuyển giao các doanh nghiệp giữa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ nên áp dụng đối với một số trường hợp đặc thù liên quan đến bí mật ngành, bí mật quốc gia, an ninh quốc phòng, hoặc có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Còn các trường hợp khác nên chuyển nhượng dự án, hoặc bán công khai.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)