Lướt sóng “maker movement”

Maker movement là một cơn sóng đem theo những tài nguyên mà chúng ta có thể tận dụng để tạo dựng văn hóa sáng tạo riêng. Cần phải biết lướt theo con sóng đó, hướng nó vào bối cảnh của Việt Nam, đó là đi vào trong nhà trường và những cơ sở dạy nghề.

Gần đây maker movement (một phần của phong trào DIY – Do-it-Yourself – tự làm mọi thứ vốn rất phổ biến mà IKEA – tập đoàn kinh doanh thiết bị nội thất lắp-ghép của Thụy Điển đã đón đầu và thành công) trở nên quan trọng ở các nước Âu- Mỹ vì hai lí do: Thứ nhất, vì phần lớn công việc ở các quốc gia này đều được hiện đại hóa và tự động hóa nên mọi người muốn dành ra 10%-20% quỹ thời gian để lao động chân tay nhằm cân bằng cuộc sống và lưu giữ những tinh túy từ lao động của thế hệ đi trước. Thứ hai, nhiều nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, đang tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc sản xuất vào Trung Quốc – nước duy nhất trên thế giới hiện nay bao trọn quy trình sản xuất sản phẩm từ khi là quặng cho đến lúc hoàn thiện. Mỗi chiếc Iphone được sản xuất bởi 785 nhà cung cấp trên thế giới, với hơn một nửa từ Trung Quốc trong khi Trung Quốc tự sản xuất hoàn toàn Mi-phone. Chính vì vậy, để “rút chân” ra khỏi vòng kiềm tỏa sản xuất của Trung Quốc mà Mỹ đã bị “vướng” vào vì lao động giá rẻ, họ cần một cú đột phá bằng cách tạo ra “lao động giá trị”. Đó là làm ra những sản phẩm đặc biệt (unique) với hàm lượng sáng tạo cao để Trung Quốc khó lòng bắt kịp nhưng Mỹ vẫn có thể sản xuất chúng hàng loạt. Máy in 3D, một trong những biểu tượng của maker movement là một công cụ như thế – tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau nhưng chỉ dùng một phương thức công nghiệp – in. 

Maker movement cũng như tất cả các làn sóng của thế giới, một lúc nào đó sẽ rộ lên ở Việt Nam nhưng để biến nó thành bền vững và khai thác nó không chỉ như một trào lưu thời thượng mà mang lại giá trị lâu dài cho xã hội thì không đơn giản. Cách đây bốn năm, tôi từng mời Techshop hợp tác với công ty mình để mở một không gian sáng chế tương tự ở Việt Nam nhưng khi họ đưa ra con số tài chính thì bài toán này không hề khả thi. Với khoảng một triệu USD đầu tư ban đầu để xây dựng một xưởng của Techshop với hàng trăm thiết bị hiện đại, trong đó có cả máy waterjet (máy cắt kim loại có thể cắt những tấm thép dày 5 cm) trị giá hàng trăm nghìn USD thì làm sao kiếm đủ hàng nghìn thành viên sẵn sàng trả mỗi người 100USD/ tháng ? 

Maker movement cũng không thể đến Việt Nam với triết lí và cách thức như nó đã hình thành ở Mỹ và châu Âu. Thứ nhất, 70% dân số Việt Nam là người dân lao động chân tay, ít có nhu cầu tự mày mò sáng tạo. Thứ hai, nếu Việt Nam đặt mục tiêu vượt qua Trung Quốc về mặt sản xuất cũng như bước vào một cuộc chiến mà bên mình cầm chắc phần thua. 

Maker movement cần phải vào Việt Nam bằng con đường giáo dục, khuyến khích sự sáng tạo – điều cần thiết trong mọi lĩnh vực của đời sống. Khi đó, thay vì giống như Mỹ – để phong trào này dâng lên từ sự tự nguyện của các cá nhân và cộng đồng, ở Việt Nam, cần “trao” maker movement cho học sinh, sinh viên – những người cần có thói quen và ý thức sáng tạo.  

Xây dựng cộng đồng từ trường học

Với thực trạng giáo dục lạc hậu “toàn lý thuyết, không có thực hành” ở nước ta hiện nay, đem maker movement tới các trường học là một cách hiệu quả để thay đổi giáo dục, bắt kịp với xu hướng của thế giới mà không mất nhiều thời gian và thậm chí cũng không tốn nhiều kinh phí. Những buổi ngoại khóa chế tạo tên lửa, tàu ngầm, máy bay bằng vỏ chai, giấy… do công ty sách Long Minh phối hợp với các trường trung học tổ chức gần đây; các thí nghiệm của Học viện Sáng tạo S3 dành cho trẻ em; bộ TUHOC (tự học) STEM được xây dựng từ những bảng mạch và cảm biến của Adruino (hãng phần cứng nguồn mở số 1 của Ý) để các em học sinh phổ thông có thể chế tạo những đồ vật thông minh đều là make (sáng chế) ở mức độ giản đơn. 

