Lợi thế dân số

Cuộc phỏng vấn giáo sư Gary Becker, người từng được giải thưởng Nobel, về sự già hóa của xã hội Đức, về kế hoạch xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo của chính phủ Đức và về dự kiến nâng tuổi nghỉ hưu lên 70 của SPIEGEL ONLINE.

Becker: Tôi nghĩ rằng về một khía cạnh nào đó thì việc chăm sóc, nuôi nấng trẻ em không phải là công việc của nhà nước. Một khi thực sự có nhu cầu thì thị trường sẽ đứng ra lo việc nuôi dưỡng này. Đây không phải là một công việc kinh doanh mang tính tổng hợp: cần phải có một vài căn phòng, phải chú ý đến bọn trẻ, phải lo cho chúng ăn uống.  Tại nước Mỹ có nhiều cơ sở cung ứng dịch vụ này nhằm  đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Mặt khác – mà đây mới là vấn đề then chốt – việc xây dựng nhà trẻ không tạo ra sự kích thích để chấm dứt tình trạng mỗi gia đình chỉ có một con để rồi tăng lên hai hoặc ba con. Phần lớn các bậc cha mẹ chỉ  muốn có một con và sẽ  đầu tư hết sức vào viêc nuôi dạy đứa con đó. Tôi coi đây là sự cân nhắc giữa chất và lượng trong việc sinh đẻ con cái.

Nghe thế có vẻ như hơi thô thiển, cay độc – dường như trẻ em là những sản phẩm kinh tế vậy.
Chúng ta cần phải thực tế. Đối với phần lớn các gia đình thì quyết định có một hay nhiều con là một vấn đề về  kinh tế. Những gia đình này coi hạn chế số lượng con cái là hợp lý. Quan niệm này có khi lại mâu thuẫn với mục tiêu chung của toàn xã hội.

Thưa giáo sư việc dân số đang ngày càng giảm sút có thực sự là một thảm họa như người ta thường đề cập hay không? Phải chăng lo lắng này là thái quá?
Nhiều nhà kinh tế cho rằng, dân số giảm cũng chẳng có gì đáng lo ngại cả. Tôi không nghĩ như vậy. Ngược lại, tôi cho rằng trong một xã hội hiện đại thì sự tăng trưởng dân số lành mạnh sẽ có lợi về kinh tế. Thí dụ: các hãng bào chế thuốc chữa bệnh sẽ ít được kích thích trong việc nghiên cứu, phát triển các loại thuốc chữa bệnh mới một khi dân số giảm đi. Bởi nếu như vậy thì những sáng kiến, phát minh mới không thu lợi được nhanh như mong muốn. Một điều không thể chối cãi là sự giảm sút về dân số là một gánh nặng đối với hệ thống xã hội. Vì thế người ta buộc phải tăng tuổi nghỉ hưu. Nhật bản đã thực hiện điều đó, ở Nhật tuổi nghỉ hưu bình quân ở đàn ông là 68.

Đức cũng có ý định  nâng tuổi nghỉ hưu theo luật định lên 67.
Tôi cũng nắm sơ bộ luật pháp của Đức. Tôi thấy dự kiến các bước để thực hiện điều đó kéo dài quá, cần phải rút ngắn lại. Các vị hãy xem tôi đây này, tôi đã cuối tuổi bẩy mươi  vậy mà vẫn đi làm cả ngày. Tất nhiên không phải ai cũng có thể làm được như vậy. Nhưng tuổi thọ của chúng ta giờ đây cao hơn, sức khỏe của chúng ta cả về thể chất lẫn tinh thần đều tốt hơn nhiều so với trước. Tôi không thể hiểu vì sao nhiều nước châu Âu lại khích lệ người ta về hưu ở cuối tuổi 50, đây thực sự là một sự khích lệ thiếu lành mạnh.

Theo Giáo sư liệu châu Âu có thể giải quyết nổi cuộc khủng hoảng dân số hiện nay  không?
Nếu tỷ lệ sinh đẻ giữ nguyên như hiện nay thì một dân tộc như dân tộc Italia sau năm đến sáu thế hệ sẽ bị tiêu biến. Liệu các xã hội ở châu Âu có xử lý được vấn đề này hay không lệ thuộc rất nhiều vào việc các xã hội đó có ít nhiều chấp nhận chính sách nhập cư hay không. Theo quan điểm của tôi thì đây chính là biện pháp có hiệu quả nhất để ổn định, thậm chí để tăng dân số. Đây cũng là biện pháp ít tốn kém nhất: những người nhập cư  được các nước khác nuôi nấng, giáo dục và đào tạo, họ di cư và làm việc, nộp thuế đồng thời giảm nhẹ gánh nặng đối với  hệ thống xã hội ở đất nước của bạn.

Ít ra thì khi những người nhập cư đó là những người trẻ tuổi, khỏe mạnh và có trình độ học vấn cao.
Vì thế tôi tán thành một hệ thống cho điểm. Những người được đào tạo tốt sẽ có nhiều điểm hơn và dễ dàng được nhập cư hơn so với những người có ít điểm hơn. Những nước như Newzealand và Australia đã áp dụng thành công vấn đề này. Mỹ và châu Âu trong vấn đề nhập cư chưa chú trọng nhiều đến trình độ của người xin nhập cư.

Thưa giáo sư đến một lúc nào đó có thể xảy ra tình trạng chạy đua giữa châu Âu và nước Mỹ để giành giật những người nhập cư thông minh, giỏi giang  nhất không?

Trong chừng mực nào đó việc ấy đã diễn ra rồi. Cho đến nay thường thì nước Mỹ bao giờ cũng có lợi thế hơn trong việc thu hút các nhà khoa học hoặc các chuyên gia phần mềm.  Một phần cũng vì chúng tôi đã có truyền thống lâu đời về nhập cư. Thí dụ: bà nhà tôi là dân nhập cư từ Iran,  hiện đang giảng dạy tại trường đại học và bà ấy không còn xa lạ với nước Mỹ. Em trai bà ấy là bác sỹ làm việc ở Đức – ở đấy người ta không mấy cởi mở với dân ngụ cư. Rất tiếc là nước Mỹ đã làm mất ít nhiều lợi thế này khi gây khó dễ với sinh viên nước ngoài trong việc xin thị thực nhập cảnh sau vụ 9/11. Quả thật nước Mỹ đã phạm  một sai lầm lớn về việc này.

Xuân Hoài dịch

 

Gary S. Becker, sinh năm 1930, năm 1992 ông được trao giải thưởng Nobel về kinh tế.  Sau khi giáo sư Milton Friedman, người thầy của ông qua đời, Becker được đánh giá là nhà nghiên cứu kinh tế đương đại có ảnh hưởng lớn nhất. Giáo sư Becker đã mở rộng diện nghiên cứu của mình: ông là một trong những người đầu tiên áp dụng phương pháp toán kinh tế hiện đại vào những vấn đề hàng ngày của cuộc sống. Ông nghiên cứu các hiện tượng như sự phân biệt đối xử trên thị trường lao động, lợi suất của sự phạm tội và tính kinh tế của gia đình. Những nghiên cứu của ông về vốn con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng – ông chỉ rõ lợi ích của sự đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đối với từng người cũng như với từng quốc gia. Phần lớn hoạt động của giáo sư Becker diễn ra tại trường đại học tổng hợp Chicago, hiện nay ông vẫn giảng dạy và nghiên cứu tại đây. 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)