Lợi ích cao nhất cho nông dân

Ngay từ đầu năm 2008, nước ta phải chịu những đợt thời tiết khắc nghiệt, nên nếu vụ hè thu này mùa màng không thuận lợi, vấn đề lương thực sẽ trở nên rất gay gắt. Làm thế nào để vừa bảo đảm xuất khẩu gạo, vừa bảo đảm an ninh lương thực trong hoàn cảnh hiện nay? Trọng tâm của bài toán vẫn là “lợi ích nhà nông”.

Tháng 3/2008, Thủ tướng Chính phủ có chủ trương tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và góp phầm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã “lách luật” vẫn  xuất khẩu gạo bằng cách báo cáo xuất khẩu gạo thơm và nếp – loại được khuyến khích xuất khẩu – nhưng vẫn là gạo thường.

Với thực tế là chi phí đầu vào cho sản xuất gạo ở Việt Nam đang ngày một tăng, nhất là giá phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí cho thu hoạch, v.v…; trong khi đó, giá gạo thế giới lại tăng vọt do lượng gạo dự trữ trên thế giới lại thấp nhất trong 20 năm qua (theo FAO, chỉ đạt 60-70 triệu tấn), khí hậu toàn cầu năm 2008 lại biến động bất lợi cho sản xuất nông nghiệp… có thể nói, việc xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện vẫn hết sức cần thiết.

Có ba giải pháp cho xuất khẩu gạo: Áp dụng hạng ngạch; Đánh thuế xuất khẩu và Áp dụng đồng thời cả hai giải pháp trên.

Áp dụng hạng ngạch xuất khẩu gạo là một cơ chế dễ quản lý từ “trên” nhưng cũng lại dễ gây ra tình trạng “xin, cho”, chưa kể tệ nhũng nhiễu, hối lộ. Có hạn ngạch, doanh nghiệp có thể ép giá đối với nông dân và thu hết phần lớn lợi nhuận. Doanh nghiệp xuất khẩu tốt có thể thiếu hạn ngạch, doanh nghiệp xuất khẩu kém có thể thừa hạn ngạch. Sự thay đổi hạn ngạch lại phải “xin, cho” gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu khi đã lỡ ký hợp đồng với nước ngoài. Vấn đề kiểm tra xác nhận hạn ngạch và hợp đồng xuất khẩu gạo phức tạp, kéo theothời gian, chi phí, rắc rối phát sinh… có thể làm cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo mất thị trường.  Theo tôi,  áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo là một bước lùi khiến nông dân vừa bị thiệt thòi, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại bị nhiều phiền toái.

Đánh thuế xuất khẩu gạo là một giải pháp phù hợp với kinh tế thị trường. Giá cả biến động,  nông dân sẽ luôn phải tự mình theo dõi sự biến động thị trường thế giới, khu vực và trong nước để quyết định thời điểm bán ra và thời gian phải dự trữ lại để cuối cùng có lợi nhất cho mình. Từ đó, nông dân có thể làm quen và học hỏi nâng cao trình độ sản xuất lương thực đạt tiêu chuẩn cao, phù hợp với thị trường và tiến tới xuất khẩu gạo trực tiếp “từ gốc đến ngọn” không qua trung gian. Khi giá gạo trong nước tăng cao, một mức thuế xuất khẩu cao sẽ khuyến khích nông dân và người xuất khẩu gạo tăng lượng bán gạo trong nội địa. Khi giá gạo thị trường nội địa xuống thấp hơn giá gạo thế giới, mức thuế xuất khẩu gạo được điều chỉnh, nông dân sẽ tự bán gạo cho doanh nghiệp xuất khẩu để đạt lợi nhuận cao hơn. Thị trường điều tiết, người nông dân phải thực sự “suy nghĩ trên thửa ruộng của mình”.

Ở tầm vĩ mô, một quốc gia cần phải kết hợp đồng thời hạn ngạch và đánh thuế xuất khẩu gạo. Năm 2008, chỉ tiêu xuất khẩu gạo của Việt Nam tối đa mà Chính phủ đề ra là 3,5-4,0 triệu tấn, trong đó, từ nay đến tháng 9-2008 chỉ xuất khẩu 3,2 triệu tấn gạo. Vào quý 3, sau khi đã cân đối lại sản lượng, mùa vụ, con số này có thể được điều chỉnh. Con số tối đa 3,5-4,0 triệu tấn và 3,2 triệu tấn là hạn ngạch, trong quá trình xuất khẩu gạo vẫn có thể đánh thuế thuế xuất khẩu gạo.

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài Chính nghiên cứu biểu thuế và áp dụng đánh thuế trong việc xuất khẩu gạo. Hiện vẫn có ý kiến cho rằng: “việc đánh thuế xuất khẩu gạo phải có lộ trình chứ không phải triển khai được ngay”. Đúng là mọi chủ trương đều cần lộ trình , song vấn đề là chủ trương đó mang lại lợi ích cho ai, đến mức độ nào?

Theo tôi, tất cả các giải pháp về lương thực hiện nay đều phải có mục đích cuối cùng  là đem lại lợi ích cao nhất nông dân. Nếu không có lợi ích cao nhất, người nông dân sẽ còn “hăng hái” sản xuất lương thực và tìm mọi cách sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác có lợi hơn, lúc đó hậu quả sẽ khôn lường.

Nguyễn Hoàn

Tác giả