Việc xây dựng những không gian chế tạo – makerspace cho các trường phổ thông với những thiết bị như máy in 3D, máy cắt gỗ, máy khắc laser… cũng hoàn toàn khả thi nếu nhà nước đầu tư đúng nguồn lực vào việc xây dựng chính sách, truyền thông để hình thành nhu cầu “học qua hành” ở học sinh, phụ huynh. Khi đó, việc xây dựng xưởng thực hành sẽ được xã hội hóa. Dựa vào số lượng, nhu cầu, năng lực của học sinh của từng khu vực, các cá nhân tổ chức sẽ tính toán xây dựng quy mô của các makerspace để kinh doanh. Có thể là mỗi trường một makerspace nhỏ với 20 triệu đồng (với một chiếc máy in 3D) hoặc xây dựng một makerspace lớn với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 100.000 USD cho năm trường phổ thông dùng chung. 

Tuy nhiên, bên cạnh tạo dựng maker movement trong các trường học, còn cần phải tạo một cộng đồng sáng tạo mở trên mạng (nơi mọi người chia sẻ toàn bộ sáng chế của mình đồng thời đóng góp, xây dựng những sáng chế của người khác). Maker movement trong thời đại hiện nay là cập nhật thông tin qua internet, sử dụng những vật liệu, thiết bị thông minh và những phần mềm đồ họa, thiết kế. Vì vậy, những cộng đồng sáng tạo mở tạo điều kiện để người đi sau làm tốt hơn người đi trước mà không phải cất công làm lại từ đầu. Hiểu đơn giản, nếu người đến trước đã làm cái cốc thì người đi sau sẽ cải tiến thêm cái quai. Tuy nhiên, cộng đồng sáng tạo mở không chỉ có ý nghĩa cải tiến sản phẩm có sẵn mà đây còn là nơi tập hợp các kỹ năng của nhiều người khác nhau để xây dựng, đóng góp và phát triển nhiều khía cạnh của một sáng kiến. Ví dụ, sinh viên có thể đến gặp “vua chuột” Nguyễn Quang Thiều phỏng vấn, ghi âm, hệ thống hóa các tài liệu nghiên cứu của ông để phổ biến cho mọi người chẳng hạn.

Cộng đồng là một trong hai yếu tố làm nên maker movement nhưng lại đang trống vắng ở Việt Nam. Sự hình thành cộng đồng một cách tự nhiên trong Techshop không dễ gì được hình thành ngoài xã hội nước ta hiện nay nhưng tinh thần đó lại có thể xây dựng trong trường học. Vì vậy, nhà nước cần tạo ra chính sách, sân chơi để thúc đẩy tiềm năng của các nguồn lực, khơi dậy một hệ sinh thái gồm những cá nhân, tổ chức hỗ trợ lẫn nhau cùng tạo ra giá trị trong xã hội. Lúc đầu, lực lượng chủ yếu tham gia sẽ là sinh viên, sau đó có thể sẽ thu hút những nhà đầu tư, nhà khoa học, doanh nghiệp… liên quan đến công nghệ, thiết kế, kĩ thuật… để đóng góp dữ liệu, xây dựng một kho mở trên internet mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và học tập. Điều này dần dần sẽ tạo ra một văn hóa chia sẻ vì mọi người đều có lợi. Nhờ thế, những giá trị mới sẽ được tạo ra, sẽ hình thành liên kết giữa bên có khả năng xây dựng, khai thác và chia sẻ các tài nguyên nguồn mở (sinh viên, học sinh) và những người có ý tưởng (những nhà sáng chế nông dân chẳng hạn).

Tôi không phủ nhận vai trò của những nhóm có sở thích sáng chế đem maker movement vào Việt Nam nhưng phong trào này được khởi sinh trong giáo dục sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều bởi nó chạm đến hơn 20 triệu học sinh, sinh viên trên toàn quốc. Hơn nữa, sau khi tốt nghiệp, các em có thể kinh doanh những “món” các em làm ra hoặc tiếp tục thực hiện, phát triển những ý tưởng thai nghén từ khi còn đi học hoặc đơn giản là các em đã được trang bị những kiến thức căn bản về quy trình làm sản phẩm để tham gia ngay vào quá trình sản xuất.  

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)